Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI TRAO ÐỔI VỀ CÁC KHÁI NIỆM HỌC HÀM, HỌC VỊ VÀ HỆ THỐNG BẰNG CẤP

(NCTG) Bài báo của PGS. TSKH. Đỗ Văn Tiến cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích và cần thiết về hệ thống bằng cấp, học vị và học hàm của Hungary. Tôi chỉ xin phép góp ý về cách dùng thuật ngữ tiếng Việt trong bài, để nhiều người có thể hiểu rõ hơn.

Lễ trao bằng tiến sĩ và tiến sĩ danh dự tại Ðại học Denrecen (Hungary) - Ảnh: haon.hu


Các thuật ngữ đã quen dùng chưa chắc đã hợp lý. Tuy vậy nếu đã được dùng phổ biến thì ta phải chấp nhận. Tôi rất đồng ý với nhận xét của tác giả về cách gọi phó giáo sư ở Việt Nam. Cách đây nhiều năm tôi cũng đã từng viết rằng: phó tiến sĩ không phải là cấp phó cho ông tiến sĩ nào khác, không có nghĩa là doktor-helyettes.

Tôi đã tra cứu “Từ điển Bách khoa Việt Nam” (TĐBKVN) và “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (TĐTV) để làm căn cứ cho những nhận xét dưới đây.

* KHOA BẢNG

Khoa bảng là cái bảng danh dự, liệt kê tên họ các thí sinh đỗ đạt học vị trong các kỳ thi cử Nho học. Từ này chỉ dùng cho việc thi cử hoặc người đỗ đạt trong các khoa thi thời phong kiến.

* TƯỚC VỊ

(TĐTV) TƯỚC: danh vị nhà vua phong cho các quan to hoặc cho những người có công lớn. TƯỚC VỊ: chức tước và danh vị của quan lại.

Vì thế, từ “cím” trong bài này nên dịch là danh vị hoặc chức danh. Trên báo chí thường viết danh vị tiến sĩchức danh luật sư của Cù Huy Hà Vũ.

(TĐTV) CHỨC DANH là chức phận và danh tính của một người được xã hội công nhận. Ví dụ như giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân...

* HỌC VỊ

(TĐBKVN) danh hiệu khoa học đánh giá trình độ học vấn trên đại học. Ở Việt Nam hiện nay có học vị thạc sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học.

(TĐTV) danh vị cấp cho người có trình độ học vấn nhất định, thường là trên đại học.

Cử nhân hiện nay ở Việt Nam không được coi là học vị. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết: “Kể từ khi tôi đi làm bắt đầu từ tấm bằng cử nhân (1969) đến nay chẳng thấy có khó khăn chỉ vì mình không có học hàm, học v”.

Nhưng thời phong kiến thì khác. (TĐBKVN) CỬ NHÂN: 1. Học vị cao nhất trong các kỳ thi Hương từ thời Minh Mạng (1828) triều Nguyễn. Thời Lê, gọi là Cống sinh, Hương cống hay Hương tiến. Cử nhân đỗ đầu trong các kì thi Hương gọi là Giải nguyên. 2. Bằng tốt nghiệp đại học trong hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay.

* HỌC HÀM

(TĐBKVN) chức danh phó giáo sư và giáo sư do nhà nước phong.

Như vậy trợ giảng hay giảng viên không phải là học hàm, mà chỉ là chức danh và ngạch lương. Ở Việt Nam, trong các trường đại học có các chức danh sau: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp. Trong các viện nghiên cứu có các ngạch bậc: trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp.

Giáo sư và phó giáo sư là chức danh được phong, nên phải xếp vào một ngạch viên chức nào đó. Xin đọc thêm bài “Giáo sư/Phó giáo sư” là chức danh hay là chức vụ?” của PGS.TS Ngô Tử Thành rồi từ đó đọc sang rất nhiều bài liên quan đến vấn đề này.

* TUDOMÁNYOS FOKOZAT nên dịch là học vị khoa học.

* CÍMZETES DOCENS nên dịch là phó giáo sư danh nghĩa, để phân biệt với phó giáo sư thực thụ. (Ví dụ trên Wikipedia: Erik Acharius được phong là giáo sư danh nghĩa vào năm 1803). Còn từ tiszteletbeli hoặc dísz- mới là danh dự.

* DR. JUR. (luật sư). Ügyvéd mới là luật sư. Nên dịch dr.jur là cử nhân luật (Việt Nam) hay thạc sĩ luật (Hungary). Để trở thành luật sư, thì công dân Việt Nam phải có bằng cử nhân luật, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, trừ trường hợp họ đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật…

Tác giả bài viết: TS. Vũ Hoài Chương, từ Hà Nội