Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Phương: MƯA

(NCTG) “Trời vẫn càng lúc càng mưa tầm mưa tã. Trên mặt nước dưới sân, hàng ngàn chiếc bong bóng phập phồng, phập phồng, dạt hết góc này tới góc kia, không sao mà tan đi nổi. Người ta bảo bong bóng kiểu này là còn mưa lâu, mưa nhiều nữa”.

- Mưa rồi.

Nói với Khánh mà Phụng như reo lên lúc những hạt mưa đầu tiên xiên xiên tạt vào kính chiếc cửa sổ duy nhất của căn phòng nhỏ bé chật chội mà hai người đang ngồi.

Phải nói ngay là căn phòng của Khánh nhỏ bé thật, nó vuông vuông, mỗi chiều chưa đầy ba mét, nghĩa là chưa đầy chín mét vuông. Còn chật chội thì là vì trong cái khoảng chưa đầy chín mét vuông ấy, Khánh tìm cách kê, treo, nhồi nhét đủ thứ, trong đó có cả những thứ rất cồng kềnh. Thì đấy! Chỉ một dãy gồm một cái bếp, loại bếp hầm hẳn hoi, với hẳn bốn mặt nấu và một cái lò nướng, để đồng thời một lúc có thể nấu nướng bốn năm món liền, một cái máy giặt cũng mới và to chẳng kém gì cái bếp, hai cái bồn rửa với vòi nước nóng lạnh là đã chiếm hết cả một phần nhà dọc theo hành lang. Lại một cái tủ vừa dài vừa cao vừa to nữa cũng chiếm hết một phần nhà dọc theo cầu thang. Trong cái tủ đó chứa đủ thứ nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa cùng đủ thứ gạo, mỳ, rau rợ, hoa quả với một cái ti vi, một cái đầu video, một cái đầu DVD, một cái đầu Karaoke, một cái lò vi sóng, một cái lò nướng bánh mỳ... cái nào cũng to đùng. Một cái tủ lạnh, một cái tủ đứng chứa quần áo, chăn ga, sách vở, giấy bút, báo chí, một cái tủ đứng khác mà công dụng chắc cũng tương tự như vậy, nhấp nha nhấp nhổm, cái cao cái thấp, cái vào cái ra, khấp khểnh, chiếm một phần nhà thứ ba. Một chiếc sa lông to kềnh mà đêm đến có thể mở ra để làm giường ngủ được kê vào phần nhà cạnh cửa sổ, còn ở giữa nhà thì là một cái bàn với bốn cái ghế.

Phụng ngồi ở một đầu sa lông, Khánh ngồi ở đầu kia, giữa hai người là một chồng sách báo đủ các loại. Khánh đang chăm chú đọc một tờ báo, nghe Phụng bảo mưa rồi thì ngẩng lên, tháo cặp mắt kính dầy cộp, ngó lơ ra ngoài cửa sổ một hồi xong tặc lưỡi:

- Mưa rồi à... Kệ mưa.

- Sao lại kệ? - Phụng nhắc. – Tôi thấy ông chẳng vừa phơi quần áo dưới sân đấy là gì.

- Cũng kệ quần áo luôn – Khánh vẫn phớt lờ.

- Thì chạy ra mà lôi vào chứ...

- Lôi vào thì để đâu...

Nhìn lại khắp lượt nhà Khánh, Phụng thấy đúng là chẳng có chỗ nào mà để nữa thật. Quần áo đang ướt, để đâu cũng ướt lây sang những cái khác, treo lên thì lại rỏ nước xuống sàn nhà.

Mưa có vẻ to, những hạt mưa to đùng tới tấp đập vào mặt kính cửa sổ, vỡ tan, nước trong ống máng chảy ùng ục. Phụng nhìn ra ngoài trời mù mịt bụi nước một hồi rồi quay lại nhìn Khánh:

- Chính mưa thế này lại đâm dễ chịu, ông nhỉ. Mấy hôm vừa rồi nóng quá.

- Ừ! Đúng... Dễ chịu thật – Khánh đồng tình, quẳng tờ báo xuống chỗ cũ, dụi dụi mắt.

- Mát giời thế này, có ngô rang mà ăn thì hết ý, nhỉ... Ngày còn ở nhà, thỉnh thoảng gặp cữ mưa rả rích bà tôi lại mang ngô ra rang - Phụng nói.

- Ông thích ăn ngô rang à?

- Là nói thế... Ở đây thì đào đâu ra ngô mà rang.

- Không có ngô nhưng có lạc. Ông có thích không?

- Ồi! Lạc thì lại càng tốt. Còn gì bằng lạc bây giờ. Ông có lạc thật à...

- Có chứ…

Khánh lấy trong ngăn tủ ra một cái hộp sắt, lẩm bẩm thành tiếng:

- Không lạc thì cái gì đây.

Xong, bảo Phụng, sau khi đã đổ ra một đĩa đầy:

- Ông chịu khó rang lên tí nhé.

Lại lấy ra một cái chảo và một cái khăn bông:

- Cái chảo gang này tốt lắm. Tôi để chuyên chỉ rang lạc. Ông nhớ canh, đừng để già lửa quá mà cháy. Cũng đừng để sống, ăn tanh lắm. Khi đã thấy róc vỏ thì đổ ra cái khăn này, gói lại rồi đem ủ trong đống chăn gối kia cho nó giòn. Tôi phải chạy sang bên kia một lát.

Khánh mở cửa ra hành lang, rảo bước đến phòng 215, nơi trước cửa có đề mấy chữ Tabak nguệch ngoạc to tướng bằng phấn mầu thì dừng lại. Khánh gõ cửa, chờ một lát mới nghe có tiếng trẻ con khàn khàn trong nhà vọng ra:

- Ai đấy?

Đấy là tiếng thằng con nhỏ của ông chủ Tabak. Khánh hỏi vọng vào:

- Chú Khánh đây. Bố có nhà không?

- Bố cháu có nhà.

- Thế thì mở cửa cho chú.

Ông chủ Tabak tên là Xuân. Lúc này hai vợ chồng Xuân đang nằm trên giường đánh tá lả tay đôi với nhau. Nghe tiếng Khánh, vợ Xuân thụt ngay đầu vào chăn, còn Xuân thì vẫn nằm đấy mà hỏi vọng ra, giọng lè nhè như người vừa làm mấy chén:

- Khánh đấy à? Có gì đấy, mày?

- Ông còn rượu không, để lại cho tôi một chai – Khánh đáp và cảm thấy mũi mình hơi nhăn lại. Nhà Xuân lúc nào cũng có cái mùi kinh kinh. Mùi khói và bã thuốc lá, mùi nước đái trẻ con, mùi quần áo lâu ngày không giặt, mùi giầy dép, mùi thức ăn lưu cữu và những mùi gì đó, tất cả quyện vào nhau thành một thứ mùi hỗn hợp khó chịu đến muốn buồn nôn.

- Chỉ còn mỗi Vodka thôi - Xuân ợ một cái thật to.

- Vodka cũng được.

- Nhưng phải tiền tươi đấy nhé. Tao cũng chỉ còn có mấy chai thôi, đằng nào thì cũng chỉ chốc nữa là hết. Mưa thế này…

- Thì tiền tươi chứ sao? Bao nhiêu?

- Mười đồng thôi. Gorbachop hẳn hoi, và tao cũng chỉ lấy bằng giá Tabak ở ngoài.

Phụng vừa rang xong mẻ lạc thì thấy Khánh mang chai Vodka về, mắt hơi sáng lên, song miệng vẫn nói:

- Ông bầy vẽ quá. Vài chai bia là được. Rượu làm cái gì ?

- Tất nhiên là bia cũng được – Khánh cười. – Nhưng trời đất này thì rượu xem ra có lý hơn.

- Lại mua rượu bên thằng cha Xuân à ?

- Ừ…

- Có thấy con vợ không?

- Không. Nhưng tôi chắc là hai người đang quắp nhau trên giường.

- Nhà ấy thì chỉ có thế thôi. Tối ngày chỉ có mấy việc là ăn uống, đánh phỏm và quắp nhau. Nhiều khi vừa ăn uống, vừa đánh phỏm lại vừa quắp nhau. Cả hai đều quá nghiện, quá mê bài bạc rồi, ăn cũng chẳng quên được mà ngủ cũng chẳng quên được.

Mẻ lạc Phụng rang quá chuẩn. Trước khi bắc chảo ra, Phụng còn thắng mấy thìa nước muối và mỳ chính đổ vào, nên hạt lạc vừa bùi vừa ngậy lại vừa có thêm vị mặn mặn, ngọt ngọt nữa, rất ngon. Lạc rang chất lượng như vậy mà đi với Vodka thì thật là tuyệt vời. Bên ngoài, trời vẫn mưa sầm sập. Nước trong sân thoát đi không kịp đã dềnh lên lênh láng.

- Ở Việt Nam, mưa thế này, chỗ ông có ngập không? – Khánh nhìn những tờ giấy nổi lềnh bềnh trên sân, hỏi Phụng.

- Ngập chứ - Phụng trả lời. - Ở chỗ tôi cứ hơi mưa lâu lâu tí là ngập.

- Ở chỗ tôi cũng thế. Nhưng chính ngập như thế mới thích. Các ông có tắm mưa bao giờ không?

- Có chứ. Ngày còn bé, cứ mưa là bọn tôi lại chạy xuống sân lội. Cả con trai lẫn con gái, cứ tồng ngồng như thế mà ngâm nước mưa cả tiếng đồng hồ. Ngâm đến nỗi tái nhợt tái nhạt cả người, vậy mà nếu không có ai gọi bắt vào thì vẫn cứ còn ngâm nữa được.

- Các ông có đóng bè cây chuối rồi chống từ nhà này sang nhà khác không?

- Có chứ. Chống cả ra hồ, ra đầm, ra sông. Mà nước sông mùa lũ thì chảy khủng khiếp lắm. Có lần bọn tôi vỡ bè, mấy thằng bị nước cuốn đi cả cây số, tưởng chết đuối.

- Tôi nhớ, ngày ở nhà cứ mưa là rủ nhau đi bắt cá rô.

- Bắt đủ thứ. Có lần bọn tôi còn tóm được cả những chú ba ba to tướng bò nghênh ngang ở trên đường nữa.

- Ngày bọn tôi còn đi học, ký túc xá là những dãy nhà tranh, vách nứa, nền đất. Cứ trời mưa là cả bọn lại ra đầu hè đứng nhìn nước từ trên đồi chảy xuống rất khoái. Đúng là cuồn cuộn, cuồn cuộn. Có những cái rãnh bé tí, vậy mà chỉ sau một trận mưa đã bị nước khoét thành những cái hố khổng lồ.

- Thì cũng như những ngày bọn tôi còn ở lính, giao thông hào bị nước mưa xói thành những hàm ếch làm sạt từng mảng. Nước cuốn trôi cả công sự. Nhiều khi, sau một đêm mưa, sáng ngày ra không biết là mình đang đứng ở đâu nữa.

- Tôi cực kỳ thích những trận mưa. Nếu bên cửa sổ phòng ông có những bụi chuối. Nếu đêm đến, ông được nghe tiếng mưa rợi lộp bộp trên những tầu lá chuối thì ông mới thấy mê ly như thế nào.

- Nếu đã là tiếng mưa rơi lộp bộp thì dù ở đâu tôi cũng thích. Ông đã bao giờ đi chung áo mưa với mấy đứa bạn gái chưa. Khi bên má mình có cái âm ấm, man mát của má bạn mình, khi bên tai mình còn vương một sợi tóc mai của bạn mình thì những tiếng mưa rơi lộp bộp trên đầu mình mới tuyệt vời, mới thơ mộng làm sao…

Mưa có vẻ như không muốn dứt. Nước thoát không kịp. Tự nhiên trở thành chỗ chứa cho mấy quả đồi xung quanh, nước trong sân khu nhà dềnh lên như một cái hồ. Gió bẻ được ở đâu những cành cây to tướng với những quả bự như nắm tay, đầy gai, chẳng biết có ăn được hay không mang quẳng cả xuống cái hồ ấy để mấy đứa trẻ con vừa Nam Tư, vừa Việt Nam, vừa Iraq… không biết đã kịp chạy ra từ lúc nào tranh nhau ỏm tỏi. Có tiếng gõ cửa rất khẽ, rồi một cô gái trẻ bước vào:

- Chào anh Khánh, anh Phụng. Ôi! Mưa to ơi là to, chẳng ai đi đến đâu được nữa.

Khánh đứng lên, kéo một cái ghế ra:

- Ngồi xuống đây, Hiền.

Đợi khi cô gái đã ngồi xuống, Phụng cũng đẩy cái đĩa ra giữa bàn:

- Ăn mấy hạt lạc đi. Cho đỡ buồn.

Khánh lấy một cái chén nhỏ:

- Hiền uống một tí nhé. Cho ấm thôi.

Rồi không đợi cô có đồng ý hay không cứ rót ra khoảng hơn nửa chén.

Hiền nhón mấy hạt lạc:

- Lâu lắm rồi mới có một trận mưa to quá các anh nhỉ.

- Mưa làm người ta hay nghĩ, hay nhớ lung tung - Phụng nói. - Hiền có thấy thế không?

- Vâng! Tự nhiên em thấy nhớ nhà quá. Ở nhà cứ mưa như thế này là mẹ em lại cho rang ngô rang lạc.

- Mưa thế này, được ngồi bên bếp lửa mà nướng khoai lang hay nướng ngô thì cũng thích. Nhất lạc rang, nhì lang nướng.

- Em thì thích mưa để được chạy ra đường lấy me, lấy sấu. Con đường gần nhà em có mấy cây sấu to lắm, quả rất to và ngon, mưa to thế này thì rụng đầy đường, tha hồ mà nhặt.

- Bàng cũng rụng nhiều lắm.

- Vâng! Cứ cây gì có quả là rụng. Em nhớ, mùa này mà về nhà bà ngoại hay bà nội em thì cứ gọi là tha hồ mà ăn cam ăn chanh. Còn bưởi, còn na, còn khế nữa… Chuối thì gẫy cả buồng.

Trời vẫn xám như chì, mưa vẫn rơi càng lúc lại càng nặng hạt… Gió cũng mỗi lúc một to hơn. Trên mái căn nhà đối diện, mấy dàn ăng ten bị gió đánh cho nghiêng ngả trông vênh vênh váo váo. Mấy sợi dây leo vốn khá sum suê bị gió đánh bật khỏi mặt mấy bức tường rũ rượi, đoạn bám vào lan can ban công, đoạn tụt xuống đất. Dưới sân, có tiếng người đàn ông nào đó quát tháo ầm ĩ để rồi chỉ một lúc sau bọn trẻ con đã biến sạch đứa nào về nhà đứa ấy. Lại có tiếng ông chủ nhà giảng giải với ai cái gì đó ngoài hành lang. Hiền đang lơ đãng nhìn lên chiếc tivi 21 inch, mầu hẳn hoi, giờ này người ta đang tường thuật tại chỗ một trận đấm bốc ở đâu đó mãi tận châu Mỹ. Màn hình lằng nhằng, lúc sáng, lúc tối, chắc là do ảnh hưởng của mưa gió. Như chợt nhớ ra điều gì, cô nhìn Khánh và Phùng, nói:

- Anh Khánh với anh Phùng sướng thật đấy… Đi làm hãng, mỗi ngày làm có tám tiếng, mỗi tuần lại làm có năm ngày, thứ bảy, chủ nhật được nghỉ ở nhà tha hồ chơi. Chẳng bù cho em, ngày làm mười mấy tiếng, mỗi tuần lại được nghỉ có một ngày. Ngủ một giấc dậy chưa kịp làm cái gì đã hết.

Khánh cười buồn:

- Chúng tôi cũng đang chết dở đây cô ơi. Vừa mất việc cả lũ với nhau rồi đây.

Hiền ngạc nhiên:

- Sao lại thế được hở các anh?

Khánh hỏi lại:

- Thế cô không biết gì à?

Hiền ngơ ngác:

- Biết gì cơ ạ?

- Cô không biết là Liên hiệp Châu Âu vừa rồi lại kết nạp thêm mười mấy nước thành viên à…

- Em biết… Nhưng chuyện ấy thì đâu có ảnh hưởng gì đến việc làm của các anh?

- Ảnh hưởng nhiều chứ… Từ ngày mười mấy nước kia được kết nạp làm thành viên của Liên minh Châu Âu, người của họ sang đây tìm việc rất nhiều. Mà chính sách về lao động của những nước trong liên minh này thì bao giờ cũng phải ưu tiên cho người của họ trước. Vậy nên, bọn sếp ở các nơi khác cũng như bọn sếp ở mấy hãng bọn anh đang tìm đủ mọi thủ đoạn loại bọn anh ra để nhét bọn kia vào.

- Thế các anh đã phải nghỉ rồi à?

- Phải rồi cô ạ. Bắt đầu từ hôm nay.

Khánh nhìn Hiền, hỏi:

- Còn cô, sao hôm nay lại cũng không đi làm?

Hiền cười buồn:

- Quán em làm dạo này vắng khách lắm. Bà chủ bảo em tạm nghỉ.

- Cũng bắt đầu từ hôm nay à?

- Vâng! Cũng bắt đầu từ hôm nay anh ạ.

- Thế bao giờ thì đi làm lại.

- Em cũng chẳng biết nữa. Bà ấy bảo, cứ nghỉ đi, khi nào cần thì sẽ gọi.

- Thế mà vừa nãy còn kêu được nghỉ ít…

- Vâng! Đấy là em nói trước kia. Còn bây giờ có không muốn nghỉ ngày nào thì cũng vẫn cứ phải nghỉ.

Trời vẫn càng lúc càng mưa tầm mưa tã. Trên mặt nước dưới sân, hàng ngàn chiếc bong bóng phập phồng, phập phồng, dạt hết góc này tới góc kia, không sao mà tan đi nổi. Người ta bảo bong bóng kiểu này là còn mưa lâu, mưa nhiều nữa. Lại có tiếng gõ cửa rồi một bà trông đã sồn sồn bước vào:

- Chào chú Khánh, chào chú Phụng. Chị nhìn thấy đôi guốc ngoài cửa, đoán con Hiền thế nào cũng ở trong này. Thế mà đúng… Mà cái con này! Sao hôm nay không đi làm, lại ở nhà buôn dưa lê thế này.

Đợi loạt liên thanh của bà chị tạm ngưng, Khánh đứng lên kéo chiếc ghế còn lại ra:

- Chị Phí… Mời chị ngồi xuống đây, thở một tí rồi lại nói tiếp.

Chị Phí ngồi xuống bên bàn, giọng dấm dẳng, vô cớ:

- Tôi sợ rồi thở cũng chẳng được nữa ấy chứ.

- Chị nói gì mà có vẻ tiêu cực vậy? - Hiền hỏi.

- Mày bảo sắp chết đói đến nơi rồi thì có vẻ gì? - giọng chị Phí như cãi.

Hiền cười buồn:

- Sao đang yên đang lành, chị lại bảo sắp chết là nghĩa làm sao?

Đến lúc này thì bà chị cãi thật:

- Thì mày bảo cả hai vợ chồng đều bị nó đuổi việc mẹ nó rồi thì không sắp chết đói còn là cái gì nữa.

Thấy hai chị em có vẻ căng thẳng, Khánh phải chen vào:

- Chị bảo sao? Bên hãng của anh chị cũng thải người làm à?

- Có bao nhiêu người Việt nó thải hết chú ạ. Ở tất cả các phân xưởng.

- Hãng bên chị có đông người Việt không?

- Gần hai chục người chứ có ít đâu, chú.

- Thế thì chúng nó có chiến dịch rồi. Bên bọn em, gần năm chục thằng Việt Nam cũng bị nó đuổi hết lượt.

- Thế ra các chú cũng bị à?

- Vâng.  

- Thế thì đúng là chiến dịch của chúng nó rồi. Tôi vừa ngồi ở mấy nhà bên kia, thấy ai cũng nói vậy cả.

Nói thế xong đứng dậy ngay:

- Thôi các chú ngồi nhé, tôi lại phải chạy đi đây.

Trời sụp tối xuống từ lúc nào mà mưa thì vẫn chưa thấy có vẻ gì là muốn tạm ngớt. Khánh nhìn đồng hồ:

- Nấu cơm ăn đi. Hiền ở lại đây ăn cho vui. Mấy khi.

- Em cũng vừa nấu rồi. Mưa to quá, em sợ mất điện như mấy lần trước nên nấu sớm, xong rồi mới sang các anh. Mà em nấu nhiều lắm. Hay là anh Khánh, anh Phụng sang nhà em ăn cơm đi. Em sẽ làm mấy món cho mấy anh nhậu. Nhanh thôi.

Cả Khánh và Phụng đều chẳng khách khí gì:

- Nếu thế thì đi.

Khánh nói và tất cả cùng đứng dậy.

Hiền ở phòng 207. Cũng không đầy chín mét vuông, cũng bếp, cũng tủ, cũng bàn ghế nhưng trông phòng của Hiền gọn gàng, ngăn nắp, đẹp đẽ hơn phòng của Khánh nhiều. Vừa bước vào phòng, Khánh đã thấy bộ quần áo của mình được treo ngay ngắn trên một cái móc phơi cạnh cửa sổ. Khánh hơi ngạc nhiên, nhưng chưa kịp hỏi thì Hiền đã giải thích:

- Hôm nay em cũng giặt và phơi mấy thứ dưới sân. Hồi chiều, lúc trời sắp mưa, xuống lấy lên, tiện thể em lấy luôn giúp anh Khánh.

Và đợi đến lúc này, Phụng mới nói:

- Vậy mà anh cứ lo hộ anh Khánh. Sợ quần áo anh ấy phơi dưới kia bị mưa từ chiều tới giờ thì tan mất. Thì ra…

- Không… Có gì đâu anh

Hiền lắp bắp nói và cô hơi đỏ mặt lên. Bên ngoài trời vẫn hối hả mưa.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài Phương, từ Đức Quốc - Mùa mưa 2004