Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Phương: HÀN SĨ
- Thứ năm - 14/08/2008 07:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông đồ trẻ - Ảnh: huanscavi'photo
Nếu muốn, và nếu như trong các truyện cổ tích khác, thì chúng ta cứ gọi chàng là „chàng mồ côi“. Cứ để cho chàng gặp muôn ngàn khó khăn gian khổ, để chàng nhẫn nhục chịu đựng hết thử thách này đến thử thách khác của cuộc đời mà đại diện bao giờ cũng là bọn quyền quý, bọn nhà giàu, bọn có nhiều vàng bạc, trâu bò lợn gà chiêng cồng.... hay là bọn quan lại trong vùng. Để rồi cuối cùng, nếu không được gặp tiên, gặp bụt hay gặp một nàng công chúa nào đó giấu mình trong bộ cánh da cóc da nhái..., không được những thành phần này ra sức giúp đỡ, thì chàng cũng may mắn vì ngẫu nhiên ăn phải một thứ lá, thứ hoa quả, hay vỏ cây, lõi cây, rễ cây gì đó mà trở thành siêu nhân, có phép lạ, có sức khỏe vô địch, có bảo bối, có ảo thuật, học thuật... Và do đó mà chỉ trong nháy mắt, chỉ bằng vài động tác cơ bản chàng đã trừng trị được toàn bộ cái bọn vô lại trước đây đã ra sức hành hạ chàng, biến chúng thành muỗi mòng ruồi nhặng, thành rắn rết, thành gốc cây, thành hòn đá, thành tất cả những gì gớm ghiếc nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra, rồi nhảy tót lên làm vua, tất nhiên là sau khi đã chiếm đoạt tất cả tài sản, nhà cửa... của bọn chúng và lấy toàn bộ số vợ, nàng hầu và con gái chúng... làm vợ và nàng hầu của mình.
Tất nhiên, nếu muốn chúng ta cũng có thể để chàng tiến thân bằng những con đường khác như khoa cử, võ bị, thương mại..., và thậm chí cả văn học nghệ thuật, chính trị. Và, dù bằng đường nào đi nữa thì sau những gian nan khó nhọc, cuối cùng rồi chàng cũng vẫn cứ thành công mỹ mãn, không thành vua thì cũng thành tể tướng, dưới một người trên muôn người.
Còn như nếu thấy trở thành vua thành quan mãi thì cũng nhàm chán, nếu muốn, chúng ta có thể thấy chàng trở thành một nhà giáo mẫu mực và lỗi lạc đào tạo những nhân tài tương lai cho đất nước. Hay nếu muốn, chúng ta biến phắt chàng thành một thầy thuốc tài ba không chịu bó tay chấm com trước bất kỳ một loại bệnh tật dù hiểm nghèo đến đâu đi chăng nữa, chỉ bằng một nắm lá, một vốc bùn hoặc một tí nước bọt, một cái xoa tay, một cái hà hơi...
Vân vân... Vân vân.... Vân vân... Cứ như thế… như thế… Vì chàng là mồ côi, chàng là cái sọ dừa, là thằng không có tóc, chàng nghĩ gì, làm gì, thành cái gì mà chẳng được. Nếu muốn, người ta phải nắm thằng có tóc, ai lại đi nắm thằng trọc đầu làm gì cho mệt.
Vậy nên trong câu chuyện đã quen thuộc của chúng ta thì chàng cứ tự nhiên mà trở thành hàn sĩ. Chàng ở trong một túp lều xác xơ, mái lợp bằng lá chuối, vách bằng đất và cửa thì bằng mấy thanh tre, mấy mảnh nứa ghép lại. Chàng ngủ trên cái chõng tre chẳng hiểu sao bao giờ cũng phải ọp ẹp. Quần áo của chàng rách không còn chỗ vá, phải lấy lạt buộc, nhưng sạch sẽ dù rất ít giặt và chưa bao giờ giặt bằng xà phòng. Chàng đọc sách (không biết chàng lấy sách ở đâu, mua thì không phải rồi, hay là ai cho chàng) bằng ánh sáng của những con đom đóm nhốt trong một cái vỏ trứng vịt mà chàng nhặt được dưới gốc mấy bụi tre già, lẫn trong đống mảnh chén bát, mảnh chĩnh rồi mang ra cầu ao nhà người ta mà rửa sạch. Cứ mấy hôm chàng lại phải thay đom đóm một lần. Và không biết khi vào trường thi thì chàng sẽ làm bài bằng giấy gì, bút gì, mực gì, có nàng công chúa cóc nhái nào sẽ giúp chàng mấy hào để mua khoản bút giấy mực mẽo ấy không. Còn hiện thời thì chàng viết tạm bằng cách vạch que lên đất, lấy ngón tay vẽ lên cát, (hay nhúng xuống nước mà viết lên đá, thì cũng vậy). Cũng có đôi khi chàng viết bằng hòn than (vô tình nhặt được ở đâu đó, chứ nhà chàng có nấu nướng gì đâu), xuống đường hoặc lên tường nhà người ta, hay là bằng nước lọc từ quả mùng tơi (lấy trộm trên hàng rào nhà người ta) giã nát trên lá chuối (cũng lấy trộm trong vườn nhà người ta).
Tất nhiên là chàng phải rất đói rồi. Và chúng ta giải quyết cái đói ấy bằng cách là bố trí bên cạnh túp lều tranh, (thực chất là lá mía), vách đất của chàng là ngôi nhà của hai mẹ con cô gái. Họ làm nghề canh cửi. Hai mẹ con thay nhau, lúc dệt sợi, lúc quay tơ, và tuy không có nhiều của ăn của để lắm thì bếp cũng một ngày hai lần đỏ lửa.
Phải bố trí như thế, để hàng ngày, cứ đợi khi hai mẹ con cô gái cơm nước xong thì chàng lại có thể kiếm cớ sang mượn cái nồi về để nấu cơm. Và cũng phải để nhân vật nhà bên là cô gái đang tuổi cập kê, cái tuổi hay tò mò và tốt bụng như thế... Vì có tò mò không hiểu tại sao ngày nào chàng hàn sĩ cũng đợi nhà mình ăn xong thì mượn nồi, và lần nào cũng rửa nồi sạch sẽ trước khi trả, thì cô gái mới rắp tâm rình xem. Và do đó mà nàng mới thấy là thấy chàng mười ngày như mười một, đều có nấu nướng gì đâu. Mới biết, mới suy ra là chàng làm gì có tiền mua gạo để mà nấu. Mới thấy là, mượn nồi nhà nàng về, chàng vào lều, khép cửa lại, giơ lên xem có còn tí cơm nguội, tí cháy nào thì bốc ăn, xong rửa sạch mà mang trả lại. Và cũng vì lòng thương người, sau khi thấy như vậy, lần nào nàng cũng để lại trong nồi số cơm nguội nhiều hơn một chút, với hy vọng là nhờ có nó mà chàng sẽ có sức mà học thành tài, sẽ thi đỗ, sẽ làm quan... và biết đâu sẽ vì còn nhớ đến miếng ăn thuở hàn vi khó nhọc, chàng sẽ nhớ đến nàng mà rước nàng về làm vợ để thành một cái kết có hậu như truyện cổ tích.
Nàng có biết đâu rằng, chàng tuy chưa đỗ ông nghè nhưng đã có những toan tính, những suy nghĩ rất thực tế và sâu sắc. Mà nhất là những suy nghĩ về tương lai, về lứa đôi. Những khi bốc những hạt cơm nguội càng ngày càng nhiều lên trong nồi đưa lên miệng, chàng có những suy nghĩ mà sau này ngẫm lại nàng thấy không phải là không có lý và do đó mà ân hận. Nàng không biết rằng chàng đã vừa nhai vừa nghĩ rằng: Số cơm nguội này nếu không nuôi được con lợn thì cũng phải nuôi được mấy con gà con qué chứ. Cái thứ con gái con lứa gì mà đoảng quá, ăn xong có cái nồi cũng vất gầm giường không rửa được... Loại đàn bà này, thằng đàn ông nào không biết cứ nhắm mắt rước về làm vợ thì có ngày... bán nhà.