Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Truyện ngắn của Doris Lessing (Nobel Văn chương 2007): CHUYỆN KỂ VỀ HAI CON CHÓ (1)

(NCTG) Chúng tôi chẳng thể ngờ rằng việc kiếm một con chó thứ hai để nuôi lại phức tạp đến thế, mà lỗi của cái sự phức tạp ấy lại là những điểm khá đặc biệt trong quan hệ giữa các thành viên ở gia đình tôi.

Doris Lessing - Ảnh: AFP

Ban đầu quả là chẳng có gì đơn giản hơn – cái việc kiếm thêm một chú chó ấy – khi mà cả nhà đã quyết rồi: “Joke chẳng có bạn chơi, rất cần có thêm một cún con nữa, không thì Joke hoặc là sẽ mất tăm tích ở chỗ mấy anh nhọ (người da đen) ở làng hoặc là sẽ lông nhông cùng lũ chó ghẻ của họ”. Tất thảy những người hàng xóm quanh chỗ chúng tôi ở đều nuôi chó trong trang trại nên có thể xin một chú cún con thuần chủng được. Mỗi một người làm da đen thường có một vật nuôi gày nhom ốm đói mà họ vẫn hay đem chúng đi săn hòng đôi khi kiếm cho mình được chút thịt còm. Thảng hoặc, những chú cún của những con người tội nghiệp này rơi vào khu điền trang của các ông chủ, mà ở đó thì người ta không thể khoái các chú được. Biết tin chúng tôi muốn kiếm thêm một con chó mới, bác thợ mộc Jakob dẫn đến cho một cậu chàng, cậu ta vui vẻ nhảy cẫng lên bên thềm, cổ vẫn bị buộc dây. Song bố mẹ tôi lịch sự từ chối, mẹ bảo cái ổ rận di động ấy không thể cùng hội cùng thuyền với chú cún Joke của chúng tôi được, mặc dù lũ trẻ chúng tôi thì lại rất khoái cậu chàng nọ.

Joke cũng là giống lai giữa chó béc-giê với giống chó săn Rhodesia và hình như với cả giống terrier nữa thì phải. Nó được thừa hưởng của mấy loài tiên tổ ấy cái lườn và mảng lưng sẫm màu, cái mõm dài buồn bã và đôi tai bé trông rất lấc cấc. Nói gì thì nói, về cái khoản thuần chủng thì Joke cũng chẳng thể tự hào được. Nhưng ưu điểm của nó là rất cao quý, mà quả là đặc điểm này có trong nó như một bản chất cố hữu.

Nhưng điểm tốt này lại còn được mẹ tôi phóng đại lên nữa. Bà trút trọn tình yêu của mình lên chú chó này khi anh tôi đi học xa. Về lý thuyết thì anh ấy là chủ của Joke. Có điều không hiểu có ý nghĩa gì nhỉ cái việc tặng một cậu trai một chú chó khi chỉ sau đó vài ngày cậu trai ấy sẽ lên tỉnh học và sống ở trên ấy cả mùa Thu, cả mùa Đông lẫn cả mùa Xuân? À… ra là để lấp chỗ trống, cái khoảng trống chắc chắn sẽ hiện ra sau khi anh chàng đã đi rồi. Khổ thân mẹ tôi, bọn trẻ luôn luôn xa dần bà – bởi lũ trẻ con nhà nông không tránh khỏi việc phải lên tỉnh khi đến tuổi tới trường.

Vuốt vuốt đôi tai nhạy của Joke, mẹ nựng: “Joke của mẹ! Chú cún tuyệt diệu của mẹ! Joke, cún con thật là đáng yêu, thật là khôn, đúng rồi... rất rất khôn…”

Bố tôi không kìm được, bảo:

- Vì Chúa, mẹ nó đừng làm hỏng chó nhà mình! Đây có phải là chó cảnh đâu, chẳng phải chó bông xù vớ vẩn nhé, mà là chó giữ nhà, chỗ của nó là ở ngoài sân ấy!

Mẹ không đáp lời bố, trên gương mặt bà lại xuất hiện nét quen thuộc của một nỗi niềm đau đớn khó hiểu. Bà càng cúi xuống thấp hơn về phía Joke, má áp sát vào cái lưỡi nhỏ hồng hồng nhanh nhẹn của nó và tiếp tục than vãn:

- Tội nghiệp Joke, ừ, ừ… tội nghiệp chó con! Ai bảo mình là chó giữ nhà, nhỉ? Ai bảo chỗ của mình là ngoài sân, nhỉ? Chó con đáng yêu, chó con bé bỏng, chó con ngốc nghếch…

Cảnh đó khiến anh tôi giận dữ, bố giận dữ, tôi cũng giận dữ. Hồi còn bé chúng tôi cũng chưa từng muốn là những đứa trẻ “bé bỏng ngốc nghếch”, mỗi đứa đều nổi loạn theo kiểu của mình và cố vùng ra khỏi vòng chăm bẵm của mẹ. Giờ thì chúng tôi thấy khó chịu đến buồn nôn khi một con chó khỏe mạnh bị biến thành một thứ ẻo lả quặt quẹo như chúng tôi cũng từng suýt bị như thế. Tuy nhiên, sâu xa, chúng tôi thấy rất hài lòng, nhận thức rõ sự hài lòng ấy cùng với đôi chút dằn vặt lương tâm rằng mọi chăm bẵm của mẹ giờ đã trút hết sang Joke. Mẹ vốn lúc nào cũng có nhu cầu bao bọc đến mức quá đáng, nâng niu những đứa nhỏ “bé bỏng và ngốc nghếch”.

Lúc nào chúng tôi cũng cảm nhận được vẻ trách cứ của mẹ. Khi bà cúi gương mặt buồn bã xuống phía con vật và vuốt ve nó bằng những ngón tay trắng mảnh đeo đầy nhẫn của mình, những chiếc nhẫn chỉ chực tuột ra khỏi tay bà, và âu yếm: “Joke, cún yêu, con thật là đẹp, thật cao quý”… thì bố con tôi bắt đầu ngạt thở vì bực mình, những muốn giằng lấy Joke khỏi tay mẹ để thả nó đi lang bang khắp điền trang như  một con thú non, khỏe mạnh vui đời cần phải như thế, hoặc giả, nếu được, chúng tôi những muốn chạy đi ngay lập tức đến đâu thì đến để không bao giờ phải nghe thấy những trách móc đau buồn trong giọng nói của mẹ. Mà ngay trong cái sự giọng của mẹ tôi bao giờ cũng có đôi chút trách móc ấy chỉ có chúng tôi là có lỗi: giá kể chúng tôi đồng ý cho bà được cưng nựng mình, giá kể chúng tôi thuận theo sự giáo dục của mẹ hoặc chí ít cũng biết nghe lời thì có lẽ Joke đã không phải suốt ngày ngồi cạnh chân mẹ tôi, đặt cái đầu kiêu hãnh, trung thành của mình lên đầu gối bà, và mẹ cũng chẳng phải vuốt ve nó, buồn bã và dằn vặt đến vậy.

Và thế là bố đã quyết sẽ phải kiếm thêm một chú chó nữa, chẳng rồi Joke sẽ bị biến thành một thứ “ẻo lả dãi dớt” mất. Nghe những lời như tiếng vang của những trận chiến gia đình thường diễn ra vô số kể, anh trai vùng dậy, sưng mặt lên và vênh vang đi ra khỏi phòng. Nhưng mẹ lại chẳng muốn nghe về chú chó mới, cho đến khi một lần, Joke lén chạy vào làng tìm mấy anh làm công người da đen mà nô giỡn cùng hội chó của họ.

- Con không xấu hổ sao, Joke! – mẹ đau buồn nói. – Con chạy chơi cùng cái lũ chó bẩn thỉu, hạ tiện ấy làm gì?

Trong cơn ân hận cùng cực, Joke  nhảy loạn lên trước mặt mẹ, liếm mặt bà, còn bà thì vươn về phía nó với vẻ thất vọng của một người đang sầu não, người đã từng bị dối lừa và phản bội nhiều lần, và lại mắng mỏ:

- Trời, để làm gì vậy, Joke, tại sao vậy?

Vậy đó, thế là đã quyết xong: chúng tôi cần một con chó nữa. Và nếu Joke, không tính cái lần phản trắc tạm thời này, là một chú chó cao quý, đại lượng và, có giáo dục, thì chú cún con mới này chắc chắn cũng phải có được những phẩm chất ấy. Nhưng kiếm đâu ra một con chó như vậy, dù có đi cùng trời cuối đất? Mẹ đã thoái thác đến hơn chục ứng viên rồi, mà Joke thì vẫn cứ sổng ra là chạy đến với bọn chó nhà da đen, để rồi sau đó lai gian giảo lủi về nhà, nhìn vào mắt mẹ với vẻ trung thành. Tôi tuyên bố rằng con chó thứ hai này phải là của tôi. Anh tôi đã có một con, thì tôi cũng phải có chứ. Nhưng tôi tuyên bố về quyền lợi của mình không được hùng hồn cho lắm vì những đòi hỏi về công bằng của tôi hiện tại vẫn rất trừu tượng. Bởi lẽ, tôi hoàn toàn không muốn có một con chó tốt, cao quý và có giáo dục. Tôi muốn một chú cún thế nào tôi cũng chẳng giải thích được, nhưng ý nghĩ về sự có giáo dục của loài chó khiến tôi thấy lợm giọng. Bởi vậy tôi không phản đối mạnh cho lắm khi mẹ cứ từ chối hết chú cún này đến chú cún kia, kệ cho mẹ muốn làm gì thì làm, miễn là nguồn trữ lượng dồi dào kinh dị của tình yêu mẹ cứ tiếp tục trút lên đầu Joke mà đừng có là mối đe dọa cho tôi là được.

(Nguyên bản Anh ngữ: “The story of two dogs”, trích trong cuốn African Stories, 1965, NXB Simon and Schuster. Bản tiếng Nga của Iu. Zhukova)

Tác giả bài viết: Thụy Anh dịch theo bản tiếng Nga - Còn tiếp