Truyện ngắn của Mai Lê: BÁN LÂM SÀNG
- Thứ năm - 11/12/2014 22:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Dường như, khi con người ta đứng ở bên ngoài cuộc sống, người ta sẽ nhìn thấy cuộc sống thực hơn, vì người ta có thể nghe thấy những điều mà bình thường con người sẽ không nói với nhau, hoặc có nói thì cũng sẽ để nó mang màu sắc khác. Khi đứng bên lề cuộc sống, người ta lại càng thấy có nhiều sợi dây ràng buộc và níu kéo”.
Minh họa: Internet
“Xoảng... xoảng... Bốp... bốp... Tao cấm mày sờ vào con tao... Mày cút ra khỏi nhà tao... Vợ gì cái loại mày... Mày về nhà con mẹ mày mà sống cho nó sướng...”.
Thị vùng chạy ra khỏi cửa. Tưởng như chỉ cần chậm thêm một giây nữa là cả căn hộ tầng hai cũng bay ra ngoài đường.
“Mẹ... mẹ chờ con với...”. Đứa con gái lớn bảy tuổi gào lên, đứa con bé hai tuổi khóc the thé đuổi theo bước chân thị. “Các con hãy tha lỗi cho mẹ! Mẹ không thể chịu đựng hơn được nữa...”
Thị băng băng qua đường qua phố, chẳng thèm để ý xung quanh ô tô xe máy lượn lách, phanh gấp để tránh thị. Mấy lão lái xe mặt đỏ tía tai kéo kính, ngó cổ ra định quăng cho thị mấy câu chửi. Nhưng các lão tưng hửng trước cái dáng đi vô hồn của thị. Người nào người nấy lắc đầu kéo kính lên đi tiếp.
Bước chân vô định đưa thị tới Bờ Hồ. Những hạt mưa lắc rắc, những cơn gió táp vào mặt khiến thị có cảm giác lành lạnh mà dừng lại, ngồi thụp bên kè đá. Nhìn dòng nước loang loáng sóng vỗ loạp xoạp, thị chợt thấy lòng chững lại. Nếu thị mà chìm vào dòng nước kia chắc mọi thứ khổ đau, mệt mỏi sẽ tan biến. Tiếng gào thét của con lớn, tiếng khóc ré của con nhỏ váng vất bên tai thị.
“Các con hãy tha lỗi cho mẹ! Mẹ không thể chịu đựng hơn được nữa...”. Thị đã từng nhiều lần cầm vốc thuốc nhỏ và trắng mà phân vân. Mỗi lần như vậy, khuôn mặt thơ ngây của hai đứa bé lại giữ thị lại. Còn lần này, mọi thứ với thị đã trở nên quá sức. Hắn đã không chỉ động tay động chân, mà còn động tới cả gia đình nhà thị.
Mưa trở lên nặng hạt hơn. Phía bên kia hồ ánh xe như muốn nuốt lấy bóng đêm. Thị cảm thấy run. Mỗi khi có một quyết định gì đó đặc biệt thị lại run người lên như vậy. Hụt hẫng như sắp bước vào điểm đen không điểm dừng. Những gương mặt cứ lấp ló đi qua đầu thị. Sơ có, thân có, không quen cũng có... Chẳng có lấy một nụ cười từ những gương mặt ấy. Thị đã đến đường ranh rới giữa thực và hư, giữa dương và âm?
*
“Bơm mạnh thêm chút nữa, chút nữa... Rồi, huyết áp đang lên rồi... Mạch tăng hơn rồi đấy...” .
Những giọng đàn ông, đàn bà lao xao, hối hả. Xung quanh thị người ta đang làm gì thế nhỉ? Có ai đó làm sao mà huyết áp với mạch? Mà thị đang ở đâu? Sao lại tối mù mịt thế này? Hai mí mắt thị dường như bị khâu lại, không sao có thể mở ra được. Thị thử động chân động tay... Mọi thứ như có tảng đá đè nén...
“Bệnh nhân sao rồi?”
“Thưa giáo sư, bệnh nhân có vẻ đang phục hồi tý chút. Huyết áp đã lên tới 35/60. Nhưng thấp thế này thì vẫn còn nguy hiểm lắm ạ”.
35/60 - nguy hiểm. Nếu họ biết huyết áp có lúc thường xuyên ở mức 45/80 mà thị vẫn gò lưng bên chiếc máy tính đêm ngày thì sẽ hiểu thị đã qua vòng nguy hiểm.
“Đã liên lạc với nhà bệnh nhân chưa?”
“Dạ, chị ấy không mang một chút giấy tờ tùy thân trong người, điện thoại cũng không nên chúng tôi chưa biết làm thế nào. Chị ấy được đưa vào trong tình trạng mặc quần áo ngủ, ướt sũng. Nghe đâu ngất gục bên bờ hồ. Mà được phát hiện giữa sáng sớm thế chắc là phải nằm đấy từ đêm. Chúng tôi đoán có chuyện gì đó”.
“Có bị thương ở đâu không?”
“Dạ, chỉ có vết bầm ở má.”
“Chậc... chậc... Sao lắm người dại dột thế nhỉ”
Thị dại dột ư? Vết bầm ở má? Hình như có chuyện gì đó đã xảy ra với thị. Mà sao thị lại ở bờ hồ nào đó nhỉ? Gần nhà thị có cái hồ nào đâu? Thôi chết, thị nằm đây hai con bé làm sao bây giờ? Giờ là sáng hay chiều? Ai cho chúng ăn sáng, ai đưa chúng đi học, ai đón chúng về?
“Bác sĩ, huyết áp chị ấy đã tăng 35/60!”
*
“Chào chị! Chị cho tôi hỏi có phải bệnh nhân hôm qua được đưa tin trên tivi nằm ở đây không?”
“Vâng. Anh là người nhà của cô ấy?”
“Tôi là bạn thân của cô ấy. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi không liên lạc được với nhau. Hôm qua nghe tin tôi mới biết tìm đến đây.”
“Vâng, người ta đưa cô ấy vào đây trong tình trạng bất tỉnh, không một giấy tờ tùy thân. Vì thế chúng tôi phải đưa lên tivi để tìm người thân.”
“Thế có ai đến chưa chị?”
“Anh là người đầu tiên từ lúc đưa tin đến giờ. Anh có thể cho chúng tôi xin thông tin của cô ấy?”
“Cô ấy tên là Hoàng Thị Mộc Anh. Năm nay 35 tuổi. Gia đình bố mẹ ở ngõ cây Đa, thôn Cầu, xã...”
Đưa tin thị nằm viện lên TV ư? Đừng đưa nữa, xin các người đấy. Mẹ thị mà xem được, huyết áp tăng thì làm thế nào đây? Mà ai lại lôi cái địa chỉ của nhà thị cách đây hơn mười năm vậy nhỉ?
“Anh ngồi nói chuyện với chị ấy nhé. Với trường hợp bất tỉnh này, cần có người nói chuyện thường xuyên. Chúng tôi sẽ chuyển thông tin về chị ấy cho bên quảng cáo để thông báo thêm.”
“Em, sao lại đến nông nỗi này? Em đã hứa là sẽ sống thật tốt nếu anh xa anh cơ mà? Em có biết anh đã phải kìm nén thế nào để không gặp em. Anh đã tưởng tai mình nghe nhầm mắt mình bị hoa khi thấy hình em trên tivi...”
Đúng là anh rồi. Thảo nào... Anh giờ sống ra sao, có hòa hợp được với vợ không, có mấy con rồi?
“Nghe lời em, anh đã cố gắng giữ hòa khí với cô ấy. Anh cũng chỉ có một đứa con gái ấy từ hồi xa em. Giờ cháu cũng hơn mười tuổi rồi. Cuộc sống với anh bây giờ chỉ là lo cho con có một tâm lý vững vàng, một tương lai bình ổn. Anh đã chuyển nhà về phố Nối được năm năm nay rồi.”
Ôi cuộc đời... Cái ngày thị và anh mắc phải bùa tình, dù mỗi người ở hai đầu thành phố, ai nấy đều tối mặt vì công việc, một tuần vẫn phải có đôi ba lần gặp nhau. Thời gian đầu xa nhau, lúc nào đi trên được, nhác thấy dáng đàn ông cao cao gầy gầy, trên chiếc xe máy xanh lơ, thị lại cố vượt lên... hy vọng là anh. Lần nào cũng chỉ là sự nhầm lẫn. Ngờ đâu, năm năm nay cùng sống trên cùng một con phố mà sao thị và anh chưa một lần giáp mặt?
“Gặp anh rồi, em không được im lặng thế này chứ. Chưa lúc nào anh hết cần em. Mỗi khi công việc có vấn đề, anh lại mở số điện thoại của em ra, cho dù chỉ nghe tiếng nhắn nhủ ngớ ngẩn của Tổng đài. Mỗi khi con gái hỏi ý kiến anh về vấn đề gì đó, anh lại mở mail ra gửi thư nhờ em tư vấn, nhưng cuối cùng chỉ là tin trả lời của nhà mạng địa chỉ không còn tồn tại.”
Thị gặp anh trong những chiều lang thang. Thị lang thang buồn vì công việc không ổn định, vì người thị yêu không hề biết đến tình cảm của thị. Anh lang thang vì lấy vợ đã vài năm mà chưa có lấy một mụn con, vì sợ phải về nhà ngôi bên mâm cơm chòng chọc hai vợ chồng chỉ với vài câu nói bâng quơ.
Họ cùng lang thang trên cái mạng ảo đầy người qua lại, đầy lời hay ý đẹp nhưng tình thì lạnh tanh. Họ đã lao vào nhau như hai con thiêu thân nhìn thấy ánh đèn dầu mùa lúa chín. Chẳng có gì là họ không thể nói với nhau, chẳng có thời gian rảnh rỗi nào là họ không tìm đến nhau. Gặp anh, thị thấy mình đã thật phí phạm thời gian cho mối tình đầu đơn phương.
“Lẽ ra ngày ấy anh phải quyết tâm hơn, không nên để mất em. Càng ngày anh càng thấy mình thật sự sai lầm khi cố cứu vãn tình thế gia đình khi ấy, bỏ lại em một mình với bao đớn đau. Giờ cả anh và em có gặp nhau cũng đều mắc kẹt giữa con trẻ. Chúng ta sẽ sống thế nào đây khi mà anh không muốn xa em nữa?”
Anh hẳn phải yêu con lắm. Trong đầu thị cũng chưa bao giờ phai nhạt hình ảnh khuôn mặt rạng ngời của anh khi báo tin vui “Anh sắp có con!”. Đấy là thành quả hơn năm năm miệt mài chữa chạy của vợ chồng anh. Mọi ngày thị luôn luôn bình thản nghe anh kể về cuộc sống vợ chồng anh, vì thị coi đấy là điều tất yếu. Thị luôn tâm niệm chẳng có lý do gì để thị phải tước đi cuộc sống vốn bình lặng của anh.
Cả anh và thị đều biết rằng nếu cả hai dấn lên một bước, thì cả cuộc đời và sự nghiệp của anh lẫn thị đều sẽ đảo lộn. Cả đời thị sẽ không hết mặc cảm vì thị mà một người phụ nữ khổ sở. Thị sẵn sàng đi bên lề cuộc đời anh cho đến khi thị thấy cần phải ra đi. Vậy mà khi nhìn thấy khuôn mặt tươi hơn hớn của anh, thị như rơi tõm vào khoảng không không định lượng. Một cơn ghen vô cớ trào dâng.
“Anh vui lòng để tôi đo huyết áp cho chị ấy. 40/65. Tăng hơn rồi đấy. Nhưng vẫn còn thấp lắm”.
*
“Trời… chị… tại sao lại thế này cơ chứ? Chị y tá ơi, tại sao chị của em không có cử động gì thế này?”
“Cô đừng lo, cô ấy đã qua vòng nguy hiểm. Huyết áp, tim mạch đang dần dần hồi phục. Tuy nhiên cô ấy có dấu hiệu trong trạng thái bán lâm sàng. Có thể não cô ấy vẫn đang tiếp nhận những âm thanh xung quanh, nhưng không thể phản hồi lại được”.
Thị vẫn thực sự đang nghe đấy, chứ không phải “có thể” đâu. Nhưng làm sao thị có thể hét lên cho em thị biết được đây. Thị muốn hỏi em thị về tình hình hai đứa con. Không biết giờ này chúng đang ở đâu? Chúng mà về bà ngoại thì sẽ may mà được ăn uống và chăm sóc tử tế. Chứ ở với bố chúng thì sao suốt ngày chỉ nhìn thấy cái dáng say xỉn thôi. Nhưng mẹ thị mà biết tình trạng này của thị thì sẽ ra sao đây? Bà lại tăng xông vào viện như cái đận năm kia thì thị biết làm sao?
“Chị… sao ra đến nông nỗi này? Nhìn thấy hình chị trên tivi em như chết đứng. Chị đã nằm đây mấy ngày rồi mà không ai trong nhà mình biết gì. Em có chạy qua nhà chị thì thấy cửa khóa. Hỏi hàng xóm thì thấy bảo lão chồng chị chở hai đứa đi đâu đó từ hôm qua chưa về. Em có điện thoại thì được biết chúng đang ở bên nhà mẹ chồng chị. Lạ, mẹ chồng chị cũng chẳng nói gì với em chuyện chị không có nhà.”
Chắc chắn là họ sẽ chẳng bao giờ nói rồi. Thị hiểu họ như lòng bàn tay thị. Nói ra để họ bị quy trách nhiệm bạc đãi khiến thị phải bỏ đi à. Chắc họ đang nghĩ thị đi rồi cũng sẽ về thôi, vì có bao giờ thị bỏ được hai đưa con trứng nước.
“Chị cứ yên tâm nghỉ ngơi, em sẽ đón hai đứa về nhà em. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chứ sống ở cái nhà ấy rồi chúng nó cũng chẳng ra gì. Mà em sẽ ra đồn công an báo để họ điều tra xem hắn đã làm gì với chị. Lần này em quyết không để hắn tiếp tục sống an toàn để tác oai tác quái thế được”.
Đừng, em ơi, đừng báo công an! Làm thế sao các cháu của em sống nổi với đàm tiếu thiên hạ. Rồi còn tương lai của chúng nữa chứ. Liệu sau này có gia đình nào lại chấp nhận chúng làm dâu khi biết cha chúng bạc đãi mẹ chúng tới nước mê man bất tỉnh?
Người đàn ông ấy có bạc đãi chị cũng chẳng qua là do hắn bần cùng thôi. Sự nghiệp đổ bể, công ăn việc làm không có, bảo sao hắn ta không suốt ngày say xỉn. Khi có tiền, hắn cũng chiều chuộng thị và con cái lắm chứ. Mà có thể cũng do thị… Thị đã không dành trọn vẹn tình yêu mà hắn ta mong muốn.
“Chị hãy cố gắng lên để còn về làm giỗ bà ngoại của chúng mình chứ. Không có chị mẹ sẽ chuẩn bị cúng giỗ sao đây?”
Mỗi năm qua đi, cứ vào thời gian này, thị lại lang thang miền ký ức để tìm bóng dáng bà. Nhớ ngày nào, trong cơn mê sảng bà còn trách “nhà chúng nó băm chặt làm cỗ cưới con bé mà không bảo mình, tệ quá”. Thị đã thật có lỗi với bà khi không thực hiện được ý nguyện mà bà mong mỏi được nhìn thấy trước khi tạm biệt cõi đời. “Nếu không có bà thì làm sao nhà này nuôi được mấy đứa con trưởng thành như vậy”.
Không phải mẹ vợ nào cũng ở trong lòng các chàng rể nhiều như bà. Không phải gia đình của một chàng rể, mà gia đình của tất cả các chàng rể đều nhờ bà như vậy. Chỉ với đôi quang gánh hoa quả hay thúng dao kéo, mà bà đã đưa các gia đình con cháu qua cơn bĩ cực của thời bao cấp. Hơn tám mươi tuổi, bà vẫn cần mẫn sáng đi chợ, chiều về chợ. Cả nhà vẫn ngóng túi quà của bà mỗi khi ráng chiều nhá nhem.
Khi bị ngã phải bó bột, bà chỉ lo làm sao nhanh chóng tập đi được để khách hàng khỏi quên mình. Trong dáng bà, thị thấy hiện hình nỗi lo mình ăn không ngồi rồi làm phiền toái con cháu. Tự nhiên thị lại thèm có bà ở bên. Có lẽ dưới suối vàng bà vẫn chưa nguôi ngoai lo lắng cho thị.
“Mạch vẫn đang tăng. Huyết áp 45/70. Tình hình có vẻ ổn. Nhưng không hiểu sao cô ấy vẫn chưa có dấu hiệu phản hồi. Có lẽ do não bị ngấm lạnh trong hôn mê lâu quá”.
*
“Hu… hu… Mẹ… mẹ… Mẹ nằm đây mà sao bà nội bảo mẹ đi công tác? Hức… hức… Bà bảo mẹ chỉ lo công lo việc mà bỏ bê con cái. Em Bin nhớ mẹ nên đêm nào cũng giật mình khóc. Em ấy chẳng chịu uống thêm sữa đâu. Chắc tại sữa bà mua không ngon như sữa mẹ hay mua. Còn bố thì từ hôm mẹ đi cũng đi đâu không thấy về. Mẹ… đừng nằm im lặng thế này, con sợ lắm. Hu…hu… Hôm qua chúng con về nhà dì. Dì làm sườn nướng mật ong cho chúng con ăn. Ngon lắm mẹ ạ. Nhưng con vẫn thèm món cơm rang của mẹ. Mẹ ơi, mẹ nhanh khỏi đi…”
Nín đi, con gái yêu của mẹ. Con mà khóc nhiều lại dị ứng bây giờ. Khổ thân con gái thị, mới bảy tuổi mà đã phải chăm em như một bà mẹ. Con người ta bảy tuổi còn nhõng nhẽo đòi mẹ đút cơm, còn nó thì đã phải đút cơm cho em, tự tắm cho mình và tắm cho em. Nhiều khi thị đi làm về muộn, hai chị em nó đã ôm nhau ngủ chỏng quèo. Mà thằng em nó cũng thuộc loại nhậy cảm. Nghịch thì thật là nghịch, nhưng mỗi khi thấy thị mệt, thấy thị buồn là nó lại tẩn mẩn ngồi im chơi một góc, hoặc lân la ra sờ nắn người mẹ. Trời, thị mà đã từng có ý định dại dột như ông bác sỹ nói ư? Khi ấy con thị sẽ ra sao đây? Sao thị lại có thể tồi tệ thế này?
“Mẹ, hôm qua có một bác gì đó ở Hội Phụ nữ đến nhà. Dì đuổi hai chị em con lên gác, nhưng con nghe lén thấy dì và nói đến tên bố với bác ấy, rồi hỏi thủ tục kiện gì gì đó. Con thấy mặt dì rất tức giận. Mẹ ơi, có phải tại bố đánh mà mẹ bị ốm nặng thế này không? Hu...hu…hu…”
Cái con bé, nó vẫn quyết định làm ư? Thế này thị thì và hắn làm sao có thể còn đường về với nhau nữa đây? Chính vì lo sợ cái sự này xảy ra mà thị chẳng bao giờ kể chuyện vợ chồng thị cho nó nghe. Thị biết tính nó, chướng tai gai mắt là sẽ không chịu được, kiểu gì cũng phải làm ra ngô ra khoai. Mà chuyện gia đình nhà thị mà cứ tách bạch như ban ngày với ban đêm thì nát vụn từ lâu rồi. Chồng thị đã nóng tính lại còn khái tính nữa, sẽ không chịu mất mặt đâu. Thị nằm đây, hai đứa con chị lại không có bố nữa thì làm sao.
“Bác sĩ ơi, mẹ cháu bao giờ tỉnh lại ạ? Bác sĩ giúp mẹ cháu đi, đừng để mẹ cháu nằm im lặng thế kia. Còn em trai cháu nữa, nó nhớ mẹ lắm. Cháu van bác sĩ đấy!”
“Để bác khám cho mẹ cháu nhé. Huyết áp đã tăng lên 50/75 rồi. Cháu yên tâm, rồi mẹ cháu sẽ tỉnh. Cháu chịu khó khi nào có thời gian vào nói chuyện với mẹ nhé!”
“Dạ, vâng ạ! Cháu cảm ơn bác sĩ!”
Thị sắp tỉnh ư? Ơn trời, thị lại sắp được gặp hai đứa con bé bỏng rồi. Thị lại có thể làm cơm thắp hương cho bà ngoại thị rồi. Thị lại có thể được gặp mẹ, gặp em.
*
“Chào chị! Chị cho hỏi bệnh nhân Mộc Anh thế nào rồi?”
“Chị là bạn chị ấy à?”
“Chúng tôi còn hơn cả là bạn. Chỉ có điều chưa có dịp gặp nhau.”
“Chị ấy vẫn mê man, nhưng huyết áp khá hơn hôm đầu vào đây nhiều rồi. Chị nói chuyện cho chị ấy nhanh tỉnh nhé.”
Giọng nói này sao lạ vậy, dường như đây là lần đầu tiên thị nghe thấy. Hơn cả bạn thì có thể là gì cơ chứ?
“Tại sao chị lại để tôi lần đầu gặp chị trong bộ dạng này chứ? Tôi đã từng hình dung chị phải kiêu sa, xinh đẹp và trẻ trung hơn tôi. Có như vậy tôi mới có thể được an ủi phần nào khi phải san sẻ tình cảm của anh ấy cho chị. Vậy mà chị lại tiều tụy, già nua và nhăn nheo thế này sao? Mà sao ngay cả trong bộ dạng này chị cũng vẫn làm cho anh ấy thất điên bát đảo, vẫn làm cho gia đình tôi phải ở bên bờ vực? Tại sao....? Tại sao...?”.
Như có luồng điện kích dọc cơ thể thị. Thị có thể hình dung những giọt nước tràn đầy trên khuôn mặt người đàn bà xa lạ với cặp mắt đang nhìn thị căm phẫn. Anh ấy đã làm gì để cô ấy phát hiện ra chuyện của hai người ư? Chẳng nhẽ lý trí của anh dạo này yếu mềm đến vậy? Anh không nghĩ tới rủi ro cho người vợ yếu đuối của anh?
“Chắc chẳng bao giờ chị nghĩ tôi lại biết chuyện của hai người từ hồi đó đâu nhỉ? Thực ra tôi vốn không phải là người nhậy cảm tới vậy, nên tôi mới đồng ý lấy anh cho dù đã chứng kiến từ đầu đến cuối tình đầu của anh với cô bạn học phổ thông. Không biết đã có khi nào anh kể chuyện đó cho chị chưa? Chị không bao giờ biết được tôi đã chết lặng thế nào khi chợt tỉnh giấc giữa đêm khuya do tiếng anh gọi tên chị trong mơ. Tôi không ngờ rằng lại có thêm một người đàn bà nữa trong tiềm thức của anh. Tôi đã từng muốn dựng anh dậy để xỉ vả, để cấu xé. Nhưng cái tính tự ti của người đàn bà lấy chồng năm năm mà chưa sinh nổi mụn con đã cản tôi lại.
Từ đó tôi đã quyết tâm phải làm mọi cách để sinh con cho anh. Tôi đã nghĩ, chuyện với chị chỉ là nhất thời trong lúc anh buồn chán chuyện con cái. Tôi đã kiên quyết lôi anh vào công cuộc tìm kiếm con cái. Và tôi đã rất mừng là anh cũng đồng lòng và nhiệt tình. Tôi biết, mình có nền tảng vững chắc là tình thân hơn 30 năm giữa hai gia đình chúng tôi, là sự gắn bó tuổi thơ của chúng tôi. Tôi tự tin anh không thể bỏ người vợ được kết duyên từ tiền đề em kết nghĩa được. Chị có thể mang cho anh ấy đam mê, nhưng tôi lại mang cho anh ấy nghĩa tình. Chị có hiểu không, hả? Chị nói gì đi chứ, tại sao cứ đờ đẫn ra thế kia?”.
Anh đã không giấu thị chuyện gì, kể cả câu chuyện tình yêu thưở học trò và cuộc hôn nhân nghĩa tình như vợ anh nói. Chính vì hiểu những điều anh trăn trở nên thị đã không tìm cách níu kéo anh, cho dù khi ấy thị vẫn là con gái. Thị đã động viên anh quay về chú tâm tạo dựng căn nhà nhỏ ấy, cho dù sau này chị không thể cảm nhận được tình yêu nào khác ngập tràn đam mê như thế.
“Tôi đã kéo được anh ấy về với mình, tôi đã sinh được con gái cho anh, chúng tôi đã yên bình trong căn nhà của chúng tôi hơn chục năm trời, tại sao chị lại hiện ra xen vào bữa cơm, giấc ngủ của gia đình tôi? Chị có biết điều tệ hại mà mình đã gây ra không? Lần đầu tiên kể với tôi về chị, anh ấy đề nghị tôi chấp nhận cho đến với chị, không màng đến chuyện có ly hôn được với tôi hay không. Con gái tôi rất yêu bố nó, rồi nó sẽ ra sao đây? Tại sao...? Tại sao...? Chị nói gì đi chứ... Chị đã lấy chồng, đã sinh con... Vậy tại sao chị không yên ổn sống cuộc đời của chị mà lại đổ đốn như thế này để gợi lòng thương hại của mọi người cơ chứ? Giá mà tôi có thể ước cho chị chết đi...”.
Một luồng điện mạnh hơn kích dọc sống lưng thị. Thị như muốn bốc hỏa trước hình ảnh bé gái ngơ ngác nhìn bố quay lưng, sợ hãi nhìn mẹ gào thét quăng quật đồ. Con bé chỉ hơn con gái chị có bốn tuổi thôi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Trái đất vốn rất tròn, thành phố vốn rất bé. Sau này nếu con gái chị và con gái anh vô tình làm cùng với nhau, liệu con gái chị có đủ tự tin để nhìn vào mắt đồng nghiệp với suy nghĩ mẹ mình đã cướp đi bố và gia đình cô ấy...
“Tít...tít... tít...”
“Reng... reng... reng...”
“Sốc tim, nhanh lên!”.
*
“Chào cô! Cô cho hỏi đây có phải phòng của Mộc Anh?”
“Vâng, xin lỗi anh là ai?”
“Tôi là anh trai cô ấy mới đi công tác về. Nghe tin vội đến đây ngay”.
Chồng thị? Hắn ta đến đây làm gì?
“Tôi tưởng cô giỏi giang thế nào, chứ lại ngu ngốc đến mức độ này hả? Cô tưởng cô chết đi mà tôi nuôi được con cô sao? Thật là xuẩn vô đối. Đã đến nước này thì tôi chẳng giấu làm gì nữa. Tôi đã có người đàn bà khác rồi, cô cố mà khoẻ về chăm hai đứa đi. Cô có biết tại sao tôi có người đàn bà khác không? Vì lúc nào cô cũng tỏ ra mình là người giỏi giang, lo được cho gia đình. Vì lúc nào cô cũng tỏ ra mình là người nhu mì, đảm đang có thể lo chu đáo cho cả bữa cơm gia đình. Vì lúc nào cô cũng tỏ ra lo lắng từng li từng tý cho tôi, khiến tôi không có không khí để thở.
Rồi cô lại còn không tin tưởng tôi nữa chứ. Ngày mới lấy tôi, vì tôi làm ăn phát đạt có kinh tế nên cô đóng vai một cô vợ yếu đuối, hoàn toàn dựa vào tôi. Ấy thế mà khi tôi vừa sa cơ lỡ vận, cô đã đổi vai, coi thường tôi, tự làm tự quyết định mọi thứ trong nhà. Rồi lại còn ngăn cản không cho tôi đi làm ăn này nọ với anh em. Tôi là thằng đàn ông chứ có phải là con chó giữ nhà cho cô đâu...”.
Thị coi thường hắn ư? Chẳng qua là vì hắn hay cả tin nên cứ bị bọn gọi là bè lừa lọc hết lần này đến lần khác. Thị không muốn nhìn thấy hắn say mèm, lải nhải phá phách mọi thứ sau mỗi lần bị lừa...
Thị coi thường hắn ư? Chẳng qua vì hắn cứ gặp mối là bất chấp nguy hiểm, liều mạng lao vào làm ăn. Thị không muốn đêm đêm phấp phỏng vừa vỗ con ngủ, vừa ngó cầu mong cái điện thoại đừng réo báo tin chồng thị đang nằm viện...
“Người đàn bà này không trí thức, giỏi giang như cô, nhưng cô ta chẳng quan tâm tới việc hôm nay tôi đi đâu làm gì. Tôi ở đâu vài ba ngày. Chỉ cần tôi đi rồi lại về, ăn với cô ta bữa cơm, sửa mấy cái đồ trong nhà cho cô ta, chở cô ta đi đây đi đó là đủ. Ở bên cô ta tôi thấy mình được là thằng đàn ông...”.
Sao hắn lại có thể quên rằng trước khi gặp hắn thị đã là một cô gái cứng rắn và nghị lực. Thị đã một mình vừa lo kiếm sống, vừa lo cho đứa em ăn học và mẹ già yếu.
Sao hắn có thể quên rằng chính hắn đã từng bảo thị: “Em đừng tự cương mình lên thế, nếu cần khóc hãy dựa vào anh mà khóc đi. Về sống với anh, chỉ cần em chăm chút con cái, nhà cửa là anh vui rồi. Anh sẽ lo mọi vấn đề kinh tế cho cả bên nhà”.
Thị đã nghe lời hắn bỏ công việc ở công ty nước ngoài túi bụi mười hai tiếng một ngày, về nhận một công việc hành chính ở cơ quan nhà nước để tiện đường đón đưa và cơm nước cho con cái học hành. Chỉ khi hắn sa cơ lỡ vận, thị mới lại lụi cụi tìm kiếm công việc ở Công ty nước ngoài khác đặng lo cho cái gia đình bé nhỏ qua cơn bĩ cực.
“Cô mà không cố khỏi đi thì tôi sẽ cưới mẹ kế cho chúng nó đấy...”
Mẹ kế... Trời, các con thị sẽ ra sao? Chúng sẽ phải tự lo cơm lo nước cho nhau, chúng sẽ phải quần quật làm việc nhà, rồi có khi chúng sẽ thất học vì không ai bảo ban... Khuôn mặt lem luốc và quần áo nhếch nhác của con em khiến đầu thị lại như bốc hoả... Thị nghẹn thở vì yếm khí... Đầu thị như có hàng ngàn con ong đang châm chích...
“Reng... Reng... Reng...”
“Tít... Tít... Tít...”
“Trợ tim!!! Tiêm!!! Ấn!!!”...
*
Tiếng chim réo rắt đâu đó làm thị tỉnh giấc. Một làn gió lơn mơn khuôn mặt thị. Cái âm thanh vừa lanh canh như kim, vừa lảnh lót như thuỷ tinh, làn hơi thoảng qua khiến thị có một vị giác ngọt nhẹ, mơ hồ. Thị hình dung ra một chiếc cửa sổ sơn xanh trong phòng bệnh hướng ra khu vườn có tán cây cổ thụ canh nâu. Có điều gì đó rất thân quen mà thị đã không nhớ nổi.
“Chào chị! Tình hình cô ấy đã đỡ nhiều chưa chị?”
“Ối giời, anh đến đấy à. Chẳng hiểu sao mấy hôm nay cô ấy làm chúng tôi cứ quay cuồng. Huyết áp lúc tăng cao ngất, lúc lại hạ gần đáy. Nhịp tim thì cũng tương tự. Chúng tôi cứ phải 24/24 trực thế này. Thế nào mà từ tối qua tới giờ lại bình ổn thế chứ”.
“Chết, thế người nhà không ai ở đây ạ?”.
“Em gái với con gái cô ấy lúc nào chẳng thay nhau ở đây. Hôm nay hai dì cháu đang đưa nhau đi thi học kỳ rồi. Cái con bé ngoan ngoan là. Tội ghê... Chẹp... Chẹp... Mà anh ở đây trông chừng cô ấy giúp tôi một lát nhé. Nhớ để ý nhịp tim và huyết áp!”.
“Chị cứ đi đi. Hôm nay tôi sẽ ở đây cả sáng với cô ấy”.
Anh lại đến với thị. Bàn tay thị lọt thỏm trong đôi tay bàn tay to rắn của anh. Thị có cảm giác đôi mắt anh đang đau đáu nhìn thị như thưở nào. Hơi thở anh giáp gần, giáp gần khuôn mặt thị... Có hơi ấm nhè nhẹ trên môi thị... Thị rùng mình... Thị thấy đầu óc mình như tan ra, không một hình ảnh, chỉ một cảm giác cay cay, ngai ngái lan toả. Thị chợt nhớ, cái khung cửa sơn xanh và vòm lá canh nâu là nơi họ từng gặp nhau.
“Anh xin lỗi em! Cô ấy đã kể cho anh tất cả việc đến tìm em. Anh biết em đã nghe được hết những lời nặng nề của cô ấy. Chính vì thế tình trạng sức khoẻ của em mới xấu đi. Em đừng suy nghĩ nhiều mà làm ảnh hưởng tiến trình hồi phục nhé. Em cần phải nhanh chóng tỉnh giấc để còn về với con em, với anh. Anh không thể để mất em lần nữa, người bạn tâm giao của anh.
Anh biết mình là một thằng tồi vì để cho hai người phụ nữ phải lao đao vì mình. Nhưng anh không thể đứng mãi ở một ngã ba đường để cả ba chúng ta đều bơ vơ không bến đỗ.
Cô ấy có thể còn yêu anh, hoặc có thể lầm tưởng thói quen sống bên cạnh anh là tình yêu. Nhưng có một điều anh biết chắc là anh không yêu cô ấy, ngay từ khi lấy nhau.
Giờ nói ra thì có thể em cũng cho anh là một thằng hèn, nhưng anh đã lấy cô ấy chỉ vì cái suy tính truyền thống: đàn ông đi lắm thì cũng phải dừng. Anh đã dừng nơi cô ấy vì thấy an toàn. Một người em kết nghĩa yêu anh, với nền tảng hai bên gia đình kết nghĩa đã lâu năm.Và quả thật, cô ấy đã trợ giúp cho anh rất nhiều về đường công danh. Đó chính là lý do tại sao anh đã để thời con gái của em đi qua. Anh đã suy tính đắn đo giữa tình yêu và sự nghiệp. Anh đã nguỵ biện xa em là vì không muốn người đàn bà ấy khổ. Anh đã đớn hèn... Bao năm qua anh đã vo quanh mình cái giấy kẹo đớn hèn ấy để tự tin là mình đã làm đúng.
Cái giây phút thấy hình em xanh xao trên tivi, anh như thấy mình đang rơi vào hố đen. Gặp em về, anh đã chẳng thể bình thản ngồi trên salon xem ti vi cùng con gái. Anh đã lợi dụng tình cảm của cô ấy và của em... Giờ anh chỉ cầu mong cho em hồi phục, để anh được lại thấy dáng đi và nụ cười của em. Dù em có chấp nhận anh nữa hay không, anh cũng sẽ là cái bóng bên cạnh em...”.
Thị cảm nhận vị mặn mòi nơi khóe môi.
*
Để tránh cho những người không mong muốn gặp thị, để thị có tâm lý ổn định mau hồi phục hơn, anh và người nhà đã chuyển thị sang bệnh viện ở một thành phố khác.
Anh đã đâm đơn xin đơn phương ly hôn lên tòa án. Đại diện Viện Kiểm sát khuyên anh nên thuyết phục vợ đồng thuận, nếu không thì sẽ phải mất vài tháng, một năm, thậm chí vài năm mới thụ lý xong. Biết vợ không đồng ý, anh đã lặng lẽ xách va-li ra khỏi ngôi nhà ấy sau những ngày thủ thỉ trò chuyện cùng con gái. Anh từ chức và xin thôi việc ở cơ quan công quyền, xin làm công việc dự án nơi thành phố thị chữa bệnh để có thời gian chăm sóc thị khi cần. Thi thoảng tháng đôi lần anh lại về thăm con gái, đưa nó đi chơi.
Trong thời gian thị chuyển viện, hai đứa con vẫn ở cùng em gái thị để học hành. Cuối tuần, chúng lại được dì cho đến thăm mẹ. Thằng bé giờ gặp mẹ không khóc nữa mà líu lo kể chuyện trường lớp bạn bè. Trí óc non nớt của nó đã hiểu phải nói nhiều, cười nhiều mẹ mới mau bình phục. Hai chị em nó mỗi lần đến là mang hàng chục dây hạc trắng hồng xanh đỏ đủ mầu treo khắp phòng bệnh của thị. Chẳng bao giờ chúng đả động tới bố hay bà nội trong câu chuyện.
Toàn bộ những điều đó thị biết được qua những câu chuyện nghe trong cơn bán lâm sàng. Dường như, khi con người ta đứng ở bên ngoài cuộc sống, người ta sẽ nhìn thấy cuộc sống thực hơn, vì người ta có thể nghe thấy những điều mà bình thường con người sẽ không nói với nhau, hoặc có nói thì cũng sẽ để nó mang màu sắc khác. Khi đứng bên lề cuộc sống, người ta lại càng thấy có nhiều sợi dây ràng buộc và níu kéo.
Thị khao khát một ngày được ôm những người thân của thị vào lòng, được nhìn thấy anh và cảm ơn anh dù không cần biết ngày mai quan hệ của họ thế nào. Thị cảm giác một điều thay đổi gì đó lớn lao đang chờ đón thị phía trước. Tốt hay xấu, thị cũng chẳng biết. Mặc kệ, thay đổi gì thì thay đổi… Thị phải sống vì những người thân yêu của thị đã.
Thị khao khát trở về cuộc sống... Thị cố gắng đặt từng bước chân trở lại nơi ấy...