Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Truyện chớp của Nguyễn Hoài Phương: NHÀ VĂN

(NCTG) Nhà văn quá tự tin. Những gì mà ông viết ra, dù chưa hết câu (ngày còn cắp sách đến trường, câu của ông vẫn bị thầy cô phê là „què“, „cụt“, và ông rất tức) thì cũng vẫn là lời vàng ý ngọc, hậu thế có muốn lưu truyền hay không, chẳng biết, nhưng kiểu gì thì cũng phải được xuất hiện trên trang in của một tạp chí hay nhà xuất bản nào đó ở thời này.

Bọn biên tập (bọn này khá nhiều) các tạp chí, các nhà xuất bản, đều hoặc là bạn ông hoặc là kẻ thù của ông. Mà với ông thì tùy từng thời điểm, ngay một biên tập viên cũng có lúc là bạn hoặc kẻ thù. Bạn, trong trường hợp bài của ông được chọn, xếp vào lịch trình làng một cách sớm sủa. Bọn này biết điều. Được. Nhà văn hay vuốt ngược mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ lên mà nói như vậy mỗi khi nhận được tin lành. Còn thù thì là khi bài của ông vì lý do nào đó mà bị trả về. Bọn này trông vậy mà chẳng biết cái mẹ gì. Ông văng tục, mặt đỏ tía lên. Ý tứ người ta lồ lộ ra như thế mà không thấy.

Và ông không chịu bỏ cuộc. Bài bị tạp chí hay nhà xuất bản này trả về thì ông lại cậy cục tìm cách gửi cho tạp chí hoặc nhà xuất bản khác, kiên nhẫn cho đến khi nào được công bố thì thôi. Kết quả là số tác phẩm của ông được phổ biến khá nhiều. Nhiều đến khó tin. Vừa trường thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, truyện cực ngắn, truyện thình lình, truyện chớp, vừa tiểu luận, phê bình, nhận định... bài vở của ông gom lại được chẵn hai mươi lăm tập do hai mươi lăm nhà xuất bản ấn hành.

Nhà văn cũng quá giàu tự ái. Sau khi hai mươi lăm tập sách khá dầy dặn lần lượt ra đời rồi lần lượt đi vào cõi hư vô, cả đám biên tập cũng như đám đồng nghiệp (đám này cũng được phân làm hai loại), tức là các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, kẻ thù cũng như đồng minh đều đồng loạt im hơi lặng tiếng, không hé miệng khen chê lấy nửa lời thì ông rút ra được một kết luận là, bọn này đểu lắm, không chơi được. Và thế là từ một người rất quảng giao, ông đi vào ẩn dật, bế môn, không tiếp xúc với ai cả.

Mà không chỉ đóng cửa, nhà văn còn cắt luôn cả điện thoại lẫn Internet. Một cách kiên quyết, dù trực tiếp hay gián tiếp thì ông vẫn không muốn tiếp xúc với bất kỳ một ai nữa, kể cả những người trước đây khá thân thiết và cùng cảnh ngộ. Đã bảo không là không. Ông lắc đầu chán nản, mái tóc nghệ sĩ lâu ngày không được chăm sóc xòe ra như một cái nơm. Cùng hoàn cảnh mà không cứu được nhau, không biết tìm cách cứu nhau. Nhục lắm.

Thỉnh thoảng, mỗi tháng còn có cơ hội đến được cửa nhà văn một vài lần là người đưa thư. Một lần, vào đầu tháng, ông có cái thư đảm bảo. Loại thư này phải ký nhận mới giao được. Người nhân viên bưu điện đã ba bốn lần đến, và lần nào cũng bấm chuông liên hồi, chờ đợi rất lâu mà vẫn không thấy ai mở cửa. Chẳng biết nhà văn có trong nhà hay không, và theo luật định thì người đưa thư này phải báo cho nhà chức trách trong khu vực biết.

Ngay sau đấy, mấy người cảnh sát cũng đến mấy lần và lần sau cùng thì cầm theo giấy cho phép mở cửa căn hộ nhà văn của tòa án. Đập vào mắt họ là những núi sách cao đến trần nhà. Hai mươi lăm lần in sách là hai mươi lăm lần nhà văn được nhận nhuận bút. Có điều vì các nhà xuất bản đều không sẵn tiền mặt nên họ phải thanh toán với ông bằng chính những cuốn sách của ông. Mà nhà văn thì biết bán sách của ông cho ai được. Chỉ có mang đi cho hoặc tặng. Mà nhiều lúc tặng hoặc cho cũng chẳng được nữa. Có đứa đến nhà chơi, được ông tặng mấy cuốn sách thì đến lúc ra về cố tình để quên. Lại có đứa mồm dẻo như kẹo, „em nặng quá, bác cứ để đấy, mấy hôm nữa em đến xin“, rồi mất mặt luôn không bao giờ thấy đến nữa.

Và người ta thấy nhà văn nằm giữa núi sách ấy. Cũng may là tuy thoi thóp nhưng ông vẫn hãy còn thở.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài Phương, từ Đức Quốc - Tháng 4 - 2008