Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRÒ CHUYỆN BÊN GIƯỜNG VỚI THẰNG MÕ - NGỌC ĐẠI

(NCTG) “Ngọc Đại đã bắt đầu không chấp nhận sự kiểm duyệt, ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ quốc gia nào, nếu ông ta thích là làm không thích là không làm. Đấy là thái độ tự giác. Người Việt cần phải như thế, chứ tại sao lại cứ chấp nhận kiểm duyệt” – chia sẻ của nhạc sĩ Ngọc Đại bên lề cuộc trao đổi xung quanh “Thằng Mõ”, CD mới của anh vừa ra đời.

Nhạc sĩ Ngọc Đại

Dợm bước vào căn phòng tối. Chào. Có tiếng đáp vọng ra từ trong màn. Nhạc sĩ Ngọc Đại vừa đi bán đĩa “Cái nường 8x” về, còn đang nghỉ lại sức. Tôi bảo ông cứ nằm đấy, tôi sẽ mang máy tính và ghi âm đến cạnh giường, OK?

Bùi Mai Hạnh:Ở thời điểm rối loạn thông tin, lòng người tim người như bị luộc chín bởi cái vạc dầu tin đồn sôi sùng sục những thông tin không thể phân biệt thật giả, bỗng nhiên xuất hiện Thằng Mõ... Ngọc Đại đi rao bán “Cái nường 8x” là một hoạt cảnh đa nghĩa, buộc người ta phải động não, (trừ những bộ não đã chết).

Thằng Mõ định khuấy động giấc ngủ trưa của làng quê Việt đang chìm đắm trong cơn mộng mị chăng? Tính giễu nhại dân gian qua Ngọc Đại trở thành một biểu tượng nghệ thuật mang màu sắc hậu hiện đại. Tôi đồ rằng, Thằng Mõ này là hậu duệ của chàng Đông-ki-sốt? Có phải thế không?


Nhạc sĩ Ngọc Đại: Cái chuyện này, đặt thành điều như thế, thì đấy là tùy mọi người thôi. Mình chỉ nghĩ là, cái thằng mõ ấy, khi làm việc với những người cộng tác, đặc biệt anh Nhất Lý, tính đến chủ đề của nó, tên là gì, đầu tiên nó là Tổ quốc, thấy nó không đúng hoặc đúng mà chưa thích.

Thằng mõ là một cái tự nhận thôi, tự thân thôi, thấy nó đúng với hình ảnh đó. Chỉ có điều, thằng mõ ở trong vấn đề nội dung nghệ thuật và hình thức của nó thì đây là một cái cá nhân. Trước tiên, đó là tiếng nói cá nhân đã từng sống trong lịch sử chiến tranh, lịch sử 60 năm của Việt Nam. Thằng mõ là tiếng nói được cô lại, được hiểu như một cách từng trải, như là điều phải xảy ra ngày hôm nay. Nó là một sự vận động tự thân.

Khi sáng tác ra thì nó nằm ngoài ý thức, nó chỉ là cảm giác, cảm giác không thể không viết, không thể không rung bút mà viết, đấy là những cảm giác về đời sống cộng đồng xã hội Việt Nam mà mình từng trải, thấy mình không viết thì sẽ bị nổ tung mất thôi. Cái viết này nó hoàn toàn vô thức. Khi viết cái nhạc này, trên lời thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Chính, thì hoàn toàn là một cảm giác mạnh, cảm giác chạm đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống, mà không thể không viết, mà nó vỡ ra thôi.

Khi lựa chọn tên CD “Thằng Mõ”, ý thức văn hóa đã được hình thành. Thằng mõ, như bạn biết, nó là tên gọi của một sinh hoạt đời sống văn hóa. Mình thích thằng mõ, thứ nhất, mình tự thấy mình giống như hình tượng của thằng mõ, ông bà mõ thời xưa. Đồng thời, cũng có suy nghĩ, mình tự cho mình cái quyền, lúc này, khi đã từng trải từng sống, mình tự cho mình cái quyền không ai kiểm duyệt được nữa. Đấy là cái cảm giác ý thức.

Kiểm duyệt với mình là thứ buồn cười quá rồi, mình đã vướng vào cái đó, sống trong cái xã hội Việt Nam đương đại, mình đã bị như thế và bây giờ mình phải tự cởi trói cho mình. Đấy là cái ý thức. Còn những chuyện trên bạn vừa nói, thì, âu cũng là những phân tích, và đặt điều như thế, mình thấy rất hay, đấy là một ý kiến hay.

- Khiếp, thiếu gì thứ rao bán mà tại sao ông phải rao bán “cái nường” chứ? Ông định ám chỉ cả xã hội này là một ổ điếm à?

- Xã hội này, theo mình nghĩ, nó còn tệ hơn là ổ điếm. Nó là điếm, điếm toàn phần. Nó giống như là nhật thực toàn phần ấy. Nói thẳng ra là như vậy. Bởi vì điếm là thế này: Người ta không bao giờ làm những điều tự thú với bản thân, kể cả sự thật và không thật, sự ác lẫn sự thiện, không bao giờ được công bằng mạch lạc trong cái xã hội bây giờ.

Cho nên, “Cái nường 8x” là tên một bài thơ của Nguyễn Đình Chính, nó không định ám chỉ những điều như bạn nói, nhưng ở trong tổng thể, có rất nhiều bài khác nói lên một điều rằng, đất nước này nhiều điếm đĩ quá. Nó giống như là, cái điếm đĩ nó thành kinh khủng, nó nhờn nó quen với sự giả dối. Ở đây, cái sự đau lòng của ai đó, hay của cái cộng đồng này, thì cũng bị trơ trẽn rồi. Nó bị mất cảm giác quá rồi. Biết vậy mà vẫn mất cảm giác. Ở đây, mình không định như thế nhưng mà nó có câu chuyện này trong “Thằng Mõ”.

- Thằng mõ chõ loa vào tận cổng nhà các ông ăn tiên chỉ trong làng bắt họ mua cái nường 8 X, trong khi người ta đang cố chặn thông tin từ các mạng xã hội, tại sao họ không tóm cổ Thằng mõ nhỉ? Có vẻ như thông điệp của Thằng mõ không có gì hiểm nguy?

- Đây là một sự lựa chọn rồi, những thứ bạn gợi ý ra như sự hiểm nguy thì, đây là sự lựa chọn của bản thân rồi. Là sự lựa chọn duy nhất để mình có thể nói được tiếng nói của mình. Động chạm đến đâu, có gì hay không có gì, đó là sự lựa chọn của đời sống.

Nó có hai vấn đề, thứ nhất, mình tự đi bán bởi vì ai sẽ bán cho mình đây. Mình bán để thu lại cái tiền mình sản xuất. Hai là, có nhờ người bán thì cũng chả ai bán cho mình cả. Bởi vì người ta sợ. Mình cũng không thể gửi đến các nhà phát hành để họ bán cho mình được. Vậy thì cách này, mình cho rằng, nó vừa đúng trong đời sống của mình, vì mình cần có tiền để sống. Thực chất, nếu bạn hiểu thực về đời sống của mình thì, sáu năm gần đây, mình sống không có thu nhập.

Việc thu lại tiền để sống thì, mình cũng có thái độ là bán để kiếm tiền sống chứ không phải là không. Mình thấy đấy là chuyện bình thường. Mình muốn nói, đấy là cái tự do tuyệt đối của mình thôi. Nếu gửi người bán thì, đấy không phải là câu chuyện của thằng mõ. Vì thằng mõ không phải như thế. Đấy chỉ là cái bên ngoài của nó thôi. Còn cảm giác bên trong là, mình cần biết cảm giác có tiền, hay người ta từ chối mình, hay người ta mua, hay người ta phản hồi, tất cả mình đều lắng nghe, đều chấp nhận.

- Đã có phản hồi gì chưa?

- Sau ba tuần đi bán dưới tư cách cá nhân, núp dưới văn hóa thằng mõ như thế, mình thấy có nhiều phản hồi không trực tiếp, rất ít trực tiếp, nhưng cũng có những phản hồi rất là thích thú.

- Ông có thể cho ví dụ?

- Ví dụ, sự im lặng của họ cũng làm mình thích thú. Tất cả, thường là người ta nghe, và người ta im lặng. Và mình thì cũng không quen hỏi. Thứ nhất, im lặng là gì, về thông tin, cái thông tin về đời sống hằng ngày. Thông tin từ họ rất ít dù là khen hay chê. Cái đó bạn phải tự nghĩ! Rằng là, đấy, cũng như bạn nói đấy, chắc là cái nỗi sợ quá nhiều, quá lớn, hoặc là vì những hệ lụy, mà họ không nói.

Một vài trường hợp, khi họ đến nghe trực tiếp, thì họ nói, thật là tuyệt vời thật là đáo để! Nhưng rất ít khi mình được họ trực tiếp gọi điện. Mình nghĩ, cái thông tin này (tôi nghĩ là Ngọc Đại muốn nói đến thông điệp của “Thằng Mõ” - BMH) cần thời gian, để tất cả được nghe, thì sẽ có trao đổi với chính cá nhân mình hoặc trên thông tin (Ngọc Đại muốn nói đến truyền thông đại chúng chăng – BMH). Mình nghĩ câu chuyện này, mình muốn có trao đổi, đó là mong muốn của mình nhưng đến giờ này thì chưa, gần như là không có.


Ngọc Đại và Nguyễn Đình Chính - Ảnh: Bùi Mai Hạnh

 
- Ca từ của “Thằng Mõ” này mới ghê gớm làm sao! Nó có thể khiến các đấng mày râu bảnh bao và các tiểu thư đức hạnh chỉ có nước chết vì xấu hổ. Nghe mà cười ra nước mắt. Hình như ông đã có một cú sốc tinh thần như thế nào đó khi sáng tác nó? Ông có muốn thiên hạ có được cái hiệu ứng nghệ thuật như khi ông đọc “Chẹc chẹc” của Nguyễn Đình Chính?
 
- Cái này thì không thể nói có hay không có. Mình chỉ có thể nói về cảm giác của mình thôi. Thế này, mình có theo dõi thi ca Việt Nam những năm gần đây, phải nói rằng, chưa có tác động nào đến cảm xúc, tâm thức một cách mạnh mẽ và tử tế như tác động mà nhà văn Nguyễn Đình Chính đã đem đến qua “Chẹc chẹc”. Còn người ta nói, ố là là, mõ tục mõ thô tục, thì chắc là, những người đó bị rào cản thôi. Chứ thực ra, đi sâu vào thơ của Chính, trong thằng mõ mà tôi chuyển thể sang thì, đấy là nỗi đau, là tinh thần sống, là hạt nhân sống đang còn có hi vọng.

Dưới cái vỏ đó, những ca từ bạn cho là tục tĩu đó, tôi cho là, mọi người phải nghe đã. Tôi thì không cho đó là tục tĩu. Tôi chỉ thấy một sự đau đáu, thảng thốt, phải phát ra, không thể khác được. Ở đó, nó có một nỗi đau của một lịch sử sống, một giai đoạn sống, dưới nỗi đau đó, là những cái gì thật đẹp đẽ, thật thánh thiện. Nếu mọi người hiểu được như tôi thì thật là tuyệt vời, nhưng mà rất tiếc, rất tiếc, không phải là nhiều lắm.

Người ta dùng lý luận câu chữ để bình phẩm về nó (tập thơ “Chẹc chẹc” – BMH), nhưng mà, xin lỗi, tôi cho rằng, một số người đã bình luận, chẳng qua họ dùng ngòi bút để biểu diễn quan điểm của họ mà thôi. Đéo phải là họ vào được thơ Chẹc của Chính. Họ dùng ngòi bút để họ khoe khoang cái nhận thức của họ, khoe khoang cái lập luận của họ, trình bày cái quan điểm của họ. Ủng hộ hay không ủng hộ, tôi cho cái đó cũng không quan trọng, mà tự tâm họ chưa đọc được thơ Chính, thực chất họ như vậy.

Tôi có theo dõi khá nhiều những nghị luận trên mạng về tập thơ này, các nhà thơ như Vũ Quần Phương, như Thanh Thảo, một số người đại diện cho Việt Nam hay một số nhà thơ ở Mỹ viết, nhưng tôi cho là, các ông ấy vẫn đang ngụy trang, ủng hộ hay chê bai thì, vẫn đang đứng ngoài tập thơ Chẹc, không vào được tập thơ Chẹc. Đấy là nỗi buồn của tôi. Họ phải bỏ qua cái tầng đó thì mới thấy nhân dân đồng bào là cái gì, tổ quốc là cái gì, thấy mình phải sống tử tế thế nào, chứ không phải chỉ dùng câu chữ để nghị luận, rằng đấy là tân cổ điển hay tân hình thức hay là cái gì đó.

Tôi cho những cái đó nằm ngoài thơ Chính. Điều đó làm tôi càng đọc càng buồn. Nếu ai cũng dũng cảm, với tất cả những năng lượng trong thơ như thế, thì thật là hay. Thật là đơn giản. Và có thể từ những cái đơn giản như vậy, chuyển thành những cảm giác đẹp đẽ như vậy, thì có thể sẽ có những năng lượng khác, sẽ rất tuyệt vời mà mình không thể biết trước được. Thành ra, nghe nhạc của tôi cũng thế. Người ta nói, nhạc của ông thì vẫn cá tính và sang trọng, nhưng mà tại sao ông lại phổ thơ Chính, thì xin lỗi, tôi đéo trả lời. Vì những người như thế tôi đéo trả lời vì nhạc họ đéo hay đéo biết, thơ cũng chỉ hiểu đến thế thôi, thì làm sao tôi trả lời được.

Tầng lớp nghe của Việt Nam giờ này có một số thôi, không nhiều. “Thằng Mõ” ra sẽ giải quyết phần nào, trong cảm nhận, và tôi rất tự tin về điều đó, rằng mọi người sẽ tử tế hơn, nhìn vào lương tâm mình để thấy, không dùng âm nhạc hay ca từ để hằn học, mà thấy đằng sau đó là một cái gì đó sáng sủa. Rất đáng gọi là..., rất đáng nghe, chứ không phải như họ bàn. Tôi cho rằng, họ phải bóc tất cả những thói quen cũ về thái độ mỹ học và quan điểm âm nhạc, đặc biệt là quan điểm giai cấp. Cái này là rất bẩn, cực kỳ bẩn đây. Họ mang những ý niệm, quan điểm mỹ học, quan điểm giai cấp vào cái này là họ cực kỳ ngu xuẩn.

Cảm giác của tôi sau ba tuần đi tự bán, cái cảm giác về sự im lặng này, cũng làm tôi vừa thích thú, vừa buồn đấy. Tôi buồn. Tôi biết rõ là, không phải là họ không biết hay là không có cảm giác. Họ có. Nhưng họ, có một cái gì đó, họ chưa chia sẻ. Tôi thì tôi chia sẻ hết rồi. Họ còn e ngại cái gì đó. Còn e ngại thế thì làm sao con người chia sẻ được với nhau. Nếu họ vẫn lấy quan điểm mỹ học, quan điểm thi ca, quan điểm giai cấp... thì đấy là sự sỉ nhục luôn. Nếu ai nghe nhạc của tôi mà chỉ nghĩ như vậy thôi thì đó là điều sỉ nhục luôn. Đấy là điều sỉ nhục đối với tôi.

- Thế còn với tác giả Nguyễn Đình Chính thì sao?
 
- Khi tôi cho Nguyễn Đình Chính nghe thì tác giả đã bị ngỡ ngàng. Cũng xúc động. Đấy là một câu chuyện. Bởi trong lúc nghe với nhau thì biết nhau quá. Vì tác giả quá biết thơ của mình. Khi đến cái độc lập về âm nhạc nữa, cái ngôn ngữ âm nhạc cũng... cùng một thời gian phát tín hiệu ra, thì rõ ràng là... nhà thơ... có một cảm giác là rất hạnh phúc. Mặc dầu NDC khéo, nhưng tôi biết thừa anh ta rất vui rất hạnh phúc. Ít nhất hai ba lần nghe, anh ta đều có cái cảm giác hạnh phúc đó mà không thể dấu tôi được. Tôi đọc được cái đó.

- Bao giờ CD “Thằng Mõ 2” ra đời?

- Cái này thì không thể đừng được nữa. Nó sẽ phải ra thôi. Thằng mõ là một ý thức lựa chọn về cái tên gọi, đồng thời nó không qui định được về kích cỡ và thời hạn là bao nhiêu, vì đấy là ý thức của mình. Cũng giống như khi mình làm “Nhật thực”. Khi làm đến “Nhật thực 2” thì không thích nữa, đổi thành Đại Lâm Linh. Đại Lâm Linh làm đến giờ này, vẫn đang để đó, lại thấy rằng, ồ cũng có nhiều vấn đề, lại thấy “Thằng Mõ” hay, thì làm “Thằng Mõ” đã, đại khái thế.

Thực ra, đấy là cuộc đi quanh mình, dạo chơi quanh mình, đi khám phá cái bản thân mình. Cái khám phá đó buộc anh phải luôn sống động với đời sống thì anh mới có thể tự vấn anh được, anh mới có năng lượng và ý tưởng được, nếu không thì nó chỉ là hình thức thôi.

- Ông nói tên CD “Thằng Mõ” không phải từ ông?

- Nó là từ Nhất Lý, người đã tác động đến mình để mình tự tin, có thể tự hát và tự đàn. Đầu tiên mình không dám, nghĩ là mình không làm được, nhưng ông Lý là người nói tại sao anh không làm, anh thử làm đi. Ông Lý cùng làm việc với mình, làm về mix và chọn lựa bài. Chúng mình đã chọn đến “Thằng Mõ 4” cho cái đợt này. Thằng Mõ chính là tên do Nhất Lý đặt. Mình reo lên, trời ơi, tại sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ. Đấy là sự thật. Tự nhiên tôi òa vỡ ra, nó là cái này, thế này, đúng rồi, đúng rồi, tại sao tôi lại thế kia.

Thì đấy là tất cả những tương tác giữa con người với con người, khi làm việc với Nhất Lý thì đẻ ra “Thằng Mõ”, mặc dầu nó chỉ là một cái tên của một nhân vật lịch sử, văn hóa của đời sống làng xã Việt nam ngày xưa. Bây giờ người ta gọi là nghệ sĩ đấy. Bây giờ tôi gọi những lũ đi viết thuê trong nháy nháy, thuê nhưng giả danh nghệ sĩ - chứ còn nghệ sĩ thật thì không bàn - thì tôi gọi là điếm. Lũ viết thuê giả danh nghệ sĩ thì tôi gọi là điếm luôn. Thậm chí không được như con điếm. Bọn này thì, tất cả Việt Nam đều biết tôi đã khinh bỉ từ lâu rồi chứ không phải bây giờ.

- Có vẻ như, “Thằng Mõ” sẽ trở thành một thương hiệu...?

- Thương hiệu là, Ngọc Đại đã bắt đầu không chấp nhận sự kiểm duyệt, ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ quốc gia nào, nếu ông ta thích là làm không thích là không làm. Đấy là thái độ tự giác. Người Việt cần phải như thế, chứ tại sao lại cứ chấp nhận kiểm duyệt. Việc này Bùi Chát và Nguyễn Đình Chính đã làm. Họ đã đi bán thơ của họ đấy chứ. Họ bán chứ có tặng đâu. Có điều hay thế này, khi tôi đi bán đĩa, chưa ai từ chối cả. Nhưng mà im lặng. Qua đó để thấy, có thể, thằng mõ cũng có cái gì đấy, có thể, sau này người ta gọi nhạc sĩ Ngọc Đại là Thằng Mõ, nếu thế thì thật là vinh dự.

(Trong khi tôi thu xếp đồ nghề, nhạc sĩ Ngọc Đại bước ra khỏi bóng tối, cười hề hề bảo: “Cái cô này, sao không đi làm thơ, lại đi làm cái này làm đéo gì?”. Tôi cười hi hi: “Là vì muốn “đập vỡ” bóng tối, thế thôi.”)

Bùi Mai Hạnh thực hiện

Tác giả bài viết: Hà Nội chiều muộn 12-4-2013 - Warrnambool đêm 14-4-2013