Truyện ngắn của Yên Thảo: BÓNG CHIỀU
- Thứ sáu - 31/05/2013 00:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nàng và ông ra về vì chiếc áo dài mỏng manh đã không thể làm nàng ấm lòng được dù đi bên ông. Khi mới quen nàng ông đã nói ông rất yêu tà áo dài của phụ nữ Việt. Nàng hỏi sao ông biết? Ông bảo ông quen thuộc nó từ kiếp trước cơ”.
“Thẩm viên lão liễu bất suy miên” - Lục Du (*)
Gắn điếu thuốc lên môi, vươn qua người ông, nàng với tay lấy cái bật lửa bên kia bàn và châm lửa. Lừ đừ rít một hơi mạnh và qua làn khói mờ mờ của một chiều thu muộn, nàng thấy đôi mắt mở to của ông ngạc nhiên nhìn nàng. Vì trong căn phòng nhỏ bé của ông, dưới những vuốt ve mềm mại của ông, bao giờ nàng cũng là một người đàn bà thuần phục và dịu dàng. Ông chưa bao giờ thấy nàng và có lẽ cũng không bao giờ có thể tưởng tượng nàng như bây giờ, từng trải và lão luyện. Nhưng ông không nói gì, cũng không thể hiện gì hơn vì ông yêu nàng và cũng bởi vì sự ngăn cách về ngôn ngữ khiến ông không thể thể hiện được hơn, như ông muốn.
Đăm đăm nhìn bóng chiều dần xuống, những bóng cây gầy guộc đã bắt đầu in trên nền trời tối dần. Sương mù lơ lửng, cây cỏ mờ sương. Rùng mình vì hơi lạnh, nàng và ông ra về. Trà thất này nằm trong khuôn viên của khu vườn Tàu nổi tiếng của Berlin.
Đã chiều chiều mà trời vẫn xanh ngăn ngắt ở trên cao thật cao, nắng vàng nhè nhẹ trong gió hiu hiu, khá ấm áp. Sợ ngày đẹp, đông khách nên ông đã gọi điện hôm trước để đặt chỗ trong trà thất này. Khi đi qua cầu để vào đây, ông và nàng như thường lệ đã ghé qua thăm cây liễu già quen thuộc. Lá vẫn còn, chưa rụng hết dù đã cuối thu, đầu đông rồi. Dù gần như chỉ còn lại cành nhưng cây liễu vẫn yêu kiều, mềm mại, gợn sóng thướt tha mỗi khi một làn gió thoảng qua. Khi chiều muộn trời bắt đầu giăng đầy sương mù. Tà áo dài nàng vương vào thành cầu, mỏng như làn khói chiều, như lẫn vào không gian mờ ảo, như mơ như thực. Những bông hoa súng vàng nhạt làm mặt nước như càng u sầu, ánh nước sóng sánh dưới chân cầu khi ông và nàng đi qua làm nàng chợt nhớ đến câu “Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu” mỗi khi ai đó muốn nhắc thời gian đã trôi qua lâu, dù ai mà không biết thời gian là một dòng chảy vô thủy vô chung…
Đi dạo trong vườn, trước khi bước vào trà thất, nàng đã nghe được sự trầm trồ của toán người trẻ kia khi thấy nàng và ông đi dạo qua, tay trong tay. Họ nhầm có lẽ vì nghĩ đây là một cặp vợ chồng trọng tuổi và nhìn đẹp đôi, hạnh phúc quá. Nàng biết họ nhầm vì nàng cũng đã từng nhầm như vậy. Xưa kia, mỗi khi đi với chồng nàng, gặp những cặp tình nhân lớn tuổi, bao giờ nàng cũng thán phục sức bền bỉ của tình yêu. Nhưng bao giờ chồng nàng cũng bảo, sao em biết được họ là vợ chồng đầu bạc răng long nào? Biết đâu lại chẳng là... Và bây giờ, sau bao nhiêu năm sau, khi cuộc hôn nhân ấy đã là dĩ vãng lâu lắm, xưa lắm rồi, nàng mới chợt thấy chồng nàng có lý. Thế mới biết rằng khi ta trẻ, khi ta chưa từng trải và còn non nớt, ta đã có biết bao ngộ nhận như vậy trong đời.
Nàng quen ông chưa lâu, mới gần một năm với đủ bốn mùa xuân hạ thu đông. Với nàng một năm với một mối tình chưa thể gọi là lâu được. Nàng quen ông mùa đông năm ngoái và bây giờ trời Berlin đã lại sắp vào đông. Khi nàng quen ông, cây dương liễu trước ngõ nhà ông đã rụng hết những chiếc lá thu cuối cùng và những cành của nó mềm mại chảy rủ xuống miên man quanh gốc, lướt thướt. Rồi những ngày tuyết phủ, cây liễu như ngọc như băng và qua một trời tuyết bay bay, nàng thường đứng ngắm tháp chuông nhà thờ xa xa in bóng... Xuân về, những chồi non nhú ra, những bông hoa dài dài trĩu trịt... Hạ đến thì những lá xanh non nho nhỏ, mỡ màng hôm nào đã là màu lục mạnh mẽ rậm rợp, phủ trùm thân cây, thướt tha. Và nàng cũng lại ngắm chúng với một nỗi niềm u buồn. Trời thu cũng chẳng làm hồn nàng bớt đau bởi lá rụng từng lớp từng lớp khiến lòng người ngổn ngang, bơ vơ, chông chênh… hơn bao giờ hết. Nàng yêu cây dương liễu trước ngõ nhà ông mọi mùa trong năm.
Nhiều khi nàng cứ nghĩ vợ ông đã bao giờ cùng ông ngắm cây liễu này chưa? Mùa nào trong năm? Ông có thấy từng mùa, từng mùa đi qua cây dương liễu này? Ông và vợ có hạnh phúc không? Có kỷ niệm với cây dương liễu này không? Không có nàng nữa trong đời, ông có nhớ nàng không? Khi trong vòng tay ông, để chia tay với mối tình của ông sau một năm quen biết, môi nàng rưng rưng, mắt nàng rưng rưng, lòng nàng rưng rưng nhưng nàng không khóc. Ông chỉ im lặng trầm ngâm, cũng không khóc nhưng mắt ông ướt. Ông biết, ông đã mất đi mối tình sâu đậm cuối cùng của mình trong đời.
Xuân hạ thu đông gì nàng cũng hay ngồi trong quán một mình, nàng có thói quen ngồi một mình trong quán, bên ly cà phê ngâm nga cả ngày, nàng viết bài. Năm ngoái khi mùa xuân mới bắt đầu là những ngày nàng và ông mới quen nhau. Thỉnh thoảng, trời vẫn lành lạnh và hôm ấy nàng ngồi nhâm nhi bên ly cà phê đón nắng mới. Một chú ong đâm đầu vào cửa sổ mà hình như không nhận biết đấy không phải là lối ra. Cứ chúi đầu vào đấy, kêu rì rì đầy vẻ tức giận và đập cánh vùng vẫy... vì ngoài kia với chú ấy là nắng ấm, là cỏ cây chim muông... Nhìn chú ong, nàng cứ nghĩ đến thân phận tình yêu, đến tình yêu của nàng và ông. Một tình yêu cũng giẫy giụa như vậy. Bế tắc và đau đớn.
Quan hệ của ông và nàng khởi nguồn thông qua những cái vuốt ve mềm mại và âu yếm. Trước khi quen ông, nàng cũng chẳng bao giờ nghĩ được rằng trong đời mình lại có thể nặng lòng với một người đàn ông mà trước đó không lâu chưa từng quen biết như vậy. Ông là bác sĩ của nàng. Vì là bác sĩ nên có lẽ nàng không có phòng ngự trước ông, không phòng ngự trước đôi bàn tay biết nói của ông. Có những tình yêu bắt đầu bằng tâm hồn và sự đồng điệu và lại có những tình yêu bắt đầu bằng những va chạm thể xác. Khi từng này tuổi rồi nàng mới biết chẳng có cái nào ưu việt hơn cái nào hoặc tệ hơn cái nào cả. Tất cả là duyên phận. Phúc phần lớn thì người ta được cả hai hòa hợp hài hoà. Còn bằng không, kém phúc thì không có cả hai và như vậy là bắt đầu một trong những nỗi khổ trần gian là “Oán tắng khổ” nghĩa là phải sống bên người mình ghét bỏ, nặng hơn thì là thù oán hay căm ghét hoặc phải chia ly với người mình yêu thương. Đã là duyên phận thì đến và đi đều rất tự nhiên, muốn cũng không được mà không muốn cũng không được.
Không ai quyến rũ ai, nàng và ông đến với nhau là như là một duyên phận, như là một sự tất yếu, đương nhiên, như một cuộc hẹn, ngày ấy tháng ấy đã hẹn thì gặp, vậy thôi. Mối quan hệ của ông với nàng cũng là duyên phận. Cả ông và nàng đều tin ở duyên phận, tin ở kiếp trước và tin ở kiếp sau.
Nhìn ông trẻ nhưng có lẽ ông hơn nàng nhiều tuổi. Bao nhiêu thì nàng không rõ. Vì nàng nghĩ bao nhiêu thì nàng cũng sẽ vẫn yêu ông như vậy mà thôi. Ông đẹp và phúc hậu. Ông ít nói, chỉ nói vừa đủ để nàng hiểu và ông hiểu nàng muốn gì. Ông trầm tính, hiền lành và luôn phảng phất một nụ cười nhẹ nhàng, thậm chí như rụt rè, dò hỏi. Nhưng ngay lần đầu tiên, nàng đã biết, ông không phải là người đàn ông như nàng và mọi người nhận định khi thoạt gặp. Trí thức, lịch lãm, tự tin, ông ngồi, đĩnh đạc trên ghế với nụ cười lặng lẽ trên môi. Chỉ một thoáng mà nàng biết cái cười ấy phải là của một người đàn ông cực kỳ từng trải, thiệp và nhã. Mọi hào hoa, phong nhã, sự nghiệp, danh vọng đã lui lại phía sau, đã không còn khiến ông bận tâm và sự thăng trầm cùng những muộn phiền của cuộc đời cũng không còn có ý nghĩa gì với ông, ông đã bỏ chúng lại hết sau lưng. Cái cười của một người đã thấy sự hữu hạn của kiếp người, thấy đời là phù du và hiểu cái đang cựa quậy trong tâm hồn nàng.
Đã chớm cái tuổi “Tri thiên mệnh” nhưng trông nàng trẻ hơn tuổi nhiều dù tất nhiên làm sao tránh khỏi những nếp gấp thời gian trong tâm hồn cũng như trên cơ thể. Trước khi gặp ông, nàng đã từng có nhiều mối tình. Sâu đậm có mà thoảng qua cũng có. Mỗi mối tình đối với nàng là một duyên phận, nàng trân trọng chúng và chúng đi vào ký ức nàng luôn luôn đẹp. Nàng không hề lý tưởng hóa những mối quan hệ đó như nhiều người nhầm tưởng mà nàng chỉ chọn lựa những chi tiết muốn lưu giữ trong mỗi cuộc tình ấy để nàng lưu giữ. Hay nói khác hơn là những chân dung về những mối tình của nàng không thể nói là không hiện thực mà chính xác hơn, nó là một phần của hiện thực, một phần của nguyên mẫu. Nàng gìn giữ những ký ức ấy như là một kho báu của đời nàng và những ký ức ấy đã nuôi sống nàng qua những dâu bể của đời sống, qua những ghềnh thác mà nhiều khi nàng ngỡ nàng chẳng bao giờ có thể vượt qua.
Nàng có thói quen chia sẻ cảm xúc của mình qua những trang viết, nàng viết khá nhiều. Văn của nàng thường lơ lửng, không mở đầu mà cũng chẳng kết luận gì, cũng không có cao trào, thắt nút mở nút, thường chẳng có cốt gì đặc biệt, cũng không cao siêu, không thiện, không ác… nó tự nhiên như chính đời sống vẫn vậy. Vậy mà những trang viết của nàng quyến rũ độc giả khiến họ đam mê bởi sự lay động đến từng cảm xúc sâu xa và vô cùng thầm kín của người phụ nữ, rất thật, rất phụ nữ, chỉ có phụ nữ mới hiểu phụ nữ đến như vậy, chỉ có phụ nữ mới nhìn vấn đề sự việc như vậy mà thôi. Ở văn nàng đẫm tình yêu con người và hoài niệm. Những năm dài công việc đã đem đến cho nàng sự nhạy bén cùng sự từng trải và bản năng được tôi luyện. Và nàng viết như là một thú vui của chính mình, không cần vinh quang, không bon chen với ai để mang một cái danh gì nên nàng rất tự nhiên với bản tính tự nhiên và trung thực của mình. Đối với nàng quan trọng là nàng được viết cái mình nghĩ. Nếu ai yêu văn nàng, nàng rất vui, nhưng không thích cũng không sao, nhưng cái làm nàng khó chịu nhất là cái sự thẩm văn hời hợt, ngô nghê như cứ muốn nhanh chóng để biết liệu đó có phải là ông này, bà nọ, cô kia… không? Nàng biết, khi thành truyện, đưa đến người đọc thì nó không còn hoàn toàn là của nàng nữa rồi, số phận nó đến đây nằm ngoài bàn tay và ý muốn của nàng. Biết thế nên nàng bình thản trước những giông bão, những thị phi, những tin đồn quanh mình.
Với nàng cuộc đời không hoàn toàn xấu mà cũng chẳng hoàn toàn tốt. Nó tồn tại như chính nó hiện hữu và tự nhiên như nước chảy mây trôi. Cái khoảng xam xám nhờ nhờ giữa trắng và đen trong mỗi con người và trong cuộc đời là chủ đạo, là đại bộ phận. Mấy ai làm khác được với bản chất cố hữu của mình. Nàng nghĩ vậy nên sống nhẹ nhàng, không lên án điều gì hay giáo huấn ai bao giờ mà cũng chẳng cố điều gì bao giờ. Trong công việc mình, nàng luôn đặt mình là người đối diện để hiểu họ, thông cảm với họ vì sao người này lại thế này mà người khác lại thế kia trước mỗi hoàn cảnh. Với nàng, vạn sự đều phải thuận với tự nhiên… Vậy thôi. Mà để ngộ ra điều này thì thoáng chốc gần hết một kiếp người.
Sau giờ làm việc, nếu không ở nhà đọc sách và nghe nhạc thì nàng la cà các quán cà phê, hay quán rượu kể cả khi không có bạn. Mà lạ thay nàng chỉ viết được khi ngồi ngoài quán, đúng chỗ quen thuộc của nàng. Ở nhà hầu như nàng chỉ đọc và dành thời gian rất nhiều cho hai con nàng vì nàng yêu thương chúng hơn hết thảy mọi của cải mà nàng có trên thế gian này. Ngày chúng còn bé cũng vậy mà khi chúng lớn lên đi xa rồi, cũng thêế. Không thêu thùa, đan lát, nấu nướng, phim ảnh, trò chuyện như khi chúng còn ở nhà thì nàng điện đóm, thư từ, tin nhắn, trao đổi… qua mạng. Vì hạnh phúc của chúng mà nàng chịu để, thậm chí còn động viên chúng cứ đi bất kỳ đâu mà chúng cảm thấy hạnh phúc và tương lai chúng được đảm bảo. Còn một mình, nhiều khi nàng cảm thấy cô đơn đến tận cùng. Có nhiều đêm nàng nức nở một mình, thương thân mình, thương đời mình. Chỉ còn nàng và con mèo nhỏ, quà con gái tặng nàng “để mẹ khỏi buồn” bên những kỷ niệm của con cái khi chúng còn bé, trong căn hộ rộng thênh thang. Con búp bê nhồi bông của con bé, cái xe ô tô đồ chơi của thằng lớn tự lắp ráp lấy ngày nó đi nghỉ theo lớp cũng đã bao năm, ảnh hai con ngày bé treo khắp nhà, những bức tranh con bé vẽ từ những ngày xưa tặng mẹ nhânn dịp lễ lạt hay sinh nhật mẹ.
Vì là người hay viết nên nàng biết, viết hay vẽ cũng chỉ là một cách thể hiện nội tâm mình, bộc lộ nội tâm mình bằng những phương tiện khác nhau mà thôi, do sở trường của người này là viết và người kia là vẽ chẳng hạn, hay ở người khác là viết nhạc, chơi nhạc. Nên những bức tranh này của con gái vẽ tặng là niềm tự hào của nàng. Những bức tranh này đặc biệt mang lại cho nàng, và không phải chỉ nàng mà cho bất cứ ai trong vai trò thưởng lãm một cảm giác nhẹ nhàng, trang nhã và vô cùng tinh tế. Ở những bức tranh ấy ta thấy cả sự hiện đại ở bố cục tranh và nét vẽ dứt khoát, mà vẫn mang đậm phong cách tranh Á Đông cổ điển từ gam màu nhạt, thường là pastel, từ cách phóng đại những bông hoa, những chiếc lá hay chồi cây mà tâm điểm bao giờ cũng nhấn mạnh với chất liệu đặc biệt… để miêu tả sự phức tạp của nội tâm, cái mênh mang trong những bức tranh như khắc họa thêm nỗi cô đơn, làm thẳm sâu thêm nỗi cô đơn… Nhưng qua đó nàng biết con gái nàng hiểu nàng, đồng cảm với nàng, yêu thương nàng và vì vậy khoảng cách vời vợi giữa hai mẹ con không còn xa xôi nữa. Còn hai anh em nó vì là những người trẻ nên chúng gần gũi nhau hơn qua máy móc và mạng. Sự chia tay của nàng và bố chúng không làm chúng nó bớt đi tình yêu với bố nhưng lại càng thêm yêu mẹ. Nàng yên tâm vì điều đó.
Nàng thương ông khi nàng biết ông yêu nàng, mối tình muộn màng trong đời ông mà chẳng thể nào làm khác được. Vẫn biết ở đất nước ông, thế hệ ông, còn nặng nề bao điều hơn mọi nơi khác trên trái đất này khi một người đàn ông có vợ. Có vợ là gì. Có vợ là anh không còn tự do của cá nhân anh nữa. Anh không thể có một tình bạn khác giới, không thể có sự cảm thông hồng nhan tri kỷ, nói gì đến tình luyến ái khác? Chẳng ai cấm, nhưng lề thói xã hội nó vậy. Mà nàng cũng biết, có lẽ vĩnh viễn nàng không bao giờ có thể là một người vợ lý tưởng được. Nàng sẽ vĩnh viễn là một người bạn tri âm mà thôi. Ở vai trò ấy nàng làm tốt và xuất sắc. Nàng biết, là một người vợ tốt sự đòi hỏi không chỉ dừng ở nữ công gia chánh tốt. Còn phải biết phục tùng, còn phải biết phu xướng phụ tuỳ, còn biết bao ràng buộc, định kiến xã hội, lễ giáo phương Đông từ thời Đức Khổng Tử dạy bảo… Nhưng thế gian này có biết bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cá tính. Có người sẽ vĩnh viễn chỉ phù hợp với một vai trò mà thôi. Và bi kịch chính là thiên hạ cứ đòi hỏi cái mà mình không bao giờ có thể là hay trở thành được vậy.
Ông yêu nàng từ bao giờ, nàng không nhớ dù thời gian qua chưa lâu. Bởi với nàng, sự yêu của ông như một sự tất yếu, chỉ là sự nối tiếp của một đời sống chồng vợ từ kiếp trước mà thôi. Bắt đầu từ những cái vuốt ve đầy trân trọng ấy ư? Những cái hôn nhẹ lên môi nàng, những cái mơn man lên ria mép nàng, lên bờ môi đầy gợi cảm của nàng. Những đụng chạm thể xác mà thân thể nàng khát khao. Năm mươi nhưng đời sống thể xác nàng đã bị hoang hoá từ những năm tháng trẻ trung bởi chán nản, bởi hờn giận, nghi ngờ, lòng tự trọng bị xúc phạm đã làm khô cạn tình ái, bởi những tương tư chất chồng... Đã từ lâu đời sống của nàng chỉ dồn vào công việc. Như bất cứ thói quen nào cũng phải có đất sống của nó. Thể xác nàng đã không còn thói quen yêu đương nữa. Ông đã làm nàng sống lại những cảm giác được chiều chuộng, được ân ái. Và có lẽ không chỉ ở nàng, mà ở cả chính ông. Nàng đã làm ông trẻ lại, nàng đã làm ông thấy mình được yêu thương, được nâng niu trân trọng, điều mà vì những thói quen nhàm chán đã giết chết tình yêu ở hầu hết những cuộc hôn nhân lâu năm.
Nụ hôn của ông thường rất lâu và rất sâu. Những nụ hôn dài như hàng thế kỷ, miên man. Khi lần đầu tiên ông hôn nàng lên miệng, không hề né tránh, chần chừ sau một chút suy tư nàng đón nhận nụ hôn rất tự nhiên. Nhẹ nhàng, dịu dàng và đầy âu yếm, ông luôn thích hôn nàng. Những khi ấy thường nàng nắm lấy tay ông, một bàn tay đầy đặn, ấm áp và đáng tin cậy. Chúng mang lại cho nàng cảm giác được chở che.
Ông thích vuốt ve đôi bàn tay nàng và hôn lên những ngón tay thuôn dài sau khi nâng niu chúng trong lòng bàn tay ông. Những ngày đông tháng giá, mỗi khi nàng bước vào phòng, bao giờ ông cũng nắm tay nàng và ủ chúng trong lòng ông hay hôn chúng rất lâu để chúng ấm dần lên cho những ngón tay hồng hào trở lại. Ông thích mơn man làn da thơm tho, sạch bóng, mỡ màng của nàng. Nàng có một làn da mỏng manh và mịn màng, trắng trẻo.
Nhưng lạ thay, những đụng chạm, ve vuốt thể xác ấy không hề gợi lên bất cứ một sự nhục dục nào. Một cảm giác xót thương luôn tràn ngập ở cả ông và cả nàng. Những năm tháng dài đằng đẵng sống một mình, nàng càng hiểu rằng, cái dâm phải đến một tuổi nào đó mới được hoàn thiện để dâm và tình có thể là một, còn không, dâm và tình mãi mãi là hai ngả đường đời ít khi hoặc rất khó có thể gặp gỡ được nhau.
Có lần trong một giấc mơ, nàng thấy ông và nàng đang đứng ở một ngôi cổ tự, ở một thời gian nào đó, không gian nào đó. Không rõ mặt nhưng nàng biết ông và nàng là những du khách vãn cảnh chùa. Trong nhiều giấc mơ nàng thấy nàng lang thang đi tìm ông với cảm giác mất mát, bơ vơ, u sầu đến nỗi khi tỉnh dậy rồi mà mãi nàng vẫn không hết buồn. Vì vậy, nàng biết vì sao từ lần đầu gặp ông nàng đã thấy ông và nàng như đã quen nhau từ một kiếp xa xưa nào. Tỉnh giấc, nàng tự nhủ lòng là rồi mình phải cùng ông đi chùa, biết đâu, mình sẽ nhận ra nhau…
Thế nên có lần ông và nàng đến chùa nhưng rồi phải ra về ngay. Hương khói mờ mịt và đông đúc, ồn ào kinh khủng mất đi cái vẻ u nhàn phải có và vốn có nơi cửa Phật. Nàng không thích đến chùa những ngày lễ trọng, nàng chỉ thích vãn cảnh chùa trong cảnh thanh tịch, vắng vẻ để mình có thể ngồi dưới chân Phật mà suy nghĩ, chiêm nghiệm. Nên vào lễ Phật trên bảo điện xong thì ông và nàng ra về, hẹn dịp khác mà rồi sau đó chẳng còn dịp nào nữa trong đời. Cảm xúc trong con người ta chẳng bao giờ là một cả. Và cảm xúc với cơ hội hoàn cảnh lại càng chẳng phải lúc nào cũng chiều lòng nhau được.
Cái lẻ loi, cái cô đơn luôn làm nàng đau đớn khi nàng nghĩ ông giờ này đang bên vợ ông, sau bữa ăn tối là họ cùng ngồi xem chương trình truyền hình nơi phòng khách. Hạnh phúc và nhạt nhẽo. Tối đến, mỗi người một chăn gối, làm tình hoặc không làm tình, êm đềm và nhạt nhẽo. Sáng dậy vợ ông chuẩn bị cho ông bữa sáng, hai vợ chồng cùng ăn sáng hoặc ông ăn trước hoặc sau bà. Rồi bữa trưa cũng vậy, ngày nào cũng vậy. Hạnh phúc. Ổn định và nhạt nhẽo. Cũng có thể cãi cọ chút đỉnh, thi thoảng, thậm chí những ghen tuông hơn giận, chèo kéo, lo âu… hoặc im lặng nhưng về nguyên tắc là hạnh phúc chuẩn mực và nhạt nhẽo như tất cả những cuộc hôn nhân được coi là hạnh phúc khác. Theo nàng. Và nàng cũng biết sức bền vững của sự nhạt nhẽo đó. Hay nói đúng hơn là của những hôn nhân nhạt nhẽo đó.
Những năm gần đây, tuổi đã cao nên ông nhận ít bệnh nhân hơn, để thi thoảng nếu mệt ông còn nghỉ ngơi chút xíu vào ban ngày. Sáng và tối ông đều đi dạo. Vợ ông không muốn đi cùng, ông cũng không nài nỉ như trước đây vì đó chính là những lúc ông được một mình tự do để có thể nghĩ đến nàng mà không bị quấy rối với những câu hỏi mà khi anh đang trong một cuộc hôn nhân thì anh không thể lảng tránh chúng được. Và cũng là ông khỏi phải dối trá hoặc im lặng mà dối trá.
Những khi một mình, cái mà ông nhớ nhất là bộ tóc nàng. Ông yêu bộ tóc nàng, mượt mà và tinh khiết, óng ả. Những sợi tóc mảnh phủ trùm cả lưng, dài đến thắt lưng, đen nhánh, không ai có thể nghĩ đó là bộ tóc cuả một người đàn bà đã gần năm mươi. Ông luôn ngắm nghía mỗi khi nàng mặc quần áo và khi nàng đưa những ngón tay thon nhỏ của mình lên chải tóc, vừa xốc tóc lên và búi thành một búi to sau đầu. Biết vậy nàng rất chăm sóc bộ tóc của mình mỗi khi gặp ông. Tâm trạng của nàng đến ông mỗi lần mỗi khác. Nhưng nàng thường lặng lẽ và sầu muộn khi nghĩ đến sự vô vọng của cuộc tình.
Trong bao năm cô đơn dù rất nhiều bạn bè quan hệ nhưng chưa bao giờ nàng để một ai chạm vào mình dù nhiều khi nàng ước ao chỉ được rúc vào lòng một người đàn ông để tìm sự che chở, sự an toàn, dù là chỉ một đêm, và một đêm thanh sạch. Vậy sao ông lại là người làm điều đó được ở nàng, được thân thể cũng như tâm hồn nàng chấp thuận rồi hưởng ứng? Vì nỗi cô đơn của nàng đã lên đến đỉnh điểm hay tuổi già đã đến gần quá, nàng đã sờ được nó, nắm được nó? Tuổi già đã khiến người ta không còn bất cần hay ngạo mạn được nữa. Hay bởi ở ông nàng thấy quen thuộc, không phòng ngự và những đụng chạm thể xác lên người nàng là một sự quen dần? Hay nàng đã yêu ông thật lòng? Nàng nhìn thấy, cảm thấy ở ông cũng là một người đàn ông cô đơn, cô độc giữa gia đình mình và nàng mủi lòng, thường phụ nữ dễ bị cảm xúc chi phối.
Ông và nàng đến vườn Tàu lần đầu tiên vào một ngày đông năm ngoái khi hai người mới quen nhau. Đó là một ngày cuối đông. Cảnh tượng đìu hiu và xơ xác. Những đám lau sậy ven hồ hoa trắng bờ, phất phơ. Bước đến gần hơn, qua những khóm đá thư pháp, cả ông và nàng đều ồ lên khi thấy cây liễu già lướt thướt, cô đơn trong một không gian u tịch trong chiều xám và cùng thốt lên “Cây liễu già vườn Thẩm không còn bay tơ nữa” - một câu thơ tuyệt đẹp trong những áng văn chương cổ. Ông vô cùng ngạc nhiên khi biết nàng thuộc thơ Lục Du như vậy.
Nàng đã từng nói với ông rằng nàng yêu cây dương liễu trước ngõ nhà ông. Yêu nó cả bốn muà xuân hạ thu đông, mùa nào cũng đẹp khi xa xa sau lưng nó trên nền trời là nóc tháp chuông của ngôi giáo đường to, uy nghiêm bằng đá xám.
Câu hỏi vì sao ông lại yêu nàng luôn làm nàng day dứt. Nàng không tin là nàng còn quyến rũ được ai. Hai đứa con đã trưởng thành với những năm tháng long đong, áp lực công việc rồi đời sống tinh thần khốn quẫn đã làm nàng hao mòn đi nhiều. Thân thể cũng như tâm hồn nàng đã đong đầy những nếp gấp thời gian mà không tài nào xoá tẩy nổi. Hay với con mắt của một người đàn ông nhân hậu và từng trải, hay vì cùng “Nhất chủng tương tư”, cùng nòi đa tình mà ông nhận ngay ra sự thiếu hụt ở nàng, sự mong chờ ở nàng mà nhiều khi chính nàng cũng không ý thức được, cái mà thiên hạ khó lòng nhận thấy vì chưa đủ trải nghiệm? Nhiều khi, với một ý nghĩ rất nông cạn và thường tình nàng cứ nghĩ có chăng chỉ vì ông thích những bộ đồ lót cầu kỳ của nàng. Vì nàng luôn chú trọng đến nội y như là một nhu cầu tự thân, chỉ để thoả mãn mình mà thôi. Vì rằng những bộ đồ lót ấy đã lâu chẳng có con mắt nào ngắm nghía đến, ngoài nàng. Nhưng ngay sau đó nàng lại tự trách mình sao lại có thể có những ý nghĩ tầm thường như vậy, hời hợt như vậy và nàng nghĩ như vậy là nàng đã phụ tấm tình của ông.
Rất chung thuỷ với một loại nước hoa nhưng hôm nào có hẹn với ông, nàng cũng ngồi suy nghĩ rất lâu: số 5 hay số 19, hay Coco, hay là Noire..?
Nàng thường được ông âu yếm ôm vào lòng. Ngồi lên đùi ông, nàng dịu dàng hôn lên mắt ông, lên má ông, lên mũi ông, từ từ và chậm rãi. Hai bàn tay nàng luồn vào mái tóc đã bạc của ông, vuốt ve nhè nhẹ hay vừa nghịch đôi vành tai ông, nàng vừa thì thầm để ông nghe: “Mộng dứt hương tàn đã bốn chục năm, cây liễu già vườn Thẩm không còn bay tơ nữa, thân này có chôn vùi dưới chân núi Cối Kê thành đất thì lòng vẫn nhỏ những giọt nước mắt khóc cho mối tình này” (**). Và nàng thoảng nghĩ hay ông và nàng chính là hậu thế của Lục Du và Đường Uyển xưa? Khi xưa, Lục Du tìm đến vườn Thẩm gặp lại nàng Đường Uyển tuổi cũng có lẽ bằng ông bây giờ… Nhưng không ai biết nàng Đường Uyển thì bao nhiêu, trẻ hay già? Bằng vợ ông hay bằng nàng?
Ông yêu đôi bàn tay nàng. Ông thường cầm và vuốt ve những ngón tay thon nhỏ, mảnh mai của nàng. Nàng có đôi bàn tay thật đẹp. Hiếm có người đàn bà nào có đôi bàn tay thon nhỏ và trang nhã với những chiếc móng nho nhỏ, xinh xinh như nàng, nhất là những người đã ở tuổi nàng. Ông yêu làn da sạch bóng và thơm tho ở nàng, qua những cái hôn dịu dàng và trân trọng. Ông thích hôn nàng. Đặt cái hôn lên miệng nàng rất từ tốn, chậm rãi và âu yếm, lưỡi ông nóng và mềm mại tìm lưỡi nàng dọ hỏi.
Ôm ông trong vòng tay, đầu ông nằm giữa hai bầu vú nàng. Tay ông vòng quanh thân nàng. Im lặng ngập tràn trong mỗi lần chia tay. Luôn luôn có điều gì đó rưng rưng trong không gian.
Ông nhớ nàng trong suốt những ngày chờ đợi. Ông nhớ đến đôi vú nàng trĩu nặng trong tay ông, hồng hào, trắng trẻo với những núm vú hồng có quầng nâu nhạt, trơn nhẵn nhụi mỗi khi nàng ôm ông để chào ra về, đầu ông áp một cách tin cậy giữa hai vú nàng để hơi ấm ấy, hương thơm của da thịt nàng sưởi ấm ông đến lần gặp nhau sau. Dù cho hai con bú và bây giờ đã có tuổi nhưng đầu vú nàng rất đẹp, hồng hào và thanh sạch. Ông ôm nàng và thường thì thầm bên tai nàng: “Người yêu của anh, anh yêu em biết chừng nào”. Lần đầu tiên lời thú nhận quá bất ngờ của ông làm nàng ngơ ngẩn. Mái đầu bạc của ông ghé sát bên phía trái tim nàng. Ông nhớ nụ cười với hàm răng rất tươi của nàng. Ông biết, ông và nàng hiểu nhau không cần ngôn ngữ.
Nàng hay than với ông rằng nàng đau đầu, đau tay, đau chân… Có lần nâng đôi vú nàng trên tay, ông đùa hỏi lại: “Đây thì em không đau chứ?”. Nàng cười và ông cười. Có lẽ đó là lần duy nhất nàng thấy ông đùa. Còn bình thường, trong những chiều ngồi ở trà thất ông thường trầm ngâm. Còn lúc điều trị thì nàng là một bệnh nhân và ông là một bác sĩ nghiêm túc, tận tuỵ, tỉ mỉ và cẩn thận. Ông là một bác sĩ Đông y rất giỏi.
Nàng biết, ông ân hận bởi ông yêu người vợ chung thủy và hiền lành của ông. Một người vợ đã cùng ông từ những ngày khốn khó khi đất nước ông còn biết bao loạn lạc, đói khổ. Những tháng ngày mà hôm nay là quân Cách mạng thì hôm sau có thể đã trở thành phái Tạo phản đạp đổ hết những gì mà giành giật mãi mới được để rồi sau đấy không lâu lại phải đội biển đại tự và mũ cao áo dài quỳ dọc đường phố cho thiên hạ nhổ vào mặt hay bị Hồng Vệ Binh cướp bóc, bị đập phá hết nhà cửa, bị đánh đập hay sỉ nhục lăng mạ đến phải treo cổ tự vẫn… Những tháng ngày ly tán của Cách mạng Văn hóa… Ông ghi nhớ tình bà đối với ông và ông yêu bà với một ơn nghĩa dài lâu và sâu sắc. Nhưng ông yêu nàng, mối tình sâu đậm cuối đời của ông. Ở tình yêu này ông đã thấy trước được niềm đau mà ông sẽ mang đến không chỉ cho chính mình mà còn cho cả hai người phụ nữ yêu ông. Ông ân hận nữa cũng là khi bắt đầu vào nghề y, một điều tối kỵ là không có quan hệ luyến ái giữa bệnh nhân và bác sĩ. Ông biết, trái tim mềm yếu và mẫn cảm của ông luôn biết, đây không phải lần đầu nhưng nó chắc chắn là mối tình cuối của ông.
Nàng luôn suy nghĩ biết đâu, ông cũng còn những mối quan hệ khác, những mối tình khác… như với nàng nhưng nàng chỉ quan tâm đến ông, đến tình yêu của ông dành cho nàng. Đôi khi nàng chạnh lòng sao nàng không gặp ông sớm hơn, khi nàng còn trẻ hơn và ông cũng trẻ hơn? Ngày ông đi phép sang, mang tấm khăn lụa từ Hàng Châu về tặng nàng, nàng bảo ông “Cảm quân triền miên ý” và nàng buồn vì “Hận bất tương phùng vị thiếu thì” chứ không phải “Giá thì” (Cảm ý tứ lòng chàng mà hận vì không gặp nhau lúc còn trẻ chứ không phải lúc chưa lấy chồng) (***). Ông nắm đôi bàn tay nhỏ bé của nàng và cười lặng lẽ. Ông có miệng đẹp và hàm răng đẹp và nụ cười rất đẹp. Hôm ấy là một buổi chiều đông muộn. Trong trà thất, ông và nàng cùng trầm tư suy ngẫm cái phù du của kiếp người, ngoài kia là vắng lặng và thời gian trôi qua. Vườn Tàu mùa đông rất vắng khách.
Biết ông sống với vợ, nàng nghe thấy ân hận nhiều trong lòng ở mỗi lần gặp nhau, ở mỗi cái hôn đam mê và ở mỗi vuốt ve âu yếm. Nhưng mỗi khi gặp ông nhìn nét mặt bừng sáng, rạng rỡ khi thấy nàng, lòng nàng quên hết. Vì yêu ông nàng thấu hết tình ông và ông cũng vậy, ông hiểu nàng kể cả khi nàng không nói hay biểu lộ gì. Nàng không biết từ bao giờ nàng và ông cùng sa vào một mối quan hệ bế tắc, không lối thoát như thế này… Nỗi cô đơn lặng lẽ trong tim nàng, đôi khi nó đè nát và bóp nghẹt nàng, đau đớn.
Lần nào trong trà thất, nàng và ông cũng đều im lặng. Nhâm nhi tách trà trên tay, thường là những chuyện mưa nắng… Cả ông và nàng đều không mấy khi bộc lộ cảm xúc ra sắc diện. Nàng nhớ đến chiều xuân ấy, trời đang đẹp bỗng trời trở lạnh đột ngột. Cả rặng mộc lan nở những bông hoa tím ngát bên những bụi tử đinh hương nồng nàn... Trà thất như ngập trong màu trắng tinh khôi của những khóm hoa mận, hoa mơ trồng quanh, một lớp thảm tím hồng hoa hạnh trải dày trên lối vào… Mùa hè, cả vườn Tàu thoáng đãng mà thơm ngát, hương bồ đề lẩn quất trong không gian cùng hương thơm tổng hợp tất cả các loài hoa muôn màu muôn sắc, rợp trời là những cánh hoa bồ công anh bay bay, như tuyết, như bông… Những triền cỏ xanh xanh như đến tận chân trời. Hoàng hôn thường muộn và lai láng sắc đỏ.
Thường rất ít người biết nàng luôn sầu muộn trong lòng. Mấy hôm nay không hiểu sao hình ảnh con ong đâm vào cửa kính hôm đầu xuân năm ngoái cứ hiện lên trong đầu nàng. Ngày sắp tàn từ bao giờ, bóng đêm đã đến từ từ ngoài khung cửa quán mà tựa hồ như nàng vẫn không biết.
*
Báo chí Berlin một sớm đầu đông đăng tin, một người phụ nữ Việt khoảng năm mươi tuổi được tìm thấy đã chết trong căn hộ đầy khí gas mở cả đêm từ hôm trước. Với bức thư đầy yêu thương để lại cho cô con gái duy nhất của mình (vì sao nàng chỉ để lại thư cho mỗi người con gái thì không rõ), nguyên nhân được xác định là tự tử và mọi thủ tục điều tra đã được khép lại. Tin này do một người bạn nàng biết từ đầu câu chuyện tình này, đã viết lại như một nén nhang cảm thông và tưởng nhớ nàng, người mà khi sinh thời, đời sống tình cảm luôn là đề tài hay được những người đồng hương của nàng nhắc nhở đến.
*
Đó là một ngày cuối thu mà không hiểu sao trời vẫn ấm áp. Vườn Tàu quen thuộc của ông và nàng trong cái nắng trong trẻo, trời cao xanh không một gợn mây. Lá vàng đã phủ khắp nơi, những cái lá sồi nâu đậm, lá phong đỏ ối… không khí thì nhàn nhạt hiu hiu. Nàng và ông ra thăm lại cây liễu già của hai người. Khi chiều xuống, đứng trên đồi cao nhìn ra chân trời xa, hoàng hôn tê tái trong bóng chiều dần xuống, trong vệt nắng cam nhạt cuối ngày. Những ngọn lau phất phơ trắng lấp lánh như dát bạc, sương bắt đầu xuống. Nàng và ông ra về vì chiếc áo dài mỏng manh đã không thể làm nàng ấm lòng được dù đi bên ông. Khi mới quen nàng ông đã nói ông rất yêu tà áo dài của phụ nữ Việt. Nàng hỏi sao ông biết? Ông bảo ông quen thuộc nó từ kiếp trước cơ. Nàng cười và để chiều lòng ông hôm nay nàng mặc chiếc áo dài màu hoa cúc vàng bởi hôm đầu hè đi chơi với ông nàng đã muốn vận chiếc áo dài hoa xanh yêu thích nhưng không hiểu sao hôm ấy trời còn lành lạnh, chưa thể mặc được. Vài tuần nữa, đông rồi thì làm sao mặc? Trời tự nhiên nặng và đầy mây. Có vẻ sắp có một cơn giông. Trời xám và trở lạnh. Vội vàng, nàng và ông ra bãi đỗ xe. Chỉ mải nhìn xe ông đang đánh ra. Một chiếc ô tô khác cũng vội vàng và lùi lại vào nàng, khi nàng đang luống cuống sợ gió đánh tà áo dài của nàng quấn vào bánh xe đó. Va chạm không lớn, nàng ngã xuống rồi từ lúc đó không hề tỉnh dậy nữa. Nàng mất nhẹ nhàng trên đường đến bệnh viện, trên tay ông.
Ông mất sau đấy rất lâu, một cái chết tự nhiên và bình thản. Nhưng thực lòng ông có bình thản không, không ai biết. Đây là câu chuyện ông viết và để lại cho con gái ông với một hình ảnh về nàng mà ông nhắc mãi là màu áo dài với bông hoa cúc vàng nổi bật nền trời thu xanh ngắt chiều hôm đó ở vườn Tàu, nơi yêu thích của ông và nàng. Nàng là mối tình sâu đậm cuối cùng trong đời ông khi ông đã ngoại bảy mươi. Ông có căn dặn lại con gái rằng ông muốn được hỏa thiêu cùng chiếc chuỗi hạt màu khói hương mà ông vẫn đeo ở tay. Tất nhiên, ông không nói với ai đó là món quà chúc phúc của nàng tặng ông khi chia tay khi nàng không còn là bệnh nhân của ông nữa. Chuỗi hạt đó là kỷ niệm từ nhiều năm trước khi nàng đi Hồng Kông chơi và đã được một thượng tọa trên chùa trì chú. Vì là ý muốn cuối cùng của ông nên con gái ông cũng là một bác sĩ Đông y sinh sống ở Nam Kinh cùng chồng con, đã làm theo ý cha, người cha mà cô nhất mực yêu thương. Cô đã bay cả chặng đường dài từ châu Á qua để lo tang lễ cho cha. Cũng tất nhiên vì mẹ cô đã mất chứ nếu bà còn chắc gì cô đã thực hiện được ý muốn cuối cùng của cha cô bởi cô cũng rất yêu mẹ và hiểu những nỗi đau mà mẹ cô phải chịu đựng suốt thời gian chung sống cùng ông. Cuộc đời nó khó ở chỗ làm hài lòng người này thì rất có thể anh đã động vào vết thương lòng của người khác. Sống quả thực khó lắm thay.
*
Nhiều năm trôi qua, ông mất đã lâu. Nếu có ai đi qua một viện dưỡng lão ngoại ô Berlin nằm tĩnh lặng trong một vườn cây xanh, có một bãi cỏ xanh êm đềm bao quanh… đều thấy một cụ bà người châu Á, nét mặt phúc hậu, mùa đông cũng như hè ngồi trên xe lăn được cô phục vụ đẩy ra vườn, ngồi dưới gốc cây dương liễu già. “Cây liễu vườn Thẩm không còn bay tơ nữa” lẩm bẩm, thỉnh thoảng lại thấy bà ngước nhìn lên cây liễu như thì thầm với một người bạn. Mùa đông sợ cụ dễ bị cảm thì chỉ thoáng cái là cô hộ lý lại đẩy cụ vào còn mùa hè thì lâu hơn, thậm chí có khi cả ngày cụ được ở ngoài vườn đọc sách khi trời đẹp. Cậu con trai và con dâu bà ở Thụy Sĩ thỉnh thoảng ghé về thăm bà còn cô con gái họa sĩ vẫn độc thân và ở Úc nên xa quá, ít khi cô về thăm mẹ được. Rồi khi bà mất thì chẳng còn gì lưu luyến với châu Âu nữa, cô ở hẳn ở Úc. Với gia đình anh trai, đã có những phương tiện truyền thông hiện đại gắn bó anh em cô với nhau. Câu chuyện này được mẹ cô viết lại khi còn tỉnh táo và trao lại cho cô cùng với những bức họa cô vẽ từ bé tặng bà mà bà vô cùng yêu quý cất giữ.
Trên đây là ba kết cục của câu chuyện tình này. Một chuyện tình không đặc biệt lắm. Cái mà hơi hơi là lạ ở đây có lẽ chỉ là tuổi tác của cặp tình nhân này mà thôi. Nhưng kể ra thì cũng là bình thường bởi cổ kim thiếu gì những chuyện tương tự như vậy. Nên tùy độc giả, thấy thích cái kết nào và thấy nó phù hợp với mình thì điền vào cho hoàn chỉnh câu chuyện. Xin chân thành cám ơn.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Trích “Thẩm viên”, thi phẩm nổi tiếng của Lục Du về tình sử của ông với nàng Đường Uyển.
(**) Lấy ý từ thi phẩm “Thẩm viên”:
THẨM VIÊN
Thành thượng tà dương họa giác ai,
Thẩm viên phi phục cựu trì đài.
Thương tâm kiều hạ xuân ba lục,
Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai.
Mộng đoạn hương tiêu tứ thập niên,
Thẩm viên lão liễu bất xuy miên.
Thử thân hành tác Kê sơn thổ,
Do điếu di tung nhất huyễn nhiên!
Bản dịch của Khương Hữu Dụng:
VƯỜN THẨM
Bóng xế thành hôm ốc gợi sầu,
Đài ao vườn Thẩm dấu xưa đâu?
Dưới cầu sóng biếc trông đau ruột,
Đây bóng hồng soi thoảng lúc nào?
Mộng đứt hương tan bốn chục thu,
Liễu già vườn Thẩm chẳng bay tơ.
Thân này vùi đất Kê Sơn nữa
Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu xưa!
(***) Lấy ý từ bài thơ “Tiết phụ ngâm” của Trương Tịch:
Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu,
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt
Sự phụ thệ nghĩ đồng sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.
Bản dịch của Ngô Tất Tố:
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.