TUYẾT ẤM
- Chủ nhật - 03/02/2008 14:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới có 3 giờ chiều, trời đã tối sầm. Tuyết ướt bám vào giày lạo xạo, hơi ẩm xông lên đến tận đầu. Đầu nhức buốt. Giá mà trời rét đến âm mấy chục độ thì còn dễ chịu. Đằng này, mùa Đông mà nhiệt độ cứ trên số 0. Tuyết không rơi nổi, những tảng băng nhuốm màu cũ kỹ, xám bẩn, tan ra, để lại cảm giác lạnh lẽo bao phủ khắp không gian, dường như thế giới đang tan chảy ra không có gì níu giữ lại nổi.
Thế giới của riêng Mai cũng vậy, đã tan ra từ lâu, từ khi Hoàng bị bắt.
Nghĩ đến anh, Mai thấy mắt khô khốc. Giá như cách đây nửa năm thì người ta sẽ thấy cô khóc. Nước mắt làm mắt mờ đi, thậm chí, hai mắt kính của cô cũng có hơi nước. Đợt ấy, cô nghe tin Hoàng bị bắt, không cảm thấy ngạc nhiên, chỉ thấy nỗi sợ hãi xâm chiếm cả người, đến từng tế bào, khiến cố gắng bao nhiêu cũng không giữ nổi cho tay chân đừng run rẩy. Cô cứ ngồi và run như thế cả đêm, cố gắng nghĩ đến các mối quan hệ ít ỏi mà trong những năm tháng du học ở Nga cô đã xây dựng được, xem có ai, có nơi nào giúp được mình không? Cuối cùng thì cô nức lên, gào to thảm thiết: “Mẹ ơi!... Mẹ ơi…!” Lạ thật, tại sao cô không gọi ai khác, mà lại gọi mẹ, người đã phản đối rất quyết liệt mối tình của cô và Hoàng.
Hoàng sang Nga “du lịch”. Du lịch mà chẳng đi thăm thú đâu cả, thậm chí, Hồng Trường anh cũng chưa từng đặt chân tới. “Du lịch” – thuật ngữ này đối với người ở Nga có nghĩa là dân làm ăn, buôn bán chứ không phải đi học. Thì sao chứ? Cô yêu anh, vì anh cao lớn, đẹp trai, hiền lành. Anh lại chịu khó nữa. Ngược xuôi làm đủ thứ nghề: buôn mì, giao hàng thuê, chạy taxi cho bà con đi chợ, cuối cùng, anh cũng gây dựng được một “công” bán quần bò ở Salut 3, rồi sau đó, vươn cả ra chợ Vòm.
“Tại sao em lại yêu anh nhỉ?” Anh cứ hay hỏi, như chẳng bao giờ hết ngạc nhiên, khi cô đến ngồi bên anh, áp má vào vai anh, lúc anh đang…đếm tiền! Nhưng lúc như thế, anh thường vứt toẹt tập tiền xuống thảm, quay lại, vòng tay ôm cô, âu yếm thì thầm vào tai: “Tại sao em lại yêu anh?”
Vì anh nhiều tiền! Cô cười, tay nghịch đống dây chun xanh đỏ anh vẫn dùng để buộc tiền, tung ra cho chúng rối hết cả lên rồi tỉ mẩn ngồi tết thành búi như hồi còn nhỏ cô thường tết những con rết bằng dây chun chiến lợi phẩm trong trò chơi bắn chun ấy. Cô không biết đếm tiền nên chẳng giúp anh được gì trong việc buôn bán cả. Hồi đầu, khi anh nhờ cô xếp tiền hàng, cô loay hoay đến khốn khổ mà không xếp nổi cho đúng đầu đúng đuôi. Chẳng hiểu sao, cứ động vào đống tiền ấy là cô có cảm giác chóng mặt.
Thế nhưng họ vẫn yêu nhau. Cho dù bạn bè anh không hài lòng về sự vụng về, đoảng vị của cô. Cho dù mẹ cô đã viết rất nhiều thư sang khuyên cô nghĩ lại. Cả mẹ cô, cả bạn bè anh đều nghĩ xa xôi về sự khác biệt giữa hai thế giới của hai người.
Còn hai người thì vẫn cứ yêu nhau. Họ cũng từng nghĩ đến sự khác biệt ấy, và càng nghĩ, càng thấy yêu nhau hơn. Cho đến khi anh bị bắt. Anh dính dáng đến một vụ đòi nợ lớn, một trận ẩu đả và hình như có cả chuyện ngộ sát! Cô biết trước điều đó thể nào cũng xảy ra, vì trên thực tế, anh đã bị người ta lừa. Vốn liếng anh gom định đi Tàu một chuyến đã bị mất sạch. Cô đã khuyên anh chịu đựng như chịu đựng một điều rủi ro trong làm ăn mà chung quanh gần như ai cũng trải qua một đôi lần. Nhưng anh không nghe. Anh không làm gì sai cả, anh chỉ muốn đòi lại những gì thuộc về mình.
Đã chẳng đòi được thì chớ, anh lại còn làm mất tất cả những gì mà cô cho rằng thuộc về cô: đó là anh!
*
Hoàng mân mê chiếc áo khoác cũ, trong lần vải lót có thêu chữ “Hoàng” màu đỏ. Nét thêu vụng của Mai. Anh mỉm cười, tưởng tượng ra gương mặt chăm chú của cô khi làm việc này. Cô bỏ cả kính ra, mắt dí sát vào tấm áo, chắc hẳn thế. Cô có thói quen kỳ lạ là khi muốn nhìn kỹ một cái gì, cô lại hay tháo kính! Cô bảo: “Đeo kính nhìn rõ hơn, nhưng bỏ kính thì tin vào… mắt mình hơn!” Đến buồn cười vì những triết lý ngộ nghĩnh ấy mà cô thường phát biểu với vẻ khoái chí ra mặt! Đôi mắt cận của cô lúc nào cũng như long lanh một thứ ánh sáng ấm áp, cặp kính thường làm ánh sáng ấy rực lên hơn, khiến mỗi lần nhìn cô, anh lại thấy nhẹ nhõm trong lòng. Anh biết ơn cô vì cô chẳng kỳ vọng gì vào anh cả. Cô không nài anh phải cùng đọc sách với cô hay cùng đi xem bảo tàng tranh với hội lớp cô. Không hẳn là anh không thích. Anh chỉ mặc cảm thôi. Anh sợ anh sẽ ngợp trong thế giới của những bức tranh khó hiểu hoặc sẽ im lặng ngớ ngẩn sau khi gấp lại cuốn sách mà cô yêu thích. Anh chỉ có thể nghĩ mà không biết diễn tả suy nghĩ của mình, không biết nói những lời đẹp. Thậm chí, 4 năm làm việc trên đất Nga, anh vẫn không nói được tiếng Nga cho ra hồn ngoài những con số và một vài câu thô tục. Trong sâu thẳm, Hoàng biết, anh không nên yêu Mai. Cô không phải là người anh cần. Anh cần một người đàn bà biết vun vén gia đình, biết chung lưng cùng anh buôn bán, chí ít, thì cũng biết đếm tiền và ghi sổ hàng “xu-khôi”**. Cũng như, cô chẳng nên yêu anh, vì cô cần phải có bên mình một người đàn ông tinh tế, hiểu cô, cùng cô bàn chuyện văn học, cùng phân tích cái đẹp của thơ ca hay những vấn đề lớn lao của lịch sử. (Mai học năm cuối khoa Sử, trường Tổng hợp Lomonosov).
Một dạo, từ trong nước có đoàn lưu học sinh sang làm nghiên cứu sinh ở trường cô. Trong đó một anh chàng rất mến Mai. Và cô cũng mến anh này. Cô hay kể về “anh Nam” và cái tần số “anh Nam, anh Nam” bỗng nhiên cứ tăng dần trong các câu chuyện khiến Hoàng nổi cơn ghen. Anh chẳng nói gì, cứ lì lì im lặng. Mai cười, dụi đầu vào ngực anh, nói: “Anh ngốc lắm, em yêu anh vì anh giàu cơ mà! Chẳng ai giàu bằng anh!”
Đó là cái kiểu đùa nghịch của cô, và là cách an ủi của cô đối với anh, với những mặc cảm thường có trong lòng anh. Mọi hôm thì anh cười xòa, giằng cặp kính ra khỏi gương mặt xinh xắn của cô, và gắn môi mình vào môi cô thật lâu, nồng nàn. Nhưng lần đó, anh càng cau có hơn. Chưa bao giờ anh cảm thấy tiền bạc vô nghĩa như lúc ấy!
Bây giờ thì anh ngồi đây, bỏ lại cô với cả cuộc sống đang trôi chảy ngoài kia. Cô sẽ đi đến trường với vẻ ngơ ngác (cái này thì anh hình dung ra rất rõ), mắt sẽ nhìn thẳng mà không thấy ai hết cả. Cô sẽ ngồi ở Thư viện cho đến tối mịt mới về. Rồi vội vã ăn mấy lát bánh mì trứng cá – là món cô ưa thích, uống cốc trà và lên giường thao thức. Anh biết rõ cô thao thức vì đêm nào tim anh cũng nhức nhối, nhao qua nhao lại trong lồng ngực, dù đã 6 tháng trôi qua. Cô hay bảo anh, nếu khi nào anh thấy nôn nao trong người, và tim anh nhao đi một cái, là lúc đó, em đang nhớ đến anh. “Thế nếu khi ấy em đang ngồi cạnh anh thì sao?” “Ngồi cạnh thì vẫn nhớ chứ, anh không biết à?”
Anh ân hận vô cùng. Lang bạt xứ người, lại còn rơi vào vòng tù tội. Khổ không chỉ mình mình, làm khổ cả cô gái mến thương của anh!
Căn phòng của anh giờ chỉ có hai người. Hình như, điều này cũng là do cố gắng của Mai ở bên ngoài. Anh lờ mờ cảm thấy thế, vì hồi đầu, anh bị giam chung trong một gian lớn, có tới… 60 tù nhân! Những dãy giường sắt lạnh kê song song. Những bức tường láng bóng sơn màu vàng nhạt chứ không có lớp giấy bồi, buổi tối, hắt bóng của mấy chục người lố nhố khiến người tù tưởng như đang lạc vào cõi âm ty, bóng thì nhiều mà âm thanh thì không có mấy. Những kẻ vào đây trở nên rất ít nói, kể cả những người trên gương mặt có nhiều nét cởi mở, hồn hậu. Bọn trẻ thì không nói, chỉ chửi thề, mở mồm là chửi. Anh nghe mãi rồi cũng thấy quen, thậm chí, còn đôi chút dễ chịu nữa. Thế chẳng hơn là màn im lặng quái dị, chỉ có tiếng thở phì phò, tiếng lê bước nặng nề của những tấm thân rệu rã vì tinh thần chán ngán sao?
Cùng bị bắt với anh, người vì thương anh mà trở thành tòng phạm là Bình. Bình bé nhỏ nhưng dai sức và nhanh nhẹn. Trong cuộc ẩu đả, cậu ta chính ra đã giành phần thắng. Hăng quá và tỏ ra dữ tợn quá với con dao bài vớ được trong bếp, Bình đã khiến hai người gây ra vụ ngộ sát: một thằng trong hội đã lừa tiền anh nhảy qua cửa sổ vì bị Bình đuổi sát ván. Và nó chết. Lãng xẹt và vô duyên! Còn anh và Bình thì sẽ nhận án tù. Cũng vô duyên không kém. Cuộc đời phơi phới khép lại chỉ vì một cục tiền quái ác nào đó. Giá như anh nghe lời Mai, tưởng tượng rằng cục tiền ấy đã rơi ra từ túi áo anh ở một đoạn đường vắng, thế rồi có một người nghèo rớt mồng tơi nhặt được, và họ đã được đổi đời… Giá như anh có trí tưởng tượng phong phú được như cô!
Anh và Bình bị tách giam riêng, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy nhau khi đi dạo dưới sân. Mỗi khi đi dạo, Hoàng thường ngẩng lên nhìn nền trời xám trên khoảng sân bé mà cười buồn. Đây là trại Butyrka, một trại tù cổ hà khắc của Nga, nằm sâu trong lòng thành phố. Anh không tưởng tượng ra nó ở đâu, nhưng nghe cái tên quen lắm, hình như, anh đã từng đi qua, và hình như phố này nằm cách không xa với Salut 3 là bao. Hỏa Lò ở Hà Nội chắc cũng giống như thế này đây. Anh nghĩ, tự nhiên thấy thích thú một cách trẻ con rằng mình đã được đến một trại tù nổi tiếng trong lòng thủ đô nước Nga. Có thể, đây là thu hoạch đầu tiên của cuộc du lịch thăm đất Nga của anh. Mà cũng có thể, hay chắc chắn, đó là chuyến tham quan duy nhất?
Lần cuối gặp Bình, anh được biết, Bình bị lao. Anh lạnh người vì sợ hãi, lắp bắp:
- Đã xin nó thuốc chưa? Nó có cho chữa bệnh không?
- Rồi, nó có cho em thuốc. Mà chỗ em nhiều đứa bệnh lắm. Em bị lây.
Bấy giờ anh mới thấy gương mặt bủng xanh của Bình và đôi vai đã nhọn lên trong lần áo chần bông xanh xám của trại. Anh nói một câu rất vô nghĩa:
- Trời ơi, lây nhanh vậy sao?
- Nhanh chứ, mẹ kiếp, bệnh nó chừa ai đâu! Anh cũng phải cẩn thận. Thôi đừng nói chuyện với em nữa, kẻo rồi khốn!
Hình ảnh cuối cùng anh nhớ về Bình là cái cười hiền hậu sau một tràng ho khan rất dài. Không biết bây giờ Bình ra sao, có đỡ được chút nào chăng? Anh đã hại cậu ấy! Đối với anh, cục tiền đã mất quan trọng vậy sao? Hơn cả tuổi trẻ của Bình? Hơn cả niềm vui giản dị của Mai là lúc nào cũng muốn có anh bên cạnh? Hơn cả mạng sống của cái thằng cu tham tiền nào đó, đồng phạm với hội trấn tiền anh? Và hơn cả cuộc đời có đôi chút vất vả nhưng tự do và vô tư lự của anh?
Đôi lúc, anh những muốn đập đầu vào bức tường loang loáng hình người này đến chết đi, để tự trừng phạt mình, mặc dù, cái chết có lẽ không phải là sự trừng phạt cao nhất. Hoặc ít ra thì cũng mong được nhìn thấy máu chảy từ chính da thịt mình, da thịt mà cha mẹ đã sinh ra, nâng niu chăm bẵm, che chở cho được lành lặn… anh lại mong nhìn thấy nó bị hủy hoại, bị bầm dập, lấy đó làm sợi chỉ khâu lại lương tâm rách nát và đau đớn.
*
Mai bỏ kính, nhìn chòng chọc vào người đàn ông vừa bước vào nhà. Dáng vẻ cao ráo, đầu hơi hói, quần bò xanh, áo vét kẻ sọc, đeo cà-vạt lòe loẹt, đôi mắt bé nhưng ánh nhìn thì sắc và thông tuệ, trông anh ta vừa sáng sủa, vừa kệch cỡm đến buồn cười. Gương mặt có nụ cười nhã nhặn, dễ mến.
- Chị ạ, tôi cũng có nhã ý giúp chị thôi. Chúng ta là người Việt, ở nơi đất khách quê người, phải giúp nhau lúc khó khăn, đúng không chị?
- Vâng, vâng.
Như bừng tỉnh sau giấc mộng dài, Mai nhanh nhẹn hẳn lên. Cô pha trà mời khách, đặt trước mặt anh chàng đủ thứ đĩa. Mứt dâu, mật ong, mấy chiếc bánh quy mặn và một vài cái kẹo cất đã rất lâu trong tủ lạnh. Bày biện lên bàn, cô nói liến thoắng, cố gắng giấu sự hồi hộp, trong khi đó, tay bắt đầu run. Mai cảm giác người khách nhận ra được điều đó. Cặp mắt có cái nhìn sắc như mắt rắn ánh lên một tia cười cợt. Cô vội vàng bám chặt vào mép bàn, thở ra một hơi dài trấn tĩnh. Những ngón tay xanh xao vẫn run bần bật. Chúng không chịu nghe lời cô nữa. Cô thấy nước mắt tuôn ra ào ào…
- Kìa em. Bình tĩnh nào!
Đổi cách xưng hô, người đàn ông cầm lấy tay cô, nói những lời an ủi. Thế là cơn nức nở dâng lên không kìm nổi. Cô khóc có dễ đến gần tiếng đồng hồ. Khóc bên một người đàn ông xa lạ, nhưng đã là người thân tự lúc nào, chỉ vì… họ là đồng hương trên mảnh đất lạnh giá này: họ cùng là người Việt. Và anh ta đang muốn giúp cô cứu Hoàng của cô ra khỏi trại giam.
Anh ta tên là Hải, luật sư, rất giỏi, có lẽ vậy, vì có biết bao quan hệ từ trên Sứ cho đến những mạng lưới luật sư và tòa án. Lục lọi trong tập các-vidit để lộn xộn trong ca-táp, anh ta lẩy ra một cái tên, hình như là trưởng ban Chống Tội phạm có tổ chức của Nga. Mỉm cười:
- Em yên tâm, mình cùng bàn bạc, từng bước một… Vụ này dễ mà, vì thực ra anh Hoàng không giết người. Và anh ấy có lý do chính đáng để đi đòi nợ. Mà theo điều… khoản…của Bộ Luật Hình sự Liên bang Nga thì…
Anh ta nói nhiều lắm. Mai nghe lung bùng trong tai, thấy cái gì cũng đúng quá. Anh ta nói có lý, lại hiểu rõ hết ngóc ngách của sự việc, chứng tỏ, anh ta nghiên cứu vụ của Hoàng lâu rồi. Một lần nữa giữ bàn tay run rẩy của Mai trong bàn tay mềm mại của mình (lạ thật, đàn ông mà sao tay mềm thế!), anh ta đã làm cô hoàn toàn yên tâm.
Đêm ấy là đêm đầu tiên sau sáu tháng xa Hoàng, cô được ngủ một giấc không mộng mị.
Mai không biết rằng trong khi cô ngủ, tuyết đã rơi. Những bông hoa tuyết bắt đầu nở trên cửa sổ phòng cô, đều tăm tắp sáu cánh trắng xóa và nở bung trên bề mặt mờ hơi nước của tấm kính, biến nó thành một bức bản đồ ma trận chỉ đường tới một xứ sở băng giá, xa xôi và hạnh phúc, nơi ngày bé cô thường mơ đến.
*
Tuyết rơi. Hoàng ngồi trên giường, nhìn ra cửa sổ. Mấy tháng ngồi y nguyên một vị trí, anh đã trở thành một người khắc khổ, nếp nhăn hằn sâu trên má và lưng trĩu nặng xuống từ lúc nào. Tuyết đang rơi ngoài kia, làm đêm như sáng lên. Anh miên man nghĩ về Mai. Cô hay bảo, tuyết rơi, dù nhiệt độ thấp đến mấy thì vẫn ấm. Vì tuyết ấm, thậm chí nóng bỏng nữa, chứ không cóng lạnh vô hồn như băng.
Thương em lắm, em bé bỏng của anh. Chắc đời em mà cứ gắn với anh thì cũng chẳng đi đến đâu! Hoàng bật dậy, ngồi hí hoáy viết một lá thư ngắn ngủi cho cô. Nghĩ thì nhiều, viết ra sao mà khó thế. Cũng như bình thường anh chẳng nói nổi một lời mềm mại với cô. Anh chỉ nghĩ thôi, nghĩ dễ hơn nhiều. Anh nghĩ, anh sẽ đề nghị chia tay, nhân dịp này. Dù sao thì trước mắt, với mấy năm nằm trong tù, hẳn rồi tâm hồn anh cũng chẳng còn lành lặn mà trở về với cô. Rồi còn cha mẹ cô, còn tương lai của cô nữa. Nghĩ vậy, nhưng anh không nhấc nổi tay cầm bút. Anh thấy mình giả dối quá. Giống hệt như những lần anh đọc truyện về một người lính bị thương nặng, đã viết thư khuyên vợ quên mình đi. Lần ấy, anh đã cười khẩy và tự nhủ, ông này hoặc là “sến”, hoặc là giả dối. Người đàn bà, khác đàn ông ở chỗ, luôn tự biết mình phải làm gì. Nếu cô ta muốn bỏ đi thì chẳng có lá thư kia cô ta cũng đi. Mà nếu đã yêu, đã quyết gắn bó cả đời với nhau, thì có hàng trăm lá thư cũng chẳng lay chuyển nổi. Lá thư ấy chỉ khiến cô ta đau lòng nhưng lại quyết tâm hơn mà thôi.
Nhưng bây giờ thì anh đã hiểu lòng người lính ấy, như anh lúc này đây, rối bời!
Người cùng phòng với anh là một người đàn ông đã đứng tuổi, có bàn tay to rộng với những ngón tay cong queo kỳ quặc. Ông ta hình như là một nghệ nhân thủ công, anh đoán vậy qua những lời kể ào ào như nước chảy. Anh lấy làm tiếc là đã không nghe lời Mai, không chịu đi học tiếng Nga. Mà anh làm sao ngờ được có ngày anh ngồi đối diện với một người Nga, suốt cả ngày cả đêm… để nghe ông ta trần tình như thế này! Ở Salut 3 hay ở chợ Vòm, người Nga cố gắng hiểu anh, miễn là anh nói các chữ số chính xác là được, chứ thường anh chẳng mấy khi căng tai nghe người ta nói. Mà sao người Nga nào cũng hay chuyện, nói đến nhiều. Anh vốn kiệm lời. Ở cạnh ông tù Tây này, anh càng lặng lẽ hơn. Nhưng trong thâm tâm, anh thầm cảm ơn ông già, ông đã làm không gian tù tội của anh thêm chút sức sống. Và nhất là, ông không nói tục, giọng lại khá êm ái, dễ nghe.
Thấy anh ngồi viết thư, ông cũng dậy châm thuốc hút. Mùi khói thuốc nặng nặng của Nga khiến đầu óc anh tỉnh táo. Và anh viết một mạch những gì đang nghĩ, một bức thư dài nhất từ trước đến nay.
Ngoài cửa sổ, hoa tuyết đã đóng kín khung kính. Trên đó hiện lên những con đường tuyết ngang dọc sáng long lanh.
*
Chuyện chạy án, đúng như Mai nghĩ, cần rất nhiều tiền. Cô gom số tiền Hoàng vẫn đưa cô giữ hàng tháng “để dành cho đám cưới”, gộp với số tiền ít ỏi cô đi dạy kèm và dịch thêm… đưa hết cho Hải, anh chàng luật sư nhanh nhẹn kia. Tất nhiên, mọi thứ cũng rất rành rẽ, cô không sợ bị lừa. Này nhá, 10 tờ - là để Hoàng được giam riêng ra, không xô bồ ở gian sảnh lớn nữa. Gần trăm tờ còn lại, Hải sẽ dùng để lo lót Viện Kiểm sát, công tố viên… và nhiều nhiều những quan hệ khác, có nói cô cũng không hiểu hết được. Cô có muốn đi thăm Hoàng không? Khi tòa chưa xử, người ta không cho thân nhân gặp mặt. Vậy muốn gặp, phải chi độ mươi tờ nữa. Mai cắn môi từ chối, đau quặn cả ruột gan. Cô mong gặp Hoàng biết bao, mong được nhìn thấy gương mặt hẳn là tiều tụy của anh, có cái cằm bạnh ra cương nghị và bướng bỉnh, mờ mờ vòng xanh rì của bộ râu quai nón. Mong nhìn thấy đôi môi ấm áp vẫn cho cô những ngọt ngào. Mong được soi mắt mình vào đôi mắt biết nói, tràn đầy yêu thương của anh. Tự tay cô bóp nghẹt tim mình đau điếng khi lắc đầu nói “Không cần” với luật sư. Số tiền đó cô sẽ dành để làm việc gì đó hợp lý hơn, để anh chắc chắn được thoát vòng tù tội, trở về với cuộc đời và với cô.
Cô tự cắt các khoản chi tiêu mà trước, cô chưa bao giờ nghĩ lại có thể trở nên xa xỉ đối với cô như lúc này. Không mua sách, mua hoa, không đi xem phim, nhà hát, không bảo tàng, thậm chí, hạn chế cả rau cỏ, hành mùi – những thứ rất đắt đỏ vào mùa Đông. Ngày 15 các tháng, cô vẫn tiếp tế cho Hoàng. Nhưng không còn mua được đồ hạng Nhất như cô vẫn mua cho anh những tháng trước nữa. Bơ, sữa, bánh... cô chọn loại bình dân, riêng thuốc lá, cô vẫn cố gắng mua loại anh hay hút là Parlament Light. Thương anh nhiều lắm, anh biết không?
Thế rồi cũng sắp đến ngày Hoàng ra tòa. Luật sư Hải hớn hở ngồi vạch đường đi nước bước cho cô. Anh ta đang vui và hình như có làm vài chén ở bữa nhậu nào đó về. Mặt đỏ và mắt vằn sáng. Nhìn vẻ hơn hớn của anh ta, cô tự dưng thấy khó chịu, mặc dù những ngày trước đó, chính vẻ mặt ấy đã làm cô bình tĩnh trở lại sau những hoang mang.
- Liệu có chắc… sẽ như anh nói không ạ?
- Chắc chứ sao không? Em tin anh đi. Những chuyện này anh làm mãi rồi. Ngộ sát, mà cũng có phải anh Hoàng làm đâu, thằng cu Bình đi cùng anh ấy dọa người ta đấy chứ! Tội này, cùng lắm là 3 năm. Giết người còn chỉ có 7 năm thôi mà, em ạ.
Vẻ mặt nôn nao của Mai chắc khiến Hải tội nghiệp lắm. Anh ta cười lớn, người ngả ra thoải mái trên ghế bành, miệng nói rổn rảng:
- Năm xưa, có thằng “cộng” đốt cả xe lẫn người của một thằng “cộng” khác, do cạnh tranh làm ăn ấy mà! Biết rõ mười mươi, mà cuối cùng, anh vẫn giúp nó thoát tội đấy. Giờ giàu nhất cái tỉnh đó. Em bảo có thánh không? Hà hà… Kể cũng tội cô vợ tay kia, khi ấy đang về phép. Khi về thì có chồng đưa, lúc sang không còn gì nữa, kể cả xác… Sau cô ta đội sớ đi khắp nơi muốn đòi công bằng cho chồng. Giá biết đường gặp anh cũng đỡ… Làm gì cũng phải có đường, có cửa, em ạ…
Mai nghe có một luồng điện chạy vụt qua lưng. Cô thấy tóc trên đầu như dựng đứng lên, người ớn lạnh, và tay lại bắt đầu run. Trong khi đó, Hải tiếp:
- Nói cho em hay, ngược lại có trường hợp thế này, ngay tại phiên tòa nhá, buổi sáng Tòa vừa định kết luận một thằng vô tội. Mà thực ra nó vô tội thật, nó đi trồng rau, bị thằng khác cũng trồng rau đổ vấy tội cho để xóa sổ ấy mà, nhưng chứng cớ lỏng lẻo, nên tòa nó bác là đúng rồi. Thằng kia đến cầu cứu anh. Giờ nghỉ, anh vào “làm việc”, có vài ba phút thôi, chẳng cần tranh cãi gì nhiều trước Tòa, buổi chiều, Tòa đã tuyên bố cái thằng vô tội trở thành có tội. Bị giam có một năm thôi, chẳng nhiều nhặn gì. Hết một năm, sống sót được mà ra ngoài còn mở tiệc ăn mừng ấy chứ! Nhưng trong một năm đó, thị phần rau cỏ bị giành hết rồi còn đâu. Hì hì, đời… Thật nhiều khi như trò đùa ấy, em ạ. Thằng này sống thì phải có một thằng chết thay! Anh…
Hải ngừng lại, tự cảm thấy lỡ lời. Lúc ấy, mặt Mai đã tái mét đi. Cô thấy ngực đau nhói, không thở mạnh được.
- Em làm sao vậy? Anh xin lỗi, anh vô ý quá... Chỉ là để em thêm tin tưởng vào anh thôi mà, Mai à!
- Không sao ạ, không sao đâu… - Mai yếu ớt nói. Cô cố tập trung hình dung ra gương mặt thân yêu của Hoàng. “Cố lên, Mai ơi, chỉ vài ngày nữa thôi là anh đã trở về. Mọi việc lại như xưa. Cuối năm nay mình cưới, phải không?” – cô nhủ thầm. Mai quay sang Hải, hỏi tiếp:
- Vậy… anh sẽ làm việc thế nào.. ai sẽ thay anh Hoàng em?
- Việc đó là việc của “giới chuyên môn”, em bận tâm làm gì! Miễn là anh Hoàng của em sẽ trở về, thế là anh xong việc, phải không? Mà thường thì cũng không khó kiếm thằng thay thế đâu. Ở các tỉnh lẻ, thiếu gì những thằng cha căng chú kiết không biết tiếng Nga, giấy tờ không có, người thân cũng không. Công an tôm cổ về, ngơ ngơ ngác ngác… rồi cũng chẳng hiểu vì sao mà mình bị ngồi tù… Cho đến khi ra được, kêu la… thì cũng đã xong rồi. Thế đấy.
Một trận cuồng phong bão tuyết nổi lên từ đâu đó, hình như rất xa, mà cũng hình như rất gần, rơi ngay xuống đầu Mai. Tiếng gió rên rỉ não nề. Cô nghe có tiếng người khóc lóc, than van, có tiếng cười khô lạnh của những ai không rõ nữa. Thấp thoáng cả những bóng cây thân trắng hình thù cổ quái, bủa một cái lưới dài vương trắng tuyết khắp các nẻo đường trước mắt Mai. Cô lại hét lên “Mẹ ơi…” thảng thốt trong tiếng gió hú dài. Trên mái nhà tầng cao, tiếng chân người chạy rầm rập. À, không phải chân người, mà là gió, hoặc là bước chân người Trời đùa giỡn với nhau, như cô vẫn thường tưởng tượng trong những đêm gió bão, cô ngồi ngoan như con mèo con trong vòng tay của Hoàng.
*
Hoàng và một số tù nhân đã được chuyển trại đến một nơi rất xa, xa hẳn Moscow. Ở đó, anh ít nhận được tiếp tế của Mai hơn, nhưng lại được lao động và thoải mái hơn trong di chuyển. Nếu những ngày ngồi bất động trong xà-lim Sizo 2 suýt nữa làm anh trở thành một dạng … cương thi như trong phim bộ Hong Kong, thì trại tù mới trả lại cho anh vẻ hoạt bát vốn có. Khoảng sân đi dạo rộng ra, tầm mắt có thể nhìn xa được đến cánh rừng bạch dương bàng bạc, xam xám và cả vệt rừng thông đen thẫm kéo dài. Ban ngày, cả hội ngồi đẽo những quân cờ. May mắn là Hoàng vẫn được gần gũi với người tù đứng tuổi cùng phòng xưa. Ông là nghệ nhân thật, đẽo gọt những quân cờ đều, đẹp và sinh động. Lấy giấy ráp đánh bóng những quân cờ ấy, ông lại triết lý điều gì đó với Hoàng. Anh cười cười, hiểu lõm bõm được ít từ, vẫn gật đầu thật mạnh. Đã một tháng nay, sau giờ làm việc, anh đều đặn vào Thư viện của trại, ôm cuốn từ điển… học tiếng Nga. Thật ngạc nhiên là quản giáo kiếm được cho anh hai cuốn từ điển Nga – Việt này, cũ kỹ lắm rồi và chằng chịt nét chữ của những người chủ cũ, nhưng đối với anh, thật là báu vật!
“Anh yêu,
Tuần sau là Tết rồi anh ạ. Em có gửi cho anh cái cuốn lịch tay đấy, anh chịu khó đánh dấu từng ngày, kẻo rồi quên sất cả các lễ tết, anh nhé.
Anh biết không, cái thư của anh gửi em ấy, lão Hải mãi mới đưa cho em. Lão ấy điên về chuyện em rút không chạy cho anh ra hẳn. Án nhẹ đi lão ấy cũng kiếm được khá rồi, vậy mà vẫn hậm hực ghê lắm. Nghe tin Bình mất vì bệnh lao, em càng hiểu, em đã quyết định đúng. Nếu anh được thả lúc này, hẳn anh không sống bình tâm được. Đọc cái thư của anh, em biết rõ điều đó.
Mà em cũng chẳng thèm đọc những loại thư kiểu ấy đâu nhé, khuyên răn người ta gì mà buồn cười, lẩm cẩm, sến, và vớ vẩn! Em nói cho anh biết này, chịu khó giữ gìn sức khỏe, sau rồi còn ra đi cày để nuôi em. Em không tự nuôi nổi em đâu, vì em ăn nhiều này, lại còn tiêu pha hoang phí nữa. Vì thế mà em mới chọn anh. Số anh là số giàu mà, em biết! Hì hì.
Mà anh có biết tại sao em nhìn được anh giàu không? Vì anh làm lụng mà không quên bạn, biết chia mối làm ăn cho bạn bè. Vì anh ham tiền mà không quên tình, tháng nào cũng gửi tiền về cho bố mẹ, năm nào cũng cho tiền các em làm ăn, gửi tiền về xây nhà thờ Tổ, đóng góp cho đủ các thứ quỹ thôi! Mà anh giàu nữa vì anh có em, phải không?...”
Hoàng bật cười thành tiếng, âu yếm áp lá thư của người yêu bé bỏng vào ngực mình. Tim anh đập rộn ràng, thấy rõ là Tết đang đến rất gần. Anh chuẩn bị ăn một cái Tết trong tù, một cái Tết buồn, nhưng không tuyệt vọng.
Bên ngoài, trời lại đổ tuyết khiến cho cửa sổ phòng giam sáng trắng lên. Tuyết bông và rất ấm.
Chú thích:
(*) Sizo: Nơi tạm giam để điều tra.
(**) Xu-khôi: bán hàng trả chậm.