Truyện ngắn của Nguyễn Hoài Phương: CÔ GÁI VÀ HỌA SĨ
- Thứ bảy - 03/04/2010 15:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa: tranh của họa sĩ Lê Thương
Họ sống và đi đi về về giữa hai ngôi nhà ở hai đầu thành phố. Một ngôi nhà của họ ở ngay trung tâm, còn ngôi nhà kia thì ở ngoại ô ngay sát bờ biển. Vâng, ngay sát bờ biển ạ… Dù từ trước đến nay khái niệm ngoại ô bao giờ cũng hay đồng nghĩa với những xóm nhà lá thâm thấp, những cánh đồng lúa, cánh đồng hoa, những vườn cây ăn quả, những dòng sông nho nhỏ, hiền hòa, chở đầy phù sa… và không bao giờ có biển. Dù với nhiều người, biển hình như chỉ có thể ở bên, không bao giờ ở ngoài, (tuy người ta vẫn nói ngoài biển), càng không bao giờ ở ngoại ô.
Và mặc dù mấy người ấy cứ hay nói ở ngay trung tâm hay ở ngoại ô, nhưng hình như ngoài những cái tên gọi ra, chẳng có gì khác nhau giữa hai nơi đó cả. Nghĩa là, những dãy phố mà họ ở trông vẫn cứ giống hệt nhau. Nghĩa là cũng gồm những ngôi nhà chọc trời cao vút, những lâu đài, cung điện cổ kính, những đại lộ rộng rãi, những bến xe buýt, những bến tầu điện và tầu điện ngầm, những cửa hàng, những công sở… Những ngôi nhà họ ở cũng giống hệt nhau với những căn hộ và những căn phòng cùng những đồ đạc, thiết bị như đúc từ một khuôn, từ cái bàn, cái ghế đến cái ly, cái chén, đến cả từng hạt bụi, dù là trong không khí hay ở dưới sàn nhà…
Một hôm, không hiểu là trong bồn tắm hay trên giường ngủ, hay ở cả trong bồn tắm và ở cả trên giường ngủ, người con gái như chợt nhớ và thiết lập lại được một công thức như kiểu công thức hóa học hay một cái gì tương tự như vậy từ lâu đã bị lãng quên. Thoạt tiên, cô định ghi nhanh công thức ấy lên cái áo mỏng và nhẹ như những chiếc cánh của con chuồn chuồn, nhưng sau đó, chẳng biết nghĩ thế nào, cô lại cẩn thận viết nó lên mảnh vải vừa căng trên giá vẽ của ông họa sĩ mà cô là người mẫu. Đấy là một loại vải rất đặc biệt. Vâng, đặc biệt như những cây bút vẽ của ông vậy. Chẳng biết từ bao giờ, và cũng chẳng biết là ai, một người nào đó hay chính ông họa sĩ đã phát minh ra loại vải và bút đọc được suy nghĩ của con người như thế này. Chỉ cần đặt bút lên là lập tức hiện ra những họa phẩm thể hiện đúng tâm tư, đúng ước mơ, không chỉ của họa sĩ, của người mẫu mà là của cả những thời đại với những khoảng thời gian và không gian mà không phải ai cũng nắm bắt, không phải ai cũng ghi lại được, dù là ai cũng biết là đôi khi những tư tưởng ấy rất đơn sơ, giản dị…
Chính họa sĩ cũng không thể nhớ, dù chỉ tương đối, là ông đã hoàn thành bao nhiêu họa phẩm về cô gái cũng như về các đề tài khác. Chỉ biết là rất nhiều. Rất nhiều. Nhiều đến không thể tưởng tượng nổi và vì thế mà càng không thể thống kê. Ông cũng chẳng nhớ là ông đã vẽ vào lúc nào. Rất có thể là lúc nào ông cũng vẽ, bằng một cách nào đó. Cô gái cũng không thể nhớ là đã làm mẫu cho họa sĩ vẽ bao nhiêu lần nữa. Hay lúc nào cô cũng như đang làm mẫu cho ông. Cả cô và ông đều không nhớ và đều chỉ biết là rất nhiều. Nhiều lắm. Cô cũng chẳng thể nhớ được là đã làm mẫu cho ông trong hoàn cảnh nào hay trong tác phẩm cụ thể nào. Hay trong hoàn cảnh nào, trong tác phẩm nào của ông cũng đều có cô hoặc một chút gì đó của cô, từ cô…
Số lượng tranh của họa sĩ rất nhiều. Nhiều đến mức nếu cứ gom lại, để một chỗ, thì có lẽ chẳng kho tàng hay bảo tàng nào chứa hết số tác phẩm của ông. Nhưng cũng may là ông không có ý định vẽ chỉ để mà vẽ, hay viết chỉ để mà viết, vẽ hay viết xong rồi để đấy như nhiều người khác, cũng may là các tác phẩm của ông tiêu thụ được, và tiêu thụ rất nhanh. Hoàn thành tác phẩm nào là ông có thể xuất xưởng tác phẩm ấy ngay. Nhờ gió. Lúc nào gió, và cùng với gió là nắng, là mưa, là mây…, vân vân…, và nói chung là kim mộc thủy hỏa thổ, là cả thiên nhiên, cả thế giới cũng luôn luôn ở bên ông. Gió chỉ đợi ông vẽ xong cái là mang đi ngay, bất kể lúc nào, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm.
Họa sĩ cũng không có thói quen khi làm việc thì đóng cửa im ỉm như nhiều người khác. Các cánh cửa các xưởng vẽ của ông lúc nào cũng mở toang, lúc nào cũng sẵn sàng chào đón người thân, cả những người quen lẫn người không quen, bạn bè, đồng nghiệp, đồng sự…, như lúc nào cũng sẵn sàng chào đón tất cả các sinh vật khác. Vì vậy mà có những con sóc rất thích pha mầu vẽ cho ông. Và đúng là không hổ danh “nhanh như sóc”, khi trong tâm tư ông vừa lóe lên một sắc mầu nào thì cứ như là ngay lập tức sóc đã pha cho ông xong ngay mầu ấy, hoàn toàn đúng như ý. Người ta bảo, khi làm việc, viết hoặc vẽ, trông họa sĩ giống như một bác sĩ, hay chính xác hơn, giống như một nhà giải phẫu. Và cũng như các bác sĩ hay như các nhà giải phẫu khi mổ xẻ cần một đội ngũ rất đông người giúp việc, người đưa dao, người đưa búa, người đưa kìm, người đưa kéo, người đưa bông băng, người điều khiển ánh sáng, người điểu chỉnh nhiệt độ, điều chỉnh không khí, người gây mê, người hồi sức…, giúp việc ông lúc vẽ là những con bồ câu. Và có lẽ vì ảnh hưởng của bồ câu mà các tác phẩm của họa sĩ đều rất hiền, dù là được nhìn ở bất kỳ một góc độ hay tâm trạng nào.
Không đơn giản chỉ là một người mẫu, chẳng biết từ lúc nào hoặc ngay từ trước khi có những tác phẩm đầu tiên, cô gái đã cùng tham gia sáng tác với họa sĩ. Tác phẩm nào như cũng có hơi hướm của cả hai người. Và có thể trong lúc vẽ, lúc viết, cô và ông hay kể cho nhau nghe những câu chuyện về nhân tình thế thái và đặc biệt là về tình yêu nên tác phẩm nào của hai người như cũng đầy ắp yêu thương và phập phồng hơi thở.
Khi làm việc, họa sĩ có thói quen vừa vẽ (hoặc viết) vừa nhấm nháp tất cả những gì trong tầm tay hay tầm nhìn của mình. Ông ăn tất cả các loại mầu, tất cả các loại giấy, vải…, tất nhiên, và thấy tất cả đều ngọt mát như bánh mỳ quệt với mật ong, với mứt quả hoặc với sữa. Ông còn ăn cả người mẫu nữa. Cứ một lần hoàn thành một tác phẩm, thì dù trong đó cô có hiện diện rất nhiều hay chỉ một chút, ông vẫn ăn hết nguyên vẹn một cô. Song cũng may mà cô có thể tái sinh được. Ngay sau đấy cô trở lại như cũ có phần tươi trẻ hơn. Và cũng chính vì vậy mà họa sĩ mới tồn tại được. Mà có khi còn hơn cả tồn tại, chính vì vậy mà ông mới sống và tiếp tục sáng tác được. Còn về phần cô gái, chẳng biết cô ăn hay hút hồn ông như thế nào mà mỗi lần hoàn thành một tác phẩm ông đều thấy kiệt sức, đều thấy ông chẳng còn là ông nữa, hay chính xác hơn là ông trở thành một ông nào đó khác, rất khác.
Cái công thức hóa học hay sinh học gì đó, tưởng đã thất truyền, trong một phút hết sức ngẫu hứng nào đó, tự nhiên được nhớ lại làm cô gái thấy hết sức thú vị. Mà không chỉ có thú vị, có thể nó còn hết sức có ý nghĩa và có giá trị lớn lao nữa. Tất nhiên, đấy chẳng phải là thứ công thức giúp người ta biến chì thành vàng hay trẻ mãi không già. Nhưng về một mặt nào đó thì nó cũng có ý nghĩa gần giống như vậy. Thì từ bao lâu nay con người chẳng vẫn có ý muốn hoặc đi trước hoặc kéo lùi thời gian lại đấy là gì. Cũng giống như những ước mơ lên mặt trăng hoặc sao hỏa, sao kim hay ước mơ điều chế vàng từ những chất không phải là vàng, thường đơn giản, nói thì rất dễ, ai cũng nói được, chỉ đến khi hỏi phải làm như thế nào thì mới thấy là khó vô cùng.
Tất nhiên sự vui mừng khi khám phá lại được cái công thức kỳ bí ấy của cô người mẫu cũng lập tức lây sang họa sĩ. Cũng như cô, ông cũng cảm thấy cả ngày hôm nay và bao nhiêu ngày tiếp theo nữa có lẽ rồi sẽ chẳng làm được gì. Thế là, một mặt, vì chẳng lẽ cứ ngồi ở nhà mà chiêm ngưỡng nhau và chiêm ngưỡng cái thành quả không ngờ mà cũng không cầu vẫn có được ấy, một mặt thấy vì thời gian còn dài, hãy còn chẳng phải chạy đua với ai, cũng chẳng sợ ai lấy cắp mất, vì một trong những tính chất quý báu của những tấm vải lụa trong xưởng vẽ của ông là nếu muốn thì có thể vô hình hóa những gì được ghi lên đó, hơn nữa, những ký tự mà cô ghi lên đấy vừa không phải là những chữ hoặc số bình thường, cũng không phải là những mật mã, nhưng ngoài cô và ông ra vẫn chẳng ai có thể đọc mà hiểu nổi, và một mặt nữa là khi đã hiểu rằng dù đã nắm chắc cái công thức vô giá kia trong tay rồi mà cả hai người cùng vô duyên hay chỉ một trong hai người vô duyên thì cũng chẳng làm nên trò trống gì nên cả ông và cô tuy không ai nói với ai mà trong lòng mỗi người đều nghĩ đến một chuyến đi chơi đâu đó.
Họ xuống phố. Nắng rất đẹp và càng đẹp hơn trên những sườn đồi thoai thoải với những thảm cỏ, thảm hoa xuân rực rỡ. Quanh quẩn một lúc, hai người quyết định đến thăm lại vườn rêu quốc gia. Đây là một trong những công viên nổi tiếng đã có từ rất lâu rồi của thành phố, với rất nhiều loài thực vật hiếm, lạ mà trên trái đất ít nơi có. Nhưng đặc biệt, vì ở đây có rất nhiều loại rong rêu, không những chỉ ở đất nưóc này mà là từ khắp nơi trên thế giới. Và có lẽ vì sự phong phú về chủng loại này của rêu mà nhiều người trong đó có cả ông họa sĩ và cô người mẫu như quên mất tên chính của địa điểm này là công viên quốc gia như những công viên quốc gia khác. Họ gọi đây là vườn rêu và lâu lâu lại ghé thăm với hy vọng là biết đâu lại được chiêm ngưỡng một loại rêu gì đó mới được phát hiện ở Amazon, ở các khu rừng già châu Phi hay ở đâu đó trên thế giới. Đường từ nhà hai người, hay chính xác hơn là từ xưởng vẽ của họa sĩ mà sự có mặt của cô ở đấy là thường xuyên đến vườn rêu này cũng không xa lắm, chỉ gồm mấy chặng xe buýt, mấy chặng tầu điện ngầm, chỉ khoảng bốn năm mươi phút là cùng.
Trong khi đó thì tại ngôi nhà của khu ngoại ô sát bờ biển, người ta lại vẫn thấy họa sĩ với cô gái cũng đang hí húi với một tác phẩm khác của họ. Chẳng biết từ bao giờ, quanh đi quanh lại, những bức tranh của hai con người này cũng chỉ mang một trong mấy cái tên. Nếu không là Yêu thì là Nhớ, không là Nhớ thì là Thương. Vậy thôi. Chỉ khác nhau một chút ở mức độ nhiều, nhiều lắm, rất nhiều hay mức độ day dứt, tha thiết đến cồn cào. Tuy nhiên, cô gái cũng chẳng để ý xem họa sĩ đang vẽ gì. Vì cô biết, vẽ gì thì ông cũng không thể ra ngoài đề tài tình yêu với mấy chủ đề vừa kể. Cũng như cô rất biết vai trò của mình trong các tác phẩm của họa sĩ như thế nào. Quả vậy, mặc dù ai nấy vẫn chỉ làm những công việc của mình thôi, nhưng nếu không thấy cô thấp thoáng ở đâu đây, nếu không có cô trong tâm tưởng, trong mỗi suy nghĩ thì dẫu muốn đến thế nào đi nữa họa sĩ cũng vẫn không thể có một tác phẩm nào đáng gọi là tác phẩm.
Vậy thì lúc đó, họa sĩ và cô gái, trong một ý nghĩa nào đó, đang thực hiện một trong số rất nhiều…, rất nhiều… những tác phẩm của họ. Và thường thì trong mỗi dịp được gần nhau như vậy , dù lớn, dù nhỏ, thế nào họ cũng có một tác phẩm được hoàn thành. Song cũng có những lúc mà vì những lý do nào đó, không thể ở bên nhau được thì họ cũng đành để dở dang tác phẩm với sự tiếc nuối của cả hai. Anh bận một chút rồi, hay anh có việc này phải ra ngoài một chút, là những câu mà họa sĩ hay nói với cô gái. Thường thì chẳng khi nào họa sĩ chịu để cái tác phẩm còn đang dở dang ấy ở một chỗ nhất định nào. Bao giờ ông cũng muốn mang nó theo. Để tranh thủ lúc nào đó, nếu có thể thì hoàn thành luôn. Hay ít nhất thì cũng để vẽ thêm được cái gì thì vẽ. Nhưng ông không thể làm việc được một mình. Và vì thế mà bao giờ trước lúc chia tay ông cũng nói với cô gái là anh mang em theo nhé, để rồi bao giờ cũng được thấy cô cười thật tươi và nhẹ nhàng đáp lại rất khẽ rằng vâng, mà chẳng để ý rằng anh ấy sẽ mang mình theo như thế nào và mình theo anh ấy như thế nào. Nhưng cũng có lúc tự nhiên cô nghĩ ra rằng mình sắp phải về hay sắp phải đi đâu thì buổi vẽ của hai người cũng đành phải bỏ lại giữa chừng. Dù thế nào cũng có một chút dùng dằng, song tất nhiên là ông chẳng thể giữ cô lại. Trong những lần như thế, bao giờ ông cũng chỉ hỏi, em cho anh đi theo với nhé, để rồi bao giờ cũng được nghe cô cười và đáp vâng, dù chẳng biết là ông đi theo cô bằng cách nào.
Và lúc này cũng vậy, đang lúc say sưa tìm cách thể hiện một chi tiết thì chợt họa sĩ như nhớ ra điều gì. Ông dừng tay và nói với cô gái: Anh phải đi ra ngoài một chút rồi. Chưa khi nào ông thấy cô phàn nàn, bất kể là ông bận hoặc đi ra ngoài vì một lý do gì. Cô chỉ đáp, vâng, và hỏi lại như một xác định: Anh lại đi xem bóng đá à? Mà cũng đúng là ông đi xem bóng đá thật. Chỉ mấy chục phút nữa thôi là câu lạc bộ mà ông mến mộ, (đến mức ông vẫn nói với cô rằng đấy là câu lạc bộ của anh với những cầu thủ, những chân sút, những bức tường thành là những thằng em anh), có trận đấu rất quan trọng với một đối thủ rất đáng gờm. Một trận đấu có ý nghĩa quyết định đến việc có thể đi tiếp, có thể vào sâu hơn nữa hay không của câu lạc bộ của ông trong giải C1 này mà nếu ông không được chứng kiến, không được chiêm ngưỡng, không được hò hét cổ vũ thì thật đáng tiếc, và vì thế mà ân hận vô cùng. Nhưng ông lại cũng vẫn rất tiếc cái tác phẩm còn đang dở giang này của hai người, vẫn muốn hoàn thành nó trong thời gian nhanh nhất. Vậy nên, như những lần khác, trước khi đứng lên, ông lại hỏi cô: Anh mang em theo nhé. Để rồi nghe cô đáp, hay đúng hơn là nghe cô hỏi lại: Anh mang em theo làm chi? Em có biết gì về bóng đá đâu? Và để rồi, một lần nữa, khi nghe ông nèo nẵng, khi thấy ông nói rằng, lúc nào cũng muốn mang cô theo, dù là đi đến bất cứ nơi đâu, kể cả là đi xem bóng đá, thì cuối cùng cô vẫn đáp vâng.
Nơi họ đến để cổ vũ cho câu lạc bộ của ông là một quán cà phê quen của cả hai người. Nó ở ngay gần trung tâm, tức là gần nhà cô, và cách nhà ông khoảng bốn năm mươi phút vừa xe buýt vừa tầu điện ngầm. Lúc họ đến nơi thì quán đã đông lắm, nhưng bạn bè vẫn để giành chỗ cho ông và cô và khi hai người vừa ngồi xuống xong thì trận đấu gay cấn cũng thực sự bắt đầu.
Cuối cùng thì sau những phút đứng tim, mãi rồi câu lạc bộ mà ông yêu mến cũng gỡ được bàn thua hết sức ngớ ngẩn ở ngay những phút đầu tiên. Mà không chỉ có thế, đang trên đà hưng phấn, ở những giây cuối cùng mấy thằng em ông còn ghi tiếp được một bàn rất đẹp nữa mang lại chiến thắng, thỏa lòng trông ngóng của hàng triệu, hàng triệu người hâm mộ ở khắp nơi nơi.
Như bao nhiêu người khác và như các bạn của mình, ông và cô cũng đứng dậy ra về với tâm hồn cứ nâng nâng như ở trên mây. Chợt ông nắm lấy tay cô: Anh nghĩ ra rồi, chúng mình về vẽ tiếp đi, rồi em sẽ thấy, bức tranh này chắc chắn là sẽ rất đẹp, rất có giá trị đấy. Rồi như không chờ cô kịp trả lời, ông cứ thế kéo cô chạy thật nhanh cho kịp chuyến tầu điện gần nhất…
Họ chạy như bay lên nhà. Không kịp thở mà cũng chẳng kịp làm cái gì khác, họa sĩ cứ thế mà đi về phía giá vẽ làm việc ngay lập tức, say mê đến như quên hết những gì đang có hay đang xảy ra ở xung quanh. Và có lẽ đúng như ông nói, chẳng bao lâu sau thì bức tranh đã hoàn thành. Nó đúng là một tác phẩm thực sự, đẹp và hoàn hảo đến độ chính ông và cô cũng chẳng thể tưởng tượng, chẳng thể tin được rằng đấy là sản phẩm của hai người.
Dù đã đến đấy nhiều lần nhưng vườn rêu lúc nào cũng vẫn như có một lực hấp dẫn cuốn người ta vào đấy. Nó nhẹ nhàng, thoang thoảng thôi, thoang thoảng đến độ có lúc tưởng như không tồn tại ấy, vậy mà một khi đã sa vào rồi thì tưởng chừng như không thể nào thoát ra được nữa.
Người họa sĩ và cô gái cứ thế mải mê trên các lối rêu, đi mãi, đi mãi, như đi về nhà mình, về với bản thân mình, về với một quá khứ xa xăm đầy mầu xanh, về một miền sơ khai, một miền không tưởng. Họ cảm thấy cái tưởng không thể nào có được về sự bình yên thanh thản và êm ả mà rêu và mầu xanh của nó mang đến. Cái mầu xanh của ngày hôm nay nhưng lại như chẳng phải của ngày hôm nay. Cũng như cái mùi của nó, một loại mùi mà ngày hôm nay tưởng chừng như chẳng thể nào có được.
Chẳng phải ngày nào vườn rêu cũng mở cửa. Hay nói chính xác hơn là vì tính chất đặc biệt của nó mà thỉnh thoảng người ta mới mở cửa cho du khách đến tham quan, và cũng chỉ mở trong một thời gian rất ngắn, nghĩa là chỉ trong khoảng thời gian của một buổi chiếu phim, một vở kịch, một buổi hòa nhạc hay một trận bóng đá mà thôi. Vậy nên, như bao nhiêu người khác, dù chẳng muốn tí nào, nhưng rồi cũng đến lúc ông họa sĩ và cô gái phải ra về.
Như phải vượt một quãng thời gian rất lớn nên đến lúc này hai người mới thấm mệt. Nhưng dẫu vậy, khi về đến nhà, như bao giờ cũng vậy, ông họa sĩ và cô gái vẫn muốn đến xem lại ngay tác phẩm mà họ vừa mới hoàn thành, trước khi ký tên để giao cho gió mang đi…
Phải nói ngay là, như bao nhiêu tác phẩm mà họ đã hoàn thành từ trước đấy, hai người cũng rất hài lòng về bức tranh này. Song chỉ đến khi gió đã mang nó đi thật xa, đến tận một phương trời xa lắc xa lơ đâu đó rồi cô gái (và cả ông họa sĩ nữa, tất nhiên) như mới chợt nhớ ra là họ đã vẽ bức tranh lên tấm vải có ghi công thức hóa học hay sinh học gì đó mà cô chợt thiết lập hay chợt nhớ ra được cũng chẳng biết nữa.
Nhưng họ chẳng tự làm phiền mình về điều ấy. Có thể vào một lúc nào đó, với lòng say mê thế này; rồi họ sẽ thấy lại nó trở về dưới một dạng nào đấy.