Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tọa đàm về “HAI ĐẠI DIỆN XUẤT CHÚNG CỦA VĂN HỌC HUNGARY”

(NCTG) Nhân dịp các tác phẩm quan trọng của nền văn học Hungary - “Bốn mùa & Trời và đất” và “Không số phận” - vừa được xuất bản, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng ĐSQ Hungary tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về “Hai đại diện xuất chúng của văn học Hungary”: Márai Sándor và Kertész Imre.


Tọa đàm sẽ diễn ra vào hồi 19 giờ ngày 29-10-2010 tại Cà phê sách Trung Nguyên (52 hai Bà Trưng, Hà Nội), với sự tham gia của dịch giả Giáp Văn Chung và nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan. Người dẫn chương trình là BTV, dịch giả Trần Kiều Vân của Công ty Nhã Nam.

Nhà văn Márai Sándor, một tác gia kinh điển của nền văn học Hungary không còn là tên tuổi quá xa lạ với Việt Nam. Sau khi một tiểu thuyết nổi tiếng của ông lần đầu được ra mắt độc giả nước ta (“Những ngọn nến cháy tàn”, Giáp Văn Chung dịch, Tủ sách Nhịp cầu Thế giới, tháng 11-2008), hàng loạt tác phẩm lớn khác của nhà văn (“Bốn mùa & Trời và Đất”, “Casanova ở Bolzano” và “Lời bộc bạch của một thị dân”) cũng đã được dịch giả Giáp Văn Chung chuyển ngữ một cách có hệ thống.

Trong số đó, 2 tập tản văn in chung “Bốn mùa & Trời và Đất” vừa ấn hành vào cuối mùa hạ năm nay đã được độc giả yêu văn học đánh giá cao và giúp bạn đọc có dịp tiếp cận với một số giá trị nghệ thuật của Márai Sándor, vốn được coi là bậc thày văn xuôi Hungary, người phác họa và chuyển tải xuất sắc đời sống và tinh thần của giới trí thức và thị dân Châu Âu nửa đầu thế kỷ 20.

Một tác gia khác được giới thiệu trong tọa đàm, Kertész Imre, Giải Nobel Văn chương 2002, lần đầu ra mắt độc giả Việt Nam với tác phẩm chính “Không số phận” khiến ông được tôn vinh là “nhà văn của holocaust”. May mắn sống sót từ địa ngục Auschwitz và Buchenwald trở về, Kertész Imre đã âm thầm sống và sáng tác như một kẻ lưu đày trên chính quê hương mình, để khắc họa những trải nghiệm về Lò thiêu, “sự nhục nhã và tàn phá không bút nào tả xiết của nhân loại”.

Với triết lý thích ứng để tồn tại, “Không số phận” đã mổ xẻ thảm cảnh holocaust và Auschwitz - “sự thật tận cùng về tha hóa của con người trong đời sống hiện đại” - theo một cách mới và khác so với nhiều tên tuổi lớn như Primo Lévi, Elie Wiesel, Claude Lanzmann, hoặc Spielberg và Polanski. Tác phẩm đã nhìn nhận khả năng để “cá nhân có thể sống và tư duy trong một thời đại mà con người ngày càng tự phụ thuộc vào chính thể xã hội”, theo nhận định của Ủy ban Giải thưởng Nobel.

Được biết, bản dịch một tác phẩm khác của Kertész Imre - “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”, thường được coi là sự tiếp nối của “Không số phận” - cũng đã được dịch giả Giáp Văn Chung hoàn tất và sẽ được Nhã Nam ấn hành nay mai, tạo thành một chủ âm phê phán nghiêm khắc “tất cả các thể chế độc tài, đã bần cùng hóa những cơ chế xã hội được đặt cơ sở trên sự tôn trọng cá nhân”, như đánh giá của giới phê bình.

Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Hungary kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và bên cạnh sự hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa giữa hai đất nước tuy xa xôi về khoảng cách địa lý nhưng có nhiều điểm gần gũi về tinh thần đang được gia tăng, hy vọng buổi tọa đàm sẽ đặt dấu ấn đẹp đẽ cho sự truyền bá những giá trị xuất sắc nhất của nền văn học đương đại Hungary tại Việt Nam.

Tác giả bài viết: Trần Lê