Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Phương: VỞ KỊCH
- Thứ ba - 05/01/2010 16:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Và tất nhiên là “trong phòng ngủ” thì bao giờ cũng phải có một cái giường ngủ. Đấy là một cái giường đôi, model hay không thì chưa biết nhưng chắc chắn là khá rộng rãi, êm ả. Trên giường, chăn gối, sách vở và cả quần áo nữa khá bừa bộn. Một chiếc tủ quần áo khá to đối diện với chiếc giường, tức là ở sát với cánh gà của sân khấu. Nơi bức tường phía cuối sân khấu có hai cái cửa sổ đã buông kín rèm và phía dưới những tấm rèm là một cái lò sưởi loại hoạt động bằng hơi nước khá mỏng mảnh, đẹp mắt.
Màn mở. Người ta thấy người đàn ông đang nửa nằm nửa ngồi trên giường, mấy tấm chăn dầy được kéo lên đến tận ngực, trên tay là một cuốn sách dày. Chiếc đèn (không phải đèn ngủ) ở đầu giường được điều chỉnh sao cho ánh sáng tập trung vào những trang sách.
Người đàn ông chăm chú đọc sách cho đến khi người đàn bà mở cửa bước vào. Có vẻ như người đàn bà vừa từ ở buồng tắm ra. Với cái áo tắm trắng tinh và đặc biệt là với cái khăn trùm đầu cũng mầu trắng và thật to được trùm thế nào đó mà trông chị giống hệt một nữ tu sĩ với vẻ thánh khiết khó diễn tả.
NĐB (đi về phía chiếc lò sưởi): Nhà nóng thế. Nóng vậy mà anh vẫn cứ để lò sưởi số ba cơ à.
NĐÔ (đã bỏ cuốn sách xuống từ lúc nào): Nếu thấy nóng quá thì em tắt đi.
NĐB (làm động tác vặn lò sưởi xuống): Tắt đi chứ để nóng thế này thì ai mà có thể ngủ được cơ chứ. Anh có biết là để phòng lạnh một chút bao giờ cũng dễ ngủ hơn không?
NĐÔ: Anh biết. Nhưng mà cũng lạnh vừa vừa thôi. Với lại anh vẫn còn đang bị ho, em không thấy sao? Chân cũng bị đau nữa. Hai bàn chân, ống chân với hai đầu gối buốt thon thót. Buốt không chịu được đây này.
NĐB: Anh đã uống thuốc chưa?
NĐÔ: Uống rồi. Không uống có mà ngồi được thế này.
NĐB: Anh mà chịu khó uống mấy thứ thuốc Nam em làm cho thì đã chẳng bị đau đến thế.
NĐÔ: Em cứ làm như mấy củ tỏi ấy là thần dược không bằng.
NĐB: Chứ lại còn gì nữa.
NĐÔ: Được rồi. Nếu uống hết đợt thuốc của bác sĩ cho này mà không khỏi đau anh sẽ uống thuốc tỏi của em.
NĐB: Còn nếu lạnh thì anh có thể đắp nhiều chăn vào. Một cái chưa đủ thì hai cái, ba cái... Mà anh đã lồng mấy cái chăn vào chưa...
NĐÔ: Lồng rồi. Chẳng lồng hai cái vào với nhau từ bao giờ rồi là gì đây...
Người đàn bà mở tủ, lấy cái gì đó rồi đi vào phía trong cánh gà để một lúc sau thì đi ra với bộ quần áo ngủ trên người trông khá “mát mẻ”
NĐÔ: Anh thấy em mặc bộ này đẹp đấy...
NĐB (đang thoa kem dưỡng da lên mặt): Anh nói thế...
NĐÔ: Thật đấy.
NĐB: Em thì mặc cái gì chẳng đẹp.
NĐÔ: Nói thế...
NĐB: Anh thấy em mặc cái gì không đẹp?
NĐÔ: Nhiều.
NĐB: Nhiều là những cái gì?
NĐÔ: Là những bộ công sở của em ấy. Quần áo gì mà trông cứng quèo...
NĐB: Thì thế mới gọi là công sở. Nhưng mà anh nói đúng. Vì chính em cũng nhận thấy như vậy. Ngoài ra còn cái gì nữa?
NĐÔ: Ngoài ra còn mấy bộ mầu đen đen, tối tối cũng không hợp với em. Anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi.
NĐB: Từ mai em sẽ vứt mấy bộ ấy đi.
NĐÔ: Mai của em...
NĐB: Không. Anh định nói mai dài hơn thuổng chứ gì. Nhưng lần này thì nhất định không. Dứt khoát ngày mai em sẽ vứt hết...
NĐÔ: Ừ... Mai hãy còn là ngày nghỉ đấy. Em có thể vất hết những gì em muốn. Cứ cho hết vào mấy cái túi nilon to rồi anh sẽ mang quẳng đi cho.
NĐB: Được rồi. Mà anh đang đọc cái gì đấy.
NĐÔ: À… Một vở kịch.
NĐB: Kịch của bạn anh à?
NĐÔ: Không. Mà sao em lại hỏi như vậy?
NĐB: Là vì hồi chiều em có đọc một vở kịch của bạn anh. Ông gì nhỉ Lê… Lê…
NĐÔ: Ông Lê Văn. Đúng không?
NĐB: Đúng rồi. Có hai chữ mà em cũng chẳng nhớ nổi. Đầu óc dạo này chán quá.
NĐÔ: Thế thì không phải là một vở kịch. Cái của ông Lê Văn mà em đọc là một kịch bản điện ảnh.
NĐB: Đúng rồi. Một kịch bản điện ảnh. Nhưng không biết đã có ai dựng thành phim chưa?
NĐÔ: Chưa đâu. Nếu thành thì chắc chắn là ông ấy đã phải khoe với anh rồi.
NĐB: Em cũng nghĩ là chưa có phim đâu. Và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có đâu.
NĐÔ: Căn cứ vào đâu mà em khẳng định chắc chắn như vậy?
NĐB: Thì căn cứ vào kịch bản của ông ấy chứ còn vào gì nữa. Cái gì mà: “Hàng ngàn con voi tung vòi rầm rập xông lên…”. Đạo diễn nào có thể tìm được hàng nghìn con voi để đóng phim cho ông ấy…
NĐÔ: Buồn cười nhỉ. Chắc ông ấy nghĩ phải hàng nghìn con như thế mới hoành tráng…
NĐB: Hoàng tráng gì thì cũng phải để người ta còn làm được chứ. Đọc kịch bản của ông ấy mà nhiều lúc em không nhịn cười được. Cái gì mà những lâu đài, những cung điện trùng trùng điệp điệp... Những cỗ xe tam mã, tứ mã tấp lập… Những chiếc thuyền rồng đậu san sát… Lấy đâu ra, hở anh…
NĐÔ: Thôi kệ ông ấy đi.
NĐB: Thì tất nhiên là kệ rồi. Nhưng mà em còn nghe nói hình như ông bạn anh còn đang viết một kịch bản phim khoa học viễn tưởng nữa thì phải.
NĐÔ: Đúng rồi. Và trong đó có những cảnh người trên một hành tinh nào đó di chuyển không phải bằng chân mà bằng tay...
NĐB: Thế thì bà ai mà đóng được… Mà không lẽ kịch tác gia nào cũng phải vô lý như vậy. Hy vọng vở kịch anh đang đọc sẽ có cái gì đó thú vị hơn…
NĐÔ: Đúng vậy. Thú vị hơn nhiều em ạ. Vì đây là vở kịch được viết bởi ông Cao Hành Kiện…. Một vở kịch chỉ gồm độc thoại của một nhân vật và hoàn toàn không một chút đạo cụ cầu kỳ gì, vậy mà vẫn hết sức lôi cuốn. Em phải đọc thì mới thấy hết được. Anh không thể kể lại được. Tuy ngắn thôi.
NĐB: Tên vở kịch là gì vậy, anh?
NĐÔ: Để anh coi lại xem nào. À là “Giữa hai bờ sống chết”.
NĐB: Nghe đã thấy lạnh lạnh
NĐÔ: Mà đọc cũng thấy vậy… Nhưng chỉ là hơi lạnh lạnh thôi. Lạnh lạnh mà có lý, mà không hề rùng rợn…
NĐB: Để đấy rồi lúc nào đó em sẽ đọc.
NĐÔ: Em còn đang đọc dở cái gì à?
NĐB: Vâng. Em còn đang đọc dở một tập thơ…
NĐÔ: Thơ à? Của ai vậy?
NĐB: Của nhiều người lắm. Nhiều tác giả mà anh….
NĐÔ (định quay lại với những trang sách của mình): …
NĐB: Anh này…
NĐÔ: Gì nữa em?
NĐB: Anh định không cho em ngủ ở đây sao?
NĐÔ: Sao lại không?
NĐB: Thế thì tại sao anh vẫn bầy đầy áo quần với sách vở ra đây vậy…
NĐÔ: Ừ nhỉ. Anh quên mất. Xin lỗi em. Thôi em chịu khó xếp gọn lại một tí đi.
Người đàn bà lúi húi thu dọn. Chị gấp gọn mớ quàn áo mang bỏ vào tủ còn sách vở, báo chí thì xếp lên một cái giá sách.
Người đàn ông nằm dịch sang một bên, nhường chỗ cho vợ chui vào chăn.
NĐB: Anh này…
NĐÔ: Gì nữa em…
NĐB: Có phải ai cũng làm được thơ không anh?
NĐÔ: Sao tự nhiên em lại hỏi thế?
NĐB: Vì em thấy thơ làm dễ quá. Hình như ở đâu người ta cũng làm thơ được, lúc nào người ta cũng làm thơ được…
NĐÔ: Anh cũng thấy vậy…
NĐB: Anh biết không?
NĐÔ: Biết gì cơ?
NĐB: Sếp của cơ quan em vừa mới in được một tập thơ đấy…
NĐÔ: Chuyện ấy quá bình thường. Chỉ cần dăm bảy triệu là ai cũng có thể có một tập thơ rồi. Mà anh đoán, sếp em toàn làm thơ tình, đúng không?
NĐB: Đúng rồi. Và tập thơ này của ông ấy có tựa đề là “Đường vào tim em”
NĐÔ: Em vừa nói tập này?
NĐB: Vâng.
NĐÔ: Nghĩa là còn tập khác nữa?
NĐB: Vâng. Sếp em còn một tập thơ nữa tên là “Đường vào hồn em” in cách đây mấy năm… hi… hi…
NĐÔ: Em cười cái gì vậy?
NĐB: Hi… Hi… Tự nhiên em thấy buồn cười quá… Hình như thơ sếp em toàn đường vào mà chưa có đường ra…
NĐÔ: Anh thấy điều ấy đúng cho sếp em và cũng đúng cho các nhà thơ khác…
NĐB: Anh nói thế là sao? Các nhà thơ khác cũng toàn thơ “Đường vào…” sao anh?
NĐÔ: Không. Ý anh muốn nói là tất cả các nhà thơ Việt Nam đều chưa tìm được đường ra, đầu ra… Tức là chưa bán được thơ…
NĐB: Em còn thấy một điểm chung của Thơ Việt Nam nữa là đọc rất dễ buồn ngủ… Cứ đọc được vài bài là thấy muốn ngủ ngay…
NĐÔ: …
NĐB: Vậy nên anh cứ để em đọc rồi ngủ lúc nào thì kệ em nhé…
NĐÔ: Ừ…
NĐB: Em ngủ rồi thì anh cũng tắt đèn mà ngủ luôn đi nhé…
NĐÔ: Ừ…
Người đàn ông quay lại với những trang sách của mình. Một lúc sau, quay sang thấy người đàn bà đã ngủ từ lúc nào rồi, anh bèn khe khẽ để cuốn sách xuống rồi đưa tay lên nhè nhẹ vặn núm điều chỉnh ánh sáng của cây đèn…
Màn từ từ hạ trong khi ánh sáng của sân khấu cứ mờ dần… mờ dần…