Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VĂN HỌC TRUNG QUỐC “PHỤC HƯNG” TẠI LIÊN HOAN SÁCH QUỐC TẾ BUDAPEST LẦN THỨ 15

(NCTG) Là một hội chợ và triển lãm sách thường niên có tầm cỡ trong vùng Đông - Trung Âu và được đánh giá cao trong văn giới học quốc tế, Liên hoan sách (LHS) Quốc tế Budapest lần thứ 15 sẽ diễn ra trong ba ngày 24/27-4-2008 trên một diện tích 1.700 m2 tại địa điểm mới là Trung tâm Thiên kỷ (Budapest).

Trung tâm Thiên kỷ, nơi diễn ra LHS Quốc tế Budapest lần thứ 15

Tổ chức đúng vào dịp và theo tinh thần Ngày Sách và Tác quyền Thế giới 23-4, LHS Quốc tế Budapest được chú ý bởi nhiều hoạt động văn học rất phong phú. Có thể kể đến Liên hoan dành cho các tác giả có tác phẩm đầu tay hay nhất của Liên hiệp Châu Âu (EU), năm nay diễn ra lần thứ tám với sự tham gia của 20 nước thành viên EU; đây là sự hợp tác quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực sách, tính đến giờ.

LHS Budapest cũng là một hội chợ sách uy tín vì sự hiện diện của nhiều nhà văn đến từ khắp nơi trên thế giới: trong kỳ năm ngoái, hàng trăm nhà văn, nhà xuất bản, đại diện các hiệp hội sách đến từ 25 quốc gia đã có mặt tại chừng 500 gian sách.

Tuy nhiên, được chú ý nhất năm nay sẽ là sự “tái hồi” mạnh mẽ của nền văn học Trung Quốc tại LHS: hàng năm, LHS này chọn một quốc gia làm tâm điểm cho sự chú ý: sau Canada năm ngoái, đến lượt Trung Quốc trở thành  khách mời danh dự. Đối với giới phê bình và văn giới Hungary, đây là một sự kiện lớn không kém gì kỳ Thế vận hội Bắc Kinh 2008 vào tháng Tám tới!

*

Đã có thời, những tác phẩm kinh điển của nền văn học Trung Quốc không hề xa lạ đối với độc giả Hungary. Trong bốn thập niên 50-80, hàng loạt tác phẩm lớn của nền văn xuôi cổ điển Trung Quốc như “Sử Ký” (trích dịch), “Tây Sương Ký”, “Thủy Hử”, “Tây Du Ký”, “Tam Quốc Chí” (trích dịch), “Hồng Lâu Mộng”, “Kim Bình Mai”, “Liêu Trai Chí Dị”, “Nho Lâm Ngoại Sử”, “Nhục Bồ Đoàn”… đều đã được dịch và giới thiệu rất công phu, được in với lượng ấn bản lớn.

Những thi phẩm nổi tiếng nhất của nền thi ca Trung Quốc - “Kinh Thi”, “Sở Từ”, thơ Tào Tháo, Tào Thực, Vương Xương Linh, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… - xuất hiện thường xuyên trong các hợp tuyển thơ thế giới của Hungary. Văn học Trung Quốc đầu thế kỷ XX, với những tên tuổi Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường, Ba Kim, Lão Xá, Quách Mạt Nhược… cũng từng được người Hung yêu văn học Trung Quốc một thuở biết đến.

Phải nói rằng, trong những thập niên thời XHCN, với nỗ lực rất lớn của Nhà xuất bản (NXB) Châu Âu và đội ngũ dịch giả, những nhà nghiên cứu văn học và những nhà Hán học uyên bác như Csongor Barnabás, Tőkey Ferenc, Galla Endre, Polonyi Péter, Miklós Pál…, Hungary đã thực sự quan tâm và giới thiệu rất đầy đủ, cẩn trọng, khoa học và có hệ thống các tác gia lớn của văn học Trung Quốc, trong khi nhiều nước Châu Âu và Phương Tây dạo đó mới chỉ coi việc dịch và in một vài tác phẩm Trung Quốc vì lý do hiếu kỳ.

Một con số có thể nói lên tất cả: từ 1945 tới nay, nhưng chủ yếu là thời kỳ 1950-1990, Hungary đã in tới 400 đầu sách văn học Trung Quốc!

Tuy nhiên, kể từ khi Hungary thay đổi thể chế vào cuối thập niêm 80 thế kỷ trước, sự hiện diện của nền văn học Trung Quốc trở nên khá mờ nhạt tại xứ sở bên bờ sông Danube này. Như lời phát biểu với báo giới của ông Zentai Péter, giám đốc Hiệp hội Xuất bản và Ấn hành sách Hungary: “Trong LHS lần này, Hungary và Trung Quốc sẽ gặp nhau không phải như hai người xa lạ; có điều, rất có thể chúng ta phải tự làm quen lại với nhau, vì độc giả Hungary hiện thời biết khá ít, hoặc chả biết gì, về văn học thế kỷ XX hoặc văn học đương đại Trung Quốc. Những tác phẩm đến được với chúng ta, đa phần đều với sự môi giới của Anglo-Saxon”.

Ông Zentai Péter đã không quá lời! Tại LHS Quốc tế Budapest năm ngoái, người viết những dòng này đã tha thẩn đến các gian sách và nhà sách của hàng chục NXB, hay những cơ sở phát hành hàng đầu tại Hungary để hỏi về tình hình dịch và in sách sách văn học Trung Quốc, thì đâu đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu bối rối: “Chúng tôi không có… không được biết…

Những NXB lớn và uy tín, chuyên dịch và in các tác phẩm “thành danh” của văn học thế giới, lâu nay ít in sách văn học Trung Quốc; một trong những lý do là họ có quá ít thông tin về văn học đương đại Trung Quốc và đôi lúc có nghe “phong thanh”, thì cũng chỉ thông qua những đầu sách “tai tiếng” về một mặt nào đó, hoặc, chủ yếu sách của các tác giả Trung Quốc tại “hải ngoại”.

Trong bối cảnh ấy, không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian chuẩn bị cho LHS lần này, một câu hỏi đã được báo giới đặt ra: vậy, nền văn học nào của Trung Quốc sẽ đến Hungary trong dịp này? Văn học “chính thống”, văn học “có vấn đề”, nhưng tạm được chấp nhận, hoặc văn học “hải ngoại”, thường mổ xẻ những “thâm cung bí sử” của thể chế độc tài cận - hiện đại Trung Quốc?

Nói về lý do được ưa chuộng của mảng văn học “hải ngoại” Trung Quốc, ông Huszti Gergely, TBT NXB Ulpius (từng xuất bản nhiều tác phẩm có tiếng vang tiếng Trung) đã lý giải như sau: “Các tác giả Trung Quốc di tản tại Tây Âu hay Hoa Kỳ đã thuật lại những khổ ải đặc biệt của riêng họ trong thời Đại cách mạng Văn hóa, mà “bên ngoài” hầu như không thể cảm nhận nổi. Phương Tây có nhu cầu ngó vào hậu trường, vào những “thâm cung” của chế độ Mao, độc giả thì luôn nuôi trong mình sự tò mò, nên các tác phẩm Anh ngữ của giới cầm bút Trung Quốc hải ngoại dễ trở thành best-seller”.

Sách Trung Quốc tại Hungary, giờ không chỉ là những tác phẩm "kinh điển", hoặc những cái tên cổ điển, như Lâm Ngữ Đường, Lỗ Tấn...

Có lẽ với suy nghĩ như vậy nên hàng chục đầu sách sẽ ra đời trong dịp này của Nhà sách Ulpius cũng không có gì “mạo hiểm”, vì chắc chắn những cuốn "Cuộc đời hoàng đế của tôi" (Tô Đồng), "Đỗ quyên đỏ" (Mẫn An Kỳ)… sẽ được công chúng ưa thích và tìm đọc, như các tác phẩm trước đây của dòng văn học “hải ngoại” Trung Quốc, xuất hiện ở Hungary trong hai thập niên qua (Trịnh Niệm với "Sống và chết ở Thượng Hải"; Trương Nhung với "Những con thiên nga hoang dã"; Tần Ái Mỹ với "Phúc Lạc Hội", "Trăm niềm ẩn ức", "Phu nhân Táo Quân"; Đới Tư Kiệt với "Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa", “Thích mộng nhân”; Mẫn An Kỳ với "Katherine", "Madame Mao"; Hà Kim (Kim Phi Thư) với "Đợi chờ"; Cầu Tiểu Long với "Cái chết của một nữ anh hùng đỏ"…), hoặc các tác giả tại Đại Lục, nhưng cũng “có vấn đề”, như Vệ Tuệ với "Bảo bối Thượng Hải".

Tuy nhiên, mảng văn học (“không chính thống”) tiếng Trung không chỉ có thế! Sức mạnh của nó đã chứng tỏ bởi Giải Nobel Văn chương 2000 dành cho Cao Hành Kiện, một tác giả (bất ngờ thay!) có khá nhiều duyên nợ với báo giới, văn giới Hungary từ thập niên 80 thế kỷ trước. Tác phẩm chính của tác gia họ Cao – “Linh sơn” – đã được trích dịch và đăng tải ở các tạp chí văn học Hung ngay sau khi tin Cao Hành Kiện được nhận giải Nobel, nhưng chỉ ra mắt độc giả trong dịp hội chợ sách sắp tới bởi NXB Noran.

Cố nhiên, giới tổ chức văn hóa Hungary cũng để tâm tới phản ứng của phái đoàn Trung Quốc đến từ quốc nội, khi đưa bản dịch “Linh sơn” vào danh mục những tác phẩm lớn của văn học tiếng Trung lần này: theo đánh giá của phía Hung, cho dù khi Cao Hành Kiện được giải Nobel (trên tư cách một công dân Pháp), các quan chức văn hóa Trung Quốc đã tỏ rõ sự bất bình, nhưng đến giờ thái độ đó đã thay đổi đáng kể.

Một dòng văn học đáng kể khác, thực sự được coi là “khoảng trắng” đối với độc giả Hungary, là những tác phẩm văn học đương đại, luôn phải “luồn lách” theo chính sách xuất bản (thay đổi xoành xoạch!) ở Đại Lục, để có thể đến với bạn đọc trong nước. Theo hướng này, sau nhiều năm “im lặng”, cách đây 4 năm, NXB Châu Âu của Hung đã thử ra hợp tuyển “Phụ nữ dưới một mái nhà” với sự tham gia của 5 tác giả, nhưng cuốn sách đã không gây được tiếng vang.

Cho dù, theo ông Gy. Horváth László, chủ biên hợp tuyển, “họ [các tác giả] là thế hệ nhà văn có tư tưởng hoàn toàn mới mẻ, có kiến thức văn học thế giới, rất đáng để độc giả Hung để tâm”. Ông cũng cho biết: theo các dự đoán, giới thưởng ngoạn Hung chờ đợi nhiều nhất ở những tác giả của dòng văn học này, trong số vài chục tác phẩm Trung Quốc trong LHS sắp tới.

Để thỏa mãn ở mức nhất định nhu cầu đó, NXB Noran đã cho ra một tuyển tập truyện ngắn của 27 nhà văn Trung Quốc thế kỷ XX, trong loạt sách mang tựa đề “Mười ngày mới” (Modern Dekameron). Giám đốc NXB, ông Kőrössi P. József, chia sẻ về những “dưa cà mắm muối” trong quá trình ra sách: “Trên phương tiện tác quyền, đây là cuốn sách khó khăn nhất của chúng tôi!

Hàng ngày “mặc cả” với Hội Nhà văn Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy tính chất muôn đời của những thể chế toàn trị và khép kín: người ta không ưa nếu bị chê, nhưng cũng không khoái nếu được khen. Rốt cục, một sinh viên Trung Quốc ở địa phương đã đi xin hộ chúng tôi từng giấy phép không thể thiếu để in tuyển tập”.

Bà Kalmár Éva, chủ biên tuyển tập, thì nhận định: “Tập sách tạo nên một bức tranh toàn cảnh hơi tối tăm. Bởi lẽ, đất nước Trung Quốc thế kỷ XX không thiếu những nỗi lo. Sách kể về vô vàn mâu thuẫn, những số phận khó khăn, và cho dù hiện tại chính sách văn học của Trung Quốc đang ở giai đoạn khá hòa dịu (một số nhà văn xưa bị cấm đoán, nay đã được in sách), nhưng một phần ba nội dung sách chắc chắn sẽ bị “làm cỏ” nếu ra đời ở Đại Lục. Và sự khép kín cũng có lý do của nó, là sự ngờ vực: đặt ra những khó khăn, cản trở, họ muốn tìm hiểu “ý đồ thực sự” của các NXB xa lạ”.

Có thể thấy, các NXB của Hung đều tìm được cho mình những thể loại sách phù hợp của văn học Trung Quốc: Châu Âu chuyên về kinh điển, Ulpius ra sách bán chạy, thời thượng, còn Noran đi vào những tác phẩm đương đại. NXB Người gieo hạt (Magvető), với bản dịch “Totem sói” (Khương Nhung) - cuốn sách đứng đầu Trung Quốc về lượng ấn bản, giữ kỷ lục về giá bán bản quyền tiểu thuyết với NXB nước ngoài và đã được đạo diễn nổi tiếng Peter Jackson mua bản quyền để dựng phim - thì được cho là một lựa chọn mang tính lý tưởng đủ bề!

*

Sự “trở lại” của văn học Trung Quốc trên cương vị khách mời danh dự của LHS Quốc tế Budapest lần thứ 15 với một gian sách lớn trên diện tích 100m2 và khá nhiều đầu sách mới về Trung Quốc cũng đánh dấu một bước tiến trong quan hệ văn hóa giữa Hungary và xứ sở đông dân nhất hành tinh. Quan hệ văn hóa ấy, cũng như những nỗ lực quảng bá văn hóa, văn học song phương giữa Hungary và Trung Quốc, có thể là một ví dụ khiến Việt Nam tham khảo và học hỏi.

Mùa thu năm ngoái, Hungary đã tổ chức rất long trọng “Năm Hungary tại Trung Quốc”, diễn ra trong tinh thần câu thơ nổi tiếng của đại thi hào, nhà cách mạng Hung Petőfi Sándor “Tự do & Ái tình”; kéo dài đến tháng Tư năm nay và được xem như “hoạt động văn hóa lớn vào bậc nhất của lịch sử Cộng hòa Hungary”, trong dịp này, văn hóa và văn học Hungary đã được quảng bá rất rộng rãi tại Đại Lục. Trung Quốc cũng có những dịch giả tâm huyết của văn học Hung, đã chuyển ngữ rất nhanh và tương đối hệ thống các tác phẩm của Kertész Imre ngay sau khi nhà văn Hungary này nhận Giải Nobel Văn chương 2002.

Có vị trí địa chính trị rất quan trọng giữa lòng Châu Âu, là nơi giao thoa của văn hóa Đông – Tây, Hungary giữ vai trò nổi bật đối với các quốc gia Châu Á trên con đường đến với Liên hiệp Châu Âu. Đến một lúc nào đó, Việt Nam nên chăng cũng phải nghĩ đến việc quảng bá cho nền văn hóa của mình, thông qua một công cụ phổ quát và mang tính quốc tế nhất, là sách?

(*) Người viết bài này xin chân thành cám ơn nhà văn Trang Hạ đã giúp đỡ một số thông tin về văn học tiếng Trung.

Tác giả bài viết: Hoàng Linh, ngày 3-3-2008