Truyện ngắn của Thymianka Thảo Nguyên: KIM CƯƠNG
- Chủ nhật - 31/12/2017 19:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Thứ đã không phải là của mình thì mất hay còn cũng khác gì nhau? Và nếu anh đã mua chiếc nhẫn kim cương, thì nàng vẫn luôn là người giầu có. Chỉ cần, anh đừng tặng nó cho ai. Khó báu vẫn nằm nguyên chỗ đó”.
Áo đỏ, tóc đen và dài, sóng thẳng. Nàng bước vào gian hàng bán đồ thổ cẩm trên đường La Rambla và ngay lập tức bị hắt hơi. Có thể do mùi hương liệu thơm như mùi đền đài tẩm ướp vào tất cả mọi đồ vật trong gian hàng. Có thể do sự chênh lệch nhiệt độ từ cái máy lạnh đang chạy ro ro êm ái, một thiết bị hiện đại không thể thiếu được ở thành phố ven miền Địa Trung Hải này. Cũng có thể chẳng vì lý do nào cả. Nhưng cái hắt hơi ấy lại là cái cớ để mở ra một sự làm quen.
- Salud!
Một tiếng nói đầy ấm áp và tươi vui cất lên. Nhiều hơn cả một tiếng chào, đó gần như một lời trò chuyện, nó có âm điệu đại dương, âm điệu của những hàng cọ ven bờ biển cùng những tiếng rì rào. Poseidon (*), nàng bất giác liên tưởng.
Vốn tiếng Tây Ban Nha của nàng vừa đủ để hiểu, Salud là một lời chúc sức khỏe.
- Muchas gracias! Nàng lúng túng nói lời cám ơn.
Kho ngoại ngữ cấp tốc của nàng không nhiều hơn mấy từ cám ơn và chào hỏi. Nhưng hắn cười, và nàng cũng cười, bối rối. Nụ cười trên gương mặt màu nâu tuyệt đẹp. Rám nắng, rắn rỏi, với sống mũi dài thanh tú và đôi mắt mầu đen ẩm ướt, hắn có cái gì đó vừa hoang dã, vừa man dại và lấp lánh. Nàng thấy mình hơi lúng túng, dùng dằng hơi lâu ở gian hàng mà nàng biết mình chỉ vui chân vào ngó nghiêng chứ không định mua gì.
Nhưng không mua gì thì biết làm gì cho hết năm ngày ở Barcelona, nơi nàng trong một cơn tuyệt vọng ngẫu hứng, đã đặt vé cho một chuyến đi không định trước.
Gian hàng nhỏ, vươn dài về phía sau. Nó gợi nhớ đến những gian hàng lít nhít như những hộp diêm ken dầy đặc trên những dãy phố cổ đắt đỏ ở quê nhà. Nhưng ở đây nó có vị biển xen lẫn với mùi cà-ry hăng hắc, mùi hoa hồi và mùi quế hệt như các quán ăn của người Ấn, mùi đền đài lăng tẩm, mùi hoa cọ phả đầy trong các ngách phố, vừa ồn ào lại vừa ma mị huyền bí.
Poseidon nháy mắt với nàng:
- Cô cần tôi giúp gì không?
- Ồ không, tôi không mua gì đâu. Tôi chỉ muốn ngó qua...
- Cô có muốn uống một cốc nước mát không? Coca Cola hay nước chanh đá?
Sự nồng nhiệt thái quá của gã làm con nhím trong nàng bỗng xù lông. Thế là nhanh như lúc đến, nàng bước vội ra ngoài.
- Salud!
Một tiếng nói đầy ấm áp và tươi vui cất lên. Nhiều hơn cả một tiếng chào, đó gần như một lời trò chuyện, nó có âm điệu đại dương, âm điệu của những hàng cọ ven bờ biển cùng những tiếng rì rào. Poseidon (*), nàng bất giác liên tưởng.
Vốn tiếng Tây Ban Nha của nàng vừa đủ để hiểu, Salud là một lời chúc sức khỏe.
- Muchas gracias! Nàng lúng túng nói lời cám ơn.
Kho ngoại ngữ cấp tốc của nàng không nhiều hơn mấy từ cám ơn và chào hỏi. Nhưng hắn cười, và nàng cũng cười, bối rối. Nụ cười trên gương mặt màu nâu tuyệt đẹp. Rám nắng, rắn rỏi, với sống mũi dài thanh tú và đôi mắt mầu đen ẩm ướt, hắn có cái gì đó vừa hoang dã, vừa man dại và lấp lánh. Nàng thấy mình hơi lúng túng, dùng dằng hơi lâu ở gian hàng mà nàng biết mình chỉ vui chân vào ngó nghiêng chứ không định mua gì.
Nhưng không mua gì thì biết làm gì cho hết năm ngày ở Barcelona, nơi nàng trong một cơn tuyệt vọng ngẫu hứng, đã đặt vé cho một chuyến đi không định trước.
Gian hàng nhỏ, vươn dài về phía sau. Nó gợi nhớ đến những gian hàng lít nhít như những hộp diêm ken dầy đặc trên những dãy phố cổ đắt đỏ ở quê nhà. Nhưng ở đây nó có vị biển xen lẫn với mùi cà-ry hăng hắc, mùi hoa hồi và mùi quế hệt như các quán ăn của người Ấn, mùi đền đài lăng tẩm, mùi hoa cọ phả đầy trong các ngách phố, vừa ồn ào lại vừa ma mị huyền bí.
Poseidon nháy mắt với nàng:
- Cô cần tôi giúp gì không?
- Ồ không, tôi không mua gì đâu. Tôi chỉ muốn ngó qua...
- Cô có muốn uống một cốc nước mát không? Coca Cola hay nước chanh đá?
Sự nồng nhiệt thái quá của gã làm con nhím trong nàng bỗng xù lông. Thế là nhanh như lúc đến, nàng bước vội ra ngoài.
*
Bản chất của đàn ông là ngại mua sắm. Anh chưa bao giờ mua quà cho nàng, dù chỉ là một lọ nước hoa hay một chiếc CD nhạc. Cho nên, nàng đã không tin vào mắt mình, khi phát hiện tình cờ một chiếc hộp nhỏ bọc nhung mầu rượu chát trong chiếc cặp Samsonite của anh. Bên trong, là một chiếc nhẫn.
Lục lọi là một thói quen xấu. Đôi khi nó ẩn chứa những lời ngụy biện về sự quan tâm và nhân danh sự quan tâm, nàng chưa bao giờ lục lọi đồ của anh. Nhưng hôm đó là một ngoại lệ. Nàng thậm chí thấy xấu hổ và tất nhiên, nàng đồng lõa với anh về bí mật đó. Bí mật của anh, bí mật của nàng. Bí mật của hạnh phúc.
- Anh muốn dành cho em một sự bất ngờ, em yêu. Chúng ta đi ăn tối nhé!
Họ đi đến nhà hàng Mikoto. Cá hồi sống với mù tạt cay xé lưỡi. Sò huyết sống cùng gừng non bào mỏng. Nàng luôn thiếu cởi mở trước những đồ ăn lạ. Nhưng tối hôm ấy, nàng đã thử và thậm chí còn khám phá ra vị ngon ngọt tinh túy của sushi. Giống như khi làm tình, chỉ cần chạm vào một tầng cảm xúc mới thế là mọi rào cản được xé bỏ. Mắt nàng hình như long lanh và hai má nóng bừng. Họ uống Sa-kê Junmai hâm nóng trong những chiếc bình cổ và quỳ trên những chiếc gối phủ lụa mềm nhồi cỏ thơm, hàng thửa nhập từ Tây Tạng. Trên tường, những bức tranh “Tố Nữ Kinh” thấp thoáng hai màu trắng đen. Đấy là một nhà hàng của một tay họa sĩ ẩn danh người Tokyo trên đường Prenzlauer Alee.
Anh đưa nàng về căn hộ nhỏ của nàng ở quận trung tâm, nơi có cửa sổ trông ra ngọn tháp truyền hình nhấp nháy suốt ngày đêm. Họ gần như lăn xả vào nhau. Anh kéo tuột chiếc áo lụa mỏng qua hai vai, ngốn ngấu hai bầu vú cương cứng của nàng và tiếm đoạt nàng từ phía sau như một con thú hoang. Chưa bao giờ họ nhanh và bạo liệt như thế.
- Anh yêu, em sẽ có con mất. - Nàng thì thào, rên rỉ mãn nguyện và trần truồng dưới thân hình cao lớn của anh.
- Thì chúng ta sẽ cưới nhau. Không phải thế sao, em yêu?
“Chúng ta sẽ cưới nhau!”.
Đêm ấy, họ nghe đi nghe lại nhiều lần bản “Beautiful In White”.
What we have is timeless
My love is endless
And with this ring I say to the world
You're my every reason you're all that I believe in
With all my heart I mean every word
So as long as I live I love you.
Đó là một đêm cuối thu. Các khu rừng trong thành phố đã vàng hết lá và cửa sổ của họ có vô số những ngôi sao băng vụt qua.
Họ không nói gì về chiếc nhẫn. Mọi người đàn bà đều muốn được tặng quà nhưng không phải người đàn bà khi nào cũng muốn trói mình vào một đám cưới.
Yêu và được yêu, đó chính là những điều kỳ diệu nhất mà không phải ai cũng may mắn có được.
*
“Thuộc Địa Trung Hải. Hai nghìn năm lịch sử. Mở cửa cho mọi cải cách. Cởi mở, đa sắc tộc và phong phú. Thành phố để sống và chia sẻ”.
Lời tự giới thiệu của thành phố trên một trang Web có lẽ hấp dẫn với bất cứ một du khách nào. Nhưng với nàng lúc đó chẳng có gì quan trọng. Quan trọng nhất là một nơi để đến. Một nơi có biển để vùng vẫy. Có những kiến trúc nổi tiếng để khám phá và có cả những quán bar để giải khuây. Một nơi ngày cũng như đêm ồn ào tấp nập để người ta giết thời gian và thậm chí, cả không gian.
Barcelona là một nơi như thế.
Không bận tâm về bất cứ một vụ kiện nào, không điện thoại, không Facebook, cuộc sống giống như ngắt một công tắc điện. Phụp! Tất cả chìm vào bóng tối. Nàng nhuộm lại màu đen cho mái tóc. Mỉm cười rất tươi với từ người gác cổng đến bà hàng xóm tọc mạch dưới nhà. Tôi ổn. Tôi hạnh phúc! Mái tóc đen duỗi thẳng và màu áo đỏ thay cho một tuyên ngôn.
Và nụ cười mê hồn cùng vẻ săn đón của anh chàng chủ tiệm thổ cẩm trong một buổi chiều nắng nhạt khiến nàng đột nhiên thấy phấn chấn. Như một cái đồng hồ bị rão cót nay chợt có người vặn lại. Nó nhắc nàng là đàn bà và người đàn bà ấy, vẫn hấp dẫn thêm ít nhất một thằng đàn ông.
Trên các trang Web, đầy rẫy những cảnh báo về lũ taxi ma cô, về nạn móc túi trên đường phố. Nhưng ở khách sạn Lloret Ramblas, sự yên tĩnh biệt lập và đột ngột khiến cách biệt nàng hơi bị bất ngờ. Sau khung cửa kính, những nóc nhà tròn, những tháp chuông nhô lên như tranh vẽ. Hoàng hôn đang thẫm lại quá đỗi dịu dàng. Ban-công nhà bên cạnh trồng rất nhiều phong lữ thảo và oải hương. Những con ong loăng quăng hút mật. Không khí sạch, thơm và bầu trời yên tĩnh như thế thành phố đã ngừng thở. Nàng quẳng va li vào góc nhà, bật đại một kênh TV cho có tiếng người và cứ thế lao ngay vào phòng tắm. Tắm với nàng luôn là một nghi thức và hơn thế, tắm còn là sự thư giãn xa xỉ sau tất cả mọi chuyện.
Đẫm nước từ người đến tóc, nàng đứng ngay trong bếp, ăn ngốn ngấu cái bánh mỳ kẹp thịt cứng ngắc mua ở sân bay. Gian bếp rất xinh và tiện nghi, hai màu đen trắng giản dị. Có đủ xoong nồi, dao dĩa. Nàng chăm chăm nhìn chiếc nồi Inox nhỏ, thành cao bằng đúng gói mỳ Ý. Nó vốn sinh ra để luộc độc một món mỳ có tên là spaghetti. Hàng của hãng Ikea. Bàn tay của gã Thụy Điển này vươn dài thật. Khắp mọi nơi.
Thứ Năm nào nàng cũng ăn trưa cùng anh ở một nhà hàng Ý. Lần đầu tiên khi họ đến đấy, nàng còn chưa biết ăn pizza vì ghét cái mùi khó ưa của phó mát, thậm chí cả vị đắng dấm dẳn đánh động khứu giác của rau rucola. Sau một năm, nàng đã phân biệt được các loại pizza ở các nhà hàng khác nhau và đã nấu cho anh những món Ý với lá nguyệt quế cùng rượu chát ngon như bất cứ nhà hàng nào.
Nàng bỏ lên giường nằm, định dỗ mình vào giấc ngủ. Nhưng khi playlist tua đến bản nhạc “Beautiful In White” thì nàng đổi ý.
*
Mùa hè, Châu Âu nói chung trời rất lâu tối. Đường phố bắt đầu thưa thớt cả ôtô lẫn người dắt chó, không như Berlin, người ta nuôi chó thậm chí nhiều hơn cả nuôi trẻ con.
La Rambla đông như trẩy hội. Người và âm thanh như một dòng sông cuồn cuộn tuôn ra không ngừng từ những ngách phố. Thành phố của nàng không có một nơi nào như thế.
- Này Áo Đỏ! Cô vẽ chân dung đi. Cô nhìn kìa! Mặt trời đang lặn, đây là lúc thích hợp nhất để vẽ một bức chân dung.
Tiếng mời chào là lạ khiến nàng dừng lại trước một người thợ vẽ. Ông ta nói tiếng Anh bằng âm ngực, trầm và buồn nhưng bất giác có cái gì khiến nàng chú ý.
Xung quanh, kéo dài suốt con phố nổi tiếng này, có hàng trăm quầy vẽ như thế. Họ vẽ và không vẽ, tán chuyện với nhau, với những khách hàng đang ngồi ngay đơ làm mẫu và với những bức tượng người (**) đang lúc ế ẩm. Không thể phân biệt được đâu là họa sĩ thực thụ đâu là thợ vẽ nếu chỉ nhìn vào những hình quảng cáo. Nhưng nàng đã dừng lại.
Mới mùa hè năm ngoái thôi, ở góc nhà thờ cụt, anh và nàng cũng đã từng lang thang cả buổi. Họ ăn trưa ở một nhà hàng Ý. Món mỳ với sốt nấm truffle thơm lừng, rồi ngồi ngay chỗ đài phun nước xem người ta vẽ chân dung. Lúc đó, Berlin vẫn còn quá đỗi thanh bình. Chưa có vụ thảm sát. Và họ cũng thế, quá đỗi êm đềm bên nhau...
- Tôi không mang tiền.
Nàng giản dị thú nhận. Đơn giản vì nàng sợ bị mất cắp.
- Ô cô đây rồi, Áo đỏ! Lạy Thánh Ala, tôi biết thế nào cũng gặp được cô!
Hắn, Poseidon hiện ra ngay trước mắt nàng. Ngay lập tức nàng muốn hắt hơi, vì hình như hắn chở cái mùi hương liệu ấy đi khắp mọi nơi.
- Cô quả là biết tiêu thời gian. Một buổi tối tuyệt đẹp như thế này mà ngồi làm mẫu vẽ thì thật là nhảm quá.
- Tôi không có ý định ngồi làm mẫu vẽ. - Nàng cảnh giác.
- Thấy chưa, thưa quý ông! - Poseidon liến láu nháy mắt với ông già họa sĩ đường phố - Quý ông sẽ phải trả tiền nếu muốn cô ấy ngồi đây dù chỉ 15 phút.
- Quả thực tôi không mang tiền.
Nàng bất giác muốn được nói chuyện. Nói gì cũng được. Với ai cũng được. Miễn không phải một mình và câm lặng như một con cá chết.
- Cô có muốn uống gì không? Chúng tôi có một ít sangria (***) đây. - Poseidon lăng xăng mời chào.
- Và tôi có ghế. Ai lại bắt một người phụ nữ đẹp phải đứng thế này.
Nàng ngồi xuống chiếc ghế người họa sĩ già vừa đưa ra. Một chiếc ghế gấp màu xanh thẫm, loại ghế du lịch rất nhỏ và tiện lợi, vẫn để cho khách ngồi làm mẫu vẽ. Poseidon mở cái thùng nhỏ bên cạnh ông già. Đó là cái thùng giữ lạnh của dân du lịch. Đá cục và những chiếc ly thủy tinh xếp rất ngay ngắn. Những chiếc cốc rẻ tiền nhưng trông sạch sẽ phong lưu không giống chủ nhân của nó, một người vẽ tranh trên đường phố.
Anh thích uống whisky với đá, thật già. Những viên đá lanh canh reo vui mỗi lần anh lắc lắc và chạm môi thật sành điệu vào thành ly. Khi anh hôn nàng, nụ hôn vẫn còn thoảng vị rượu, đôi khi có cả bạc hà nếu hôm đó họ cùng uống cocktail. Môi anh mát lạnh, dịu dàng và đam mê. Hơi thở anh ấm nóng phía sau tai, bao giờ nàng cũng gai người lên và tham lam cuốn lấy môi anh, rồi họ cùng trượt vào vùng ân ái cho đến khi cả hai cùng mệt lử.
Đã hai năm. Bốn tháng. Và 16 ngày.
*
Nàng cầm cốc rượu trên tay, tò mò ngắm nhìn những lát dứa và dâu đất ngập trong lớp vang đã chuyển sang màu đỏ rực.
Lần đầu tiên, nàng biết đến một thứ đồ uống như thế. Ngọt, thơm, rực rỡ đến nỗi nàng vừa nhấm nháp nó trong miệng, vừa bất giác đu đưa theo một điệu nhạc đang tuôn ra không biết từ góc nào.
- Khi cô lim dim thế này này (ông họa sĩ diễn tả một điệu bộ), trông cô như một thiên thần ngái ngủ. Tôi muốn vẽ cô như thế.
- Tôi vừa lim dim? - Nàng hỏi.
- Đúng vậy. Có những người đàn bà khi buồn trông rất quyến rũ. Nhưng cô thì không. Trông cô tệ đến mức tôi thà nhìn thấy cô say.
- Một người đàn ông? - Đột ngột Poiseidon lên tiếng.
Nàng không nhận ra là mình không đung đưa nữa. Im lặng, nàng đưa cốc rượu lên, uống cạn. Không nhiều nhặn gì.
- Vẽ tôi đi. Tôi sẽ trả tiền khi về lại khách sạn. Nhưng nói trước, tôi sẽ không trả tiền nếu ông không lột tả đúng tôi bây giờ.
- Tôi không phải là Picasso, Áo Đỏ. Nhưng vì một gã nào đó mà cô đầy đọa mình thì quá uổng.
- Không phải vì đàn ông. Mà là, vì một chiếc nhẫn.
*
Cô ta có mái tóc màu cỏ cháy. Hình như đã lâu không được nhuộm lại, cằn cỗi và có vẻ thiếu sự chăm sóc. Đôi mắt xếch, mũi tẹt, mặt phẳng lỳ và làn da thì luôm nhuôm, không ra đen, không ra xỉn. Đàn bà mắt xếch luôn chủ động, nhất là trong ái ân. Một ông thầy tướng đã viết như thế trong một cuốn sách rẻ tiền dậy người ta tự xem chỉ tay và tướng số các loại hầm bà làng mà nàng đọc trong lúc đi toilet ở nhà một người bạn. Nàng không biết cô ta có chủ động hay không, đơn giản mắt xếch này xấu, nó làm cô ta khó gần.
Một buổi sáng, cô ta đến văn phòng luật sư vì vụ ly hôn và phân chia sản.
Cuộc ly hôn không rắc rối. Cô ta có bằng chứng về sự ngoại tình của ông chồng. Tòa xử cho cô được nuôi con, được giữ lại chiếc xe BMW thể thao, cửa hàng làm móng tay và thậm chí cả căn hộ. Đây là một vụ khá đơn giản, và thân chủ đã được phân xử rất hời. Nơi này luật pháp luôn bảo vệ đàn bà, nhất là đàn bà đang nuôi con. Đàn ông kết hôn luôn gánh chịu những rủi ro và nếu còn có con chung nữa thì thật thảm.
- Em yêu, cô ấy mời mình đi ăn.
- Ăn mừng ly hôn?
Nàng hỏi giễu cợt. Không hiểu sao, nàng luôn giữ khoảng cách với đàn bà bỏ chồng hay là chồng bỏ, như nhau cả thôi.
- Gần như thế. Nhưng quan trọng là cô ấy mời. Anh vừa sửa cà vạt, vừa bảo nàng.
- Không phải là ngay bay giờ chứ? - Nàng vẫn giễu cợt, ngắm nhìn cái cà vạt mới của anh. Nó bằng lụa màu lam có những hoa văn chìm rất nhã của Marc O'Polo. Họ đã mua nó trên đường Friedrich trong một ngày thu rất vàng, sau đó cùng xem ca nhạc tạp kỹ ở Friedrichstadtpalast, đi dạo bên bờ sông và rồi, bất ngờ làm tình ở một khách sạn mà họ thuê vội ngay gần đó.
- Không phải ngay bây giờ. Tối nay em ạ.
“Quan trọng là cô ấy mời”. Có thật quan trọng đến thế không? Nàng nhận ra mình hoàn toàn không muốn hy sinh một buổi tối quý giá chỉ vì mắt xếch mũi tẹt đã được ly hôn.
- Em nghĩ là cô ấy muốn anh thôi. Mình anh. Vả lại, tất nhiên là anh biết cách an ủi cô ấy, hơn em - Nàng nói với vẻ hiểu biết đầy bao dung.
Tối hôm ấy nàng được hưởng một buổi tối yên tĩnh. Nhưng nàng không hoàn toàn tĩnh tâm như nàng tưởng. Anh mặc chiếc sơ mi màu xanh nhạt của Lacoste mới mua, nước cạo râu Dior Homme ngầy ngậy thơm và hoang đàng ngọt. Ý nghĩ rằng anh sẽ bị trừng phạt vì cả buổi tối phải đối diện và chịu đựng mắt xếch mũi tẹt khiến nàng khoan khoái pha lẫn nỗi kẻ cả cao thượng. Nàng cho phép mình cao thượng bởi nàng biết, đàn ông không dễ bị mê hoặc bởi một người như thế. Nàng đánh giá thấp phụ nữ xấu và vô duyên. Mà cô ta, thậm chí có cả hai.
*
- Vì nhẫn kim cương à. Vụ này rắc rối đấy. Nó có đáng giá không?
Người họa sĩ hỏi nàng. Ông ta đội cái mũ nan màu nâu có đính ba cái lông chim. Với một số đức tin, lông chim thường có ý nghĩa xua đuổi tà ma gì đó, ít nhất cũng là trong những giấc mơ. Nhưng ở đây, có vẻ cái mũ được đặt lên đầu chủ nhân một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Ông ta mặc cái sơ mi cũng màu nâu, da cổ đỏ au, da mặt lại nâu bóng và nụ cười bình thản, cam chịu. Họa sĩ rót thêm một ít sangria vào cái cốc của nàng. Quả là tuyệt diệu. Một đồ uống tuyệt hảo. Ngọt, thơm và bồng bềnh sảng khoái. Mãi sau này nàng mới biết, đó chỉ là một thứ rượu vang hổ lốn pha với nước quả ép, dầm thêm hoa quả xắt nhỏ và đá lạnh. Một sáng tạo đầy ngẫu hứng của xứ nóng. Thế mới biết, rượu ngon chưa chắc đã phải vì rượu ngon, rất có thể chỉ vì tâm trạng và vì người cùng uống.
- Này cô. Tôi vẫn nghĩ là cô thất tình. Dù cô vừa nhắc đến cái nhẫn kim cương.
Posaidon vừa cò kéo một khách hàng nào đó vào vẽ tranh, vừa nói với nàng. Trông mình có giống một kẻ thất tình không? Nàng có cử chỉ như muốn đứng lên, nhường chỗ cho vị khách mới. Nhưng bà ta đã bỏ đi, sau khi liếc vào mấy tấm tranh mẫu đặt ngay trên nền đường. Người họa sĩ vẫn trầm ngâm, không mời chào, không níu kéo. Rượu làm ông như chìm xuống.
- Ông có thể vẽ tôi, nếu ông muốn. Tôi sẽ trả tiền. - Nàng bảo.
Gã Poseidon quay lại chỗ hai người. Đột nhiên, hắn nhăn nhở bảo nàng:
- Này cô em. Tôi phục vụ tốt không kém bất cứ một con đực nào. Chất lượng hoàn hảo. Giá cả phải chăng thậm chí miễn phí, nếu cô đã có phòng. - Gã nháy mắt với nàng.
Nàng cảm thấy buồn nôn. Gương mặt điển trai, đôi mắt rì rào sóng biển và mùi trầm hương từ cái thân hình uyển chuyển thật ra chỉ bao bì của một ma cô chính hiệu. Mồi chài, đưa khách, và đĩ đực.
Hắn quay sang người họa sĩ, cau có nói gì bằng ngôn ngữ của họ. Ông già không trả lời, bình thản gạt tay một cái, ý như muốn nói, hãy để cho cô ấy yên.
Nàng phải về khách sạn thôi. Nơi trú ẩn an toàn của nàng. Nỗi đau của nàng dù sao cũng là nỗi đau người nhất, không lừa mị, không đểu cáng và trơ trẽn thế này.
Nhưng nàng chưa kịp đứng lên thì đã gập bụng xuống và cứ thế, nôn thốc nôn tháo. Rượu vang đỏ loét bắn cả lên chân nàng, trông như những giọt máu.
*
Phụ nữ thành đạt không đeo kim cương. Họ chỉ sở hữu chúng. Một ai đó đã nói thế với nàng.
Nàng không đeo kim cương. Nàng cũng chưa bao giờ tự hỏi nàng có thích chúng hay không. Nhưng anh đã mua và nàng đã tin một ngày nào đó, chúng sẽ thuộc về nàng.
Chiếc nhẫn hẳn nhiên bằng bạch kim hay có thể là bạc, nàng không chắc, vì nàng không đeo vàng, nàng không thích cái màu sắc huênh hoang của chúng. Chiếc nhẫn kim cương này thì khác. Nó vừa khít trên ngón tay áp út của nàng, số 50, mảnh dẻ với một hạt nhỏ xíu gắn trên hình một trái tim. Hẳn là anh đã lựa cho riêng nàng. Chiếc nhẫn thật khác biệt. Mà đàn bà, đôi khi chỉ cần sự khác biệt.
Nàng đã hạnh phúc biết bao bởi nàng biết mình hạnh phúc. Đó là thứ hạnh phúc bao gồm của cả cảm xúc và lý trí.
*
Buổi trưa, thành phố ven biển này đi ngủ. Giấc ngủ nhẹ nhàng như sóng biển, nhàn tản và hoang phí. Các cửa hiệu đều đóng cửa, ngay cả chó cũng vắng bóng trên những ngách phố đan nhau như ô bàn cờ. Chỉ có xe buýt chạy trên đường và khách du lịch nhất định không chịu quay về khách sạn vì tiếc thời gian.
Sau khi chui vào viện bảo tàng Picasso, ăn hai cốc kem xoài và làm một miếng pizza cay xé lưỡi ở một cái Kios nhỏ bên đường, nàng đột nhiên chú ý đến lối phục sức lạ mắt của một bà già nhỏ thó ngồi dưới bóng cây cọ. Bà ta cầm một nắm chỉ màu cho một cô gái trẻ, dáng chừng là khách du lịch, chọn lựa. Bằng kinh nghiệm, nàng nhận ra ngay là họ đang xem bói. Không phải bài tây, không phải Ta-rốt, cũng không phải chỉ tay. Mà là những sợi chỉ màu.
Đàn bà ở đâu và bất cứ khi nào cũng giống nhau: Cả tin, tò mò và đầy rẫy sự hoang tưởng. Họ không tin vào bản thân mình, họ tin vào những giả định do người khác tạo ra. Họ trả tiền cho sự bình an giả tạo nhưng nhiều hơn cả, là mua lấy sự lo âu.
Họ thầm thì với nhau những gì, nàng không nghe rõ. Bàn tay xương xẩu của bà lão thoăn thoắt buộc những sợi chỉ màu vào cổ tay cô gái, điệu bộ trang nghiêm ma thuật như đang trang điểm cho một con dê tế thần. Cô gái vẫn còn lưu luyến khi đứng lên, sau khi đưa cho bà lão Tzigane một tờ mười Euro.
- Tôi cũng muốn xem. Bà có thể nói được những gì? Với mười Euro?
- Tình duyên mười Euro. Những thứ khác còn lại, mỗi thứ năm Euro.
“Đồ giết người!”. Nàng lẩm bẩm bằng tiếng mẹ đẻ. Và ngồi xuống.
- Thôi được. Ta bắt đầu bằng năm Euro. Nếu sai, bà phải trả lại tôi tiền. - Nàng giao hẹn với vẻ lưu manh đường phố mới học được.
- Cô đến từ một nơi rất ít ánh nắng. Cô vừa bị mất một thứ không phải là của cô. Cô đang rất giàu có mà cô không biết.
Bà lão Tzigane cất giọng rè rè không âm sắc. Mắt bà ta như mắt chuột, nhỏ, đen và sắc. Bà ta nhìn nàng, cái nhìn đầy chăm chú, dò xét. Lòng đen mở to, choán gần hết lòng mắt, và đặc biệt, nó long lanh như thể đang ứa nước. Cái nhìn đầy uy lực khiến nàng thấy rờn rợn, giống như đang bị thôi miên.
- Thật nhảm nhí. Tôi đến từ Châu Á, bà biết chứ, Châu Á, nơi có mà thừa nắng. Thứ đã không phải của mình thì làm sao có thể mất và, nói để bà biết, tôi rất nghèo. Tôi thậm chí còn chưa là nhân viên chính thức ở nơi mà tôi vừa ra đi.
Nàng thả vào bàn tay nhăn nheo của bà lão tờ năm Euro với dáng vẻ của người vừa thoát hiểm.
- Này cô gái. Cô còn chưa rút sợi chỉ màu.
- Thấy chưa! Bà chưa thật sự xem cơ mà! - Nàng vội vã đứng lên.
- Con gái! Mua một cốc cà phê ở cái quán góc đằng kia và uống đi, rồi đưa cho ta chỗ cặn còn thừa dưới đáy cốc. Ta sẽ nói cho cô tất cả và chỉ lấy hai mươi Euro. Phải, tất cả! Tại ta thích cô. Ta thích màu tóc đen và cái áo đỏ như phù thủy của cô.
Nhưng nàng đã bước đi, vội vã gần như chạy trốn.
*
- Tôi đến để cám ơn ông về chuyện hôm trước. Ông thật tử tế. Ông đã đưa tôi về khách sạn.
Nàng tìm đến ông họa sĩ già trên đường La Rambla với chai rượu vang Bordeaux 2010. Ông đang có khách vẽ. Một bà mẹ trẻ mặt đầy tàn nhang ngồi đợi cô con gái vẽ chân dung. Cả hai mẹ con trông đều rất buồn và mệt mỏi. Con bé chốc chốc lại ho như một bà cụ, vặn vẹo khổ sở nhưng vẫn ngồi trên ghế. Bà mẹ ngồi bệt trên đường, gặm một bắp ngô luộc, thỉnh thoảng lại ngó sang bên kia đường. Những người da đen bán hàng nhái bày trên một tấm vải bạt hình tròn có luồn dây. Cảnh sát đến, họ giật một cái như làm xiếc, tất cả gom lại thành một cái túi khổng lồ và nhanh như những con sóc, họ vất lên vai, lẫn ngay vào đám đông hay chui tọt xuống ga tàu điện ngầm. Ngay trên gác, Viện Bảo tàng Tình dục danh tiếng phấp phới những chùm bóng bay hình tim đỏ choét và những con số 69 lõa lồ chẳng hiểu sao lại đính vô tội vạ ở mấy ô cửa sổ.
Nàng mua cho con bé cái kẹo bông to như quả bóng màu hồng ở ngay bên cạnh, mỉm cười với nó. Tại sao người ta lại hành hạ trẻ con như thế? Bắt nó ngồi bất động hàng tiếng đồng hồ để vẽ, trong khi chụp một tấm ảnh chỉ mất không đến năm giây. Có khác gì nhau đâu?
- Hôm nay thế đủ rồi. Cháu đi chơi đi.
Ông già nói với con bé. Chỉ đợi có thế, nó nhảy tót khỏi ghế, vục mặt vào cái kẹo và ăn như một con gấu chết đói. Mồm nó nhanh chóng nhoe nhoét màu hồng. Nó cười với nàng. Nụ cười trông như hề.
Không liếc nhìn nàng, khi hai mẹ con đã đi khỏi, ông chậm rãi:
- Con bé bị ung thư xương. Họ cần tiền để chữa. Hai mẹ con nó ngày nào cũng ăn xin ở góc phố đằng kia. Thằng ma cô hôm nọ vẫn kéo khách cho tôi, ăn chia 7/3. Nhưng hai mẹ con này, tôi giúp họ.
Rồi, ông nói thêm, giọng vẫn không âm sắc:
- Ai cũng cần một cái gì đó, con gái ạ. Người này thì tiền, người kia sức khỏe, người khác thì hạnh phúc. Người khác nữa lại là kim cương. Đúng thế không con? Vấn đề là ta phải biết ta cần gì.
Nàng vội đưa mắt tìm hai mẹ con. Ung thư xương ư? Họ đã đi khuất về phía bức tượng Colombo. Ở đó đang rộn ràng tiếng reo hò nhảy múa của đám tượng người.
Nàng đột ngột đề nghị:
- Bác vẽ cháu đi. Mấy bức cũng được. Nhanh lên bác, trời sắp tối rồi.
Ông già nhặt những thỏi màu, vẫn chậm rãi như không có gì phải vội. Những nét ký họa bắt đầu nhảy nhót trên nền giấy lụa. Đỏ và đen.
Đến tối, khi thành phố lên đèn thì ông vẽ được ba bức cả thảy. Áo đỏ, tóc thẳng và đen như đêm Mê-hi-cô xõa trên vai. Ở bức cuối cùng, ông vẽ thêm bàn tay nàng. Trên ngón tay áp út, một cái nhẫn kim cương.
Ông rót một ly sangria cho mình và cho nàng. Thứ đồ uống bình dân đã từng đánh gục nàng một lần, thơm ngọt lạ lùng.
- Kim cương vốn không quý đến thế đâu nếu nó không để cho ánh sáng xuyên qua. Nó cứng cỏi và đơn độc đến nỗi chỉ bị trầy xước bởi chính những viên kim cương khác mà thôi.
Ông nhìn nàng, đôi mắt thấu hiểu và đầy cảm thông như thể đọc được tất cả mọi điều.
- Con người ta cũng vậy. Cương cường quá làm sao có hạnh phúc, con gái? Mà đã có trên tay rồi, sao lại để người khác lấy mất đi?
Nàng ngắm ông lão, ngắm chiếc mũ lông chim và làn da cổ đỏ au. Không hiểu ông là ai: họa sĩ đường phố, phù thủy, triết gia. Hay cả ba.
Ông vẫn chậm rãi, mắt không nhìn nàng:
- Cái không phải của mình, thì đừng cố lấy, vì lấy được cũng không giữ được. Nhưng thứ đã là của mình, không được để mất, con gái ạ. Hãy tìm lại và hãy giữ cho thật chặt.
Nàng cảm thấy như thể bức màn ơ hờ phía trước mặt vừa được vén lên. Giống như khi thiền định, lúc bơi vào vùng sáng và ở đó, chỉ còn sự tĩnh lặng.
Rồi, ông hỏi đột ngột:
- Tại sao lại là kim cương?
Nàng trả lời sau mấy phút im lặng:
- Anh ấy có một chiếc nhẫn bí mật. Cháu đã tin chắc đó là một sự bất ngờ dành cho cháu. Nhưng rốt cuộc, tình cờ cháu thấy nó trên ngón tay một người đàn bà khác. Cô ta là khách hàng của anh ấy.
Nàng ngẩng lên, cố không để nước mắt rơi xuống. Nàng đã quên mất một điều, anh vốn không đủ lãng mạn như nàng tưởng tượng. Anh, con người của công việc. Và nàng cũng không nói với ông rằng, nàng không biết và cũng không muốn biết, ngoài bữa ăn mừng ly hôn ấy, họ còn hẹn hò lần nào nữa không. Nhưng nàng biết chắc, nếu cô ta trông không quá tệ, hẳn nàng đã không cảm thấy bị xúc phạm đến thế. Lòng kiêu hãnh của nàng bị tổn thương. Hơn cả sự tổn thương, nàng thấy ghê tởm “họ” - cả hai.
Nàng đã không cho anh có bất kỳ cơ hội giải thích nào.
Ông già uống cạn ly rượu. Nàng cũng uống. Một người khách đến vẽ tranh, ông xua tay:
- Hôm nay tôi bận rồi. Và cũng muộn rồi. Thôi để mai.
Rồi, ông nhìn nàng chăm chú và mỉm cười. Nụ cười hiếm hoi:
- Có thể nó vẫn nằm nguyên chỗ đấy. Vả lại, đâu phải chỉ có một cái nhẫn kim cương?
*
Ngay hôm sau, nàng quay về Berlin, sớm hơn dự định hai ngày.
“Cô đến từ một nơi rất ít ánh nắng. Cô vừa bị mất một thứ không phải là của cô. Cô đang rất giàu có mà cô không biết”.
Berlin quả thật không nhiều ánh nắng. Thứ đã không phải là của mình thì mất hay còn cũng khác gì nhau? Và nếu anh đã mua chiếc nhẫn kim cương, thì nàng vẫn luôn là người giầu có. Chỉ cần, anh đừng tặng nó cho ai. Khó báu vẫn nằm nguyên chỗ đó.
Khi xe taxi đi qua La Rambla, nàng xuống chào người họa sĩ già. Chiếc mũ nan đính ba cái lông chim không có ở đấy. Người ta bảo, chưa bao giờ ông nghỉ một ngày nào, bất kể mưa hay nắng.
Thốt nhiên, nàng muốn uống một cốc cà phê và mang chỗ cặn thừa đến chỗ bà lão Tzigane. Nhưng tất nhiên, không kịp nữa rồi.
(Những ngày ở Barcelona)
Ghi chú:
(*) Poseidon: Là anh trai của Thượng thần Zeus, em trai của Hades. Ông được chọn là vị thần bảo hộ cho nhiều thành phố của Hy Lạp. Tiếng Việt còn dịch Poseidon và Neptune là Hải Vương thần hoặc Vua Thủy tề.
(**) Tượng người: Những người nghệ sĩ đường phố hóa trang thành những bức tượng như những nhân vật trong truyện cổ tích, hay những nhân vật trong phim.
(***) Sangria: Là tên một loại đồ uống nổi tiếng có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, được làm từ rượu vang và trái cây tươi.