Truyện ngắn của Lê Quang: LOST IN TRANSLOCATION
- Thứ năm - 30/01/2014 15:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Anh đã chọn được giờ đẹp để uống hết lọ thuốc ngủ để sẵn trước mặt: 13 giờ 11 phút hôm nay, ngày 13 tháng 11, đúng sinh nhật anh, cách đây 27 năm anh đã cất tiếng khóc nức nở khi ra đời, như thể tiên đoán được là nó sẽ lanh nhạt quay lưng với anh. Nhưng từ trên cao, anh sẽ nhìn xuống Warszawa và luôn thấy em…”.
Minh họa: Internet
Tháng 11. Mưa lất phất nhưng dai dẳng, khá lạ ở thời điểm này. Diệp tắt hết đèn trong phòng, ngồi thu lu trên bậu cửa sổ ngó xuống đường E Delaware Place. Từ tầng 62 này nhìn xuống, ô tô lúc nhúc di chuyển chậm chạp như phim quay chậm, còn khách bộ hành thì nhạt nhòa tan vào nhau như một dòng hắc ín nhấp nhánh trong muôn vàn ánh đèn sát lễ Giáng Sinh. Nhìn vô số những chấm sáng vàng trên nóc xe ướt loang loáng thì có cảm tưởng Chicago chỉ có taxi chạy ngoài đường, và hình như taxi ở Chicago toàn màu vàng. Chắc chắn không ở đâu thấy mật độ taxi rùng rợn như ở đây. Đến từ Ba Lan, chắc chắn không phải là xứ sở sản xuất ô tô nên Diệp giật mình khi ngắm lưu lượng xe cộ của Mỹ.
Cái studio một phòng bát ngát này của Daniel, gọi là bạn trai cũ của Diệp cũng được, bạn trai theo nghĩa trong sáng nhất của từ ngữ, kể cả khi đó không hẳn là chủ định của cả Diệp lẫn Daniel. Daniel học cùng năm, khác khoa nhưng ở cùng ký túc xá với Diệp. Bố anh là Tham tán Thương mại Ba Lan ở Ottawa, quản lý luôn cả thị trường Hoa Kỳ để tiết kiệm chi phí nhiệm trụ sở ở Washington. Daniel theo gia đình đi Canada khi chưa tốt nghiệp, sang đó anh chuyển qua học tiếng Hy Lạp cổ nên phải tới Chicago. Khi Ba Lan thay đổi thể chế, bố mẹ anh phải rời Ottawa sau thương vụ cuối cùng, cung cấp đá ốp mặt tiền cho một trong những nhà cao tầng xa xỉ nhất Hoa Kỳ. Nhận hàng mà không cần trả tiền cho một doanh nghiệp đã chìm vào đống tro tàn của lịch sử, chủ đầu tư tặng gia đình ông cựu tham tán thương mại một căn hộ, chính là cái studio của Daniel hôm nay. Với giấy sở hữu một bất động sản nửa triệu đô, Daniel dễ dàng lấy được giấy phép cư trú, tuy không hề biết sẽ làm gì trong tương lai. Anh chỉ biết là sẽ không sớm quay về nước Ba Lan lộn xộn đầy âu lo khi mới đổi đời.
Diệp tò mò tới Canada định xem thổ dân da đỏ tẩy chay lễ Tạ ơn của người da trắng ra sao, qua đây mới biết người Mỹ mừng Thanhksgiving chậm hơn mấy tuần. Vậy thì tại sao không dấn thêm vài cây số để xem nốt? Mua xong vé bay, lưỡng lự một hồi, cô moi trong ví ra mẩu giấy sờn rách ghi số điện của Daniel. Anh gửi cho cô số này trên bưu thiếp in hình tòa nhà 900 North Michgan Building khi chuyển qua học ở Chicago nhưng Diệp chưa bao giờ gọi. Thực ra nếu gọi cũng chẳng biết nói gì. Nhưng ngẫu nhiên hôm nay là sinh nhật Daniel, 13 tháng 11.
Hai bên làm quen nhau hoàn toàn toàn tình cờ, chỉ vì Diệp nhầm anh với cậu sinh viên tóc đỏ cùng lớp trong một lần đi xem biểu diễn nhạc Jazz ở câu lạc bộ sinh viên và cất tiếng chào từ phía sau lưng. Sau nửa phút lúng túng, hai người vui vẻ trò chuyện. Daniel đến từ một làng nhỏ miền Nam Ba Lan, và hình như chưa thấy cô gái châu Á nào ngoài đời nên anh vồ vập hỏi han đủ chuyện, mặc dù sau này quen nhau hơn cô mới nhận ra anh là người hướng nội cực đoan có thoáng tự kỷ.
Diệp chưa có nhiều bạn Ba Lan ở thời điểm đó. Cô dốt nhất môn Triết vì ngoại ngữ còn bập bõm, Daniel rỗi rãi phải giảng lại. Ngoài nhạc Jazz, hai người còn có chung một đam mê nữa là thơ, và giờ rỗi họ thích kiếm một góc khuất trong công viên Ogród Saski để im lặng đọc, trời lạnh thì vào thư viện cổ ở ngay rìa công viên. Đôi khi nhận được đồ ăn khô ở nhà gửi qua, cô mời anh thử các món quê hương. Anh cũng bày cho cô cách nướng bánh ngọt kiểu Âu. Daniel hay trêu cô bằng cách lấy sách tiếng Việt của cô ra đánh vần trẹo quai hàm… Một quan hệ trong sáng và đầy kiềm chế.
Diệp không muốn dối lòng là cô vô cùng hãnh diện khi khoác tay đi cạnh một chàng trai ngời ngời như Daniel, song mỗi lần nhìn sóng tóc đỏ như đồng thau và khuôn mặt lấm tấm tàn nhang thơ ngây và thánh thiện của anh là cô lại nhụt chí không dám tiến xa hơn. Diệp đang có mối tình đầu chờ đợi ở Hà Nội, còn anh, như cô đoán qua những ám chỉ rời rạc, chưa dứt hẳn quan hệ với bạn gái ở quê. Tuy nhiên những cuối tuần về thăm nhà của anh thưa thớt dần, cùng nhịp với những cánh thư ngày càng gượng gạo đi lại giữa Hà Nội và Warszawa. Một ngày đẹp trời, Diệp vừa nghĩ đến chuyện rủ Daniel đi dạo thì anh gõ cửa. Chưa bao giờ cô thấy Daniel bối rối đến thế. Anh đứng trong khung cửa chứ không chịu vào phòng. Nếu Diệp không nhầm thì khóe mắt anh hoe đỏ. Không lòng vòng, anh hỏi cô có yêu anh không.
Một con mọt sách như Diệp cũng chưa từng thấy cảnh tỏ tình nào thiếu lãng mạn như thế trong văn chương, nói gì ngoài đời. Sau một giây thất thần, Diệp tìm cách hoãn binh và hỏi lý do. Daniel đứng trước quyết định bỏ học theo gia đình qua Canada, và sợi dây âm thầm níu kéo duy nhất - là cô. Daniel đợi một câu trả lời dứt khoát để ở lại. Và đó là điều không thể. Tạm bỏ qua tình yêu ở quê nhà đã ít nhiều nhạt nhòa sau bốn năm xa cách, chuyện yêu đương với một người sở tại hay thậm chí ở lại nước ngoài đối với lưu học sinh Việt Nam không nằm trong phạm vi cân nhắc, nói cho chính xác là khó hơn lên mặt trăng. Thực ra Diệp cũng đã kể qua loa với Daniel điều đó trong những lúc tán gẫu. Anh đọc được câu trả lời trong mắt cô và buồn rầu quay gót. Diệp không bao giờ gặp lại Daniel. Cho đến hôm nay. Giữa đất Chicago nhộn nhạo và phù phiếm. Để giờ đây ngồi một mình trên bậu cửa sổ nhìn ra mưa lạnh. Sau khi đón Diệp về từ phi trường O’Hare, Daniel xin lỗi đi vắng chừng mười lăm phút.
Chán nhìn xuống phố, Diệp ra giá sách, ngắm những gáy sách mà cô quen mặt quá nửa. Cyprian Kamin Norwid, Czeslaw Milosz, Tadeusz Nowakowski… nhiều sách mà hai người từng cùng nhau mua hồi ở đại học. Mấy tên tuổi lạ lẫm, có lẽ là các tác giả mà Daniel mới làm quen ở Bắc Mỹ như Dick Davis, Timothy Steele, Gil Adamson. Diệp mỉm cười chua chát. Tuổi trẻ trôi qua quá mau. Mới ngày nào, cả hai gần như còn là những đứa trẻ mơ ngày, chúi đầu vào đọc sách ngoài công viên Ogród Saski. Rồi thì mỗi ngày một khuôn mặt mới trong chính phủ. Mọi kế hoạch tương lai vuột khỏi tầm tay. Diệp đang lưỡng lự hồi hương hay chờ tin quyết định đơn xin di trú thì được nhà chức trách gọi ra, ấn vào tay quyển hộ chiếu Ba Lan - nghĩa cử cao thượng và nhân đạo cuối cùng trước khi trao ấn kiếm cho kẻ thù giai cấp ngày nào. Daniel chỉ còn là dĩ vãng lãng mạn mờ ảo. Còn Diệp, sau cuộc hôn nhân vội vã và quyết định ly thân không nước mắt, lại trở về kiếp lang thang với mảnh bằng cử nhân quản lý kinh tế xí nghiệp, một thuật ngữ có lẽ không xuất hiện trong từ vựng của nước Ba Lan mới.
Một quyển sách mỏng dính đặt nhô hẳn ra giữa những cuốn dày cộp khiến Diệp phải chú ý: “The Catcher in the Rye” (*) của David Salinger. Chính là cuốn sách mà cô tô môi son hôn lên bìa gấp rồi đút vào thùng thư của anh để làm quà chia tay! Phiên bản Ba Lan có kiểu chữ trên gáy đặc biệt dễ nhận. Diệp hồi hộp lấy sách xuống. Một phong bì kẹp trong đó rơi xuống sàn. Diệpnhặt lên, ngập ngừng, rồi giật nẩy mình khi nhận ra địa chỉ mình trên đó, có điền dấu nghiêm chỉnh:
Lê Nguyễn Hồng Diệp
Al. Krakowska 113, Wlochy
02-180 Warszawa/Poland
Diệp yêu thương,
Sau ba năm trời, anh đã mất hết hy vọng. Ước gì em biết được là anh đã chăm chỉ mỗi tuần viết cho em một lá thư rồi xé đi. Ba năm trời. Ước gì em biết là ba năm nay anh không hề để ý đến một người con gái nào khác. Ước gì em biết là anh chỉ vùi đầu vào học để quên ánh mắt đau đớn nhưng quyết liệt của em khi câm lặng giải thích cho anh biết là chúng mình không thể có tương lai.
Anh tìm đến Chicago vì không muốn sống chung với cha mẹ nữa, bởi không muốn ngày nào cũng chứng kiến cuộc sống lập lờ hai mặt của đám công chức trong sứ quán, vừa tận hưởng những đặc quyền đặc lợi của nhân viên ngoại giao lại vừa quay lưng phỉ báng đất nước đã nuôi họ khôn lớn. Nhưng cả nỗi buồn đó cũng không thể so với niềm thất vọng là sẽ không bao giờ được gặp lại em.
Anh nhớ như in khoảnh khắc em cất tiếng chào, anh quay lại và nhìn thẳng vào cặp mắt đen láy hình hạt hạnh nhân chưa bao giờ thấy trong đời. Nếu có cái gọi là tình yêu sét đánh thì anh đã gục ngã trong giây phút đó, cái giây phút khiến anh từ đó trở đi không những không thể quên em, mà còn thấy mất hết ý nghĩa cuộc đời nếu không được ở bên em. Thật ngớ ngẩn khi con người của thế kỷ này lại so mình với nỗi đau của Stanislaw Ignacy Witkiewicz, nhưng anh muốn được ngớ ngẩn, được si mê, được nhỏ bé trong mắt em.
Nhưng số mệnh không muốn vậy.
Mấy năm sống ở Ottawa và Chicago khiến anh mắc chứng trầm uất, hiện nay anh vẫn hằng tuần đi tư vấn tâm lý và sinh hoạt trong một nhóm đồng cảnh hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng anh cảm thấy xa lạ giữa đám người ấy, lại cũng không thể quay lại Ba Lan của hôm nay vì đó không phải là đất nước sinh ra và nuôi anh lớn khôn. Anh không muốn về với cha mẹ, nay đã là công chức mẫn cán cho một thể chế mà họ từng coi là tử thù. Anh không thích những đồng bào của mình, được coi là sùng đạo nhưng chỉ có sáng Chúa nhật dành cho lòng tin, còn sáu ngày kia tối tăm mặt mũi lăn lộn vì đồng tiền.
Thư viện quốc gia cũng vừa trả lời đơn của anh, họ báo sẽ cắt các ngôn ngữ cổ vì thiếu ngân sách. Nghĩa là thứ tử ngữ Latin và Hy Lạp cổ mà anh học ấy năm nay sẽ chết cùng thời đại khai sinh ra chúng. Thật ra, anh không muốn về Warszawa, nơi anh biết em đang sống và một ngày xấu trời con đường chúng ta có thể giao nhau, để vết thương cũ lại rỉ máu. Nhưng Chicago lạnh lùng và hối hả không phải là nơi một con người như anh có thể sống, cho dù người gốc Ba Lan là cộng đồng kiều dân đông nhất ở chốn được coi là thành phố của nhạc Jazz. Ở đây chính người bản xứ cũng là người lạ, họ sống như hôm nay là ngày cuối cùng, để rồi mai lại lầm lũi đi về giữa chỗ làm việc và nhà ở, bất kể những biệt khu ấy tên là Wicker Park của người nghèo hay Gold Coast, nơi nhiều triệu phú hơn cát ở bãi biển trước hiên nhà.
Anh đã khô cằn nhựa sống sau ba năm bế tắc, không chút luyến tiếc khi từ giã cuộc đời này. Khi em nhận được lá thư này thì anh đã không còn có mặt trên trái đất. Còn vài tiếng nữa thôi. Anh đã chọn được giờ đẹp để uống hết lọ thuốc ngủ để sẵn trước mặt: 13 giờ 11 phút hôm nay, ngày 13 tháng 11, đúng sinh nhật anh, cách đây 27 năm anh đã cất tiếng khóc nức nở khi ra đời, như thể tiên đoán được là nó sẽ lanh nhạt quay lưng với anh. Nhưng từ trên cao, anh sẽ nhìn xuống Warszawa và luôn thấy em. Còn ít tuần nữa là đến lễ Giáng Sinh. Anh chúc em một dịp lễ an lành.
Daniel của em
Có tiếng chuông ở cửa. Diệp thảng thốt nhìn qua lỗ nhòm: Daniel hớn hở đứng đợi với chai champagner và một bông hồng. Nếu trí nhớ không đánh lừa Diệp thì hôm mua vé xong, Diệp xin ông nhân viên bán vé một cú điện thoại đi Chicago để báo cho Daniel ra sân bay đón. Ông nối máy cho Diệp mà không cần cố gắng giấu vẻ mặt kém thân thiện, cường điệu đưa tay lên nhìn đồng hồ để bóng gió cho Diệp biết là đã xâm phạm vào giờ nghỉ trưa của ông: 13 giờ 10.
Ghi chú:
(*) Bản Việt ngữ: “Bắt trẻ đồng xanh” (NXB Văn học & Nhã Nam, năm 2008).