Truyện ngắn của Doris Lessing (Nobel Văn Chương 2007): NGÀY STALIN QUA ĐỜI
- Thứ hai - 15/10/2007 23:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Doris Lessing, Nobel Văn chương 2007 (ảnh chụp năm 1956)
Một nét đáng chú ý trong sự nghiệp sáng tác của Doris Lessing là khung đề tài mà các tác phẩm của bà đụng chạm đến khá rộng. Lessing không chỉ đả động tới vai trò của người phụ nữ trong xã hội mà rộng hơn, bà quan tâm đến việc thể hiện con người như một cá thể trong lịch sử với đầy đủ các sắc thái tâm lý phức tạp của mình và vị trí của cá thể ấy trong vũ trụ. Đặc biệt, thông qua các tác phẩm của mình, bà luôn đứng cạnh các dân tộc, sắc tộc bị đè nén, những giai tầng bần cùng, hoặc bị phân biệt đối xử và giới tính. Quan điểm chính trị của Lessing cũng thay đổi theo thời gian: từ một người khuynh tả cấp tiến, ngỡ rằng tìm được những nét nhân văn và tiến bộ trong phong trào cộng sản đương thời (mang màu sắc của chủ nghĩa Stalin), bà đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước sự biến thái của mô hình độc đoán này.
Văn phong của Doris Lessing hoàn toàn không mềm mại như nhiều nhà phê bình văn học thế kỷ XX thường quan niệm về lối viết của phụ nữ. Không ít lần, người ta “chê” bà viết rất không… đàn bà. Sắc sảo, mỉa mai, đôi khi có cảm giác, bà đối xử với các nhân vật của mình hết sức lạnh lùng. Nữ sĩ đã cười mà cho hay, có lẽ không ít nhà phê bình văn học tuy rành văn học mà lại không rành… tâm lý phụ nữ cho lắm. Doris Lessing từng nói: “Những gì người đàn bà nghĩ, cảm nhận và trải nghiệm luôn là điều bất ngờ với một số người”.
Truyện ngắn sau đây của Doris Lessing (Nguyên tác: “The Day Stalin Died”, rút từ tập "Oxford Book of Modern Women Stories", New York. OXFORD UNIVERSITY PRESS, 1994) cho thấy phần nào phong cách và cái nhìn (phê phán) mang tính xã hội của nữ sĩ, với sự mô tả (nhân vật và diễn biến) tinh tế. Tác phẩm được Nguyễn Thụy Anh dịch từ bản tiếng Nga của Samuel Cherphas, có đối chiếu với nguyên bản Anh ngữ.
*
Với tôi, ngày đó bắt đầu thật tồi tệ bằng một lá thư của cô tôi gửi từ Bournemouth. Cô ấy nhắc nhở rằng tôi đã hứa dẫn đứa em họ Jessie đi chụp ảnh. Ừ thì hứa, hứa rồi, cơ mà mọi cái bay hết ra khỏi đầu mất rồi. Bốn giờ, tôi đã thống nhất gặp Bill, vậy là lại phải gọi đi gọi lại hò hẹn. Bill, một nhà biên kịch ở Mỹ, đang gặp rắc rối gì đó với Hội đồng hoạt động chống Mỹ, tên anh bị ghi vào sổ đen, giờ mất việc, và tôi đã ráng kiếm cho anh cái giấy được ở lại Anh. Bill đang tìm một nữ thư ký. Trước thì vai trò đó do vợ anh ta đảm nhiệm, nhưng họ chia tay vì sau 20 năm chung sống bỗng nhận ra rằng chẳng có gì ràng buộc giữa hai người cả. Tôi quyết định giới thiệu Beatrice cho anh ta.
Beatrice là bạn gái lâu năm của tôi, người Nam Phi, mới bị hết hạn hộ chiếu. Cô bị dán cái mác “cộng sản” vào người, hiểu rằng nếu về nước thì sẽ chẳng bao giờ có cơ quay trở lại nơi này, vì thế Beatrice muốn ở lại Anh độ nửa năm nữa. Tiền thì không có, nên cô cần việc làm. Tôi nghĩ rằng Bill và Beatrice chắc sẽ tìm được nhiều điểm chung, nhưng hóa ra hai người lại dè bỉu lẫn nhau. Beatrice giải thích là Bill chẳng có cái nguyên tắc gì sất cả, là một gã đồi bại, anh ta dùng bút danh khác dựng những tiểu phẩm hài phóng đãng và bản thân thì tham gia đóng những bộ phim xấu.
Lý lẽ bao biện cho Bill rằng, ờ, thì cũng phải có gì bỏ vào mồm chứ, cô ấy không chấp nhận. Về phía Bill thì anh không thể chịu nổi những phụ nữ chõ mũi vào chính trị. Tôi đâu biết về sự bất hòa hợp giữa những người bạn quý này nên suốt cả tiếng đồng hồ đã săn lùng Bill ở khắp các tổng đài, cho đến khi rốt cục đã tóm được anh ta ở một studio, nơi anh đang tập vai trong bộ phim về Lady Hamilton. Anh ta nói là tôi chẳng cần phải bận tâm vì anh cũng đã quên cuộc hẹn rồi. Điện thoại thì Beatrice không trả lời nên tôi phải đánh điện cho cô ấy.
Thế là cả buổi chiều của tôi đã rảnh rang dành cho cô em họ Jessie. Nhưng vừa ngồi vào bàn thì nữ đồng chí Jean gọi đến nói rằng muốn ăn trưa với tôi. Đã nhiều năm Jean tự coi mình là người chăm lo tinh thần của tôi. Bà cho là mình có nghĩa vụ phải hướng tôi tới một thế giới quan chính trị đúng đắn. Nói đúng hơn, bà là một trong những người thày “tự phong” của tôi. Khi tập truyện ngắn đầu tiên của tôi được xuất bản, chính Jean ngay ngày hôm sau đã bỏ cả việc lao đến chỗ tôi chỉ để giảng giải rằng một trong số những truyện ngắn ấy (tôi quên béng là truyện gì rồi), có sự phân tích không chuẩn về đấu tranh giai cấp. Tôi còn nhớ, khi ấy tôi cũng có cảm giác rằng lời của Jean cũng rất đáng để tâm.
Giờ ăn trưa, Jean đến, mang theo những miếng bánh mỳ kẹp gói giấy và xin tôi một tách cà phê. Bà xin lỗi vì đã quấy quả, nói rằng rất bực mình vì, theo như có người mách với bà, tôi đã nói những điều tệ hại.
Té ra chuyện là tuần trước ở một cuộc họp, tôi có phát biểu rằng có nhiều bằng chứng cho thấy ở Liên Xô diễn ra nhiều điều đen tối. Và tôi cũng sẵn sàng đồng tình rằng câu phát biểu ấy quả là có đôi chút nông nổi.
Jean là một người đàn bà thấp bé, sôi nổi, đeo cặp kính bự, con gái một vị giám mục, sự trung thành của bà với sự nghiệp của giai cấp công nhân đã được kiểm chứng qua 30 năm trong đảng. Đối với tôi, bà luôn tỏ ra dịu dàng và kiên nhẫn. “Đồng chí ạ - bà nói -, trí thức như cô thường cảm thấy áp lực của chủ nghĩa tư bản mạnh hơn là người cán bộ đảng, cho dù anh ta là ai đi nữa. Đó không phải là lỗi của cô, nhưng cô cần phải thường xuyên kiểm soát bản thân”.
Tôi trả lời rằng tôi có cảm giác là tôi vẫn thường kiểm soát được mình, nhưng dù sao vẫn cứ không bỏ được cảm nhận rằng báo chí tư bản đôi khi, dĩ nhiên là đôi khi thôi, hoàn toàn vô tình mà viết ra sự thật.
Jean cẩn thận ăn hết chiếc bánh kẹp, sửa lại cặp kính và cho tôi một bài giảng ngắn về việc giai cấp công nhân cần phải giữ cảnh giác cao độ. Rồi bà bảo là đã đến lúc phải đi, vì vào quãng hai giờ bà phải có mặt ở phòng làm việc, và nhấn mạnh, khả năng duy nhất cho một trí thức có tiểu sử như tôi để có thể đứng vững trên lập trường đúng đắn là phải tham gia hoạt động đảng tích cực hơn và không tách rời giai cấp công nhân, và chỉ có cách đó những gì tôi viết mới có thể là vũ khí trong đấu tranh giai cấp. Và bà còn chua thêm một câu rằng sẽ gửi tôi biên bản các cuộc họp mở những năm 30, nếu tôi đọc chúng thì chắc chắn lý lẽ chông chênh của tôi về Liên Xô sẽ hoàn toàn bị bác bỏ. Tôi trả lời là đã đọc chúng từ lâu rồi, tôi có cảm giác những biên bản ấy không được thuyết phục cho lắm. Bà bảo rằng chẳng có gì phải băn khoăn, vì việc xây dựng một thế giới quan vô sản cần phải có thời gian.
Nói rồi bà đi, còn tâm trạng của tôi thì chẳng hiểu sao trở nên u ám.
Và lại một lần nữa, khi tôi vừa định ngồi làm việc, tiếng chuông điện thoại lại réo. Lần này là cô em họ Jessie, thông báo rằng không ghé tôi được như đã hẹn vì giờ đang đi mua đồ để chụp hình. Hỏi tôi có thể gặp cô ấy ở cửa hàng quần áo sau hai mươi phút nữa không? Tôi bỏ dở cả buổi làm việc đầu giờ chiều và lên taxi đi. Trên đường, tôi tán chuyện với bác tài về giá cả, về những hoạt động của chính phủ, và nhận ra rằng, quan điểm của tôi và bác ta về mọi vấn đề trùng hợp một cách đáng ngạc nhiên. Thế rồi bác ta bắt đầu kể cho tôi nghe về cô con gái mười tám tuổi, lồng lên chạy theo một ông bạn thân của người cha, ông này đã bốn lăm tuổi. Bác ta chẳng thể chịu nổi điều đó (như lời bác ta kể) và thế là thôi, mất luôn cả con gái lẫn bạn thân. Như một giọt nước làm tràn ly bất hạnh, bác ta tình cờ đọc được bài báo trên một tạp chí tâm lý do bà vợ mang về, và bỗng hiểu rằng cô con gái hành động như vậy chẳng qua vì đã quá quấn quýt, thần tượng cha mình.
- Khi tôi đọc cái đó, bỗng nhiên lòng dạ cứ nhao hết cả đi, - bác tài thở dài cay đắng. - Thật kinh khủng khi bỗng hiểu ra điều ấy.
Bác ta khéo léo đánh xe sát vào cửa hàng quần áo, và tôi bước xuống.
- Tôi nghĩ, bác chẳng nên nặng nề về chuyện này làm gì - tôi nói. - Chính tôi cũng sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bỗng nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều từng quá yêu quý cha mình.
- Ấy, sao cô lại nói thế - bác tài đáp trong lúc đưa tay nhận tiền xe.
Bác ta là một người bé nhỏ, rầu rĩ với cái đầu bé y như quả chanh hay một quả hạt dẻ vậy, và đôi mắt nhỏ xanh biếc có cái nhìn ủ ê, chua chát.
- Bà lão nhà tôi bao năm cứ bảo rằng tôi đã quá chiều chuộng Hazel. Giờ rõ là bà ấy nói đúng.
- Thì bác cứ thử nhìn ở góc độ khác xem nào - tôi nói. - Thà là yêu con mình quá nhiều còn hơn là yêu quá ít.
- Yêu ấy á? Tình yêu ấy có là quái gì đâu? Bỏ đi cùng ông bạn tôi, George, mà ba tháng qua rồi thì nó cũng nên gửi cái thiệp báo xem đang ở đâu, sống chết thế nào chứ.
- Quả là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh…
- Cái đó thì cô có lý.
Cuộc trò chuyện chắc còn kéo dài nữa được, nhưng tôi đã thấy Jessie đứng trên vỉa hè và nhìn ra chỗ chúng tôi. Tôi trả tiền xong và cẩn trọng quay về phía Jessie.
- Em thấy chị cãi nhau với lão đó, - cô em nói. - Với hội này là cứ phải thế, không là họ được đằng chân lân đằng đầu ngay. Nguyên tắc của em nhé: chỉ cho 6 xu tiền bo thôi, dù đi dài hay ngắn, và không thêm gì hết. Hôm qua có một gã ngoặc mõm kêu ầm cả phố chỉ vì em bo có 6 xu. Không được nhân nhượng với hội ấy.
Jessie cao lớn, vai rộng, cô sắp tròn hai nhăm mà bề ngoài trông chỉ độ mười tám. Mái tóc màu hạt dẻ sáng rủ xuống quanh khuôn mặt tròn, trẻ trung với chiếc cằm nhọn. Đôi mắt xanh biếc to tròn thì có vẻ trong trắng ngây thơ nhưng lại đầy giận dữ. Đích thực là con gái của những tên cướp biển Bắc Âu (Viking), nhất là khi cô nàng hăm hở đối đầu với những nhân viên soát vé, tài xế taxi và hội cửu vạn bưng vác đồ. Cô bé và bà cô Emma của tôi luôn luôn rơi vào tình trạng tiến hành các cuộc chiến tranh du kích chống lại các nhân viên ngành dịch vụ. Tôi nghĩ, đối với cuộc sống quá buồn tẻ nhạt nhẽo của hai mẹ con họ thì thú tiêu khiển ấy cũng có thể chấp nhận được. Mà thêm nữa, những đối thủ của họ hình như cũng lấy làm khoái chí trước những ba máu sáu cơn của hai người.
Còn nhớ, sau một lần chiến đấu với tài xế taxi Jessie đã kiêu hãnh bỏ đi, khinh bỉ nhún vai, còn anh tài lại vui vẻ: “Tính cách kiểu cổ nhỉ. Giờ hiếm có những người vậy lắm.”
- Cô mua được cái cô muốn chưa? - tôi hỏi
- Đây, chị, em mặc đây này.
Jessie luôn ăn bận y chang một kiểu: một bộ vét may kiểu cách, chiếc áo len cổ tròn, chỉ đính ngọc trai. Cô ấy rất hợp trang phục như vậy.
- Vậy thì đi thôi, cho được việc - tôi bảo
- Mẹ em cũng đi cùng mình đấy.
Tính hiếu chiến đã trở lại với cô nàng…
- Ờ, vậy thì…
- Em nói mẹ rằng em sẽ tự đi mua đồ, bảo mẹ đến cửa hàng muộn một chút đón mình. Em không chịu nổi nếu mẹ lại nổi hứng chọn đồ cho em.
- Quá chuẩn! - tôi nói.
Bà cô Emma của tôi cũng đang tiến đến chỗ chúng tôi từ một quán trà góc đường, nơi bà đã ngồi chờ từ trước. Bà rất to béo, mặc bộ đồ màu xanh sẫm, cổ có chuỗi vòng và tay đeo bao tay trắng, y hệt như anh cảnh sát điều khiển giao thông. Bà có khuôn mặt buồn, to bự nặng nề với cái cằm sệ, đôi mắt của loài chó Bulldog gần như lúc nào cũng hướng về con gái một cách không hài lòng.
- Đấy… - cô tôi nói khi nhìn thấy bộ đồ của Jessie. - Lẽ ra con hoàn toàn có thể đi cùng mẹ.
- Mẹ muốn nói gì vậy? - Jessie vùng vằng.
- Bởi vì mẹ đã đến cửa hàng Renee’s hồi sáng, đã thông báo là con chuẩn bị đến đây mua đồ và đề nghị họ giới thiệu cho con bộ đồ này. Con đã mua. Thấy chưa, mẹ biết gu của con không kém gì con đâu.
Jessie hất chiếc cằm nhọn về phía mẹ, còn bà thì khiêm nhường hạ ánh mắt đắc thắc của mình xuống, bắt đầu lấy đầu nhọn của chiếc ô gẩy gẩy mặt vỉa hè.
- Có lẽ mình đi thôi nhỉ - tôi nói.
Cô Emma và Jessie, cả hai cùng tích trữ một bầu năng lượng nảy lửa chung quanh mình, tiến đến tôi, và chúng tôi cùng đi dọc phố.
- Đi xe buýt hai tầng đi, ngồi tầng hai - tôi đề nghị.
- Ừ có lẽ thế hay hơn - bà cô đồng ý. - Một ngày gặp một gã taxi đểu là đã đủ lắm với cô rồi.
- Với con cũng thế - Jessie đồng tình.
Chúng tôi lên một chiếc xe buýt vắng khách và trèo lên tầng hai, ngồi xuống cạnh nhau ở hai hàng ghế đầu.
- Cô mong là cái anh chàng phó nháy của cháu đánh giá được vẻ đẹp của Jessie.
- Cháu hy vọng vậy - tôi đáp.
Cô Emma tin chắc rằng mỗi một nhà văn thường sống trong vòng quây của giới nhiếp ảnh, những cuộc họp báo, những buổi chiêu đãi, vì thế cô coi tôi là người có thể giới thiệu một thợ ảnh tốt. Tôi đã giải thích qua thư với cô rằng tôi hoàn toàn không phải cái người có thể làm điều đó, nhưng cô lại hồi âm rằng tôi không thể từ chối cô một việc mọn như vậy.
- Con sao cũng được! - Jessie nhấm nhẳng.
Cô nàng thường thở ra những cụm từ ngắn gọn, tuồng như chúng được phát ra từ nỗi niềm khảng khái của góc tâm hồn sầu thảm khôn cùng mà chẳng ai có thể thấu hiểu được vậy.
Ở nơi nhà trọ mà cô em sống với bà cô tôi, hình như có một ông cụ có anh trai làm nhà sản xuất phim truyền hình. Jessie từng có lần đóng trong một vở kịch không chuyên “Đám cưới không ồn ào”, thế nên cô tôi cho rằng nếu mà em tôi có được tấm ảnh tử tế mà đưa cho nhà sản xuất phim nọ khi ông ta ghé qua uống chén trà với ông em - mà điều này thì có thể xảy ra bất kỳ một ngày cuối tuần nào - và nếu Jessie lại tỏ ra là ăn ảnh nữa thì nhà sản xuất nhất định sẽ đưa cô đến London và nhào nặn cô thành một ngôi sao.
Tôi cũng không hiểu Jessie nghĩ gì về những kế hoạch với đường ngắm rõ xa thế này. Tôi hoàn toàn chẳng biết cô em có để tâm gì đến dự định của bà mẹ hay không. Cô nàng có thể đồng ý, cũng có thể phản đối - hai khả năng đều ngang bằng nhau. Nhưng dù thế nào mặc lòng, cô bé chắc chắn sẽ thể hiện điều đó với một vẻ cấm cảu và thờ ơ không gì lay chuyển nổi.
- Nếu con còn có tâm trạng thế này ấy, con gái ạ - cô tôi nói, - Thật lòng là điều đó không được công bằng đối với thợ ảnh cho lắm.
- Thôi đi mẹ!
- A, soát vé đến rồi kìa - cô tôi thông báo với nụ cười có nọc. - Cô sẽ không trả thêm một cắc nào so với lần đi trước đâu đấy. Đi từ Knightsbridge đến Little Duchess Street giá 3 xu.
- Giá tăng cả rồi - tôi nhận xét.
- Không thêm một cắc nào! - cô tôi xẵng.
Nhưng đó không phải là người kiểm vé. Đấy là một người đàn ông và người đàn bà trung niên, đỡ nhau lên bậc trên cùng của xe buýt. Họ không ngồi xuống cạnh nhau mà người nọ ngồi sau người kia. Tôi cảm thấy kỳ kỳ, nhất là vì người đàn bà nhao người ra phía trước qua vai người kia và thốt lên bằng một giọng cao rin rít của một con vẹt:
- Nếu anh vứt con cá vàng của em lần nữa, em sẽ nói với chủ nhà, và bà ta sẽ đuổi anh ra. Em cảnh cáo rồi đấy.
Người đàn ông có bộ dạng một chiếc mũ phớt màu xám nhàu nhĩ và sũng nước. Ông ta nhìn về phía trước mình và gật gật theo nhịp xe đi.
Người đàn bà nói:
- Con cá của em bị nấm. Anh tưởng em không biết nấm đó ở đâu ra hả?
Bỗng nhiên người đàn ông cất tiếng nói bằng giọng cao rất thuyết phục:
- Chúng nó, những con cá vàng ấy, ở sâu trong lòng biển, tất cả bọn chúng đều ở đó. Chúng ta đã nổ bom bọn chúng, và chúng ta sẽ không được nhận sự tha thứ đâu. Không, sẽ không được tha thứ vì chúng mình đã dùng bom làm nổ tung những con cá bé bỏng ấy.
Người đàn bà trả lời vẻ làm lành:
- Em chưa từng nghĩ đến điều đó.
Rồi bà ta đứng dậy từ ghế sau lên ngồi cạnh người đàn ông. Tôi đã có cảm tưởng ngày hôm nay chắc chắn sẽ bị hỏng vì điều gì đó, nhưng câu chuyện nghe được vẫn khiến tôi hoàn toàn rối loạn.
Tôi thở phào khi cô Emma đã đưa mọi sự về lại trật tự quen thuộc:
- Này, trước làm gì có những người thế này nhỉ? Tất cả chỉ do hội Công đảng của chính phủ.
- Mẹ - Jessie nói. - Hôm nay con không có tâm trạng nào nói về chính trị đâu.
Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi và rời khỏi xe buýt. Cô Emma đưa cho người soát vé 9 xu trả cho ba người, và ông ta nhận chẳng phản đối gì.
- Thêm nữa, những đảng viên đảng ấy thật là vô dụng! - cô tôi tiếp tục nói.
Trời mưa lắc rắc, và se se lạnh. Chúng tôi đi ngược lên đầu phố, chụm đầu vào chiếc ô của cô.
Chợt dòng tít lớn trên kệ báo đập vào mắt tôi: “Stalin đang hấp hối”. Tôi dừng lại, và chiếc ô nhỏ nhảy thoắt ra xa một đoạn mà không có tôi ở dưới. Tôi quen người bán báo này từ lâu rồi, và hỏi:
- Gì thế này, lại mánh lới bán báo đấy ư?
- Ông ấy lẽ ra đã thế từ lâu rồi. Sống thế nào, rồi thì chết cũng vậy, tôi nghĩ thế. Mà ông ấy khỏe mạnh ghê, y như máy ủi vậy.
Người bán báo cuộn tờ báo lại đưa về phía tôi:
- Tôi đọc, thấy sống cuộc sống ấy cũng chẳng sung sướng gì. Cuộc sống chỉ ngồi một chỗ. Đọc báo cáo và dự họp. Công việc của tôi tôi thích hơn: nhiều khí trời tươi mới.
Jesie và cô Emmma dừng lại sau khi đã đi quá lên ít bước, họ nép vào nhau dưới chiếc ô, nhìn tôi.
- Chuyện gì vậy, cháu? - cô tôi kêu to.
- Mẹ không thấy chị ấy đang mua báo à? - Jessie bực bội giải thích.
Người bán báo nói:
- Giờ, khi nào ông ta mất đi, chắc ở đó sẽ nhiều thay đổi. Tôi cũng chẳng quan tâm lắm ở đó họ làm cái gì đâu, nhưng mà hình như họ không quen với dân chủ cho lắm. Ý tôi là nếu mà dân không biết điều gì đó thì họ cũng không phát hiện ra là họ không có điều đó.
Tôi nhảy dưới mưa lao đến chiếc ô.
- Stalin đang hấp hối- tôi thông báo.
- Cháu lấy đâu ra tin đó? - cô tôi nghi ngờ hỏi.
- Trên báo họ viết ạ.
- Sáng cô có nghe là ông ấy ốm nhưng cô cho là người ta đồn đại vậy thôi, cô chẳng tin nếu mà không được thấy tận mắt!
- Mẹ, mẹ đừng nói ngớ ngẩn nữa đi, làm sao mẹ có thể nhìn thấy được? - Jessie hỏi lại.
Chúng tôi đi ngược lên đầu phố.
- Cháu có nghĩ là Jessie cần mua cái váy dạ hội cho nó tử tế không? - cô tôi hỏi
- Mẹ - Jessie chen vào -, mẹ không thấy là chị ấy đang buồn bực à? Đối với chị ấy điều này cũng buồn y như đối với chúng ta nếu mà Churchill mất chẳng hạn.
- Ôi con lại nói thế! - cô tôi bị chấn động, kêu lên và đứng yên một chỗ. Cái góc ô cào sượt qua đầu Jesie, và cô nàng ối lên một tiếng.
- Mẹ khép cái ô này vào đi! Chẳng lẽ mẹ không thấy mưa tạnh rồi à? - cô em bực bội nói rồi chải lại đầu ngôi.
Cô Emma giằng ấn cái ô cho đến khi nó rút cuộc cũng xếp lại được, còn Jessie cầm chiếc ô cuộn lại thành ống. Cô tôi hơi đỏ mặt, cau mày và nhìn tôi với ánh mắt phân vân:
- Cháu có thích uống tách trà ngon không?
- Thế thì Jessie muộn giờ mất.
Chúng tôi đã đứng trước cửa hiệu ảnh.
- Cô hy vọng là anh chàng thợ ảnh sẽ khiến Jessie có cảm tình, chứ trước giờ chưa ai làm nó để mắt tới cả - cô Emma nói.
Jessie cáu kỉnh bước đằng trước chúng tôi theo một thang gác đẹp tuyệt có dán giấy bồi tường sọc tím hồng. Từ phía trên vẳng xuống một bản hợp âm của Stravinsky. Jessie mở toang cửa với vẻ thành thạo và bước vào. Chúng tôi rơi vào một căn phòng, rõ ràng từng là phòng khách với màu trắng, xám, vàng rối cả mắt. Bản “Những lễ hội mùa xuân” đang lanh lảnh đập vào chùm đèn xinh, và không ai muốn nói gì cho đến khi chủ nhà là một người đàn ông rất lịch thiệp mặc chiếc áo khoác nhung tắt nhạc và làm điều đó với một nụ cười hối lỗi.
- Tôi hy vọng là chúng tôi đến đúng chỗ cần đến chứ? - cô tôi hỏi. - Tôi dẫn con gái đến chụp hình.
- Vâng, quý bà đã đến đúng nơi cần đến - chàng thanh niên đáp. - Và bà thật tử tế khi đã đến đây.
Anh ta cầm bàn tay cô tôi được ủ trong chiếc găng trắng rồi nắm lấy nhẹ nhàng đưa cô đến ngồi trên đi-văng lớn; cô tôi đỏ mặt lúng túng vì cái nắm tay của anh chàng. Đoạn, anh ta ném ánh mắt sang tôi. Tôi nhanh chóng ngồi vào chiếc đi-văng khác cách xa chỗ cô Emma ngồi đôi chút. Thợ ảnh đưa mắt sang Jessie với cái nhìn nhà nghề và mỉm cười. Cô nàng đang đứng trên thảm, chắp tay sau lưng, y hệt vị nguyên soái đứng trước hàng quân và cau có nhìn anh ta.
- Có vẻ như cô hơi căng thẳng - Anh ta nói nhã nhặn. - Cô biết không, cô cần phải thả lỏng người, thư giãn đôi chút, không thì ảnh không đẹp được đâu.
- Tôi chẳng căng thẳng tẹo nào - Jessie nói. - Đấy là bà chị họ tôi thần kinh mới đang căng!
- Tôi chẳng thấy có liên quan gì khi thần kinh tôi căng thẳng hay là thư giãn, vì có phải tôi chuẩn bị chụp hình đâu - tôi phản đối.
Một cuốn sách từ đi văng rơi xuống chân tôi. Cuốn “Người da đen nhảy múa” (Prancing Nigger) của Ronald Firbank. Ông chủ nhà của chúng tôi lao đến chỗ cuốn sách, có vẻ bối rối.
- Chị cũng đọc Ron à? - anh ta hỏi.
- Thi thoảng - tôi đáp.
- Còn tôi thì gần như chẳng đọc ai khác. Ông ấy, tôi cảm giác, là nhất rồi đấy. Khi đọc sách của ông xong, tôi thường bắt đầu giở lại từ đầu và rồi lại đọc tất cả cho đến trang tận cùng. Tôi nghĩ, sau Firbank chắc chẳng ai còn ý gì mà viết nữa.
Nhận xét này khiến tôi thất vọng, và tôi thấy chán chả buồn nói.
- Hy vọng là được mời các vị vài tách trà ngon chứ ạ? - anh chàng nói. - Trong lúc tôi pha trà, có lẽ đặt cái đĩa hát cái nhỉ?
- Tôi không chịu nổi âm nhạc hiện đại - Jessie nói.
- Biết làm sao được, mỗi người mỗi ý- chủ nhà thở dài.
Anh ta đã đứng ở cửa ra vào khi cô nàng lên tiếng thoái thác, thì một thanh niên nữa đã xuất hiện cùng khay trà, một anh chàng cũng nhẹ nhàng, mềm mỏng và lịch thiệp như vậy. Anh ta mặc quần bò đen và áo len màu tím, mái tóc bóng được chải tựa như hai cái cánh màu đen không đều trên đầu.
- Đúng lúc quá, bạn thân mến- chủ nhà của chúng tôi nói và quay sang chúng tôi. - Xin cho phép tôi giới thiệu, đây là bạn, cũng là trợ lý cho tôi, Jackie Smith. Còn tên tôi thì các vị biết rồi. Bây giờ ta uống mấy tách trà thơm này, hy vọng tần số dao động khác nhau giữa chúng ta sẽ có đôi chút hòa hợp hơn.
Bấy giờ Jessie đứng trên thảm với tư thế rất thoải mái. Anh chàng đưa cô tách trà. Jessie hất đầu về phía tôi và bảo:
- Anh đưa chị ấy.
Chủ nhà quay lại chuyển tách trà cho tôi,
- Chị làm sao vậy? - anh ta hỏi tôi. - Chị thấy mệt à?
- Cảm ơn, tôi ổn cả thôi - tôi đáp mà không rời mắt khỏi tờ báo
- Stalin đang hấp hối, - cô tôi nói. - Hoặc chí ít thì người ta cũng đang muốn chúng ta tin vào điều đó.
- Stalin? - chủ nhà hỏi lại.
- Cái ông người Nga ấy! - cô tôi giảng giải.
- A, chắc các vị định nói đến bác Joe. Lạy Chúa ban phước lành cho bác ấy.
Cô tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên. Jessie nhìn lại một cách sỗ sàng với vẻ không tin tưởng.
Jackie Smith ngồi ghé xuống cạnh tôi và bắt đầu đọc báo qua vai tôi.
- À à - anh ta nói. - À, à… - Đoạn, cười hinh hích lên và chêm vào: - Chín bác sĩ. Nếu mà có tận năm chục bác sĩ thì tôi cũng chẳng hy vọng gì mấy. Chị thấy thế nào?
- Có lẽ cũng chẳng hy vọng vào cái gì được nữa, - tôi đồng tình.
- Chán ngấy lão già phiền toái ấy rồi - Jackie Smith tuyên bố. - Lão ấy lẽ ra phải tống cổ đi lâu rồi. Chiến tranh kết thúc là lão ấy đã sống dai quá rồi, chị đồng ý không?
- Cũng khó nói.
Ông chủ nhà cầm tách trà một tay, tay kia phác một cử chỉ ra lệnh:
- Tôi không muốn nghe những cái đó đâu, - Anh ta nói. Hoàn toàn chẳng muốn. Có Chúa chứng giám, tôi xin nói rằng tôi chẳng rành về chính trị, nhưng mà thời chiến tôi đã từng cắt ảnh bác Joe và Roosevelt từ trong cuốn tạp chí và đính lên tường. Vâng, thần tượng của tôi hồi đó!
Bấy giờ cô em Jessie từ đầu buổi tới giờ vẫn chưa ngồi xuống, chưa cầm tách trà, bỗng bước vài bước dấn lên và buông lời:
- Nào, liệu chúng ta có làm cái trò quái quỷ chụp hình chụp hiếc hôm nay không nhỉ?
Đôi gò má hồng trinh nguyên của cô ửng lên nôn nóng và mắt ánh lên giận dữ.
- Nhưng mà…, cô em thân mến - chủ nhà đồng ý và ngay lập tức bỏ tách trà xuống. - Tất nhiên rồi nếu cô muốn vậy.
Anh ta nhìn sang người trợ lý lúc ấy đã miễn cưỡng bỏ tờ báo xuống và kéo dây rèm, để lộ ra góc phòng với đầy những máy ảnh và các phụ kiện khác. Rồi hai người họ săm soi nhìn Jessie.
- Sẽ rất có ích nếu cô có thể cho tôi biết cô cần chụp hình dùng cho mục đích gì? - chủ nhà hỏi.- Để nổi tiếng? Để đăng lên bìa sách? Hay đơn giản để tặng cho anh bạn may mắn của cô?
- Tôi không biết, thế nào cũng được, không quan tâm - Jessie trả lời
Cô Emma đứng dậy, nói:
- Tôi muốn các anh tóm được cái thần của con tôi, ví dụ, đơn giản như một cái nhìn…
Jessie nắm chặt hai bàn tay thành nắm đấm.
- Cô Emma - tôi vội can thiệp- có lẽ cô cháu mình ra ngoài tí đã.
- Nhưng mà cháu ạ…
Nhưng chủ nhà đã quàng tay qua vai cô tôi và dịu dàng đưa cô ra phía cửa.
- Bà thật tuyệt. Bà muốn tôi có một tác phẩm tuyệt hảo, đúng không ạ? Mà tôi thì chưa bao giờ chụp được gì tử tế nếu trong phòng có những khán giả dù là dễ thương nhất như thế này.
Cô Emma lại một lần nữa dịu đi và đỏ mặt. Tôi thế vào chỗ anh ta, đưa cô ra cửa. Khi đóng cửa lại, tôi nghe giọng của Jackie Smith:
- Hay là đặt cái đĩa nhạc nhé?
Và giọng Jessie:
- Tôi ghê tởm âm nhạc!
Lại Jackie Smith:
- Cô biết không, chúng tôi có cảm giác là âm nhạc sẽ có ích…
Cửa sập lại. Hai cô cháu tôi đứng bên cửa sổ nơi chiếu nghỉ của cầu thang và nhìn ra đường.
- Thế cái anh chàng này đã chụp cháu bao giờ chưa? - cô hỏi.
- Người ta giới thiệu anh ta cho cháu.
Phía trên vẳng ra tiếng nhạc. Cô tôi bắt đầu bực bội dậm chân.
- “Gilbert và Sullivan”, chắc con bé không thể mở miệng mà nói là ghét, nhưng mà nó không chịu nổi thứ nhạc này.
Tôi châm điếu thuốc. Bản “Những tên cướp biển vùng Penzance” (The Pirates of Penzance) đột ngột ngưng lại.
- Cháu thử kể cho cô nghe xem nào, cháu gái - bà cô bỗng dưng hỏi, vẻ ranh mãnh, - kể về những công việc hay ho của cháu ấy?
Cô rất thường hay ra câu hỏi kiểu ấy và mỗi một lần như thế, tôi lại khó nhọc chọn ra một phần đời của mình có thể đáng cho cô ấy quan tâm.
- Nhá, ví dụ như là hôm nay cháu đã làm gì?
Tôi nghĩ về Bill, về Beatrice, về người đồng chí Jean của mình.
- Hôm nay cháu đã ăn trưa với con gái của một đức giám mục - tôi nói.
- Thật vậy sao? - cô tôi tỏ vẻ nghi ngờ.
Tiếng nhạc lại nổi lên: Cole Porter.
- Không phải gu của cô - cô tôi bảo. - Nhạc hiện đại à?
Nhạc ngừng, cánh cửa mở toang ra. Cô em họ Jessie đứng giữa cửa, mặt bừng bừng cương quyết.
- Không nên cơm cháo gì đâu- cô bé nói. - Xin lỗi mẹ, hôm nay con không có hứng.
- Nhưng những bốn tháng nữa mẹ con mình mới quay lại London mà!
Phía sau Jessie xuất hiện chủ nhà và người trợ lý, cả hai đều giữ nụ cười nhã nhặn.
- Có lẽ tốt nhất là ta đừng nghĩ ngợi nữa - Jackie nói, và ông chủ chêm vào:
- Mình sẽ thử lại lần sau, khi nào mọi người đều ổn định tinh thần ấy.
Jessie quay lại hai chàng trai và vụt đưa tay ra.
- Tôi rất tiếc - cô nói với vẻ giận dữ chân thành của một trinh nữ. - Tôi cảm thấy rất tiếc.
Cô Emma bước lên, đẩy Jessie qua một bên và bắt tay hai người.
- Xin cảm ơn hai anh đã mời trà
Jackie Smith vẫy vẫy tờ báo của tôi qua cả ba cái đầu:
- Chị để quên - anh ta nói.
- Không quan trọng đâu, anh cứ giữ lấy.
- Chị tử tế quá, bây giờ tôi đã có thể được đọc cái tin này đầy đủ các tình tiết ly kỳ đẫm máu.
Cánh cửa đóng lại những nụ cười thân thiện của hai anh chàng.
- Ờ…, - cô Emma thở dài - chưa bao giờ trong đời cô lại thấy bẽ mặt như thế này.
- Con thì chả quan tâm- Jessie cắt ngang cáu kỉnh. - Con thì chẳng để tâm những cái trò hề này.
Chúng tôi xuống phố. Bắt tay nhau. Hôn vào má nhau. Cảm ơn nhau. Rồi cô Emma và em họ Jessie của tôi chặn một chiếc taxi. Tôi thì lên xe buýt.
Tôi vừa bước vào nhà thì chuông điện thoại reo. Đó là Beatrice. Cô ấy bảo đã nhận được điện, nhưng dù sao vẫn cứ muốn gặp tôi.
- Cậu có biết là Stalin đang hấp hối không? - tôi hỏi.
- Dĩ nhiên, biết chứ. Này, có lẽ cũng nên bàn đến việc này ở Copper Belt nhỉ?
- Sao vậy?
- Nếu không phải chúng ta kể cho mọi người nghe sự thật thì còn ai vào đây nữa?
- Ừ, có lẽ cậu nói đúng, - tôi đồng tình.
Cô bạn bảo một tiếng sau sẽ đến tôi. Tôi ngồi vào máy chữ và bắt đầu làm việc. Điện thoại lại réo. Lần này là nữ đồng chí Jean.
- Cô có biết điều gì vừa xảy ra không? - bà hỏi với giọng nghẹn nước mắt.
Nữ đồng chí Jean bỏ chồng khi ông này gia nhập Công đảng vào quãng thời gian ký kết hiệp ước giữa Stalin và Hitler, và từ hồi ấy bà sống trong những căn hộ một phòng, ăn độc có bánh mỳ, bơ và uống trà, treo chân dung Stalin trên đầu giường.
- Có, em có biết.
- Thật là kinh khủng! - bà rên rỉ. - Thật kinh khủng… ông ấy bị ám hại.
- Ai ám hại ạ? Chị lấy đâu ra tin đó?
- Ông ấy bị các tình báo tư bản ám sát - bà nói. - Điều đó rành rành ra đấy.
- Ông ấy đã bảy ba rồi mà.
- Mọi người không chết dễ thế.
- Người ta vẫn chết năm bảy ba tuổi.
- Chúng ta phải thề rằng sẽ sống xứng đáng với Người.
- Vâng - tôi nói - Em nghĩ chúng ta sẽ thề như vậy.