Truyện ngắn của Doris Lessing (Nobel Văn chương 2007): CHUYỆN KỂ VỀ HAI CON CHÓ (Phần cuối)
- Thứ tư - 18/06/2008 23:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhưng mà khi ở rừng Billy ăn gì nhỉ? Chuột, trứng chim, loài bò sát hay món gì đó đủ mềm? Và nghĩ cả về điều này nữa cũng thật buồn, nhất là khi tưởng lại những ngày vinh quang xưa cũ của hai con chó săn dũng mãnh không biết sợ.
Hàng xóm bắt đầu thường gọi điện cho chúng tôi: “Con Billy của ông bà chạy vào trang trại nhà này, chén tuốt đồ ăn trong chậu của chó nhà chúng tôi…”; “Có cảm tưởng là Billy của ông bà bị bỏ đói, chúng tôi đã cho nó ăn…”; “Chó nhà ông bà, con Billy ấy, gầy rạc đi, ông bà không cảm thấy thế à?”; “Người ta thấy Billy nhà ông bà gần chỗ chuồng gà vịt nhà tôi, tôi bực lắm, mà nếu nó khều trứng thì chắc là sẽ phải…”
Một con chó cái thuần chủng nhà hàng xóm sống cách chúng tôi mười lăm dặm đã có con với Billy. Nhà chủ họ bực mình khủng khiếp: thứ nhất vì Billy là giống chó vô nòi, rồi là vì cái “gien xấu” của nó nữa. Họ giết các con chó con, từng con một. Billy nhớn nhác chạy quanh, bám riết lấy ngôi nhà bất chấp những trận đòn và những phát súng chỉ thiên mà người ta bắn để xua đuổi nó đi. Họ gọi điện và đề nghị chúng tôi vì Chúa hãy làm điều gì đó khiến cho Billy ngồi nhà, họ đã ngán cái việc xích chó cái nhà họ lại mãi rồi.
Nhưng chúng tôi không làm gì được với nó. Đúng hơn là, chẳng muốn làm gì. Dĩ nhiên, khi Billy từ rừng chạy về, tợp nước ừng ực từ cái bát của Joke rồi nằm xuống cạnh Joke, áp mũi vào mũi Joke, lẽ ra có thể bắt nó và xích lại, nhưng chúng tôi chẳng động đến nó. “Dù sao thì chẳng chóng thì chầy người ta cũng giết nó thôi”, - bố bảo. Và mẹ lại kể lể chuyện Joke khôn và cao quý thế nào, như thể chẳng từng có những năm dài hạnh phúc nó được sổng tự do, mẹ lại khen nó hiền hậu và biết nghe lời.
Tôi ghé thăm nhà hàng xóm, nơi có cô bạn của Billy đang sống. Người ta cột nó dưới mái hiên. Cả đêm, tiếng tru hoang dã từ rừng vọng ra không cho ai được yên, và con chó cái thì kêu ăng ẳng, giằng giật cái xích. Sáng ra, tôi đi vào khoảng lặng im tĩnh mịch đầy nóng nực của cánh rừng và gọi:
- Billy! Chị đây, Billy!
Không có một âm thanh nào đáp lại. Tôi ngồi xuống sườn đồi, trong bóng râm, và chờ đợi. Chẳng bao lâu, sau những thân cây, Billy hiện ra, gầy gò, phờ phạc, tỏ ra xa lạ cảnh giác, một con chó lang thang không nhà ngờ vực cảm thấy cạm bẫy ở khắp nơi. Nó nhìn thấy tôi nhưng dừng lại cách tôi độ hai chục ác-đơ, bò lên đụn mối xông gần đó, ngồi xuống đúng chỗ nắng gay gắt nhất, và tôi thấy dễ chịu khi nhìn rõ những vết đốm thẫm trên bộ lông của nó. Chúng tôi cứ ngồi vậy, im lặng, người và chó nhìn nhau. Thốt nhiên, nó ngửa đầu và tru lên như những con chó thường hướng về vầng ttrăng tròn mà tru lên vậy, những tiếng tru dài, dễ sợ và căng thẳng của nỗi cô độc. Nhưng bấy giờ mặt trời đang rực rỡ, buổi sáng trong lành và yên tĩnh, mà rừng cũng chẳng ôm giữ điều gì bí ẩn, thế mà Billy lại đắm mình trong nỗi buồn đau khôn nguôi, hướng mặt về phía cô bạn đang bị trói giữ. Chúng tôi cùng nghe thấy tiếng kêu ăng ẳng của chó cái, tiếng nó xô cái bát sắt loảng xoảng, lê cái bát trên thềm nhà. Tôi bỗng cảm thấy nặng nề không chịu được, da nổi gai ốc và những sợi lông trên cánh tay cũng dựng đứng hết cả lên. Tôi đến gần Billy, ngồi xuống đất bên cạnh nó và ôm lấy cổ nó, như năm nào tôi đã từng ôm chó mẹ Stella của nó trong đêm trăng, con chó mẹ đã bị tôi lấy mất đứa con. Billy đặt mõm lên vai tôi, rên ư ử, mà đúng hơn là, nó khóc… rồi một lần nữa lại ngẩng đầu lên, tru dài…
- Billy, đừng thế, Billy thân yêu, xin em, giờ mình chẳng làm gì được đâu, chẳng làm gì được, chú chó thân yêu của chị…
Nhưng nó vẫn cứ tru hoài, tru mãi, sau đó bỗng nhiên nhảy phắt dậy như thể nỗi đau đã giằng nó ra khỏi chỗ ngồi, hướng cái mũi về phía tôi, như nói: “Tất cả là do chị, thôi, vĩnh biệt”, - nó quay cái mõm của một con thú già cô độc về phía cánh rừng và bỏ chạy.
Một vài ngày sau, nó bị giết – sáng sớm, khi nó từ chuồng gia cầm mò ra với một quả trứng ngậm trong mõm.
Joke giờ đây còn lại một mình. Nó nằm sưởi nắng hàng ngày trời, nhìn về phía bìa rừng, cánh rừng chạy dài đến tận rặng núi, nơi những năm xưa nó từng săn thú cùng Billy. Nó già xọm đi, bốn chân gập xuống, lông xơ xác, thở nặng nề, khó nhọc.
Ban đêm, khi mặt trăng tròn chiếu sáng, nó đi ra sân và tru lên, khi ấy chúng tôi lại nói: “Nó nhớ Billy”. Joke lại gần mẹ, ngồi cạnh bà và đặt mõm lên đầu gối bà, mẹ lại vuốt ve nó và bảo:
- Ôi con Joke già nua tội nghiệp của tôi, mày vẫn buồn nhớ cái con Billy hư ngu ngốc ấy ư?
Trong giấc ngủ, nó thường thốt nhiên nhảy dựng lên và chạy khắp các phòng trên bốn chân già nua của mình, chạy quanh các nhà ngang và nhà kho trong sân, hít ngửi từng góc nhỏ và kêu ăng ẳng đầy bất an. Đoạn, bỗng lặng đờ ra cảnh giác, giơ chân trước lên giống y thời trẻ, rồi nhìn, nhìn mãi về phía rừng và tru lên khe khẽ. Chúng tôi lại nói với nhau:
- Hẳn là nó mơ thấy cảnh đi săn cùng Billy.
Nó cứ yếu dần đi, gần như bị ngạt hơi. Chúng tôi bế nó mang vào rừng, phía sau ngọn đồi, và, trong khi mẹ vẫn vuốt ve, vuốt ve nó mãi, bố tôi đặt súng vào sau ót nó, rồi bóp cò.
Xem phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5 và phần 6.
Nguyên bản Anh ngữ: “The story of two dogs”, trích trong cuốn African Stories, 1965, NXB Simon and Schuster. Thụy Anh dịch từ bản tiếng Nga của Iu. Zhukova