Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRIỂN LÃM SÁCH QUỐC TẾ TẠI NGA LẦN THỨ XX: NGÀY HỘI CỦA VĂN HÓA ĐỌC

(NCTG) Cuộc triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Moscow lần thứ 20 đã được khai mạc ngày 5-9-2007 và kéo dài tới 10-9 tại Trung tâm triển lãm toàn Nga (trước đây là khu Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân thời Liên Xô cũ - VDNKh).

Cuốn album “Putin” của nhiếp ảnh gia Anatoli Zhdanov đang được giới thiệu ở Hội chợ và thu hút sự quan tâm của nhiều khách tới dự

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã gửi thư chúc mừng Ban tổ chức, các thành viên tham gia hội chợ và các vị khách đến tham quan triển lãm. Ông nhấn mạnh rằng Triển lãm sách quốc tế Moscow thường niên được coi là một trong những sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa và doanh nghiệp của nước Nga.

Ngày khai mạc, Hội chợ sách đã được đón vị khách quan trọng đầu tiên của chính phủ Nga, ông Dmitri Medvedev, phó thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga, đồng thời cũng là người được coi là có thể kế vị tổng thống đương nhiệm Putin.

Độc giả và người yêu sách xôn xao mong chờ các nhà văn - những “ngôi sao” của Hội chợ - đến giao lưu và tặng chữ ký cho bạn đọc. Trong số họ, đặc biệt được hâm mộ là Dina Rubina, nữ sĩ Nga sống tại Israel và nhà văn Ba Lan Janusz Leon Wisniewski, có mặt và trò chuyện với độc giả ngày 8-9-2007. Janusz Leon Wisniewski đến dự hội chợ cùng tác phẩm đang rất hot của mình: “Người tình” - ông cũng là tác giả của cuốn sách best-seller “Cô đơn trên mạng” đã được bạn đọc Việt Nam yêu thích qua bản dịch của Nguyễn Thanh Thư (Nhà xuất bản Trẻ, 2006). Rất khó có thể chen đến kiếm một chữ ký của nhà văn này vì lượng fan hâm mộ quá lớn. Mùng 6-9, nhà văn Nga Vladimir Voinovich gặp gỡ bạn đọc để giới thiệu cuốn sách mới nói về một người lính Liên Xô đã trở thành một nông dân… Mỹ như thế nào. Mùng 7-9, Hội chợ có sự tham gia của nữ sĩ Daria Dontsova chuyên viết truyện trinh thám, kịch bản phim dựng theo truyện của bà đang chiếm một thời lượng phát sóng khá lớn trên nhiều kênh truyền hình Nga.

Điều đặc biệt của cuộc triển lãm lần này là Hội chợ sách vượt ra ngoài khuôn viên của Trung tâm triển lãm toàn Nga và lan rộng khắp thành phố với dự án “Chitai - gorod” (Thành phố đọc).  Những hoạt động trưng bày sách và giao lưu với các nhà văn không chỉ diễn ra ở Trung tâm triển lãm mà còn ở các điểm khác nhau tại thủ đô Moscow, cũng như, tại các thư viện và các câu lạc bộ. Điểm chính của Hội chợ vẫn là gian 57 và 20 ở Trung tâm triển lãm, nơi 2.500 thành viên từ 60 nước tham gia triển lãm trưng bày sách của mình trên một diện tích rộng lớn là… 32 ngàn m2!

Thành viên danh dự năm nay của Triển lãm là Trung Quốc vì năm 2007 là năm Trung Quốc tại Nga. Số lượng sách mà các nhà xuất bản Trung Quốc mang đến tham dự hội chợ thật là khổng lồ: chiếm tới một ngàn m2! Sau khi kết thúc cuộc triển lãm, toàn bộ số sách này sẽ được gửi tặng Thư viện Quốc gia Nga. Những gian sách của Trung Quốc có thiết kế đậm chất phương Đông rất ấn tượng. Những chiếc đèn lồng treo cao, những gian trưng bày có kính trong suốt tạo cảm tưởng  lung linh kỳ lạ. Một điều đặc biệt nữa là phần sách dịch Dostoevsky và Gorky được bày cùng một giá, khiến không ít người Nga mỉm cười ý nhị bởi dân Nga vốn không quen thấy hai nhà văn này được đặt cạnh nhau: lý do là vì họ thuộc hai dòng tư tưởng hoàn toàn đối nghịch.

Mùng 8-9, tại Hội chợ, rất nhiều người yêu sách - trong đó có không ít người Việt đang sống và làm việc ở Moscow - đã được thấy tận mắt nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Mạc Ngôn, tác giả của “Cao lương đỏ”, “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình” mà độc giả Việt Nam rất yêu thích.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ, có chương trình trao giải thưởng “Những cánh buồm đỏ thắm” đối với những tác phẩm viết cho thiếu nhi và tuổi teen hay nhất, giải thường “Aleksandr Nevsky” đối với các tác phẩm đề tài lĩnh vực lịch sử Nga…

Hội chợ - Triển lãm cũng quan tâm rất chu đáo đến bạn đọc thiếu nhi. Ngày 8-9, trên sân khấu lớn của Hội chợ, diễn ra một buổi lễ hội ca nhạc cho trẻ em. Các bạn đọc nhỏ tuổi có dịp giao lưu với những nhà thơ, nhà văn là cộng tác viên cho các tạp chí thiếu nhi “Murzilka”, “Misha”, “Igra I deti”… Hội chợ mở hẳn một khu vui chơi cho các em để các bậc phụ huynh có thể ung dung tham quan phần sách người lớn mà không quá phải bận tâm đến lũ trẻ.

Trong Hội chợ, giới trẻ rất ưa thích phần giới thiệu một dịch vụ tiện ích cho thế hệ trẻ năng động: sách dành cho điện thoại di động (mobilebook). Loại sách này có thể tải từ trên mạng đưa vào điện thoại và đọc bất cứ nơi nào.

Trong những ngày diễn ra Hội chợ, hàng ngày có tới 200-250 ngàn người yêu sách đến khu Triển lãm. Để đáp ứng nhu cầu tiếp cận các tác phẩm mới, Ban tổ chức đã phải đặt đến 200 ki-ốt sách nhỏ ở không gian giữa các gian hàng trưng bày. Độc giả các lứa tuổi đến thăm Triển lãm đều ra về với sự hài lòng rõ rệt vì không những có thể mua được sách mới của những nhà văn họ hâm mộ, mà họ còn được hòa vào không khí vui nhộn, dí dỏm, hài hước trong các cuộc giao lưu với các "thần tượng" của mình.

Hội chợ - Triển lãm sách Quốc tế Moscow thực sự là một ngày hội đối với người dân và cả những vị khách của thành phố này. Nhìn dòng người nườm nượp đi giữa các gian sách không lúc nào ngơi, có thể hiểu tại sao Moscow được mệnh danh là “Thành phố đọc”! (*)

Ghi chú:

(*) Trong 6 tháng đầu năm 2007 tại Nga, đã có 52.000 đầu sách được in và đây là một con số vượt bậc so với năm ngoái. Ước tính, trong năm này, sẽ có khoảng 105-110 ngàn đầu sách được xuất bản, khiến Liên bang Nga giữ vững vị trí là một trong năm nước đứng đầu thế giới trong ngạch xuất bản sách, ngang ngửa với Mỹ, Trung Quốc, Anh và Đức. Trong các toa tàu điện ngầm đông người ở Moscow, có thể thấy gần như hành khách nào cũng cầm trong tay một tờ báo hoặc một cuốn sách, mê mải đọc suốt cuộc hành trình.

Tác giả bài viết: Mạc Thủy tổng hợp từ báo chí Nga - Moscow, ngày 10-9-2007