TRĂM NĂM CÂY CỔ GIỮA NGÀN NĂM
- Thứ hai - 30/03/2015 11:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Với mỗi làng cổ, phố cổ, thì những dáng cây còn đó, gắn với mảnh hồn quê bao trăm năm qua đến ngàn năm. Dáng cổ thụ đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người con Hà Nội và cả những người nhớ thương Hà Nội”.
Cây đa phố Hàng Gai - Ảnh: Thu Vân
Thăng Long ngàn năm văn vật được nhắc đến với văn hóa, con người, cảnh vật và dĩ nhiên, sẽ không thể thiếu hình ảnh những dáng cây cổ thụ đã đứng lặng lẽ như một người ký sử từ ngàn năm, từ trăm năm… tới nay.
Những cây cổ thụ vừa làm đẹp cảnh quan môi trường, vừa là mang giữ đời sống văn hóa, tâm linh và cả những giá trị lịch sử, thẩm mỹ đất Hà Thành.
Đất Hà Nội nay còn có những cây cổ thụ ngàn năm tuổi như cây đa đình làng Rùa (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì), những cây muỗm tại đền Voi Phục (đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ.)
Không khó lý giải cho việc rất nhiều cây cổ thụ vài trăm năm tới ngàn năm thường là đa, bồ đề, muỗm,… Bởi lẽ khi xây dựng đền chùa miếu mạo, nhân dân Việt ta đã biết chọn lấy những thứ cây có sức sống dẻo dai, tuổi thọ cao để trồng làm cảnh quan. Đó cũng là ước mơ về sự trường tồn mà hồn người gửi gắm vào lòng đất.
Người Việt thường quan niệm “thần cây đa, ma cây gạo”, bởi lẽ đó, những cây đa được trồng ở bên cạnh rất nhiều di tích như biểu tượng của thần quyền và tâm linh. Giữa lòng Hà Nội giờ còn có những cây đa cổ thụ nổi tiếng, vừa vì tuổi đời của cây, vừa vì cây gắn liền với những sự kiện lịch sử giữ nước, dựng nước của dân tộc Việt.
Cây đa lông trong khuôn viên tòa soạn báo “Nhân Dân” (số 71, Hàng Trống) từng được mệnh danh là “cây đa số 1 Đông Dương”, tuổi đời trên 300 năm, chu vi thân khoảng 20 mét với 6 nhóm rễ phụ lớn, cây cao hơn 30 mét. Thời thuộc Pháp, tướng Morlière đã xây dinh thự nơi này. Gần gốc đa là tấm biển ghi nhớ trận chiến đấu oanh liệt đêm 24 rạng ngày 25-12-1946 của các chiến sĩ vệ quốc quân trong trận Hà Nội 1946. Hiện nay cây đa này nằm trong danh sách được Công ty Công viên Cây Xanh TP. Hà Nội chăm sóc đặc biệt.
Cây đa đền Bà Kiệu (số 59, Đinh Tiên Hoàng) trông ra Hồ Gươm. Cây đa này có từ thế kỷ 17, cùng thời gian xây dựng ngôi đền. Trong lòng cây đa xưa kia là cây gạo lớn, vết tích bây giờ chỉ còn một hõm sâu. Tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” được đặt cạnh đó.
Cây đa đình Cổ Vũ (số 85, Hàng Gai): Bia đá trong đình ghi rõ những thời điểm trùng tu, sửa chữa nhiều lần mà ngôi đình đã trải qua như các năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778), Tự Đức năm Tân Tỵ (1881).
Cây đa búp đỏ trong công viên Bách Thảo: Cây còn được gọi là “cây cảm xạ”, bởi các cảm xạ viên thuộc CLB Cảm xạ học Hà Nội, bằng những phương tiện và phương pháp của mình, đã khẳng định nơi gốc đa này tồn tại một nguồn năng lượng rất mạnh. Các cảm xạ viên thường tập trung quanh gốc đa, luyện tập hấp thu năng lượng từ đất và cây với mục đích dưỡng sinh chữa bệnh.
Cây đa đền Ngọc Sơn (Đảo Ngọc, Hồ Gươm): Cây đa này cũng trên dưới ba trăm năm tuổi, xấp xỉ với cây đa trong trụ sở báo “Nhân Dân”. Năm 1977, trận bão lớn làm cây bị bật gốc. Nhiều người đã gắn bó với cây không cầm được nước mắt vì sự kiện này. Đội kích kéo từng xây dựng cầu Thăng Long đã được điều đến “cứu” cây, nâng đặt lại vị trí cũ.
(…) Hà Nội ngày nay được mở rộng, khi nói tới cây cổ thụ lại càng nhiều hơn. Với mỗi làng cổ, phố cổ, thì những dáng cây còn đó, gắn với mảnh hồn quê bao trăm năm qua đến ngàn năm. Dáng cổ thụ đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người con Hà Nội và cả những người nhớ thương Hà Nội.
(*) Trích trong bản thảo bộ sách về cây (chưa xuất bản) của tác giả Tuệ An. NCTG đăng tải với sự cho phép của tác giả và NXB Kim Đồng, trên tinh thần “hy vọng Hà Nội xanh, Việt Nam xanh” (Tuệ An).