Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRANH CHỮ VÀ ÔNG ĐỒ

Cùng với cành đào, bánh chưng thì câu đối, mực Tàu, giấy đỏ và ông đồ là những hình ảnh luôn gắn liền với Tết trong tâm thức của người Việt Nam.

Tác phẩm thư họa “Đức giả bản – Đức duy hinh” (Đức là gốc, chỉ đức mới ngát hương) của nhà thư họa nổi tiếng Lê Xuân Hòa

Xin chữ, cho chữ, treo tranh chữ là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung.

Mỗi khi Tết đến, nhà nhà treo chữ „Phúc“ chữ „Lộc“ cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn; cha mẹ thì xin chữ „Đạt“ chữ „Nhân“ mong cho con cái thi cử đỗ đạt, công thành danh toại; con cháu biếu ông bà, cha mẹ chữ „Thọ“ chữ „ Hiếu“ để tỏ lòng hiếu kính với các bậc sinh thành; bạn bè tri kỷ tri âm thì tặng nhau một chữ „ Tâm “ chữ „ Nhẫn“; nam thanh nữ tú thì một câu thơ hay để tỏ nỗi niềm hay một câu chữ trong kinh sách mà mình tâm đắc…

Đối với người phương Đông, khi nói đến thư pháp, chúng ta thường nghĩ đến nghệ thuật viết chữ Hán. Chỉ với cây bút lông, mực xạ và giấy xuyến chỉ, người Trung Hoa đã nâng nghệ thuật viết chữ đạt đến mức thượng thừa mang tính triết học, mỹ học và thiền học.

Điểm đặc biệt của thư pháp là sự giản đơn, chỉ là thỏi mực được mài với nước lã trong nghiên mực, rồi bút lông và giấy xuyến chỉ hay quạt, lụa trắng, mành tre...mà thôi. Thư pháp gia điêu luyện trong việc sử dụng bút lông và khai thác triệt để 10 lối viết: „Ức - nhấn xuống“, „Dương - nâng lên“, „Đốn – dè dặt“, „Tỏa - hạ xuống“, „Trì - chậm lại“, „Tốc – nhanh như chớp“, „Hoàn - trả lại“, „Khẩn - vội vã“, „ Kinh - nhẹ nhàng“, „Trọng - nặng nghìn cân“ để tạo ra màu đen ở những cung bậc khác nhau trên nền giấy trắng hay lụa trắng làm nổi bật sự tương phản biểu tượng cho thuyết Âm Dương.

Thư pháp gia lòng phải tĩnh, tâm phải lặng, để hết mình vào chữ sắp viết, tập trung toàn thể tâm ý, điều hòa khí lực sao cho „Tâm bút hòa nhất“, lúc đó ngọn bút xuất thần tạo nên những đường bút bay bổng mà đầy đặn, rắn rỏi, mạnh mẽ mà đầy biến hóa đem lại cho bức thư họa một vẻ đẹp ảo diệu, thâm sâu. Đối với một bức thư họa, hình thức gây nhiều mỹ cảm nhất là „bất toàn“ và „trống không“. Trong vẻ đẹp tĩnh lặng của một bức thư họa chúng ta, những kẻ thưởng ngoạn, sẽ tự chiêm nghiệm để thấu hiểu được quy luật: Thành - Thịnh – Suy - Hủy của vạn vật muôn đời chỉ qua một vài nét bút tài hoa, để cảm nhận được cái vô cùng vô tận của vũ trụ.

Bởi vậy, vẻ đẹp của một bức thư họa chính là ở sức gợi mở của nó.

Bởi vậy, thư họa chính là một thú chơi tao nhã của tao nhân mặc khách từ ngàn xưa.

Với hàng nghìn năm Bắc thuộc, văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.

Nền Hán học và chữ Nho chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam. Khoa bảng, thi cử… đều dùng chữ Hán để sát hạch và làm khuôn mẫu (từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919). Vì thế, các nhà Nho dù sống thanh bần nhưng luôn chiếm một vị trí trong xã hội, được tôn trọng và vinh danh. Và như vậy thư pháp Việt Nam chủ yếu là thư pháp chữ Hán.

Gần đây, thư pháp Việt Nam không chỉ có thư pháp chữ Hán mà còn thêm thư pháp chữ Việt. Tuân thủ những quy định chung của nghệ thuật thư pháp, khác với Hán tự là bộ chữ vuông, mang tính tượng hình và viết dọc từ phải sang trái, tiếng Việt tượng thanh và mẫu tự La Tinh của tiếng Việt hình tròn, dài cùng các dấu móc và các thanh (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã), viết ngang từ trái qua phải, nên thư pháp Việt đã tạo được những ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho người thưởng ngoạn. Đặc điểm của thư pháp Việt là bố cục lỏng, không bó buộc trong khối vuông mà ta vẫn quen nhìn ở thư pháp Hán – Nôm, thư họa Việt đã đem lại sức biểu cảm mỹ học đáng kể và mang lại hiệu quả nghệ thuật cao từ góc độ hình ảnh.

Qua những thăng trầm của lịch sử, sự biến thiên của thời gian, những năm tháng tao loạn, nhọc nhằn… hình ảnh ông đồ với mực Tàu giấy đỏ bên một góc phố cổ hay chợ quê ngày Tết với những nét chữ rồng bay phượng múa trong một không gian ngập tràn hoa đào và khói pháo của những ngày xưa… vẫn không phai mờ trong tâm tưởng của mỗi người Việt chúng ta. Ông đồ là biểu tượng của dòng chảy thời gian, dòng chảy văn hóa của cả một dân tộc. (*)

(*) Bài viết của chị Hoài Thu, chủ nhiệm CLB Phụ nữ Việt Nam tại Berlin (Vinaphunu Asiaticus), đọc tại khai mạc Triển lãm Tranh chữ (31-1 - 28-2-2009) do CLB tổ chức nhằm quyên tiền ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam.

Tác giả bài viết: Hoài Thu, từ Berlin