Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀ KHI TRO BỤI…

(NCTG) “Giữa tình yêu và tội ác còn có đường ranh giới lương tâm. Giữa cái sống và cái chết cho riêng mình còn có đường ranh giới trách nhiệm với cuộc đời và niềm khát khao sống, cho dù đường ranh giới ấy có lúc rất mỏng”.

Minh họa: Internet

Cách đây hai năm, cuộc sống xa quê hương khó khăn chồng chất khó khăn khiến tôi rơi vào trạng thái hoang mang, lạc lõng, chơi vơi với nỗi buồn lẩn khuất, dai dẳng, nhức nhối, không hứa hẹn một điểm dừng.

Một buổi tối, khi tâm trạng ấy đang ở thời điểm cao trào, tôi rủ con gái cùng thả bộ bên dòng sông Singapore, điều tôi vẫn hay làm mỗi khi thấy chới với giữa dòng đời xuôi ngược. Cố làm ra vẻ đây chỉ là nói chuyện cho vui, tôi dặn con sau này khi mẹ qua đời nhớ đưa mẹ về Việt Nam, để mẹ được nằm cạnh ông bà.

Con gái không hiểu tâm trạng của tôi khi ấy, chỉ vô tư hồn nhiên gợi ý: “Sao mẹ không muốn được xuống biển? Ở dưới ấy có phải vừa đẹp vừa mát không!”. Ý nghĩ của con khiến tôi chợt nhận ra rằng tư duy và ý nguyện của mình về cái chết và những việc liên quan đến cái chết nghe có gì đó cứ nặng nề, cứ da diết một nỗi niềm thương nhớ cội nguồn.

Gần đây, trong một chuyến về thăm quê tôi được một người bạn tặng cho cuốn “Và khi tro bụi...”, tiểu thuyết đầu tay của đạo diễn điện ảnh Đoàn Minh Phượng. Háo hức, tôi giở ngay trang đầu và đọc được 2 câu thơ của Henry Vaughan mà tác giả đã trích dẫn và dịch:

And when this dust falls to the urn,
In that state I came, return
.”

(Và khi tro bụi rơi về,
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.)

Tôi nói với anh bạn: “Em thấy mấy câu này đúng quá!”. Lúc đó, cái tâm trạng chới với và ý nguyện về cái chết cách đây hai năm vẫn lẩn khuất ở một nơi nào đó rất sâu trong tôi bỗng dưng như trỗi dậy, rất thực, rất gần. Sức hút kỳ lạ từ những dòng chữ đầu tiên đã khiến tôi tìm mọi cơ hội trong thời gian ngắn ngủi và hết sức bận rộn ở quê nhà để đọc những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết.

Nếu sức hút của ngôn ngữ chứa chất nhiều nỗi niềm riêng tư và tư duy đầy trải nghiệm của tác giả được cho là 1 (một) thì sức hút bởi cách gợi mở câu chuyện về cuộc đời có thể được định lượng là 10 (mười) và hơn thế nữa. Nhưng sức hút lớn nhất của cuốn tiểu thuyết, đối với tôi, có lẽ là sự kiến tạo một thế giới vừa gần, vừa xa với cuộc sống hiện tại của tôi. Nhân vật thật gần gũi, cảm xúc thật gần gũi, nhưng không gian thì xa xôi, gợi mở thật nhiều tưởng tượng. Và trong cuộc sống bộn bề những mưu tính, lo toan, đôi khi được sống trong một thế giới xa xôi như thế lại khiến người ta tịnh tâm lại và có dịp khám phá những cảm xúc mới mẻ.

Tôi nằm dài cả một ngày trên chiếc sô-pha giữa phòng khách và ngấu nghiến những trang còn lại của cuốn sách. Nhân vật chính của tiểu thuyết là một phụ nữ vừa mất chồng. Cô sống trong nỗi nhớ thương lay lắt, luôn cảm thấy lạc lõng, chới với giữa cuộc sống thực tại và muốn tìm đến cái chết. Tuy vậy, vì đã để lỡ một cái chết dễ dàng hơn, một cái chết trong sự mông lung, hoảng loạn và bi thảm tột cùng, cô chỉ còn cái chết được chọn lựa:

Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.”

Và cô đã chọn những chuyến tàu là hành trình đi tìm chính mình. Những chuyến tàu sẽ khiến cô không phải nhìn những khuôn mặt quen thuộc, không phải giữ một địa chỉ để ở, không phải đến chỉ duy nhất một tiệm bánh mỳ và không phải đi trên con đường có những chiếc cửa sổ quen thuộc. Sự không lặp lại ấy sẽ không thể tạo nên một thứ mà cô ấy gọi là “quê hương”, để rồi cái chết có thể đến với cô một cách dễ dàng hơn: “Tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay”.

Người phụ nữ ấy đã đi trên những chuyến tàu, đã gặp gỡ những người không quen biết, đã đặt chân trên những con đường xa lạ, đã đi đến khi vội vã nhận ra rằng cuộc đời là một cuốn sổ và cuốn sổ của cô không giống với cuốn sổ của bất kỳ ai. Cuốn sổ ấy không có núi, không có nhà, cũng không có những vệt cong biên giới tuyệt mỹ giữa mực đen và giấy trắng. Cuốn sổ ấy bao trùm một màu đen như một thứ bóng tối phủ lên trăm nghìn mảnh vỡ.

Nhưng nhân vật chính cũng đã vội vã nhận ra rằng cuốn sổ của một người xa lạ, không quen biết, cũng là một phần trách nhiệm của cuộc đời cô. Cô không đành lòng vứt bỏ nó như người ta vẫn ném bỏ đồ ăn thừa hay vứt một con chó đã chết vào xe rác. Với cô, cuốn sổ nào cũng có một cái gì đó như là danh dự hay cái hồn.

Tôi rất thích ở “Và khi tro bụi...” cái cách mà tác giả ngầm ví cuộc đời như là một cuốn sổ và ý nghĩa của cuộc sống nằm ở thái độ của con người đối với sự đồng tồn tại của cuốn sổ của chính mình và của người khác. Mỗi cuốn sổ là một nốt nhạc và khoảng cách giữa những nốt nhạc chính là âm nhạc. Cũng như khoảng cách giữa con người với con người chính là tình yêu. Bản thân những nốt nhạc và con người không có ý nghĩa, mà ý nghĩa nằm ở giữa chúng và giữa họ.

Tôi cũng rất thích cái kết thúc mở của cuốn sách. Đó là hình ảnh nhân vật chính muốn kết thúc cuộc đời mình bằng những viên thuốc, đang trong giờ phút lênh đênh sắp trôi ra ngoài sự sống đã gắng hết sức mình gượng dậy kêu: “Cứu tôi! Xin cứu tôi!”. Một kiểu kết thúc mà độc giả nào cũng có thể tự nhận diện cho mình một thông điệp sống.

Với tôi thông điệp ấy thật ý nghĩa: “Giữa tình yêu và tội ác còn có đường ranh giới lương tâm. Giữa cái sống và cái chết cho riêng mình còn có đường ranh giới trách nhiệm với cuộc đời và niềm khát khao sống, cho dù đường ranh giới ấy có lúc rất mỏng”.

Tác giả bài viết: Dương Thị Vân Anh, từ Singapore