Tùy bút của Nguyễn Văn Thọ: CHUYỆN TÌNH CỦA CHA TÔI (2)
- Thứ sáu - 28/12/2007 21:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu trên dàn giáo vẽ tranh (bức sơn dầu "Quê hương" hiện treo ở TP HCM) - Ảnh chụp năm 1952
2.- Sớm hôm sau tôi đưa ông đi bằng Honda.
Cái bưu thiếp ố vàng có dòng địa chỉ, mực đã phai mầu, ông móc ra từ túi áo vét từ thời Pháp cũng đã sờn, làm tôi đọc mãi mới ra. Sài Gòn vẫn lạ và rộng. Vòng vèo cả giờ, tôi đưa ông đến một biệt thự cổng cao rào kín ven ngoại. Chiếc cổng sắt long hết sơn và chuông điện ấn mãi không thèm kêu. Mất điện! Tôi nói và đập mạnh vào cửa sắt. “Ấy, con đừng làm thế, nhẹ tay thôi!”
Một lát, phải chừng chục phút, tôi mới nghe thấy tiếng chân ra. Đúng hơn là, tôi nghe ra tiếng lá khô vỡ, chạm vào nhau theo một nhịp đều đều. Cái lỗ tròn bên cửa sắt lay động và vật chắn cụng cựa. Giọng một người đàn bà cất lên sau cửa: “Xin lỗi. Các ông hỏi ai vậy?” “Thiệu đây. Thiệu đây mà!” Giọng cha tôi vẫn rất ấm. Ông ngừng một tí, lấy hơi rồi tiếp: “Có phải N đấy không?” Tôi thở thượt khi tiếng then cài lách cách kêu. Ba chục năm! Thật may! Tôi nghĩ.
Cánh cửa ken két mở ra. Trước mắt tôi là một bà già da đã nhăn nheo, mặc áo nâu dài nhà Phật. Bà gầy, dong dỏng. Khuôn mặt thanh thoát và hơi xanh. Tôi có cảm giác, bà mong manh như gió từ đâu thổi lại, chứ không phải một thân xác hiện hữu, bằng da thịt đang đứng trước mặt cha con tôi. Đôi mắt này xưa đẹp nhưng buồn. Tôi thầm nhận xét. Có thể bà vẫn rất đẹp trong cái tuổi cổ lai hy của một thế hệ, nhưng ngay lúc đó, tôi không thể nhận ra, để nay nhớ lại, tả kỹ hơn về bà; hay là với tôi, mẹ tôi là người đẹp nhất. Mẹ tôi dáng cao thanh, tóc rất dài mượt. Mắt bà đẹp hiền và thăm thẳm. Năm nào, từ Trường Sơn tạt về thăm nhà, giữa trưa đẩy cửa bước vào, thấy mẹ tôi bật dậy trên ghế ngựa. Chao ơi! Mớ tóc dài xăm xắm, mới xa nhau hai năm mà giờ thành trắng xóa, xổ tung chảy xuống nền đá hoa…
Cha tôi mỉm cười, đầu hơi cúi xuống, rồi như muốn vươn tới. Vẫn là câu ban nãy: “Thiệu đây, Thiệu đây. N. có nhận ra Thiệu không?”
Người đàn bà đôi mắt ánh lên, thoáng chớp ngạc nhiên, nheo lại như muốn nhìn cho thật rõ cha tôi,. Nhanh lắm, đôi mắt lại lập tức trở lại bình thường. Nhưng tôi vẫn nhận ra, vẫn còn bàn tay như cái lá, gân xanh run rảy. “Anh Thiệu! Anh vào bao giờ thế này?” Giọng run run, miệng tươi lên một chút, dâng hai tay mời cha con tôi vào nhà. “N. nhận ra ngay. Bao nhiêu năm rồi! Mô Phật! Sao anh vẫn nhớ nhà mà tới thế này?” Ông đưa tay lên, rồi rụt lại.
Theo chân họ, đôi tình nhân cũ thủa nào, tôi đi dọc con đường nhỏ lát gạch hoa, xiên qua một vườn cây, dẫn tới cửa biệt thự màu vôi đã cũ, nhưng kiểu dáng, đúng là nhà của một kiến trúc sư thời Tây. Bà đi trước. Không, bà lướt nhẹ trên đường thì đúng hơn, như ngọn gió màu nâu thổi nhẹ, thong thả dẫn ông và tôi tới một phòng khách bầy bộ xa-lông nhung ở chính giữa. Hai cha con tôi ngồi xuống ghế sau lời mời của bà. Bà xin lỗi, ra phòng trong một lát. Tôi đoán, bà đi lấy nước? Chỉ lát sau bà quay lại ngay, vẫn trang phục hồi nãy và ngồi xuống đối diện. “Đây là cháu thứ tư của Thiệu!” Mở đầu câu chuyện, ông giới thiệu. Người đàn bà xa lạ nhìn sang tôi, ánh mắt như cười thân thiện: “Cháu đi chơi với với ông?” “Dạ, không ạ, cháu đi công tác, tiện đưa cậu cháu vào chơi trong này” Bà quay sang ông: “N. nhớ rồi, hồi ra thăm anh, cậu ấy còn bé tẹo!” Vậy là, họ gặp nhau đã hai lần. Tôi thoáng nghĩ và cảm thấy vô duyên vô cùng khi ngồi bên ông trong cuộc gặp gỡ này. Chưa biết tìm cách tháo lui, để đôi nhân tình xưa tự nhiên hơn, thì "phịch", cửa phòng sau bật mở. Tôi quay lại. Một cô gái nom đôi mươi, mặt tươi sáng, rạng rỡ cả góc nhà, bước vào với một khay nước trên tay.
- Đây là cháu út của N. Con rót nước mời bác và anh.
- Cháu chào bác ạ! Cô gái nói giọng Bắc, không tạp pha tẹo nào, như mấy chị tôi di cư lứa 54. Cô cúi đầu, nhẹ chào tôi và rót nước. Cái li sứ men nâu nhạt đặt ngay trước mặt, tôi được chiêm ngưỡng cận cảnh cổ tay cô gái hầu trà. Còn thứ da thịt nào mịn màng hơn da thịt cổ tay tròn thon nhỏ kia, mà tay áo dài cố che đi, giờ lộ ra, cách mắt tôi hơn hai chục xăng-ti-mét? Tôi tủm tỉm, ngước mắt lên, chạm đúng vào ánh mắt của cô gái, con bà, con người tình xưa của cha tôi. Đấy là một khuôn nhan tuyệt vời, quý phái và lộng lẫy. Có những vẻ đẹp, tôi đã gặp mà cứ truội đi, trôi qua. Còn khuôn mặt ấy, tận giờ vẫn nằm lại trong trí não của tôi. Tôi quay sang, cố dấu ánh mắt mình, để ngắm bà rõ hơn một lần nữa. Đó là những phiên bản của tạo hóa, mà thời gian và những gì trong đó, đã phũ phàng đổi thay, tưởng là vô can? Thảo nào, thảo nào! Tôi tủm tỉm.
"Ô Quan Chưởng" - Sơn dầu của Nguyễn Văn Thiệu
Bà cũng cười thoáng và bảo, anh và cháu trưa nay ở lại đây dùng cơm với mẹ con N. Cha tôi quay sang nhìn tôi và tôi yên lặng. Trưa nay ông giám đốc phía Nam sẽ mời cơm chúng tôi. Nhận rồi! Nhưng sao khi ấy, tôi không có sáng kiến, để cha tôi ở lại, cho dài thời gian họ gặp nhau? Sự lạnh lùng của tôi sau cái nhìn của ông, làm nên lời từ chối: “Thiệu ngồi đây với N. chút nữa. Trưa nay cháu nó có việc. Thôi hẹn dịp khác!” Ông cười rất tươi như xin lỗi, vốn không bao giờ cất lên thành lời ở những người bạn quá thân với ông. “Vậy thì. Thôi! Thế cũng được.” Bà ngập ngừng rồi lại tươi lên: “Anh vẫn thích uống Cointreau với đá đấy chứ? Dùng trà xong. Anh và cháu uống với N. một li vậy” Ông lại cười.
Trời ơi, bao nhiêu năm rồi, nhà tôi chỉ có những vỏ chai rượu ngoại lăn lóc trên sân thượng. Những vỏ chai nhãn rất đẹp, có cái cổ chai bọc giấy bạc, có cái bọc dầy thứ kim loại mềm như thiếc. Rồi năm sáu mươi gì đó, mẹ tôi cũng vơ hết, bán sạch cho đồng nát lấy tiền đong gạo. Tôi chợt nhớ, để đưa ông vào đây, chúng tôi gom góp tiền. Em trai tôi nhét thêm vào hành lý 6 chai sâm-banh Nga nặng chịnh và dặn, anh chịu khó xách theo, tới Sài Gòn bảo D. bạn em mang ra chợ bán, lấy tiền lãi, thêm cho cậu đi chơi. Chán thật, thế hệ chúng tôi khi ấy sống như vậy, sao mà bà biết được.
Hóa ra, họ cũng từng chơi rượu với nhau, theo kiểu riêng bốn năm chục năm xưa, mà tận hôm nay, bà nhớ mà điều đó mách bảo cho tôi biết.
Rượu mầu, ngọt vị cam được rót ra ba cái li pha lê, rưới lên những viên đá trong suốt, lóng lánh như kim cương. Cũng vẫn là búp tay ấy, cẩn thận dể dòng rượu vàng cam nhuộm lên các viên đá một mầu thật chẳng phai. Tôi ngước lên, được dịp ga-lăng: “Bác cho phép, em lấy thêm cái li nữa!” “Xin phép anh và cháu.” Bà xưng tôi. “Tôi bấy nay theo Phật tại gia. Bỏ thuốc và rượu. Nhưng bữa này. Mô phật! N. uống một tẹo thôi với anh và cháu.” Rồi quay sang con gái: “Con lấy thêm cho mợ một li”.
Tôi nhâm nhi thứ rượu ngọt, mà tận sau này, ra nước ngoài, tôi mới hiểu tí chút về dăm bảy loại rượu. Hương Cointreau làm cho môi người đàn bà rất thơm và không có mùi ô trọc gây ra từ loại men vớ vẩn. Câu chuyện của ông và người tình cũ chả có gì sôi nổi, xốn xang. Toàn là ông hỏi hết người này người khác và bà chậm rãi kể về những ai đấy trong suốt bao nhiêu năm xa cách. Đôi khi họ lắc đầu, xuýt xoa, hay gật gù. Nhưng vẫn là một cuộc gặp lại vô cùng trầm lắng.
Ngồi cả vài chục phút vậy, tôi thấy căng thẳng, toát cả mồ hôi trán. Có thể là Sài Gòn bữa ấy trở mình, sắp mưa? Những giọt mồ hôi đã cứu tôi bứt khỏi sự vô duyên nếu còn ở đó. Bà chợt ngừng chuyện với cha tôi và ân cần nói: “Cháu nóng lắm phải không?” Quay sang, bà phân trần: “Máy lạnh có đấy nhưng mất điện anh Thiệu ạ!” Tôi nói dối ngay: “Thưa bác, cháu khó ở từ hôm qua. Cháu xin phép ra ngoài hít thở một lát”. “Phải rồi, con dẫn anh ra sau vườn, ở đó có bàn ghế. Hai anh em ra đó trò chuyện” Tôi mừng rú. Lại còn người đẹp thế kia được bên tôi. Tôi đứng ngay dậy.
Hóa ra sau nhà còn một khoảng vườn khá lớn. Một chiếc bàn đá, bộ ghế nhà vườn bằng sắt lót đệm mây, dưới cây hoàng lan rủ bóng. “Em tên là gì nhỉ?” Tôi cất tiếng, sau khi ngồi xuống ghế…
Chúng tôi ngồi với nhau bên gốc Lan. Tôi chủ động bắt chuyện. Cô gái cũng tự nhiên.
Những chùm nắng loang lổ mặt vườn, trên những đám hoa dại và đám cây mộc, nguyệt quế, ngâu… ẩn hiện, đủ lộ ra cả một khu vườn, xưa chắc người chủ của nó phải kỳ khu sắp đặt, giờ bắt đầu tàn tạ. Cỏ dại xanh ngời vươn lên từ các mép tường, kẽ gạch. Sâu tí nữa, có một chiếc am nhỏ. "Mẹ em thường tụng kinh ở đó, bà sợ tiếng mõ làm cả nhà mất ngủ." Thì ra, cha cô mất đúng năm mẹ tôi mất. Ba anh chị em nữa của cô gái, xưa quây quần ở đây, giờ người đi Mỹ, người ở Pháp. Riêng nàng ở lại với mẹ.
Chúng tôi nói về Sài Gòn. Tôi trả lời cô về nhiều việc Hà Nội. Tả rất kỹ về cái phố Chanceaulme-Triệu Việt Vương, mà hình như cô rất quan tâm. Thi thoảng, cô khẽ nói “thích nhỉ”, làm cho chuyện tôi hứng khởi hơn. Cô bảo, thể nào em cũng ra đó. Tôi khen khéo ngay: “Em còn quá trẻ và đẹp, còn đi nhiều!” “Anh nghĩ em bao nhiêu tuổi mà trẻ?” Cô gặng. Hai mươi! “Hai mươi?” Cô cúi xuống cười, má lúm đồng tiền: “Trời ạ, em ba mươi hai rồi. Nhưng chẳng ăn thua với mợ em đâu. Năm bà gần sáu chục. Nhiều thanh niên đi sau còn trêu”. Tôi thực lố, cười trừ, hóa ra cô chỉ kém tôi dăm tuổi. Người ta bảo, nhất dáng nhì da. Cô được cả hai!
Nhẽ ra, tôi còn ngồi với nàng lâu hơn một giờ đã trôi qua, nhưng có tiếng rì rầm và bước chân của ông và bà. Quay lại, thấy hai người từ trên vườn trước đã tới vườn sau.
Họ tới bên chúng tôi. Bà bảo, mình ngồi đây cho thoáng anh ạ. Cha tôi kéo ghế cho bà. Bà quay sang con gái, giọng nhẹ như gió: “Mợ vừa ở vườn trước. Có mùi mít chín con ạ. Ta ra xem có đúng không, trẩy rồi mang ra mời bác và anh!” Dạ! Cô gái đứng dậy và đi vào nhà.
Tôi lại yên lặng bên hai người già yên lặng. Không biết câu chuyện của họ trong phòng ra sao chỉ thấy giờ ông không nói, châm thuốc, để làn khói mỏng tang bay lên cây hoàng lan đầy hoa vàng đang chầm chậm nhả hương khắp vườn. Thơm quá! Hồi nào… Ông cất tiếng: “Thế mà thoắt cái, như một tiếng vỗ tay!”
Bà không đáp lời. Cái am của bà, khi ấy lộ rõ, nổi bật trong vườn, trong ánh sáng của mặt trời chiếu đúng bức tường phía trước. Bà nghiêm ngắn ngồi kia, tà áo nâu dài buông gần chạm đất và nét mặt bình yên như gỗ tạc. Cô gái cũng thoắt trở lại với chiếc đĩa lớn đựng quả mít trên tay.
Trái mít nhỏ, bé hơn cái ấm giành pha trà cúc mà cô gái mang ra tiếp tôi hồi nãy. Cô gái tách vỏ, hiện ra một chùm múi núc nỉu bám quanh cuống, dài rủ xuống như chùm quả. Cô cầm cuống mít lắc nhẹ, rũ ra “quả vàng” rụng đầy đĩa men trắng muốt. Lập tức không khí tràn ra nưng nức mùi quyến rũ.
“Mời anh và cháu trái mít vườn nhà. Anh thực có duyên, anh Thiệu ạ. Từ ngày anh ấy mất, cây Tố nữ này tịnh không cho quả. Năm nay thế nào, sau mười năm, nó lại bói ra một quả. Sớm nay nghĩ sao, tôi thắp hương cho anh ấy về. Còn trái tố nữ này, lại như chờ đúng ngày anh vào thì chín”.
Tôi lặng người. Tất cả tĩnh lặng, chúng tôi im lặng, cả khu vườn cũng dường như cũng lặng yên hơn, sau câu nói của bà. Và, khuôn mặt hiện hữu của bà ngày ấy nhòa đi, tận giờ còn lại hương tố nữ vẫn quấn quýt theo tôi, suốt bao nhiêu năm phiêu bạt sau đó.