Truyện ngắn của Lưu Thủy Hương: VẠN CÂU TÌNH CŨ
- Thứ tư - 26/01/2022 05:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Ổng chỉ muốn trôi sang bên kia bờ biển. Người yêu đầu tiên của ổng ở bên đó”.
(Viết tặng X, giữa mùa Corona khốc liệt)
Xe cứu thương hụ còi trên đường cao tốc 405, hối hả rẽ về hướng Euclid. Một ngày cuối thu, những hàng cọ đen đổ bóng trên con đường dẫn vào bệnh viện Fountain Valley.
Người phụ nữ nằm trên xe, thân thể bất động, đôi mắt vô vọng nhìn lên bầu trời giăng giăng mưa bụi. Khi chiếc băng ca được đẩy vào hành lang phòng cấp cứu, cô khép mắt lại, gọi tên một người.
*
Ánh trăng đổ dài soi hai chiếc bóng thẩn thơ trôi dọc bờ biển. Sóng cuốn vết chân của họ ra khơi, để lại mặt cát ướt phẳng lì. Biển ban đêm mịt mùng tăm tối, như muôn trùng, như bất tận.
Mái tóc nàng bay theo gió. Huy đưa tay đón những sợi tóc mềm, thơm hương ngày cũ.
- Ngày mai rời đảo rồi. Anh vẫn không thể nắm tay em.
- Tình cũ ba mươi năm, làm sao nắm giữ. Ngày mai, mỗi đứa một nẻo đường.
- Tại sao em trở về sau ba mươi năm ra đi biền biệt?
- Vì em muốn tìm lại những gì đã mất.
*
Khải ngồi trên bậc thềm khách sạn ôm đàn hát. Giữa những tiếng vỗ tay của đám bạn, Khải bụm tay gọi lớn về phía biển:
- Ê, ê… Huy ơi. Mày làm gì thẩn thơ ngoài đó. Vô đây hát cho mấy bả nghe nè.
“Mấy bả” đồng thanh la lên giận dữ:
- Ăn nói kiểu đó là không cho vô cư xá nữ đó nghe.
Khải cười hô hố:
- Loại như tui làm gì vô được cấm cung của mấy bà.
Hồi đó, Khải nghịch phá nổi tiếng, năm năm đại học chưa một lần được mời sang cư xá nữ. Năm năm đại học, không một mảnh tình rách vắt vai. Huy tới ngồi bên Khải, ôm đàn dạo một khúc thật buồn rồi cất giọng:
“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển.
Bên kia bờ là người yêu tôi đó”.
Giọng Huy vẫn trầm ấm, dịu ngọt như ba mươi năm trước. Cả lớp lặng đi một lúc rồi lao xao vỗ tay. Vinh thảy cây củi lớn vô đống lửa, xua tan bóng đêm Huy vừa mang đến.
- Thằng ba xạo, mày dám sửa thơ của Du Tử Lê hả.
Loan ngậm ngùi:
- Nhỏ T. vậy mà có phước.
Vinh cười to:
- Sao mày yêu dai nhách vậy, Huy? Hồi xưa yêu nhau tụi bây đâu có được nắm tay, nắm chân gì mà bây giờ còn thất thần.
Huy nhìn ra biển, khuôn mặt đẹp u uẩn chợt sáng lên.
- Ừ, chỉ yêu thôi. Chưa được nắm tay. Mấy ông bà cán bộ đoàn rình dữ quá.
Anh Bảy lớp trưởng nạt ngang:
- Không rình để tụi bây hủ hóa hả? Hôm nay còn họp mặt, còn tình bạn trong sáng như vầy là nhờ ngày xưa giữ gìn đạo đức, tư cách sinh viên.
Đám phụ nữ vỗ tay rôm rốp tán thưởng lời anh Bảy.
Vinh nhìn anh Bảy lom lom, rồi nói thật chậm:
- Anh còn đạo đức cách mạng ghê hả.
Đàm khoan khoái rít một hơi thuốc lá, chuyền điếu thuốc sang cho Khải.
- Hút chung đi mày. Cho nhớ thời sinh viên.
Khải rít một hơi dài, đưa điếu thuốc sang cho anh Bảy.
- Anh Bảy có biết, ở tuổi này nhìn lại thời sinh viên em tiếc cái gì nhất không?
Thằng nào ngồi mé bên kia đống lửa, la vói qua:
- Tao biết. Tao biết. Mày tiếc năm năm đại học không hủ hóa được em nào.
Cả đám con trai cùng cười hô hố, chuyền thuốc lá cho nhau.
Chị Châu bí thư đoàn bưng chè cho từng người, xởi lởi mời:
- Ăn cho biết cái ngọt ngào của tình bạn cũ. Cũng nhờ anh Bảy mà tụi mình có được buổi họp mặt hoàn hảo, có một tuần yêu thương bên nhau. Thay mặt cả lớp, em cảm ơn anh Bảy.
Anh Bảy hắng giọng trịnh trọng:
- Cái chính là nuôi dưỡng tình yêu thương của cả lớp. Anh hy vọng, sau chuyến đi này chúng ta sẽ nhớ mãi về nhau, dành cho nhau những tình cảm ấm áp nhất.
T. ngồi dưới gốc cây dương, mái tóc dài che nửa khuôn mặt trắng. T. không nói gì, không để tâm đến chuyện gì, T. chỉ nhìn Huy rưng rưng. Ba mươi năm, một quãng thời gian đủ dài, nhưng không đủ để quên một người.
Ngày mai, mỗi đứa một nẻo đường.
*
Buổi sáng, cả lớp chuẩn bị xong hành lý. Bỗng nhiên giờ cuối có tin, thuyền không được phép vô đảo.
Anh Bảy chạy lên, chạy xuống, làm việc với lãnh đạo khách sạn. Chị Châu ngồi giữa phòng tiếp tân trấn an bạn bè:
- Để anh Bảy lo. Thế nào thuyền cũng vô đưa tụi mình về. Nó đang thả neo chờ ngoài kia thôi.
Ai cũng gật đầu tin tưởng. Anh Bảy lo cho cả lớp ra đây chơi được thì anh lo cho cả lớp trở về được.
Huy đưa mắt nhìn ra cửa. Khoảng sân sau trải dài ra tận bờ biển. T. đứng bên hàng hoa sao nhái, gió thổi tung tấm áo trắng mỏng manh. Thân hình T. ẩn hiện như mời gọi, như khao khát đợi chờ. Huy dịu dàng nói:
- Anh sẽ rất vui nếu được ở lại đây mãi mãi với em.
T. bật cười. Nụ cười có cái đồng tiền nhỏ bên trái.
- Thật không? Làm sao em còn có thể tin anh?
Giữa trưa anh Bảy trở về, mặt đỏ bừng đổ mồ hôi. Giọng anh run run:
- Đã có lệnh phong tỏa toàn bộ khách sạn. Nhân viên trong khách sạn có người nhiễm.
Cả lớp lặng đi vì khiếp hãi. Vinh lo lắng hỏi:
- Mấy đứa? Nhiễm lâu chưa?
Anh Bảy gạt mồ hôi trán:
- Hai đứa, dương tính từ hôm qua. Không rõ nguồn lây từ đâu. Các khách sạn khác đã xét nghiệm xong, đưa người về đất liền cách ly. Riêng khách sạn này phải ở lại đảo cách ly.
Loan giận dữ:
- Dương tính từ hôm qua. Hôm nay nhốt hết tụi mình lại đây.
Khải ngạc nhiên:
- Em mới kiểm tra tin trên mạng, đâu thấy nói gì.
Mai bỗng đứng bật dậy, hối hả chạy lên lầu. Lát sau, có tiếng Mai hét ở cầu thang:
- Mọi người lên đây, nhanh lên.
Cả lớp kéo nhau chạy lên khoảng sân thượng ở lầu bốn. Từ đó nhìn ra bãi trước. Từng đoàn ca nô đang rùng rùng đưa người ra thuyền lớn. Vinh kêu lên phẫn nộ:
- Họ đi hết rồi, bỏ tụi mình lại.
Mai nói:
- Cả đêm hôm qua Mai nghe ngoài bãi trước xôn xao, nhưng tưởng tàu đưa khách vào.
Khải cũng tiếp lời:
- Tui cũng nghe ồn, nhưng tưởng thuyền đánh cá. Hóa ra họ biết trước, cả đêm trốn khỏi đảo.
Loan nắm áo anh Bảy giận dữ:
- Anh đi ngoại giao kiểu gì? Sao để xảy ra chuyện này?
Nhiều người cũng lớn giọng:
- Anh ngu vừa thôi chứ.
Anh Bảy lúng túng phân trần:
- Lãnh đạo khách sạn thông báo như vậy. Lệnh cách ly của chính quyền gửi từ đất liền ra, chúng ta phải tuân thủ.
Đàm chỉ tay vô mặt anh Bảy chửi luôn:
- Bây giờ ông còn lôi chính quyền ra hả? Tui lạ gì loại đi bằng đầu gối như ông.
Khải quay ngược ra phía cầu thang.
- Mấy thằng ngu ở lại đó cãi nhau đi. Tao xuống mướn ca nô đây. Loan, đi với Khải.
Cả lớp rùng rùng chạy theo Khải. Nhưng rồi Khải đứng sững lại nơi bậc thềm cửa chính.
Bên ngoài, ba người bảo vệ cầm súng hơi chĩa về phía Khải. Một người hung hăng quát lên:
- Đi vô, đóng cửa lại.
Loan nhận ra người gác cổng, lập tức cười thật tươi:
- Anh để tụi tôi đi. Bao nhiêu tiền, tôi chi trả đủ.
Người gác cổng nhìn Loan lưỡng lự, nhưng hai người phía sau anh ta lạnh lùng ra lệnh:
- Đi vô hết bên trong.
Cánh cửa gỗ lớn đóng sập lại giữa tiếng la hoảng loạn của đám phụ nữ và tiếng chửi giận dữ của đám đàn ông. Cánh cửa phía sau cũng đóng sập lại.
Hai mươi ba người bị nhốt trong khách sạn.
Huy đứng giữa phòng khuôn mặt tái mét nhìn cánh cửa đóng kín. T. quấn mình sau tấm màn trắng, nụ cười lả lơi:
- Anh sẽ rất vui nếu được ở lại đây mãi mãi?
*
Cả lớp bị nhốt đến ngày thứ ba.
Nhân viên khách sạn đưa cơm vào nhà ăn qua ô cửa hẹp. Ban đầu không ai ăn nổi. Nhưng rồi ai cũng ăn vì đói.
Đàm húp một muỗng canh nhạt toét, bỗng đứng bật dậy. Gã hầm hầm chạy tới cánh cửa nhỏ, đập liên hồi, rồi la rống lên:
- Tụi tao còn bị nhốt bao nhiêu lâu nữa?
Sự im lặng bên ngoài là câu trả lời khủng khiếp.
Thức ăn ngày càng kém chất lượng và ít đi.
Đàm, Vinh rồi cả đám đàn ông thay nhau đá vào cánh cửa nhỏ. Họ bắt đầu chửi thề:
- (…) bọn mày. Chết hết rồi hay sao?
- (…) quân chó chết.
- (…) tụi tao mà ra khỏi đây là lột da tụi mày.
Thông tin về hòn đảo nhỏ xíu bị cách ly ngoài biển không được đưa lên mạng. Ngày nào Khải với bạn bè cũng tìm tin tức, cũng gọi điện thoại về nhà. Không ai nắm được nguồn cơn. Trong đất liền cũng đang hoảng loạn vì dịch bệnh.
Loan nói với anh Bảy:
- Anh nên ra thương lượng chi thêm tiền cho tụi nó. Tui gọi về nhà nói một tiếng, gia đình tui sẵn sàng chuyển tiền. Tụi nó muốn bao nhiêu, cứ nói thẳng. Tui trả đủ.
Anh Bảy lúng túng:
- Tình hình này không thể làm rối lên.
Đàm chửi:
- Ông bất tài, không nói chuyện với tụi nó thì để Loan ra thương thảo.
Chị Châu gạt ngang:
- Thôi im hết đi. Đã có đứa nào đói chưa? Chịu nhốt vài ngày là yên ổn thôi. Ra ngoài đó lại nhiễm virus.
Cả lớp nghe chữ “nhiễm virus” lại im re. Ít ra, cố thủ trong này còn đỡ có nguy cơ hơn. Trong đất liền cũng đang bùng dịch, về đó cách ly chưa chắc đã an toàn.
Nhưng rồi Đàm cũng nhiễm virus. Gã lên cơn sốt, buổi sáng lảo đảo bước xuống cầu thang kêu cứu:
- Tụi bây, tao dính rồi.
Cả bọn đang ngồi ăn sáng, bỏ chạy tán loạn về phòng, khóa chặt cửa. Chị Châu từ phòng gọi với ra:
- Thằng Đàm đi vô phòng giùm đi. Đừng ra ngoài lây cho mọi người.
Anh Bảy quấn hai lớp khăn lông ngang mặt, thò đầu ra hành lang hét lên:
- Cấm không cho đứa nào bén mảng tới phòng thằng Đàm, nghe chưa?
Anh Bảy hét xong thì đóng sầm cửa lại.
Ngày hôm đó, cả lớp nhịn đói. Không đứa nào dám bước ra khỏi phòng. Đàm ở một mình trong phòng, sống chết ra sao, không ai biết. Nỗi sợ hãi như quỷ nhập tràng, nửa đêm nhảy nhót trên hành lang lạnh tanh như nghĩa địa.
Máy phát điện bắt đầu giở chứng. Mấy bóng đèn cháy mập mờ khi sáng khi tối như đom đóm trên bãi tha ma. Sự im lặng thê lương phủ xuống tòa nhà, mặc cho bên ngoài gió biển gào thét cuồng nộ.
Huy ngồi cả đêm ngoài ban công, nhìn sững nhìn ra biển, hút thuốc liên tục. Rồi ho sặc sụa trong gió lạnh.
T. trách nhỏ:
- Đừng hút thuốc nhiều quá. Hồi xưa anh đâu có biết hút thuốc.
Huy thở dài theo làn khói:
- Anh hút thuốc từ ngày xa em.
T. vùi mặt vào tấm áo trắng, cười u hoài:
- Vậy hả? Em uống thuốc ngủ từ ngày xa anh.
Huy ôm đầu rên rỉ:
- Anh sợ màu trắng, sợ màu áo của em. Tại vì sao em quay lại?
Ngày thứ bảy, Khải ở trong phòng thống thiết gào lên:
- Em dính luôn rồi. Anh Bảy ơi, gọi người đưa em đi bệnh viện.
Không ai trả lời Khải, mọi người khiếp vía đóng chặt cửa phòng. Khải im được một lúc thì chạy ra hành lang, đi gõ từng cửa:
- Sao im hết vậy? Tui bắt đầu sốt rồi nè, đau hết mình mẩy. Có ai còn aspirin hay para không?
Khải gõ tới cửa phòng anh Bảy thì anh la rú lên:
- Thằng chó, mày vô phòng đi. Tao mang thuốc qua.
Anh Bảy chờ Khải vô phòng, lật đật quấn khăn chạy xuống phòng tiếp tân. Anh loay hoay một lúc, chỉ tìm được ống keo dán đa năng nhanh khô.
Bây giờ, cả lớp chỉ dám vội vã xuống phòng ăn lấy cơm. Không ai trò chuyện với ai. Từng đứa cúi đầu đi như chạy. Khăn bông dày quấn nửa mặt. Gặp nhau không dám chào. Anh Bảy ở luôn trong phòng, không bước chân ra ngoài nữa. Chị Châu phải tiếp tế đồ ăn thức uống cho anh. Chị đứng trên hành lang, vừa kể to vừa khóc to:
- Anh Bảy tuyệt thực rồi. Anh Bảy lo lắng cho cả lớp mình quá. Anh Bảy đau lòng lắm.
Phòng Khải có ban công nối liền với bên Huy. Chỉ cách nhau cái tường cao ngang vai. Huy thảy mấy chai nước qua cho Khải, gọi mãi, không thấy Khải ra lấy nước. Buổi tối Khải ho rất dữ, vật vã thở. Vật vã được hai ngày thì Khải im re. Huy đứng ban công thảng thốt gọi sang:
- Khải ơi! Mày ra lấy nước nè.
Im lặng. Huy khóc. Bên ngoài biển đen kịt nổi phong ba. Mưa rơi từng hạt thật to, vỡ toang trên nền đá.
Huy mở cửa ra hành lang, run lẩy bẩy đứng một mình trong bóng tối. Rồi không chịu được bóng đêm, không chịu được sự im lặng khủng khiếp, Huy kêu cứu:
- Đây là đâu? Sao tối thui như vầy? Đây là đâu?
Huy cũng không rõ mình đang ở đâu, cứ mò mẫm đi dọc hành lang như người mù. Vinh đang ngủ say nghe Huy la, giật mình thức dậy. Gã mở cửa phòng xông ra, bật đèn hành lang, sợ hãi hỏi:
- Có chuyện gì vậy, thằng khùng?
Huy đứng ngơ ngác trong vùng ánh sáng vàng vọt, lảm nhảm:
- Tụi mình đang ở đảo hả? Thằng Khải chết rồi.
Vinh sững đi vài giây rồi “hộc” lên một tiếng uất ức. Gã hùng hổ chạy tới phòng anh Bảy, đạp ầm ầm lên cửa:
- Anh Bảy, hình như thằng Khải chết rồi. Tui với anh phải qua coi tình hình thằng Khải với thằng Đàm.
Vinh kêu nhiều lần, phòng anh Bảy vẫn im ắng.
Đám phụ nữ khóc rống sau cánh cửa, vì khiếp hãi hơn là vì buồn thương. Chị Châu kéo thêm cái tủ trang điểm chắn ngang cửa phòng. Từ bên trong chị nói với ra:
- Không ai được vô phòng thằng Khải với thằng Đàm, nghe chưa? Đừng có mở cửa phòng tụi nó, chết cả lũ.
Cửa phòng Đàm bỗng kêu cọt kẹt rồi xịch mở.
Đàm bước ra như xác sống, râu tóc rũ rượi. Khuôn mặt xanh lè, hốc hác dưới ánh đèn vàng mù. Vinh nhìn bộ dạng dễ sợ của Đàm, hốt hoảng nhảy dựng lên:
- Mày, mày…?
- Tao đây. Tao qua rồi. Thoát án tử rồi.
Vinh sợ hãi lùi dần về phía cửa phòng. Đàm cười khùng khục:
- Tao qua thời hạn mười ngày rồi, không lây nữa đâu.
Đàm gọi với về cuối hành lang:
- Mai ơi. Cảm ơn em đem cơm nước nuôi anh. Bao giờ về thành phố anh mang trầu cau qua hỏi em.
Tiếng Mai nửa vui nửa buồn vọng tới:
- Khỏi bệnh thiệt không đó, cha nội. Cha chạy ra ngoài rồi lây tùm lum. Miễn vụ trầu cau đi nghen, tui mà thoát khỏi đảo ác quỷ này, tui cạo đầu đi tu. Thề từ đây tới chết không bao giờ đi họp lớp.
Huy nhìn sững bộ mặt xanh lè của Đàm, lảm nhảm:
- Mày chưa chết thiệt hả?
Vinh rưng rưng nước mắt:
- Nó chưa chết. Tụi mình đi qua phòng thằng Khải coi sao.
Đàm lắc đầu:
- Hai đứa tụi bây vô phòng, đóng kín cửa lại. Tao qua đó một mình.
Đàm xuống quầy tiếp tân lấy chìa khóa, loay hoay mở cửa phòng Khải mãi mà không được. Bỗng nhiên gã rống lên:
- Thằng khốn nạn nào xịt keo vô ổ khóa phòng thằng Khải.
*
Trong đêm mịt mùng, Đàm kéo xác Khải ra biển. Sức Đàm sau cơn thập tử nhất sinh yếu lắm, gã vừa kéo, vừa dừng lại thở hốc lên. Cả đêm Đàm kéo, Đàm xốc Khải đi, một đoạn đường chỉ có vài chục mét. Gã cười khùng khục trong những cơn gió gọi hồn. Gió tràn qua bờ rau muống dại, tràn qua những cụm cát khô, thổi tốc lên những dãy nhà nghỉ hoang vắng.
Những lúc kiệt sức phải dừng lại, Đàm lại gọi tên Khải, thê lương trong gió biển.
- Khải! Mày còn nhớ không Khải? Có đêm hai đứa đi nhậu về, tao với mày cũng dìu nhau đi như vầy.
Rồi Đàm khóc ồ ồ. Rồi Đàm nằm vật ra cát. Rồi Đàm nhảy múa, kêu gào như ma nhập:
- Mày còn nhớ không Khải? Tao với mày từng ăn chung miếng cơm cháy, từng rủ nhau đi đào trộm khoai mì ngoài ruộng dân. Tao với mày cùng yêu con nhỏ T., nhưng nó chỉ yêu thằng Huy. Bây giờ tao thả mày trôi ra biển. Khi mày chết, tao mang mày ra biển. Bên kia bờ là người yêu mày đó. Khải ơi.
Mấy cái bóng đứng chết sững trên ban công nhìn theo Đàm và Khải. Một bầy nữ sinh tuổi đôi mươi tóc đổ bạc lặng lẽ khóc. Mưa cư xá về, nhỏ từng giọt tí tách trên sân thượng. Hoa đỏ mùa xưa rơi dọc theo con đường lên giảng đường phượng vĩ. Một thời sinh viên buồn tênh quay về phủ bóng đêm ly biệt.
Một đứa không chịu nổi, la thất thanh:
- Làm sao thoát khỏi ra khỏi cái địa ngục này? Trời ơi!
T. quỳ xuống, dịu dàng vuốt tóc Khải.
- Ngày xưa T. rất thích nụ cười của Khải. Lẽ ra T. yêu Khải rồi, nhưng Khải hiền và nhát quá.
Đàm chuẩn bị đẩy xác Khải xuống biển, bỗng rồi kêu lên thảm thiết:
- Khải! Sao mày cười? Mày cười vui kiểu đó, tao không đẩy mày xuống nước được. Khải ơi.
*
Virus nhưng bóng quỷ gian trá vô hình. Nó lần mò đi trong đêm đen. Máy phát điện đã hết nhiên liệu. Điện thoại di động sắp hết pin. Cả khách sạn chìm trong bóng tối đặc quánh hãi hùng. Đêm, có tiếng cú biển kêu ngoài bãi.
Rồi Huy cũng nhiễm. Buổi chiều Huy lên cơn sốt, buổi tối đã khó thở. Huy lết ra cửa phòng gọi trong tiếng thở dốc:
- Nước! Nước!
Đàm pha nước chanh đường, khuân hai thùng nước suối lên phòng Huy.
- Mày ráng uống nhiều nước. Tao chỉ uống nước mà vượt qua.
Huy rên rỉ:
- Tao gọi về nhà rồi. Ngày mai có thuyền ra.
Đàm thừ người nhìn Huy.
- Nhà vợ mày chuyện gì cũng làm được. Nhưng chẳng lẽ mày bỏ cả lớp lại?
T. cay đắng lặp lại:
- Nhà vợ Huy chuyện gì cũng làm được! Nhưng Đàm nói với bạn bè, để cho Huy đi. Diễn tiến bệnh nhanh kiểu này Huy khó qua khỏi.
Tin Huy sẽ được đưa về đất liền một mình lan đi khắp các phòng. Tiếng kêu khóc, phản đối bắt đầu nổi lên thành sóng. Huy bịt tai lại, dằn dỗi trong điện thoại:
- Tụi nó không để cho anh đi đâu. Nếu anh chết thì tụi nó liệng xác anh xuống biển.
*
Năm giờ sáng, cả lớp kéo xuống ngồi ở đại sảnh, căng thẳng chờ Huy. Ai cũng đeo hai, ba khẩu trang, quấn thêm tấm khăn lông dày. Đàm dìu Huy xuống cầu thang.
Anh Bảy vừa thấy bóng hai đứa, lật đật nhổm lên.
- Huy nè! Em nên nói gia đình vợ bố trí thuyền đưa cả lớp về đất liền.
Chị Châu cũng tiếp lời:
- Tình hình này trước sau gì ai cũng nhiễm. Ở đây không có bác sĩ, thuốc men, làm sao sống nổi.
Loan nói:
- Huy giúp đi. Loan chi trả sòng phẳng.
Huy lảo đảo, ho một hơi.
- Mình về rồi cho thuyền ra đón các bạn.
Chị Châu xẵng giọng:
- Em hứa với bạn bè có giống như ngày xưa hứa với T. không?
Huy thở khò khè sau lớp khẩu trang:
- Ngày xưa là chuyện tình học trò. Bây giờ là chuyện sống chết.
T. ứa nước mắt lùi lại. Loan cất giọng bi thương:
- Tình học trò thì không là chuyện sống chết hả? Con T. uống hai hũ thuốc ngủ, giết cái thai 4 tháng, thì sao?
Huy gục lên vai Đàm, thở dốc. T. lùi dần ra sau tấm màn cửa, bưng mặt khóc.
Đàm xốc Huy lên, nghiêm nghị nói với Loan:
- Loan đừng đem chuyện riêng tư của T. ra nói. T. đã muốn giấu kín thì không ai được phép khui ra. Làm đau lòng người…
Chị Châu bỗng nhìn anh Bảy trừng trừng.
- Nhưng nếu em muốn nói thì sao? Đằng nào cũng chết. Đằng nào cũng bỏ xác ở đây. Thằng Bảo là con anh, để em gọi điện thoại về dặn nó, sau này nó thắp cho em nén nhang thì thắp luôn cho anh nén nhang.
Anh Bảy ngồi bệt xuống ghế bành, lắp bắp:
- Em điên rồi, làm gì có chuyện đó.
Vinh cười khằng khặc:
- Ê Khải! Thằng Khải, mày nghe chưa? Cha Bảy hủ hóa với mẹ Châu. Mày chết mà không có mảnh tình sinh viên vắt vai. Hèn gì hồi đó đang làm đề tài tốt nghiệp, bả lật đật về quê làm đám cưới.
Anh Bảy chống chế yếu ớt:
- Con Châu điên rồi. Tụi bây đừng nghe nó. Thời sinh viên trong sáng lý tưởng, làm gì có chuyện bậy bạ.
Nhung thường im lặng, lúc nào cũng ngồi khép nép phía sau. Bỗng Nhung lên tiếng, nói thật chậm và đều:
- Hồi đó, buổi tối chị Châu hay mượn chìa khóa phòng thí nghiệm của em. Chị mượn làm gì, em biết rất rõ. Có hôm anh Bảy vội quá còn để quên cái nón, em mang về cho chị. Vậy mà chị dọa: “Mày nói với ai, tao hạ hạnh kiểm đoàn viên của mày”. Em đâu thích tìm hiểu mấy chuyện đó, sao chị dọa ác quá.
Mai đứng bên cửa kính nhìn ra biển, bỗng quay lại nạt nhỏ:
- Im hết đi! Chắc Huy không ra thuyền được đâu.
Ở bên ngoài, đám bảo vệ ôm súng hơi núp dọc theo doi cát. Có vẻ như họ định tổ chức cướp thuyền.
Vinh chen đến bên cửa sổ quan sát một lúc thì lắc đầu.
- Mấy thằng ngu. Tụi nó chưa biết thế lực nào vô đón thằng Huy.
Vô đón Huy là hai chiếc ca nô có sáu người vũ trang bằng súng máy. Từ bờ biển, họ phóng rất nhanh lên thềm khách sạn, phá vỡ chốt cửa bên ngoài, tiến thẳng vào đại sảnh.
Một người trung niên la to:
- Ai là Vũ Hoàng Huy?
Huy yếu ớt đưa tay lên. Đàm cũng nói lớn:
- Anh này là Vũ Hoàng Huy.
Người đàn ông trung niên chĩa camera điện thoại về phía Huy, hỏi người bên kia đầu dây:
- Phải anh này không? Đúng người hả?
Hai người thanh niên lập tức đẩy Huy lên cáng xếp, chụp mặt nạ dưỡng khí cho Huy. Sự việc diễn ra nhanh răm rắp làm cả bọn khiếp hãi không nói được lời nào. Khi chiếc cáng xếp chuẩn bị đưa Huy ra khỏi cửa, Mai mới la lên hoảng hốt:
- Huy! Có một thuyền, hai ca nô, tại sao không đưa cả lớp về?
Nhưng Huy nằm yên không nói gì. Loan chạy tới bên cáng, níu tay Huy.
- Huy tha lỗi cho Loan. Tha lỗi cho Loan đi.
Đàm xô Loan ra, nạt lớn:
- Đừng động vô nó. Muốn chết hả?
Huy mở mắt thều thào:
- Huy tha lỗi cho Loan lâu rồi. Huy biết là Loan không đưa lá thư đó cho T. Nếu ngày đó T. nhận được lá thư, có lẽ… có lẽ kết cuộc đã khác đi.
Loan bật khóc:
- Hồi mới ra trường khổ quá, Loan chỉ mong một cơ may thay đổi. Ừ, Loan bán lá thư của Huy, để có ngày hôm nay.
Nhung đứng trong góc, cố gắng nói to:
- Có ai trách Loan đâu. Chuyện đã qua rồi. Bây giờ Loan phải để cho Huy đi. Huy không còn nhiều thời gian nữa.
Chị Châu cũng xông tới bên cáng, níu kéo.
- Chị xin em, cắn cỏ lạy em, Huy ơi. Em cho chị một chỗ. Cho một mình chị theo em thôi.
Người đàn ông quay lại, chĩa súng vào chị Châu.
- Tất cả lùi lại.
Chị Châu ngồi bệt xuống đất, van lạy rối rít như lên đồng.
Vinh vẫn tỉnh bơ, đi theo chiếc cáng của Huy ra tới cửa.
- Mày ráng qua khỏi, nghe chưa. Rồi tụi tao về thăm mày.
Người đàn ông trung niên lại chĩa súng về phía Vinh, quát lên:
- Lùi lại. Tất cả lùi lại.
Vinh giận dữ ưỡn ngực ra, mắt tóe lửa.
- Mày dám bắn không? Mày vi phạm luật chống dịch rồi giết người vô tội hả? Nổ súng đi! Có hơn hai mươi nhân chứng đó.
Đàm cũng cười hô hố, từ đằng sau tiến tới khoác vai Vinh.
- Mày có ngon thì bắn hết đi. Tao kể như đã chết rồi, chết thêm một lần nữa cũng không sao.
*
Người phụ nữ lang thang trong thành phố. Ở bệnh viện nào cô cũng gặp những cái lắc đầu. Đi loanh quanh mãi, không biết đường, không biết hỏi ai. Thành phố sau ba mươi năm thay đổi nhiều quá.
Cuối cùng cô tìm ra lò thiêu. Trưa nắng rã rượi, cỏ cây bên đường héo rũ cả. Cổng trước dành cho xe đưa linh cữu vào hỏa táng. Cổng sau là nơi nhận tro cốt.
Cô thấy họ ở bãi đậu xe phía sau. Đứa con trai giống y như Huy ngày xưa vậy. Nỗi đau trong lòng cô quặn thắt. Nếu con cô còn sống, biết đâu nó cũng cao lớn, cũng có nét đẹp như thằng này. Cô nhận ra người đàn bà có vóc dáng cục mịch, bộ mặt cau có. Ba mươi năm trước, nhìn bộ mặt đó trong ảnh cưới cô đã khóc rất nhiều.
Cô run rẩy lùi lại, ẩn mình vào những lùm cỏ héo.
Đứa con trai ôm cái thùng giấy trong tay, nó buồn bã nói:
- Má. Ba muốn được rải tro xuống biển.
Người đàn bà giật mình, hỏi:
- Sao con biết?
- Cách đây ba năm, ba có nói với con. Ba yêu biển.
Đôi mắt người đàn bà tối sầm lại.
- Ba con chưa bao giờ yêu biển. Người không biết bơi thì làm sao yêu biển được.
- Nhưng ba nói, ba muốn được trôi ra biển.
Giọng người đàn bà rắn đanh:
- Ổng chỉ muốn trôi sang bên kia bờ biển. Người yêu đầu tiên của ổng ở bên đó.
Đứa con trai ngạc nhiên nhìn sang mẹ.
- Ba có người yêu đầu tiên bên kia à?
- Ừ. Nhưng má nghe tin, cô ta đã chết cách đây ba năm.
- Tại sao chết?
- Tai nạn xe hơi trên đường cao tốc. Nghi vấn dùng thuốc ngủ quá liều.
Đứa con trai thở dài:
- Bây giờ mang ba đi đâu?
Người đàn bà xua tay cương quyết.
- Mang về chôn nghĩa trang bên ngoại.
Cô lảo đảo bước ra khỏi lùm cỏ dại. Nắng mùa thu se sắt rơi từng dòng xuống phố. Nắng rơi lên tà áo trắng đã ngả màu vàng úa.
T. đặt môi mình lên thùng giấy gọi nhỏ:
- Mình đi thôi, Huy.
(*) Lưu Thủy Hương, sanh năm 1968 tại Sài Gòn. Hiện sống và làm việc tại Tây Bá Linh. Cộng tác văn chương với: “Ăn Mày Văn Chương”, “Da Màu”, “Diễn Đàn Paris”, “Litviet”, “Tiền Vệ”, “Thư Quán Bản Thảo”, “Văn Chương Việt”, “Văn Việt”.