Tản văn của Trịnh Nha Trang: RA ÐI VÀ NHỚ!
- Chủ nhật - 12/12/2004 21:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Những đại lộ thênh thang đầy xe cộ; những con đường rợp lá me xanh; những xóm nhỏ bình yên qua những ngày nắng đi mưa đến... Sài Gòn phải vậy không anh?
Phố đêm Sài Gòn
Là Sài Gòn của những ngày cũ, những ngày với đám bạn tếu táo. Một lần, có gã phương xa đến, thật thà nhờ mua giúp đặc sản Sài Gòn. Nheo nheo mắt nhìn nhau rồi giữa trưa nắng như đổ lửa, cả đám loanh quanh đưa gã đi qua bao ngõ đường, góc phố, từ Sài Gòn vô Chợ Lớn rồi từ Bình Chánh sang Thủ Thiêm... Đặc sản Sài Gòn đấy! Đã biết gì chưa? Là cái nóng và cả khói bụi nữa. Thấy thế nào?
Người phương xa bảo Sài Gòn chỉ có hai mùa: mưa và nắng. Mà hình như nó vận vào cả tính nết của người Sài Gòn: lúc thì giận dỗi như những cơn mưa dầm dề mùa hạ, lúc lại chóng quên như nhũng cơn mưa mau tạnh, chợt đến, chợt đi... Phải vậy không? Chỉ có người Sài Gòn mới tin rằng Sài Gòn cũng có bốn mùa, có điều bốn mùa ấy mơ hồ, tựa nhau mà chắc chỉ người Sài Gòn mới cảm thế...
Là nắng. Nắng của những buổi trưa tan học, chầm chậm chạy xe trên đại lộ Trần Hưng Đạo thênh thang, rồi ngớ ngẩn nói: “Sao mình bé tẹo thế? Giữa đất này?”. Nhớ không? Con đường ấy đi đến trường mình. Con đường không có lá me xanh, chỉ có những cây dầu cao vút, thẳng tắp đứng hai bên. Hoa dầu không rơi mà nhẹ nhàng bay từ cao trong gió, quay quay rồi chầm chậm rơi vào giỏ xe. Ngỡ như trong cổ tích ngày xưa, có quả thị rơi vào bị... Những ngày cấp 3 xưa ấy, từ trên cái lan can tầng 3 có đứa nào mà không nhớ trò chơi thả hoa dầu đâu nhỉ? Nắng - gió - những cánh hoa dầu... của ngày xưa.
Là mưa. Mưa của những ngày rất lạnh. Cái “rất lạnh” ở đây nơi khác chỉ gọi là hơi mát, thế nhưng cũng đủ cho người Sài Gòn co ro trong những chiếc áo khoác, áo gió đủ màu, đủ kiểu. Mưa của những ngày ấy, cùng đám bạn học trong quán cà phê nhỏ góc Phạm Ngọc Thạch gần Hồ Con Rùa. Mà cái ông chủ quán này lạ nhỉ? Sao chỉ mở nhạc Trịnh? Mà bọn mình cũng lạ nhỉ? Sao lang thang đâu đấy rồi cũng nhớ mãi cái quán nhỏ này? Còn nhớ không, những ngày mưa bay lất phất ấy, khi nghe câu hát: “Em còn nhớ hay em đã quên? Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng...”. Lúc đó, mình đã nghĩ gì? Mưa – mưa của những ngày xưa.
Là điều gì đó bình dị thôi. Điều bình dị ấy nằm sâu trong lòng mỗi người. Ấm áp hơn mỗi khi nhớ về nơi ấy - Sài Gòn - nơi mình sinh ra, lớn hơn và trải qua thời đẹp nhất.
Là bức thư của đứa bạn thân nhất, cũng đang xa Sài Gòn, gửi cho. Thư viết vội, chẳng có gì ngoài một bài thơ với vài dòng ngắn: “Tao lượm được đấy. Đọc đi để nhớ. Nhớ để làm gì biết không? Để bay xa hơn”. Bạn - của ngày xưa.
Là không có đoạn kết về nỗi nhớ cho ngày xa xưa...
Sài Gòn ấm áp dễ thương
Cho ta nuôi tình khờ khạo
Sài Gòn trăng gầy vai áo
Đêm về nghe ngóng mùa sang.
Sài Gòn thương nhớ lang thang
Rộn rã một ngày nắng sớm
Sài Gòn giấc chiều ngủ muộn
Đường vui cây lá xanh xanh.
Sài Gòn phải vậy không anh?
Rất nóng một trưa tháng Sáu
Rất lạnh những ngày mưa bão
Rất hiền những tối mười hai.
Sài Gòn thương mấy năm dài
Bỗng một ngày kia thấy ghét
Đường rộng phố đông nhộn nhịp
Đi hoài chẳng gặp được nhau.
Sài Gòn dễ ghét gì đâu
Ngu ngơ mối tình thầm lặng
Sài Gòn chợt mưa chợt nắng
Trêu người khi có khi không.
Đường xa mỏi quá đôi chân
Ước gì Sài Gòn bé lại
Sài Gòn thật thà bình dị
Người dưng khác họ cũng gần... (*)
Cho ta nuôi tình khờ khạo
Sài Gòn trăng gầy vai áo
Đêm về nghe ngóng mùa sang.
Sài Gòn thương nhớ lang thang
Rộn rã một ngày nắng sớm
Sài Gòn giấc chiều ngủ muộn
Đường vui cây lá xanh xanh.
Sài Gòn phải vậy không anh?
Rất nóng một trưa tháng Sáu
Rất lạnh những ngày mưa bão
Rất hiền những tối mười hai.
Sài Gòn thương mấy năm dài
Bỗng một ngày kia thấy ghét
Đường rộng phố đông nhộn nhịp
Đi hoài chẳng gặp được nhau.
Sài Gòn dễ ghét gì đâu
Ngu ngơ mối tình thầm lặng
Sài Gòn chợt mưa chợt nắng
Trêu người khi có khi không.
Đường xa mỏi quá đôi chân
Ước gì Sài Gòn bé lại
Sài Gòn thật thà bình dị
Người dưng khác họ cũng gần... (*)
(*) “Sài Gòn ơi” (Ngô Thị Mỹ Trang)