TRANH CỔ ĐỘNG, SỬ BIÊN NIÊN CỦA MỘT THỜI
- Thứ tư - 02/02/2011 00:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ “cổ động” được Tự điển tiếng Việt giải nghĩa là hình thức tuyên truyền, vận động nhằm lôi cuốn số đông tham gia vào những hoạt động xã hội, chính trị nào đó, bằng cách vận dụng những phương tiện như sách báo, phim ảnh, kịch, v.v...
Theo cách hiểu ấy, tự cổ chí kim, hiếm chính quyền nào, nhà nước nào và lãnh tụ nào lại không vận dụng những biện pháp cổ động để đạt được mục đích của họ. Lịch sử Việt Nam cũng ghi lại nhiều HÀNH VI CỔ ĐỘNG như vậy, chẳng hạn việc Lý Thường Kiệt sai người vào đền thờ anh em Trương Hống, Trương Hát ngâm bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” để cổ vũ quân dân trong trận chiến chống quân Tống.
Hoặc, sự tích Nguyễn Trãi cho người lấy mỡ viết vào lá cây trên rừng tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi), để kiến, sâu ăn mỡ khoét lá rỗng thành chữ, lá rụng trôi theo dòng nước đến khắp mọi nơi khiến trăm họ tin tưởng, đồng lòng theo Lê Lợi chống giặc Minh.
Trong lịch sử hiện đại, nghệ thuật cổ động rất phổ biến tại các quốc gia XHCN (cũ), khi quyền lực được tập trung trong tay một đảng cầm quyền, và đường lối văn nghệ cũng được định hướng để theo đuổi những mục tiêu do nhà nước đề ra. Với những điểm đặc thù và tương đồng ở nhiều nước thuộc khối Warsaw, nhưng nếu xét trên khía cạnh hiệu quả, Liên Xô (cũ), CHDC Đức (cũ) (*), Trung Quốc, Bắc Hàn... nổi bật như các bậc thày trong nghệ thuật cổ động, tuyên truyền, với những tác phẩm văn học, điện ảnh, báo chí, những màn trình diễn thể dục ngoạn mục hiếm thấy.
Riêng tại Việt Nam, TRANH CỔ ĐỘNG cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong mọi giai đoạn hình thành và phát triển của nhà nước XHCN, kể từ thuở khởi đầu cho đến tận ngày nay. Gần bảy thập niên nay, thông qua những bức tranh phản đối chiến tranh, cổ vũ cuộc sống mới, con người mới, ca ngợi lãnh tụ..., tranh cổ động nhiều khi đã vượt quá khuôn khổ của nhiệm vụ minh họa, tuyên truyền, xung kích, chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng - Nhà nước đến người dân, để trở thành một phần đáng kể trong đời sống tinh thần cư dân thời chiến và những năm đầu thời hậu chiến.
Đối với người đương thời - tranh cổ động với nội dung đơn giản, dễ hiểu và hàm súc, cách thể hiện khỏe khoắn và đậm tính hình tượng, chữ nghĩa cô động, khúc chiết - đã mang sức thuyết phục đáng kể, góp phần vận động hữu hiệu sức người, sức của cho những mục tiêu chung do chính quyền đề ra. Qua tranh cổ động, hậu thế có dịp tiếp cận bức tranh toàn cảnh về “một thời đạn bom - một thời hòa bình”, với tất cả những vinh, nhục, buồn vui, những gian nan và cam go, và cả những sai lầm và thiển cận không tránh khỏi của một thời kỳ lịch sử...
Tái hiện một góc lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam qua những bức tranh cổ động, đó là mục đích của CLB ASIATICUS - VINAPHUNU khi tổ chức Triển lãm nhỏ Tranh cổ động Việt Nam nhân dịp đón xuân Tân Mão. Đây cũng là dịp để khán giả ngoại quốc có dịp tìm hiểu về những thông điệp, hình ảnh của một thời, và nắm bắt được hơn - qua ngôn ngữ của một loại hình nghệ thuật tạo hình đặc biệt - những gì từng diễn ra trên mảnh đất chữ S - Việt Nam!
(*) Một số tranh cổ động của Đông Đức cũng có mặt tại triển lãm lần này.
Triển lãm khai mạc vào hồi 17 giờ thứ Bảy 5-2-2011 và kéo dài đến ngày 5-3-2011, tại địa chỉ: CLB ASIATICUS, phố Schönflierβer số 7, 10439 Berlin, CHLB Đức. Toàn bộ số tiền thu được do bán tranh sẽ được gửi đến báo “Phụ nữ Việt Nam” nhằm giúp đỡ những trẻ em thất học tại các gia đinh khó khăn.