Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Truyện ngắn của Lengyel József (Hungary): MỞ VÀ THẮT

(NCTG) Nhà văn, nhà thơ Lengyel József (1896-1975) có một cuộc đời chìm nổi với 36 năm sống xa quê hương tại Vienna, Berlin, Moscow.... Ông từng bị đày đi Siberia, những năm tháng tù đày biệt xứ tại hệ thống trại tập trung cấm cố Gulag (Liên Xô) đã được ông khắc họa trong những tác phẩm về sau này.

Nhà văn Hungary Lengyel József

Sau khi được phục hồi và hồi hương, Lengyel József đã được hai giải thưởng lớn của Hungary về văn học nghệ thuật là Giải József Attila (năm 1957) và Giải Kossuth (năm 1963).

Truyện ngắn “Mở và thắt” (Oldás és kötés) của ông đã được đạo diễn nổi tiếng Jancsó Miklós dựng thành phim năm 1963, với sự thủ diễn của những tượng đài trong nền nghệ thuật Hungary như Latinovits Zoltán, Ajtay Andor, Domján Edit và Bodrogi Gyula. Phim đã đoạt giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” của Hội các nhà phê bình điện ảnh Hungary năm 1964.

Bản dịch Việt ngữ của tác phẩm này do dịch giả Giáp Văn Chung chuyển ngữ.



Một cảnh trong bộ phim

1.

Ông giáo sư già Adamfi Adam chẳng còn công việc chính thức gì trong bệnh viện nữa. Ông không còn là bác sĩ, mà là người được chăm sóc, ông được người ta chiếu cố giữ lại trong bệnh viện này, vì không có ai thân thích, và để ông khỏi rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn.

Ông lão đáng thương chỉ là “cái bóng già nua”, là thứ “đồ cổ” như cách gọi của các bác sĩ trẻ, hay Járom Ambrus cũng gọi ông như thế.

Thỉnh thoảng ông lão cũng khoác chiếc áo choàng trắng, gật gù đi khắp các phòng bệnh, nơi có thời đám bệnh nhân dò tìm trong ánh mắt ông hy vọng lành bệnh, và các nữ hộ lý, các bác sĩ trẻ sợ run cầm cập mỗi khi cái nhìn giận dữ của ông lướt trên người họ.
Giờ đây ông chỉ còn là cái bóng hiền lành và vô hại, được phép mặc áo choàng trắng đi lại trong viện, nếu ông thích.

Đôi khi hàng tuần liền ông không rời căn phòng một thời từng là phòng khám, nay trở thành phòng bệnh của chính ông. Một dạo người ta đồn trong lúc vội vàng ông đã đái vào giầy khi không tìm thấy chiếc bô. Đến nay ngay cả chuyện ấy người ta cũng đã quên, kể từ khi bà Margit, y tá phụ mổ chính, đi lại chăm nom ông. Bà biết ông từ thời ông còn nổi danh ngày trước... Bà không cho một ai lại gần ông.

Sáng hôm ấy ông giáo sư già cũng mặc áo choàng trắng, gật gù đi lại trước phòng nhập viện.

Ông bác sĩ trưởng và bác sĩ phụ tá Járom Abrus, một người trẻ tuổi nước da mai mái, đang khám cho một bệnh nhân mới vừa được xe cấp cứu đưa tới. Ông lão đứng bên cạnh, có khi hai người kia cũng chẳng nhận ra sự có mặt của ông.

Bệnh nhân là một người đàn ông trạc tuổi ba mươi, đậm người, hơi béo. Anh ta bị viêm màng bụng, sốt cao. Trong khi khám các bác sĩ còn phát hiện ra tim anh ta đã quá mệt mỏi do làm việc quá sức, và không nghi ngờ gì nữa: anh sẽ chết trên bàn mổ.

“Chúng ta sẽ không mổ,” bác sĩ trưởng quyết định. “Chuyển bệnh nhân xuống phòng số bốn.”

Người hộ lý đã bắt đầu đẩy chiếc xe cáng thương đi.

“Dừng lại!” ông lão Adamfi bất ngờ giơ tay lên phản đối, giọng ông như ra lệnh. “Phải mổ ngay.”

Người hộ lý kéo chiếc xe đã lăn bánh dừng lại.

“Thưa giáo sư, tim bệnh nhân...”

“Chúng ta sẽ mổ!”

“Giáo sư chưa nghe tim... Bệnh nhân...” ông bác sĩ trưởng lịch lãm mỉm cười, nhã nhặn giải thích, nhưng ông lão Adamfi đã cắt ngang:

“Tôi biết! Với tôi, chỉ nhìn màu da anh ta là đủ. Trái tim ấy còn chịu nổi nửa giờ.”

“Khoang bụng đầy mủ. Nếu ta lưu ý rằng có thể một giờ cũng không đủ... Tử vong giữa chừng ca mổ...”

“Thế nếu chúng ta không mổ?”

Ông bác sĩ trưởng nhìn người bệnh đang nằm bất tỉnh, vì cẩn trọng ông vẫn nói nhỏ, gần như thầm thì:

“Bốn mươi tám tiếng.”

“Nào! Chuẩn bị đi! Tôi sẽ mổ.”

Hai bác sĩ nhìn nhau. Thật chẳng dễ chịu gì, nếu bệnh nhân chết trong khi mổ. Không chỉ uy tín của bệnh viện, cả sự tự tin của các bác sĩ cũng suy giảm.

“Anh để ông lão mổ à?” Járom Ambrus hỏi nhỏ ông bác sĩ trưởng.

“Đằng nào cũng vậy thôi,” ông kia khẽ đáp lại, và phẩy tay. Rồi ông quay về phía ông lão Adamfi. “Nếu giáo sư cho phép, tôi và bác sĩ Járom sẽ phụ mổ cho giáo sư.”

Ông lão kiêu hãnh gật đầu. Ông bước tới cạnh chiếc bồn rửa. Các nhân viên phẫu thuật, những người phụ tá máy móc làm theo ông.

Ca mổ từ từ bắt đầu theo cách thức thông thường, rồi bắt đầu hoạt động theo cách thức thông thường, lát sau tất cả bắt đầu tăng tốc như một cỗ máy đồng hồ đã được lên giây.

Ông lão - mà đến giờ Ambrus chỉ coi như một thứ đồ cổ run rẩy -, mở khoang bụng bằng bàn tay khéo léo của một bậc thày, nhanh nhẹn và chính xác, như chưa bao giờ anh được chứng kiến.

Rồi gần như anh không kịp theo dõi: nhoáng cái những chiếc cặp đã ở đúng vị trí, những chiếc kẹp mạch máu đã cầm máu, hai bác sĩ và nhóm y tá phụ mổ gần như không theo kịp những mệnh lệnh nhanh gọn của ông giáo sư già. Ai nấy đều toát mồ hôi dưới sức nóng của những ngọn đèn. Thỉnh thoảng ông lão Adamfi cũng nghiêng đầu, quay mặt ra cho cô y tá trẻ nhất lau trán.

Tất cả chưa đến nửa tiếng. Người bệnh đã vượt qua; ca mổ đã thành công.

“Xin chúc mừng giáo sư!” ông bác sĩ trưởng nói trong hơi thở gấp.

Ông lão đưa mu bàn tay lên lau một giọt mồ hôi trên mũi. Rồi ông nháy mắt mỉm cười vẻ bề trên.

Người hộ lý đẩy chiếc xe đi. Đúng lúc ấy ông già bất chợt kêu lên:

“Dừng lại! Để đấy đã!”

Người hộ lý đứng khựng lại.

“Phải mở lại! Chưa xong. Còn một cái gì đó nữa... tôi phải xem.”

“Nhưng thưa giáo sư,” Ambrus nói. “Nhưng...”

May là ông bác sĩ trưởng đã xen vào. Ông ôm vị giáo sư già, và cùng lúc giận dữ ra hiệu cho người hộ lý. Người hộ lý vội đẩy nhanh chiếc xe ra ngoài.

“Ngày mai, thưa giáo sư quý mến,” trong khi vẫn ôm lấy ông lão. “Ngày mai. Giờ ta để bệnh nhân nghỉ chút đã.”

Nhưng ông lão đẩy bác sĩ trưởng ra.

“Anh nói gì thế! Anh không thấy ca phẫu chưa xong à?”

“Ca mổ rất hoàn mỹ, thưa...” Ambrus định nói thêm, nhưng ông bác sĩ trưởng lại cắt ngang.

“Vâng, xin theo ý giáo sư,” ông vui vẻ nói.

“Tôi yêu cầu!” ông lão hét lên và nhìn theo chiếc xe đang xa dần. “Tôi yêu cầu!” ông nói giọng gần như khóc.

“Giáo sư cho phép,” lúc này bà hộ lý chính mới tiến lại gần và nhanh hẹn dí vào cánh tay để trần của ông lão một mũi tiêm. Bà Margit có thể làm việc này. Ngày nào bà cũng đến chỗ ông. Bà quét dọn, bà mang đồ bẩn đi cho ông và thay đồ sạch. Lúc này bà ra hiệu sai Bözsi, cô y tá trẻ nhất mà bà rất quý. Hai người xốc nách ông lão từ hai bên, dẫn ông đi.

Vừa dìu ông đi, bà hộ lý Margit nhìn ông từ bên trái. Bà thấy gương mặt ông giáo sư, con người đáng tin cậy, tài danh và uy tín. Ở phía bên kia cô y tá trẻ bỗng thấy ông già rùng mình, thân thể to lớn của ông oặt xuống vai cô. Cô nhìn lên ông lão. Mặt ông co lại rúm ró, miệng méo xệch đi, mắt mất hết thần sắc.

“Ôi!” cô hét lên.

Járom Ambrus đứng đối diện với họ. Anh nhìn thấy cả hai gương mặt, và hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra.

“Dừng lại!” anh kêu lên. Rồi vội đẩy tới một chiếc xe cáng thương bỏ trống, vực ông lão đã liệt nửa người lên xe.

Ông bác sĩ trưởng cũng lao tới.

“Mang ngay nước đá, thuốc tiêm!” ông ra lệnh. Rồi nhìn Járom Ambrus, ông nói thêm: “Khổ thế đấy,” và phủi tay.

Járom Ambrus cùng mấy người hộ lý đẩy chiếc xe ra.

Ông bác sĩ trưởng khuỵu xuống một chiếc ghế. Lúc này nom ông mất hết vẻ lịch lãm. Hai tay áp chặt hai bên thái dương, ông cứ ngồi bất động như thế trong mười phút. Nhóm hộ lý khua dụng cụ nhẹ nhàng . Từ không khí trong lành của phòng mổ mới lau dọn vẳng lại tiếng nhạc trong veo của các đồ vật bằng tủy tinh và kim loại.

Lúc Járom quay lại, ông bác sĩ trưởng vẫn ngồi im. Khi nhìn thấy người bác sĩ trẻ, ông đứng dậy chậm rãi ra phỏi phòng. Járom Ambrus lặng lẽ đi theo, hai đầu gối vẫn còn run.

Vào đến phòng bác sĩ, ông bác sĩ trưởng rót rượu mạnh vào hai chiếc cốc đo phân khối có kẻ vạch; mỗi cốc đúng năm chục phân khối.

“Cậu sẽ không thấy thế này một lần nữa đâu!” ông nói với người đồng nghiệp trẻ, rồi uống cạn cốc rượu.

Járom Ambrus chỉ nhấp một chút trên đầu lưỡi rồi gật đầu.

“Ông lão bao nhiêu tuổi?”

“Mới bảy mươi ba...”

“Đúng bằng tuổi cha tôi...” anh ta nói nhỏ.

Járom bắt tay ông bác sĩ trưởng, rồi đi thẳng đến gặp bác sĩ trưởng giám đốc bệnh viện. Anh xin nghỉ phép ba ngày.

“Việc gia đình à?” giám đốc hỏi.

“Cũng có thể nói như vậy. Nhưng cứ coi như tôi tạm ứng phép năm.”

“Anh mệt mỏi hả? Tôi hiểu rồi. Không có vấn đề gì đâu...”

Ông giám đốc cũng đã biết về trường hợp của ông lão Adamfi.

Trong khi người nữ thư ký làm các thủ tục, anh bác sĩ trẻ gọi điện về cho vợ.

“Anh phải về chỗ bố ngay.”

“Có chuyện gì chẳng lành ư?”

“Không. Nhưng em biết đấy, anh thường quyết định rất nhanh,” Járom Ambrus đáp.

“Đúng! Em yêu điểm đó ở anh. Và cũng đã đến lúc nên về thăm bố, anh yêu ạ. Em thu xếp đồ đạc nhé, được chứ?”

2.

Khi Járom Ambrus xong mọi việc thì trời đã tối. Anh ngồi vào chiếc xe thể thao nhỏ, và chầm chậm đánh xe ra khỏi thành phố.

Đêm đầu xuân. Chỉ thỉnh thoảng mới gặp những chiếc xe tải ầm ĩ và để đèn sáng chói đang chở thực phẩm về thành phố lớn cho ngày hôm sau.

Chiếc xe chạy êm ru. Anh có thể đi nhanh hơn, nhưng sợ sẽ về đến nhà quá sớm. Cũng không cảm thấy đôi tay chắc chắn như mọi khi, ca phẫu buổi sáng hơi làm anh căng thẳng.

Năm nay anh hai mươi chín, có vợ đã hai năm, ở nhà anh là con trai út. Chính vì vậy mà anh mới có thể trở thành người có học. Người anh cả chăn nuôi bê cho hợp tác, anh thứ hai lái máy cày, hai bà cô lấy chồng từ lâu, mẹ anh đã mất. Ông bố ở với anh Antal, người lái máy cày. Trong lá thư cuối cùng - ông nhờ con dâu viết hộ vì ông không thích viết -, ông bố báo tin vẫn khỏe, có lương hưu, mọi việc đều ổn.

Chiếc Skoda nhỏ nhẹ lướt trên quốc lộ, chiếu sáng hàng cây bạch dương trơ trụi dài tít tắp ven đường.

“Thật kinh khủng,” Járom Ambrus nghĩ. “Bảy mươi ba...” Anh rùng mình trong gió lạnh. “Thật kinh khủng,” anh lẩm bẩm nhắc lại. Anh nhìn lên đôi bàn tay trên vô lăng, lúc này chúng gần như xa lạ và đang độc lập làm công việc của chúng. Anh có đôi bàn tay chắc khỏe, tinh tế của nhà giải phẫu.

Anh chợt nhớ tới một câu mà vợ anh đã đọc lên vào một buổi tối. “Một giờ, một ngày của tôi, nếu tách ra từ tổng thể, có lẽ còn có lý... nhưng cả cuộc đời là một mớ bòng bong vĩ đại...”

Khi đó anh chỉ gật đầu; chỉ đến lúc này cái ý nghĩa khủng khiếp của câu văn mới chợt lóe lên... Không phải là người bàng quan, nhưng anh không rảnh để quan tâm đến những chuyện ngoài chuyên môn y khoa. Cả hiện nay và cả thời còn học đại học. Hoàn cảnh của anh khó khăn hơn so với những người “xuất thân từ nhung lụa”. Anh biết mình cũng chẳng giỏi giang gì hơn các anh trai, và nếu không có họ, hay nếu sinh ra sớm hơn, anh không thể trở thành bác sĩ. Điều này khiến anh trở nên khiêm nhường và cố gắng, kết quả là anh đã trở thành bác sĩ giải phẫu giỏi nhất trong số bạn bè đồng khóa, con đường trước mắt anh đang rộng mở.

Lúc này, ngay trong xe, anh quyết định sẽ đưa bố lên ở cùng. Vợ anh sẽ hiểu đó là trách nhiệm của anh. Hơn nữa anh sẽ là một bác sĩ ra sao trong chính mắt mình, nếu với chính bố mình anh không giữ được lời thề y đức như đối với mọi người?...

Anh muốn về tới nhà lúc rạng sáng, khi mọi người thức dậy. Anh muốn nhìn thấy những chiếc giường còn để nguyên chưa dọn.

Giường của ông lão Adamfi được bà hộ lý Margit chăm nom gọn gàng. Liệu bố anh có được ngủ trên chiếc giường sạch sẽ? Ngày nay người già không bị bớt khẩu phần ăn uống; bố anh có lương hưu, được tôn trọng, có mọi thứ. Nhưng nhìn chiếc giường ông nằm là anh có thể biết ông được thương yêu hay ghẻ lạnh... Dù bố có được chăm nom tử tế đến thế nào đi nữa, anh cũng sẽ đưa ông đi...

Khi xe anh về gần đến làng, trời đã rạng, xa xa lấp ló một màu xanh nhàn nhạt. Anh nhận ra nơi ngâm cây gai dầu, một đầm nước nhỏ, không thấy có gai dầu đang ngâm. Vào mùa đông anh thường cùng bạn bè tới đây trượt băng sau buổi học, bằng những đôi ủng nhỏ có đóng đinh. Nhiều khi những đám cỏ màu đen thò lên trên mặt băng bẹp dí dưới chân lũ trẻ. Ngã, sưng đầu gối, vẹo sườn, nhưng chẳng hề gì... Năm nay không có mùa đông... Có lẽ đầm nước ngâm gai dầu đóng băng chưa đến một tuần, khu đầm giờ đây đã xanh, màu xanh thẫm anh thấy đầu tiên vào buổi sớm hôm ấy.

3.

Anh đã về nhà chậm, vì nhớ nhầm giờ dậy vào mùa xuân. Người anh trai đang khoác cái túi vải lên vai. Chỉ mấy đứa bé còn ngủ trên giường.

Người chị dâu đang đổ sữa ngầu bọt ra từ một chiếc bình.

“Bố đâu?” anh hỏi ngay sau câu chào.

“Bố ra đồng gieo hạt,” người anh trai tủm tỉm.

“Xế máy cày chỉ mới đang chuẩn bị, còn ông già về hưu thì gieo hạt?”

“Thì chú biết tính ông đấy,” chị dâu xen vào. “Có ai cản được ông, nếu ông muốn đi,” chị cười rất tươi, đôi mắt trong veo.

“Đi với tôi, ra coi ông làm,” anh trai bảo.

Người phụ nữ vào đánh thức lũ trẻ, hai anh em ra sân.

“Anh ngồi vào xe đi!” Járom Ambrus mở cánh cửa chiếc Skoda.

“Ghế sẽ dính đầy dầu mất. Tốt hơn hết đi xe máy của tôi.

Chiếc xe máy nhả khói, lát sau hai anh em đã ra đến cánh đồng. Khi đi tới gần một chiếc máy cày chàng bác sĩ trẻ đặt tay lên vai anh trai.

“Của anh hả?”

“Nó đấy.”

“Ta dừng lại đi!”

“Tôi đưa chú đến tận nơi.”

“Em đi bộ, còn xa nữa không?”

“Xa thì không xa. Kia kìa, sau khúc quanh ấy.”

Mấy phút sau Járom Ambrus lên đến đỉnh một quả đồi nhỏ, và từ đó anh đã nhìn thấy bố mình.

Ông cụ đang quay lưng đi giật lùi lại phía anh. Ông bước một bước, dừng lại, cánh tay đưa ngang một phần tư vòng tròn. Lại một bước nữa, dừng lại, lại thấy cánh tay dơ ngang và động tác vòng rộng, khoan thai như trước bệ thờ.

Ông mặc đồ đen, dưới cổ có hai cánh trắng, nom như hai mảnh giấy ăn buộc cho trẻ nhỏ.

Đã gần đến đầu bờ, ông bước thêm vài bước nữa dọc luống cày rồi dừng lại. Lúc này ông đang tiến lại gần anh.

Thấy cái bọc trắng ông đeo trên cổ. Ông bước một bước, dừng lại, cánh tay đi một vòng thành kính. Ông bước đều chậm rãi.

“Bố!”

Ông già ngước nhìn lên. Lúc này mới nhận ra con trai.

“Hê, Ambró! Con đấy à? Bố lên ngay đây.” Một bước, dừng lại, sau mỗi bước ông lại thò tay vào chiếc túi vải trắng và vung tay gieo hạt.

Khi tới nơi, ông bắt tay người con trai.

“Được lắm, con trai còn nhớ tới bố.”

“Con tưởng bố đã nghỉ hưu,” anh nắm bàn tay to, nâu sạm của bố.

“Thì đúng là thế, bố đã hưu.”

“Nhưng dường như không phải thế,” Ambrus tủm tỉm cười.

“Đang mùa gieo hạt.”

“Thế máy cày?”

“Máy cày, máy cày. Bố không tranh việc của chúng đâu.” Và ông nghiêng đầu chỉ chiếc bao tải dày, đã buộc kín miệng. “Bố gieo cũng ngang một chiếc máy cày.” Chiếc bao nằm đúng chỗ ông bước ra khỏi luống cày.

“Bố gieo gì thế?”

“Anh không thấy ư?

Bác sĩ trẻ cúi xuống chỗ đất đã gieo hạt.

“Gai dầu à?”

“Đúng đấy.”

“Trước đây ở ta người ta không gieo gai dầu.”

“Bố anh vẫn gieo. Bây giờ cũng thế. Vì cũng bõ.” Ông tháo chiếc túi vải hình cái địu ra khỏi cổ, ngồi xuống bao hạt, và chỉ chỗ cho con trai ngồi xuống bên cạnh.

Khi cả hai đã yên vị, ông đưa tay vuốt cái túi vải thô.

“Mẹ anh làm đấy, từ thời bà ấy còn con gái. Đầu tắt mặt tối.”

“Bố vẫn giữ?”

“Một cái này thôi. Để gieo hạt, để nhớ đến bà ấy.”

“Vâng...” người con trai mỉm cười.

“Anh bảo máy cày à?... Nhưng ngựa cũng cần. Và người gieo hạt nữa. Khi nào người ta gieo hạt từ máy bay, thì lại đi một nhẽ.”

“Gieo hạt bằng máy bay? Có chuyện đó sao?”

“Chưa có, nhưng sao lại không thể.” Ông cười.

“Diệt cỏ, người ta nói, đã có máy bay diệt cỏ. Hay lắm! Vì gieo hạt thì bố còn làm được, nhưng dẫy cỏ thì đứa cháu cũng bỏ xa ông rồi. Xương cốt chúng nó còn dẻo.”

“Vâng, thế bố có thích cái hợp tác xã không?” anh lúng túng hỏi.

“Không thích cũng phải thích. Vì không thể khác. Nhưng tôi thích. Tôi làm chủ bản thân, về hưu rồi mà. Tôi đi gieo hạt không phải vì buộc phải đi.”

“Con về để đón bố lên Pest ở với chúng con.”

“Lên Pest à? Không đâu, con trai ạ. Bố đã quen sống với nàng dâu này. Vợ anh thì bố mới gặp một lần. Mà ở đâu chứ? Trong đám cưới.”

“Con đảm bảo...”

“Bố biết. Nó tử tế. Nhưng bố ở lại đây thôi, với chị dâu anh. Bố không đổi chỗ ở như thay áo đâu. Cũng chẳng cần thiết, bố còn sống được bao lâu nữa.”

Tay bố vẫn như xưa, rắn chắc. Nhưng chàng bác sĩ trẻ cứ nhìn nét mặt, nhìn xuống cổ ông bố chằm chặp. Ông gầy, nước da mặt đáng ngờ. Như mặt đất khô hạn tháng Tám... Járom Ambrus đã biết nhiều điều qua sắc mặt, anh đã không hoài công đèn sách dưới sự chỉ bảo của các học trò của giáo sư Adamfi.

“Sao lại không,” anh nói với giọng vui vẻ của bác sĩ trưởng mà anh đã học được trong bệnh viện. “Rồi bố sẽ còn khiêu vũ với cháu gái nữa đấy.”

“Có chứ! Bố sẽ nhảy với con gái của bà cô anh, nó sẽ cưới sau lễ Phục Sinh một tuần. Nhưng sang năm thì chắc là không, dù đó là bất kỳ ai...”

Ông mở bao tải, đổ đầy hạt vào cái túi hai lớp, cái túi đầy phồng ra như một chiếc địu trẻ con của các bà phụ nữ làm mướn thời xưa. Trước khi bước xuống ruộng, ông bảo người con:

“Anh cứ về trước đi. Xong việc, đến trưa bố sẽ về.”

Anh bác sĩ trẻ cứ đứng đó, nhìn những vết chân của bố sắp thành một hàng thẳng tắp như được vạch bằng thước kẻ trên nền đất đen tơi xốp... Tháng Tám, anh biết, đất màu nâu sáng, khô nẻ và vàng như nét mặt bố anh.

Ông bố đã quay lại, đi một hàng mới trên mặt đất, đúng chỗ mép dải hạt gieo hàng trước. Những hạt gai dầu nhỏ màu xám nằm đều tăm tắp, gần như không thấy hạt nào rơi ra ngoài hàng lối.

“Anh về nhà đi!” ông nhắc khi tới đầu bờ. “Đừng để con dâu tôi chờ!”

*

Bọn thanh niên và nửa đám con nít trong làng đang vây quanh chiếc Skoda ngoài sân. Chị dâu mời khách món bánh rán mới còn nóng bỏng, thơm ngon, béo ngậy.

Không buồn ngủ, nhưng nể lời giục của chị dâu anh vào nhà nằm nghỉ. Anh nằm xuống giường của bố. Chiếc giường kiểu cũ “sặc sỡ”, nghĩa là vỏ gối vỏ chăn màu hồng kẻ sọc đỏ. Anh nhìn, rồi lấy tay sờ: chăn đệm sạch, gọn gàng và đủ mềm, thích hợp với người có tuổi. Anh chợp mắt một lát.

Chuông nhà thờ đổ hồi thì bố anh về.

Chị dâu bận áo quần sạch sẽ, đưa đồ ăn lên trong bộ đồ sứ kiểu thành phố. Bọn trẻ ngồi quanh bàn đứa nào cũng tinh tươm, tay rửa sạch, mặt mũi sáng sủa. Ông anh lái máy cày ăn đồ ăn mang theo trong túi ở ngoài đồng.

Bác sĩ trẻ nhìn bố.

“Bố có mệt lắm không?”

“Hừ, làm cả ngày thì nhiều. Thế này thì còn được. Đằng nào thì năm nay bố cũng gieo hạt lần cuối.”

“Ở trên Pest thì chẳng có gì để gieo, bất quá là gieo đậu ngoài ban công.”

“Bố không nói chuyện đó. Bố còn trụ đến mùa gặt, có lẽ thế. Mùa gieo hạt thì chắc là không.”

“Ôi, bố!” chị dâu chen vào. “Lúc nào bố cũng nói thế!”

“Không phải lúc nào. Năm ngoái bố không nói thế.” Ông rót vang vào chiếc cốc nhỏ hai đề xi. “Đến rượu vang cũng chẳng còn thấy ngon như ngày xưa...”

“Thế con mới bảo bố lên với chúng con. Các bác sĩ giỏi sẽ khám cho bố. Bố biết đấy, con chỉ chuyên về phẫu thuật. Con sẽ đưa bố đến một chuyên gia nội khoa, một ông thày nổi tiếng.”

“Ô, anh không thạo à?” Ông già nheo nheo mắt. “Anh phải thạo chứ!”

“Con chỉ biết về các vết thương. Con rạch, cắt, hàn gắn xương gãy.”

“Hóa ra anh là bác sĩ thế ư? Như thể tôi ra chợ mua ngựa, mà tôi chỉ thạo về răng. Xem chân thì phải nhờ người khác? Còn xem bụng thì phải nhờ bà đỡ hay sao?”

“Không hẳn như thế, nhưng ít nhiều là thế. Con người là một cơ cấu rất phức tạp, bố ạ.”

“Cơ cấu gì thì cơ cấu. Nhưng con người ta biết còn sống thì phải gieo hạt, vì con người không phải là một cái máy. Dù sau đó ai sẽ là người thu hoạch... Bố không uống nữa, nhưng anh cứ uống đi!”

“Con cũng không được uống. Con phải ngồi sau tay lái...”

“Anh đi ngay hôm nay à?”

“Nếu biết bố đi cùng chúng con thì dĩ nhiên con ở lại. Con sẽ chờ bố từ biệt mọi người, chuẩn bị, việc này việc nọ... Bố cứ nghĩ đi. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, khi chưa muộn.”

“Tôi hiểu. Có điều tôi không sao đâu. Năm nay, anh thấy đấy, tôi còn gieo hạt được.”

“Hơn nữa là gieo gai dầu,” anh con trai nói lảng.

“Nếu đáng để gieo. Dây thừng cũng cần chứ. Không phải cho bố - ông cười ranh mãnh -, vì câu ngạn ngữ “Người không muốn già, hãy dùng dây treo cổ” không dành cho bố. Bố đã già rồi, và mọi chuyện đều ổn,” ông chỉ vào mấy đứa cháu. “Thế còn anh chị... đến khi nào?”

“Có lẽ sang năm. Bây giờ đã có thể, thu nhập của bọn con đã khá. Con không cố làm tiền, nhưng cũng đủ. Chúng con “lên kế hoạch” đến sang năm, như người ta thường nói.”

“A ha, sang năm. Kế hoạch, ừ phải lên kế hoạch, tôi cũng có kế hoạch của tôi... Nhưng giá anh ở nhà thêm thì hay. Đêm nay sẽ có mưa, đường nhựa sẽ trơn đấy.”

Lúc tạm biệt, ông bố đưa tay ra. Járom Ambrus cúi xuống hôn lên bàn tay bố.

“Cái kiểu cách gì thế?” ông già làm vẻ bực mình. “Anh đã mọc râu quai nón rồi đấy! Có khi...” nhưng ông kìm lại không nói nữa, và đưa tay vuốt lên đầu anh con trai út.

Anh vào số ba. Khi ra đến con đường bạch dương trời đã tối, mưa bắt đầu rơi. Mưa xuân ấm áp gõ trên mặt kính, chảy xuống như những giọt nước mắt.

Chiếc gạt nước đều đều vẽ thành phần tư vòng tròn, gạt những giọt nước trên mặt kính. Hàng cây bạch dương và mặt đường sáng lấp loáng.

Járom Ambrus nhớ tới một thứ ánh sáng khác, thời còn là vợ chưa cưới, đang học khoa triết, vợ anh đã đọc từ một cuốn sách cũ vào một buổi tối thanh bình, một cuốn sách khác cuốn mà anh đã nghĩ tới trên đường đi.

Nếu vì nhìn mặt trời mà ngươi hỏng mắt
Lỗi tại mắt ngươi, đâu tại ánh hào quang.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung chuyển ngữ theo nguyên bản tiếng Hungary