Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Truyện ngắn của Lê Quang: KHÔNG BAO GIỜ ĐẾN NEW YORK

(NCTG) “Hans chưa bao giờ đặt chân đến New York, chẳng biết Hawaii ở đâu, cũng không rõ cảm giác lượn lờ trên đường phố San Francisco trong bộ bò rách tươm ra sao. Cũng có nghĩa là chưa bao giờ gã được thở không khí thực sự tự do”.

Minh họa: Internet

Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals auf Hawaii,
ging nie durch San Francisco in zerriss'nen Jeans,
Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals richtig frei,
einmal verrückt sein und aus allen Zwängen flieh'n.
(U. Jürgens)

Bữa tối cũng tẻ ngắt như mọi hôm. Nghĩa là chẳng có gì để phàn nàn nhiều hơn mọi hôm. Nhưng sau mười bảy năm hôn nhân thì ngay cả phàn nàn cũng là một động tác quá mệt mỏi. Hồi còn sống, mẹ Hans hay bảo, nếu có làm đám ma của bà thì chớ có làm món salad khoai tây. Nghĩ đến món ấy là bà đã lợm giọng. Dĩ nhiên không phải vì thế mà vợ chồng Hans không ở với mẹ chồng. Cho đến tận hôm qua đời vì đau tim đột ngột, bà còn khỏe hơn thanh niên và mỗi bữa ăn bằng hai người khác – tất nhiên, trừ món salad khoai tây… Nhưng đối với Marie thì không có món gì tiện hơn salad khoai tây. Luộc cân rưỡi khoai, thái lát, trộn đều xốt mayonnaise và dầu dấm, thêm vài lát hành và dưa chuột muối cùng xúc xích xắt nhỏ, thế là xong. Cả một liễn cất trong tủ lạnh, thích lúc nào thì đem ra ăn, cả tuần chẳng hết.

Từ ngày con bé Maxi ra đời, cuộc sống vợ chồng vốn đã không lấy mặn mà, nay chỉ còn là cái vỏ suông được trang điểm bởi một tấm giấy chứng nhận kết hôn mà nếu bị hỏi đột ngột thì Hans cũng không rõ nó nằm đâu trong tủ. Như thường lệ, Hans mệt mỏi quay về sau bốn chuyến chở than vụn cho khách hàng. Ngang bụng vì hai chai sữa tươi phải uống để khử khí than, gã ngồi vào bàn, gẩy vài miếng lấy lệ, đợi Maxi đánh răng xong và chui về phòng mình. Con bé dường như cũng lây tính kiệm lời của bố, cả ngày cậy răng không ra nửa câu.

“Bố nó đi đâu thế?”, Marie hỏi. Chỉ để hỏi. Và Hans không trả lời. Vì cũng chẳng cần trả lời. Gã với cái mũ dạ trên giá áo và lừ lừ đi ra cửa. Tối cuối đông đã ấm lắm, nhưng thiếu mũ thì Hans cảm thấy như thiếu cái đầu trên cổ. Cuộc đời là một chuỗi thói quen, giản dị và chán ngắt, song khó bỏ như hơi thở. Như mọi hôm, Hans xuống quán góc phố, uống đúng một vại nửa lít bia hâm nóng cho những con bệnh dạ dày kinh niên, mua một bao thuốc rồi quay về.

“Nhớ đem cả chùm chìa khóa theo đấy nhé”, Marie gọi với theo. Chỉ để có tiếng người trong căn hộ lúc nào cũng âm u này. Kỳ thực nàng chỉ ngại đứng dậy khi bị chuông gọi cửa, nhất là giữa lúc có phim hay trên ti vi. Nói vậy nhưng ngay cả ti vi cũng thành một thói quen, nhìn chòng chọc vào màn hình cả tiếng đồng hồ chỉ để lúc đứng dậy không hề nhớ đã xem gì.

Hans bước ra cầu thang. Ánh đèn neon nhợt nhạt như trong nhà quàn, và cái phản xạ có điều kiện chết tiệt như trong não con chó Pavlov khiến thị giác đánh thức cả khứu giác. Cái mùi xi đánh sàn hăng hắc một cách ấm cúng, gợi nhớ những ngày đầm ấm của một gia đình tiểu thị dân. Bố Hans làm dược sĩ bán hàng cho một hiệu thuốc ở trung tâm, kiếm đủ để mẹ Hans ở nhà làm nội trợ chăm chút bốn đứa con lít nhít, nhưng chưa bao giờ đủ mua một căn hộ riêng. Cuộc sống ở những chung cư nhiều hộ lúc hay lúc dở, nhưng không bao giờ thoát khỏi ánh sáng neon và cái mùi xi đánh sàn hình như được bán cho cả thế giới, tựa như thấy lính là ngửi thấy mùi hồ chua chua của quân phục vậy.

Bốn mươi tám bậc. Không cần đếm thì Hans cũng biết gã đang đặt chân ở bậc nào. Và xuống đến bậc thứ mười tám thì như có hẹn, con chó của Pavlov ngóc đầu dậy. Nhổ toẹt vào cuộc sống khốn nạn này, gã nghĩ bụng. Hằng ngày Hans ra khỏi nhà lúc năm rưỡi sáng, trời còn tối mịt và không khí tù đọng mùi khói thải ra từ hàng trăm ống khói của các nhà đang đốt lò sưởi, và về đến nhà thì đồng hồ cũng chỉ đúng năm giờ chiều, và trời mùa đông đã lại tối mịt. Một ngày đẹp trời, không, kể cả ngày đó trời đẹp hay xấu, ta sẽ ra đi, không ngoái đầu lại. Cuộc sống có còn gọi là cuộc sống nữa không, khi con người chỉ còn biết lụi hụi kiếm ăn từ lúc bước chân khỏi giường cho đến khi vùi đầu vào giấc ngủ. Đã có những lúc cuối năm hai vợ chồng gã ngẩn mặt nhìn nhau, không biết làm gì với ba tuần nghỉ phép bị công ty giục phải đăng ký kẻo hết hạn. Con bé Maxi cũng chẳng hề hỏi nghỉ hè năm nay gia đình đi đâu.

New York có lẽ đẹp lắm, Hans nghĩ, cho dù ấn tượng duy nhất của gã về New York chỉ là một tấm hình mờ nhạt chụp Simon & Garfunkel đứng trước mấy ngôi nhà cao tầng trên vỏ đĩa hát. Hoặc Hawaii. Ở đất Luxemburg cớm nắng, cái địa danh Hawaii gợi nhớ đến nắng chói và biển biếc, thế thôi, chứ Hans cũng không rõ cái đất chết tiệt ấy nằm đâu trên địa cầu này. Địa lý chưa bao giờ là môn được gã để tâm hồi đi học, và cả sau này. Vì nó nhắc đến những địa danh xa lạ và kích thích trí tưởng tượng, nhưng để lấy bằng lái xe tải than vụn thì trí tưởng tượng không phải là một tiêu chí bắt buộc.

Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals auf Hawaii,
ging nie durch San Francisco in zerriss'nen Jeans,
Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals richtig frei,
einmal verrückt sein und aus allen Zwängen flieh'n.

Ta chưa bao giờ đặt chân đến New York, chẳng biết Hawaii ở đâu, cũng không rõ cảm giác lượn lờ trên đường phố San Francisco trong bộ bò rách tươm ra sao. Cũng có nghĩa là chưa bao giờ ta được thở không khí thực sự tự do, không có mùi khói thải từ lò sưởi. It never rains in California. Ai hát bài đó nhỉ? Ở Southern California không bao giờ mưa. Mỗi năm California mưa bảy tháng. Hay Seattle? Hans thở dài. Lần cuối cùng gã nghe đĩa hát - có lẽ đã vài tháng trước.

Hans sờ tay lên túi ngực. Cho dù không có động tác ấy thì gã cũng thừa biết cái ví nằm trong túi ngực trái, cài khuy cẩn thận. Hộ chiếu. Thẻ ATM. Tất cả nằm ở đó. Như một thói quen khó bỏ. Như hơi thở. Mặc dù chẳng bao giờ Hans cần đến. Tiền lẻ để mua mấy thứ lặt vặt thì bao giờ cũng để sẵn trong túi phải. Quà sáng thì Marie làm sẵn, đóng vào hộp nhựa. Hai lát bánh mì, một mặn một ngọt, một lát dưa chuột và hai trái cà chua. Bữa trưa có căng tin xí nghiệp lo.

Ba mươi phút taxi thì đến sân bay. Hay là vẫy xe đi nhờ? Đường cao tốc chạy sát phố nhà Hans, thỉnh thoảng dân lái xe đường dài vẫn tạt vào thành phố để điểm tâm và bơm xăng cho rẻ. Tựa như nhìn ánh đèn neon là ngửi thấy xi đánh sàn, mùi khói diesel của xe tải luôn làm Hans nhớ lại những ngày vác ba lô và lều bạt, vẫy xe tải đi nhờ ngang dọc châu Âu. Tám tiếng đến New York. Hawaii có lẽ xa hơn…

Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals auf Hawaii,
ging nie durch San Francisco in zerriss'nen Jeans,
Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals richtig frei,
einmal verrückt sein und aus allen Zwängen flieh'n.

Ta chưa bao giờ đặt chân đến New York, chẳng biết Hawaii ở đâu, cũng không rõ cảm giác lượn lờ trên đường phố San Francisco trong bộ bò rách tươm ra sao. Đó là những suy nghĩ khi Hans đập tay lên vai Thomas. Ông bạn chủ quán không ngửng lên cũng biết giá tiền 4,50 Euro cho một vại bia và một bao Salem không đầu lọc, cộng thêm tiền bo là chẵn 9 Euro. Hans đút bao thuốc vào tút và rảo bước đi ra.

Ngay sau cánh cửa là ánh sáng neon và mùi xi đánh sàn thân quen, hôi hám như cuộc sống thị dân tẻ nhạt. Hans không quên xoay chìa khóa hai vòng trước khi lên gác. “Bố nó ơi”, tiếng Marie vọng từ sau cửa phòng khách, “sắp đến Ai là triệu phú rồi.” Tám giờ mười lăm. Như mọi tối thứ Tư. Hans lãng đãng cười vô cớ. Vì một lý do ngớ ngẩn nào đó mà hôm nay gã ra khỏi nhà lâu hơn mọi hôm mấy phút. Có lẽ vì mải nghĩ đến New York và Hawaii chăng? Nhưng hôm nay Hans không phải Thomas Cook dọc ngang bốn biển, cũng chưa thích làm Che Guevara lặn lội qua đất Nam Mỹ, và càng không thể đi đo thế giới như Alexander von Humboldt.

Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals auf Hawaii,
ging nie durch San Francisco in zerriss'nen Jeans,
Ich war noch niemals in New York, ich war noch niemals richtig frei,
einmal verrückt sein und aus allen Zwängen flieh'n.

Hans chưa bao giờ đặt chân đến New York, chẳng biết Hawaii ở đâu, cũng không rõ cảm giác lượn lờ trên đường phố San Francisco trong bộ bò rách tươm ra sao. Cũng có nghĩa là chưa bao giờ gã được thở không khí thực sự tự do. Chưa bao giờ. Không bao giờ.

Tác giả bài viết: Lê Quang, 2013