Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Ngọc: SƯƠNG
- Thứ bảy - 10/01/2015 17:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Ba năm rồi mà cháu vẫn nhớ anh ấy lắm cô ạ! Có khi nào cháu sẽ nhớ anh ấy suốt đời không cô?”.
- Cô ơi, cô có bận không? Ngồi nói chuyện với cháu một chút được không?
Sương - cô bé hàng xóm rụt rè bước vào nhà mình hỏi vậy. Nhìn nét mặt cô bé rất buồn, không thấy nét tươi vui tinh nghịch hàng ngày đâu. Mình nhận lời cô bé và hai cô cháu lên phòng.
Sương vừa học xong lớp 12 năm ngoái, thi trượt đại học giờ cháu đang đi học và làm về nghề tóc. Cháu nói sẽ không thi đại học nữa mà chuyên tâm vào nghề vì có học đại học ra chắc chắn không xin được việc, chi bằng chú tâm vào một nghề để kiếm sống ngay từ bây giờ còn hơn.
- Cô ơi, khi cô cảm thấy người yêu mình không còn yêu mình nữa, cô sẽ làm gì?
Mình khép cửa và bảo:
- Thì bỏ chứ làm gì.
Ngày xưa khi gặp những ca thế này mình hay phân tích, khuyên giải cặn kẽ để nhân vật nhìn rõ vấn đề, nhưng rồi mình nhận thấy hỏi thì hỏi vậy, thắc mắc thì thắc mắc vậy chứ mỗi người đều đã có một quyết định sẵn của mình rồi. Dù mình có phân tích, giảng giải điều gì đi chăng nữa nhưng nếu nó không đúng với suy nghĩ của nhân vật thì họ cũng chỉ vâng, dạ, ngoan ngoãn như là nghe lời mình nhưng rồi sau đó họ vẫn làm theo ý họ. Từ khi nhận ra điều đó, mình không mất công làm những việc ấy nữa. Giờ với Sương, mình cũng sẽ thế, vì mình biết Sương đã có quyết định cho việc của mình rồi.
Sương nằm ghé xuống giường mình.
- Cháu cũng biết vậy, cũng nghĩ vậy nhưng cháu không thể làm được cô ạ. Cứ nghĩ sẽ không là gì của nhau nữa là nước mắt cháu cứ thế chảy ra và tim cháu như có ai xoắn lại…
Mình buông câu:
- Thế thì lại cứ để như thế, không chia tay nữa.
- Nhưng cứ để như thế cũng buồn lắm cô ơi. Anh ấy lạnh nhạt và hờ hững với cháu lắm. Cô sẽ bảo “thế thì chia tay” đúng không?
Mình suýt phì cười, vừa mới bắt đầu câu chuyện cô bé đã thuộc bài của mình. Mình ngồi xuống cạnh Sương:
- Cô nghe đây, kể đi nào.
- Anh ấy vẫn liên lạc với cháu hàng ngày, cuối tuần vẫn từ Phủ Lý đi lên đây chơi với cháu một ngày rồi về. Vẫn mua quà cho cháu những dịp lễ lạt hay hứng chí nhưng cháu cảm thấy nó hờ hững thế nào ấy. Cái này không tả được mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được thôi cô ạ.
- Cháu nói rõ hơn được không?
- Ví dụ cô nhé, hai đứa đi chơi thì toàn cháu nói, anh ấy chả nói gì cả, chỉ mỗi việc nghe cháu nói và trả lời những câu hỏi của cháu thôi.
- Thế thì cháu không nói nữa.
- Cháu biết ngay cô sẽ nói câu đó. Cháu không nói nữa thì anh ấy cũng im lặng luôn. Im lặng suốt cả buổi ấy, hoặc thi thoảng nói những câu chả ăn nhập vào đâu. Cháu thấy thế nào ấy, thế là cứ cố nói, kể đủ thứ chuyện, nhiều lúc hết chuyện lại cố nghĩ xem có chuyện gì mới nữa không để kể anh ấy nghe. Cháu cảm giác cháu hoàn toàn không có trong suy nghĩ của anh ấy, anh ấy đi bên cháu nhưng tâm tư để ở đâu đó.
- Lúc nãy cháu nói anh ấy vẫn liên lạc với cháu hàng ngày, vậy lúc liên lạc anh ấy nói gì?
- Ngày nào cũng nhắn tin cho cháu, nhưng chỉ là những tin vu vơ chả liên quan gì cả, ví dụ “đang ăn cơm”, nhận được tin nhắn cháu chán chả muốn trả lời cô ạ, và cháu không trả lời thì thôi cả ngày sẽ chả nhắn gì nữa cả. Thế là cháu lại cố trả lời: “Anh ăn cơm với gì vậy?”, thì anh ấy trả lời: “Gà”. Cô ơi cháu nản lắm ấy, lúc nào cháu cũng phải cố, đi chơi thì cố nói chuyện để hai đứa cùng nói, nhắn tin thì cũng phải cố để cuộc nhắn tin nó dài. Cháu lại nhắn: “Ngon không anh?”, anh ấy trả lời “Ngon”. Thế là thôi, cháu hết kiên nhẫn cháu dừng và cả ngày sẽ không liên lạc gì với cháu nữa. Cháu cảm giác anh ấy không có chuyện gì để nói với cháu ấy.
- Thế ngày xưa thế nào?
- Ôi cô ơi - Sương ngồi nhỏm dậy -, ngày xưa gọi điện nói chuyện với cháu cả mấy tiếng đồng hồ cô ạ, gặp nhau thì kể đủ chuyện, không lúc nào hết chuyện. Lúc nào cũng như không đủ thời gian bên nhau ấy. Sáng chưa dậy đã thấy nhắn tin cho cháu với những lời lẽ tình cảm lắm. Cả ngày lúc nào cũng tìm cách liên lạc với cháu, trên mọi phương diện, nói chung là liên tục và khắp mọi nơi. Ngày đó cháu hạnh phúc lắm cô ạ… - cháu cười hí hí. - Cháu thấy mình may mắn thế.
- Cậu ta bắt đầu lạnh nhạt với cháu từ khi nào?
- Từ khi chuyển công tác về Phủ Lý cô ạ. Cũng phải mấy tháng sau cháu mới nhận ra sự lạnh nhạt và hờ hững của anh ấy. Lúc đầu cháu nghĩ anh ấy bận vì công việc mới, nơi làm việc mới nên cháu lại cố. Nhưng càng ngày thì sự lạnh nhạt càng rõ.
- Vậy chắc cậu ta có người yêu khác và chán cháu rồi.
- Đúng đấy, cháu cũng nghĩ thế đấy. Và cháu còn nghĩ là anh ấy đang cố tình làm như thế để cháu chia tay trước, anh ấy không dám chia tay cháu vì sợ cháu đau khổ đấy.
- Vậy thì chia tay thôi, giữ làm gì?
Cháu ngồi im mặt lại buồn mênh mông:
- Cháu nghĩ đến điều này nhiều lần rồi, nhưng chưa làm được…
*
Bẵng đi rồi mình cũng quên chuyện này vì mình biết mỗi người đều có quyết định riêng không phụ thuộc vào người tư vấn. Đến một ngày đầu năm mới, lúc đi ăn cỗ về bà hàng xóm kéo mình vào nhà:
- Con Sương nó bị ốm từ hôm Noel đến giờ, cứ nằm trong phòng, nghỉ làm. Cô rảnh sang động viên cháu hộ tôi.
Mình vội leo lên phòng cháu, cháu gày xọp đi, mắt thâm quầng, tròng mắt như lồi ra. Mình đặt tay lên trán cháu, trán mát lạnh, cháu nói rất nhỏ:
- Cháu chia tay rồi cô ạ.
Mình nắm chặt tay cháu:
- Thật á?
- Vâng, hôm Noel cô ạ.
Mình ngồi ghé vào giường cháu, vén nhẹ những sợi tóc xòa lên mặt.
- Hôm đó anh ấy lên Hà Nội sớm lắm, nói hai đứa đi chơi sớm để về không đêm tắc đường. Vẫn tặng quà Noel cho cháu cô ạ và cháu bảo anh ấy là chia tay nhau.
Cháu nói nhỏ đủ mình nghe, đến đây thì cháu dừng lại, dừng rất lâu. Mãi sau mình mới dám hỏi:
- Phản ứng của cậu ta thế nào?
- Không phản ứng gì, cháu nói xong anh ấy ngồi im lặng, cứ ngồi thế thôi không nói gì. Lúc đó cháu thấy lòng trống rỗng vô cùng, anh ấy không hỏi lý do, không phản ứng, đến lúc cháu bảo anh ấy đi về đi, mãi sau anh ấy đứng lên đi về và lúc đó mới nói: “Anh tôn trọng quyết định của em”.
Lại im lặng rất lâu rồi cháu thì thào:
- Cô ơi, vậy là anh ấy chờ điều này lâu lắm rồi ấy cô nhỉ?
Mình nắm chặt tay cháu:
- Cháu thật là dũng cảm!
- Không dũng cảm đâu cô, tình thế đến lúc buộc phải như thế, không thể kéo dài được nữa. Rồi cháu sẽ quên anh ấy thôi cô nhỉ? Cô biết không, lúc anh ấy đi ra đến cửa ngừng lại một lúc quay vào và bảo: “Anh có thể ôm em lần cuối không?”, cháu gật đầu, anh ấy quay lại ôm cháu rất chặt. Lúc đó cháu thấy đau đớn trong lòng lắm, nhưng cháu nghĩ rồi, khi người ta không còn tình cảm với mình, họ đã muốn ra đi mình cứ cố níu kéo mãi cũng chẳng làm gì được. Rồi anh ấy đi. Suốt đời chắc cháu không quên được giây phút đó cô ạ. Mùi cơ thể của anh ấy đến giờ vẫn quẩn quanh người cháu.
- Mình đi ra ngoài chơi và ăn cái gì đi?
- Thôi cô ạ, giờ cháu không có tâm trạng để làm gì hết, cháu chỉ muốn ngủ một giấc dài và khi tỉnh dậy cháu không nhớ gì nữa cả. Cháu nhớ anh ấy lắm cô ạ. Cháu nhớ lắm… nhớ không chịu nổi… anh ấy đối xử với cháu vậy không hiểu sao cháu lại vẫn yêu thế chứ.
- Thế từ hôm đó đến giờ cậu ta có liên lạc gì với cháu không?
- Không cô ạ, không gì cả, im lặng luôn từ hôm đó. Mà cô ơi, sao anh ấy không nói với cháu khi không còn tình cảm với cháu nhỉ? Lại cứ để như thế cho đến lúc cháu không chịu được, cháu buộc phải chia tay nhỉ?
- Cô không biết Sương ạ. Cháu giỏi lắm, làm được cái việc mà nhiều người không làm được. Rồi mọi chuyện sẽ qua… quy luật đương nhiên là nó thế.
*
Rồi Sương cũng quay trở lại công việc, chỉ là lầm lì và ít nói hơn, không còn hớn hở và nhí nhảnh nữa, nỗi đau đã làm cho cô bé mười chín tuổi già đi trông thấy. Thi thoảng buồn cháu vẫn lên phòng mình, nằm ôm mình và nói vẫn nhớ cậu kia. Có điều tuyệt nhiên mình chưa nhìn thấy Sương khóc bao giờ, mặc dù nhiều khi thấy cháu buồn quá mình bảo cháu khóc đi, khóc sẽ làm lòng nhẹ đi đấy. Nhưng cháu nói cháu không khóc được. Người cháu bé lại càng bé cứ gầy sắt lại.
Gần hai năm sau cháu lấy chồng, cháu đã có một cửa hàng về tóc của riêng mình, một cửa hàng nhỏ trong con ngõ nhỏ, cháu vẫn ước mơ học chuyên sâu về tóc và sẽ mở một salon riêng của mình. Giờ cháu đã có một bé gái năm tháng, nhưng thi thoảng những lúc gội đầu cho mình, cháu vẫn nói cháu nhớ cậu kia lắm. Nhiều lúc nhớ đến thắt lòng lại. Mình cũng hỏi cháu xem từ hồi đó hai người đã liên lạc với nhau lần nào không thì cháu nói là không, không hề liên lạc một lần nào, và cháu cũng không hề gọi cho cậu ấy một lần nào.
- Nếu nhớ quá thì cháu cứ gọi có sao đâu? - mình khuyên cháu vậy.
Cháu bảo:
- Không cô ạ, chả để làm gì cả.
*
Mình sẽ không bao giờ kể lại câu chuyện này, nếu như những ngày cuối năm nay mình không phải lên Công viên Vĩnh Hằng liên tục vì chút việc riêng.
Trong lúc chờ đợi công việc, mình tha thẩn đi các mộ chung quanh, tò mò hỏi họ làm đá gì, hết bao nhiêu tiền rồi đứng đọc bia xem người mất là ai, bao nhiêu tuổi.
Đến một khu mộ gia đình rất rộng mới có đúng một ngôi, mộ được làm bằng đá vân mây rất đẹp, lẩn mẩn ngó vào tấm bia đang được đặt tạm phía trên mộ, mình tròn hết cả mắt khi nhìn thấy ảnh cậu người yêu của Sương. Vội đọc thông tin phía dưới ảnh, mình không thể tin nổi vào những gì ghi ở đấy: đúng họ, đúng tên, đúng năm sinh!
Là cậu ấy rồi! Trời ơi! Vậy mà Sương không hề biết điều này, đến tháng 3 năm sau là tròn ba năm, vậy là sau khi chia tay Sương được ba tháng thì cậu ấy mất.
Mình hỏi bác đang làm mộ có biết vì sao cậu này mất không? Bác ấy nói là bị ung thư gì đó, thấy gia đình nói thế. Có lẽ nào biết mình sẽ ra đi nên cậu ấy đã cố tình làm như vậy với Sương?
Mình bấm số của Sương rồi lại tắt đi, cứ như thế mình không biết phải làm gì cả. Nói cho Sương biết hay không nói cho Sương biết?
Nếu Sương biết thì cuộc sống của Sương sẽ thay đổi thế nào? Tốt lên hay xấu đi?
Mình cứ trăn trở vậy suốt dọc đường về, kể cả lúc nằm dài trên ghế để Sương gội đầu mình vẫn không hình dung nổi Sương sẽ như thế nào khi biết về cậu ấy.
Thi thoảng, Sương vẫn thì thầm vào tai mình: “Ba năm rồi mà cháu vẫn nhớ anh ấy lắm cô ạ! Có khi nào cháu sẽ nhớ anh ấy suốt đời không cô?”.