TUYÊN TRUYỀN VIÊN
- Thứ sáu - 18/06/2004 21:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lời giới thiệu: Nhà văn, kịch tác gia Nga Zoshchenko sinh năm 1895, tham gia nhóm văn bút "Huynh đệ Serapion" trong thập niên 20 thế kỷ trước. "Những truyện ngắn của ngài Sinebryukhov Nazar Ilyich", tác phẩm thành công đầu tiên của Zoshchenko ra đời năm 1922.
Văn hào Gorky từng đánh giá ông là người tài năng nhất của nhóm "Huynh đệ Serapion", đồng thời là nhà văn Xô-viết có triển vọng nhất. Cuối thập niên 1920, tuyển tập các tác phẩm của Zoshchenko được in ở Liên Xô thành sáu tập.
Các nhân vật của Zoshchenko nói bằng ngôn ngữ hỗn tạp của tiểu thị dân Nga, quan chế Xô-viết và tiếng lóng thành thị; đây là nguồn gốc chính của tính khôi hài, châm biếm thấm đượm trong các tác phẩm của ông.
Năm 1946, vin vào một vài truyện ngắn của Zoshchenko, một quan chức phụ trách văn hóa & tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó là Andrey Zhdanov đã tiến hành một cuộc thanh trừng lớn trong văn giới, mục tiêu chủ yếu nhằm vào Anna Akhmatova (nữ thi sĩ lừng danh của nước Nga thế kỷ XX) và Mikhail Zoshchenko, dẫn đến hậu quả tệ hại: Zoshchenko bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, ông bị cấm sáng tác, các tác phẩm của ông không được đăng tải.
Sau năm 1956, qua trong một thời gian dài phải sống lay lắt, cực khổ và vô vọng, Zoshchenko không theo kịp những chuyển biến mới ở Liên Xô và không còn sáng tác được những tác phẩm đáng kể. Ông mất năm 1958.
Đa số các tác phẩm "có vấn đề" của Zoshchenko chỉ được ra mắt độc giả Nga trong thời kỳ "cải tổ", trong ba tập sách chọn lọc, sau khi ông đã được "minh oan" và phục hồi danh dự.
Truyện ngắn châm biếm sau đây được Zoshchenko viết năm 1923. Chúng tôi dịch theo bản tiếng Hung, tuyển tập "Con gà mái bốn chân" (A négylábú tyúk), Nhà xuất bản Văn học Budapest năm 1984.
*
Grigory Kosonosov, người gác đêm của trường không quân, trở về làng trong kỳ nghỉ phép.
- Này, đồng chí Kosonosov ơi, - bạn bè nói với anh trước khi đi -, nếu về thăm nhà, cậu hãy tuyên truyền cho nông dân làng cậu nhé. Hãy nói cho họ biết ngành không quân đang phát triển... Có lẽ ngay cả các bạn nông dân của chúng ta cũng sẽ đóng góp chút gì để phát triển ngành!
- Các đồng chí có thể tin chắc là tôi sẽ thuyết phục được họ, - Kosonosov nói. - Nếu chuyện khác thì không dám... nhưng thế nào tôi cũng sẽ nói về ngành không quân.
Mùa thu, Kosonosov về thăm nhà và vừa đến nơi, ngay ngày đầu tiên anh đã đến hội đồng.
- Thưa các đồng chí, - anh nói -, tôi muốn tuyên truyền. Có thể tổ chức mít-tinh được không, bởi tôi vừa ở thành phố về?
- Sao lại không, đồng chí cứ làm đi, - ông chủ tịch nói -, rồi ngày mai tôi sẽ triệu tập các bạn nông dân của chúng ta.
Hôm sau, ông chủ tịch tập trung nông dân trong vùng ở kho chứa dụng cụ cứu hỏa.
Grigory Kosonosov đến chỗ họ, cúi đầu chào và vì chưa quen diễn thuyết, anh vào đề bằng giọng nhút nhát, run rẩy:
- Nghĩa là, thế này... - anh nói -, ngành không quân, các đồng chí nông dân ạ... Các bạn, là thứ dân chậm tiến, nghĩa là về mặt chính trị... Ví như nước Đức ở xa kia kìa, còn Curson ở đây... Nước Nga ở đây, còn... Tóm lại...
- Ơ kìa, cậu nói về cái gì thế? - những người nông dân tỏ vẻ không hiểu.
- Gì ư? - Kosonosov phật ý. - Tôi nói về ngành không quân... rằng ngành không quân phát triển. Nước Nga ở đây, còn Trung Quốc ở đằng kia...
Những người nông dân nghe ngóng với vẻ mặt u ám.
- Đừng làm mất thời gian của chúng tôi! - ai đó kêu lên ở phía sau.
- Tôi không làm mất thời gian của các bạn, - Kosonosov nói. - Tôi nói về ngành không quân... Nó phát triển lắm, các đồng chí ạ... Tôi không thể có một lời nào chống lại nó. Nếu có một chuyện gì như thế thì nó cũng sẽ như thế. Tôi không thể tranh cãi với nó.
- Không tài nào hiểu nổi! - ông chủ tịch kêu lên. - Đồng chí hãy nói gần gũi với quảng đại quần chúng nhân dân thôi!
Kosonosov bước đến gần mọi người, hít cật lực một hơi thuốc lá hôi rình, rồi lại bắt đầu:
- Vậy nhé, thế này, các đồng chí nông dân ạ... Người ta làm ra tàu bay rồi bay lượn với nó. Nghĩa là ở trên không trung, trên kia kìa. Tất nhiên cũng có cái không trụ lại được ở trên đó, nó bổ nhào như chim hoàng tước. Cũng như cái cậu phi công, đồng chí Yermilkin ấy. Cậu ấy bay lên thật, nhưng rồi rơi đến nỗi vỡ toạc cả người...
- Thì anh ấy có phải là chim đâu... - mọi người bảo.
- Thì chính thế, tôi cũng bảo vậy, - Kosonosov mừng rỡ vì nghe thấy một tiếng nói đồng tình -, nào phải là chim. Nếu một con chim bị rơi, nó chỉ lắc mình rồi lại cất cánh... Đằng này thì không, chí ít cũng gãy răng... Một anh khác, cũng phi công, tên là Mikhail Ivanovich Popkov. Cậu ấy bay như tranh vẽ, rồi bỗng nhiên, động cơ trục trặc... Ối chào, nó rơi mới ghê làm sao!...
- Thật đấy? - những người nông dân hỏi.
- Chứ sao nữa... Một... Một người khác rơi bộp xuống cây. Anh ta lủng lẳng ở đó như một đứa trẻ. Cậu ấy mới hoảng hốt, mới thần hồn nát thần tính làm sao... có thể cười đến chết được... Ở vùng nọ còn có những câu chuyện nho nhỏ lý thú lắm. Một bận, một con bò cái chui vào dưới cánh quạt máy bay. Một - hai, thế là nó bị xay thành cám. Không còn biết đâu là sừng, đâu là lòng ruột... Và tất nhiên tàu bay cũng còn cuốn cả chó nữa.
- Thế còn ngựa thì sao? - những người nông dân hỏi. - Chắc nó không cuốn nổi ngựa chứ?
- Có chứ, cả ngựa nữa, - Kosonosov nói. - Làm gì có chuyện nó không cuốn được ngựa?
- Quỷ tha ma bắt, bọn chó chết! - ai đó nói. - Rõ là lũ vô công rồi nghề, nghĩ ra lắm thứ vớ vẩn! Xay ngựa thành cám? Thế mà cậu còn bảo rằng cái trò ấy phát triển ư?
- Thì tôi đang giải thích về chính chuyện ấy đấy thôi, - Kosonosov nói -, nó phát triển lắm, các đồng chí nông dân ạ... Tóm lại, các bạn hãy triệu tập một cuộc mít-tinh trong làng, rồi bỏ phiếu chút ít để ủng hộ nó cho phát triển nhé.
- Nhưng bỏ phiếu để làm gì chứ? - mọi người hỏi lại.
- Làm gì ư? Để làm tàu bay chứ còn làm gì! - Kosonosov nói.
Những người nông dân cau có, nói cười cáu kỉnh rồi tản đi mọi ngả.