TRẦN TIẾN VÀ “NHỮNG ĐÔI MẮT MANG HÌNH VIÊN ĐẠN”
- Thứ ba - 17/02/2009 08:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhớ lại những năm tháng ấy, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam Nguyễn Thuy Kha hồi tưởng:
"Sau mùa xuân căng thẳng năm 1979, tôi viết bài thơ : “Mười bốn ngày ăn không đủ suất trẻ con - đi bằng người lớn - Im lặng như người già... Trẻ con của Cao Bằng - Là những người chiến thắng - Giữa lũ lượt gánh gồng sơ tán - Ngược đường chúng tôi lên mặt trận sớm nay”.
Bỗng nghe văng vẳng trên loa truyền thanh: “Đoàn quân vừa đi - Đi về biên giới - Cũng từ biên giới về - Những bầy trẻ nhỏ… Từng đôi mắt sáng lên, cháy lên như hình viên đạn…” Người viết giai điệu đồng cảm xúc với tôi chính là Trần Tiến".
2. 1979. Việt Nam khi ấy vừa độc lập được vài năm, đã sạch bóng thù, song khó khăn vẫn chồng chất trong kinh tế và ngoại giao, và chinh chiến từ ngoại bang vẫn còn đe dọa. Hòa bình được ít lâu, hết cảnh nồi da xáo thịt lại vướng vào những cuộc chiến biên giới liên miên, phía Tây Nam rồi phía Bắc. Như lời than của Trần Đăng Khoa, sau đó hai năm, trong "Thư tình người lính đảo":
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Con người Việt Nam xưa nay, qua bao cuộc chiến chinh, rất thấu hiểu cái giá của hòa bình và quá biết chiến tranh không phải trò đùa. Nhưng vào thời điểm ấy, những người lính - như tiền nhân của họ trước đó gần 120 năm, nếu không phải ra trận có lẽ cũng chỉ biết "cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó" ("Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", Nguyễn Đình Chiểu) -, lại phải buộc cầm vũ khí, phần nhiều không phải vì những sứ mệnh lịch sử màu mè, hay vì những lý tưởng trừu tượng xa vời, mà chính vì những gì gần gũi nhất: ánh mắt mẹ già, em thơ, và qua đó, đôi mắt của quê hương, của những gì thiêng liêng nhất.
3. Trước Trần Tiến, Nguyễn Đình Thi trong thi phẩm nổi tiếng "Đất nước", đã có hai câu thơ xuất thần với hình ảnh đôi mắt thân thương trong thời ly loạn:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Cũng như thế, nhưng dồn dập hơn và khốc liệt hơn, dù dung dị, trong ca từ của Trần Tiến, là đôi mắt xuyên suốt ca khúc, và dõi theo mỗi bước chân của người lính. Ở đây, không còn là hình ảnh đôi mắt lãng mạn, ước lệ kiểu "dìu dịu buồn Tây Phương" và "u ẩn chiều lưu lạc - buồn viễn xứ khôn khuây" của người em gái trong "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng. Mà là những đôi mắt cháy bỏng, thôi thúc, khiến người lính chỉ còn biết lặng im:
Đoàn quân vội đi,
đi về biên giới,
cũng từ biên giới về, những bầy trẻ nhỏ.
Đoàn quân lặng im,
nhìn đàn em bé,
từng đôi mắt đen xoe tròn,
từng đôi mắt mang hình viên đạn,
từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn,
từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân
Người chiến sĩ hãy giữ lấy!
Nét nhạc trầm hùng và dồn dập theo nhịp đi, gợi hình ảnh trùng trùng điệp điệp đoàn quân ra trận và cảm giác về muôn vàn gót chân những nạn nhân chạy loạn thời chiến:
Đoàn quân vội đi,
đi về biên giới,
cũng từ biên giới về, bao người mẹ già.
Đoàn quân lặng im,
ngược dòng người đi,
một đôi mắt bao lần tiễn biệt
một đôi mắt bao lần ước hẹn,
một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa.
Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân.
Kịch tính được nhạc sĩ đẩy đến tận cùng để rồi đọng lại ở khổ cuối, ngắn gọn và xác quyết, khi tình thương yêu và đau xót biến thành lòng căm giận, động lực chiến đấu của người cầm súng:
Người chiến sĩ hãy giữ lấy!
trút lên quân xâm lược dã man...
4. Trần Tiến có nhiều ca khúc về tình yêu tổ quốc, về người lính trong chiến đấu và thời hậu chiến, đa phần đều thấm đượm tính nhân văn, nét nhạc trữ tình. Riêng "Những đôi mắt mang hình viên đạn" bạo liệt hơn về ca từ và mạnh mẽ hơn về nhạc điệu, ý tứ dù không thật mới, nhưng sự thể hiện rất hiệu quả và ấn tượng.
Mỗi cuộc chiến, mỗi thời đại đều có những tác phẩm mang tính cổ động, minh họa cho những gì diễn ra và cho dù sự hiện diện của chúng là cần thiết và dễ lý giải, nhưng tuổi thọ của chúng đa phần thì không bền, khó trụ lại với thời gian. "Những đôi mắt mang hình viên đạn" ở ranh giới một tác phẩm của thời cuộc, nhưng có lẽ chất lửa và nội dung nhân văn của nó đã khiến nó là một trong số ít ỏi những ca khúc có nội dung trực tiếp về cuộc chiến biên giới Việt – Trung mà giờ đây vẫn được nhớ tới, thậm chí được thu âm lại, cho dù sự thể hiện của giới ca sĩ thời bình không thể có hồn như các bậc đàn anh của họ ở thời điểm bài ca ra đời.
Dầu sao, vẫn nên nghe "Những đôi mắt mang hình viên đạn" để ghi nhớ một thời, để cảnh giác và để cầu mong đừng bao giờ chúng ta còn phải chứng kiến những đôi mắt tiễn biệt, ước hẹn, cầu khẩn và uất hận như của các em thơ, mẹ già trong ca khúc. Bởi lẽ, mượn ý một đồng đội của Trần Tiến, nhà thơ Nguyễn Duy, trong thi phẩm "Đá ơi" sáng tác sau mốc 1979 tròn một thập kỷ:
Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng nhân dân đều bại. (*)
(*) Bài viết đã được trích đăng trên chuyên trang "Tuần Việt Nam" của mạng "VietNamNet".