TRÀ CHANH “CHÉM GIÓ”: KHI CHUYÊN GIA KINH TẾ NÓI CHUYỆN BẢO TỒN
- Thứ hai - 07/08/2023 14:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Văn hóa vỉa hè là một đặc trưng đã in sâu vào đời sống xã hội của người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Vì thế vấn đề đặt ra cho các chiến dịch “giành lại vỉa hè” là chúng ta giành lại vỉa hè cho ai? Và người đi bộ có nên là đối tượng duy nhất được sử dụng không gian vỉa hè hay không?”.
(Nhân buổi giao lưu vỉa hè giữa Martín Rama và Nguyễn Vũ Hải)
Tối ngày 30/7, chuyên gia kinh tế Martín Rama cùng Nguyễn Vũ Hải - người sáng lập dự án “Kể chuyện trong đô thị” đã có một buổi giao lưu, “chém gió” với chủ đề VỈA HÈ - NƠI CUỘC SỐNG MỞ RA tại 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Buổi giao lưu đặc biệt này được diễn ra trên vỉa hè, cùng ghế nhựa, trà chanh và âm nhạc đường phố ngẫu hứng. Hai diễn giả với sự khác biệt về tuổi tác và nghề nghiệp, đã chia sẻ cũng như mở ra nhiều góc nhìn khác nhau trong vấn đề bảo tồn văn hóa vỉa hè cho Hà Nội.
Văn hóa vỉa hè xưa nay vẫn là một đề tài gây tranh cãi trong vấn đề phát triển đô thị. Ở Việt Nam, chúng ta đã có nhiều chiến dịch giành lại vỉa hè và các chiến dịch này hầu như đều kết thúc thất bại. Điều đó cho thấy văn hóa vỉa hè là một đặc trưng đã in sâu vào đời sống xã hội của người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Vì thế vấn đề đặt ra cho các chiến dịch “giành lại vỉa hè” là chúng ta giành lại vỉa hè cho ai? Và người đi bộ có nên là đối tượng duy nhất được sử dụng không gian vỉa hè hay không?
Cuộc trò chuyện được mở đầu một cách dí dỏm, khi giới thiệu chuyên gia kinh tế World Bank Martín Rama đã quyết định bắt tay cùng cử nhân kiến trúc Nguyễn Vũ Hải mở một quán trà chanh vỉa hè. Ở thời điểm đó, họ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa vỉa hè cũng tương đương như việc bảo vệ công việc kinh doanh của họ. Thật vậy, giá trị đầu tiên dễ thấy nhất mà vỉa hè ở Hà Nội mang lại là giá trị kinh tế cho các tiểu thương. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, sự sôi động và phong phú của vỉa hè Hà Nội còn mang lại nhiều giá trị vĩ mô hơn về văn hóa - kinh tế - xã hội, trong tiến trình phát triển đô thị của Hà Nội.
Về văn hóa - xã hội, Martín Rama cho rằng vỉa hè Hà Nội là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động của người dân. Với đặc thù nhà cửa chật hẹp, người dân trong các khu phố trung tâm thường có xu hướng mang nhiều hoạt động sinh hoạt cá nhân ra vỉa hè: ăn uống, gặp gỡ, trẻ con chơi đùa, người già tập dưỡng sinh, người lao động nghỉ ngơi… Điều đó khiến cho đời sống trên vỉa hè ở những khu vực này trở nên đặc biệt sôi động và phong phú.
Martín Rama chia sẻ: “Các triết gia thường bắt đầu việc suy nghĩ của mình bằng đi bộ. Và sự phong phú gần như hỗn loạn của vỉa hè Hà Nội khiến cho việc đi dạo ở đây trở nên đặc biệt kích thích. Nó khiến não bộ phải tập trung và phản ứng cùng lúc với việc tận hưởng những gì diễn ra trên phố, từ đó có thể nảy sinh rất nhiều tư duy và sáng tạo. Cuốn sách đầu tiên của tôi viết về Hà Nội (“Hà Nội, một chốn rong chơi”) cũng được bắt đầu từ những cuộc dạo chơi như vậy”.
Bất cứ điều gì cũng có thể diễn ra trên vỉa hè Hà Nội, và đó chính là một đặc điểm khiến Hà Nội trở nên đặc biệt. Martín cũng ủng hộ việc thành phố mở các tuyến phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm. Ông cho rằng đây là một cách để những người dân không sống ở khu vực trung tâm cũng có thể dễ dàng tận hưởng được không khí vỉa hè đặc biệt của khu vực này.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Vũ Hải lại có mối bận tâm khác. Anh cho rằng hiện tại văn hóa vỉa hè và phố đi bộ chỉ đặc biệt hấp dẫn ở quận Hoàn Kiếm. Điều đó vô tình khiến mức độ tập trung về khu vực này trở nên quá cao vào những ngày có phố đi bộ. Vùng vành đai khu vực trung tâm do đó sẽ trở thành nơi phải chịu áp lực do phố đi bộ gây ra (bãi đậu xe, tắc đường, giao thông hỗn loạn…), vô tình kéo chất lượng cuộc sống ở những nơi này đi xuống. Anh cũng thắc mắc rằng: “Vỉa hè quanh hồ Gươm thường là nơi nghỉ trưa của các bác xích lô, xe ôm. Nhưng vào những ngày có phố đi bộ thì không biết họ sẽ đi đâu? Việc cạnh tranh giữa các tiểu thương buôn bán dựa vào vỉa hè cũng không thật sự là một môi trường công bằng cho tất cả mọi người…”. Từ đó, Hải đặt ra vấn đề là làm thế nào để vỉa hè của các quận khác cũng trở nên hấp dẫn với người dân?
Lý giải tại sao vỉa hè của các quận trung tâm, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm lại có thể hấp dẫn người dân đến thế? Martín Rama cho rằng, ngoài việc tập trung nhiều di sản, di tích thì các khu phố có vỉa hè sống động nhất thường là những khu phố cho phép người ta tiếp cận tới bất cứ nhu cầu nào chỉ bằng khoảng cách vài bước chân. Khu phố cổ Hà Nội có đặc điểm đan xen đa dạng nhiều chức năng. Các căn nhà với tầng 1 được sử dụng là nơi buôn bán trong khi các tầng cao hơn là nơi sinh sống của người dân, điều đó cho phép các khu phố này luôn tấp nập và nhộn nhịp.
Trong khi các khu phố tập trung theo từng chức năng thường sẽ “chết” vào một khung giờ nhất định trong ngày. Ví dụ các khu phố văn phòng, cửa tiệm sẽ trở nên vắng lặng vào buổi tối khi mọi người về nhà. Thông qua quan sát, ông cũng nhận thấy rằng chức năng của vỉa hè được chia ra theo khung thời gian. Con phố Tôn Thất Thiệp nơi ông ở có vỉa hè buổi sáng dành cho họp chợ, các khung giờ khác dành cho quán ăn, người chạy bộ, quán trà đá… Việc chia khung thời gian này khiến cho người được hưởng lợi ích từ vỉa hè là tối đa. Tất nhiên cũng khó tránh khỏi những mặt trái gây phiền phức như anh Hải đã nêu ra, nhưng ông tin rằng những vấn đề này sẽ được cải thiện theo thời gian.
Lạm bàn xa hơn chủ đề chính, Martín Rama đề cập tới khái niệm cảm thức về nơi chốn (sense of place) - một khái niệm được đưa ra bởi Jane Jacobs trong cuốn “Cái chết và sự sống của các thành phố lớn nước Mỹ” (Death and Life of Great American Cities). Martín cho rằng hầu hết các thành phố chỉ có 1 khu vực trung tâm giống như quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Chúng ta không nên hy vọng có thêm nhiều “quận Hoàn Kiếm”. Thay vào đó, chúng ta có thể nghĩ đến việc giữ gìn cảm thức về nơi chốn, thông qua việc bảo tồn các khu tập thể (KTT), hoặc các căn nhà Pháp vốn có rải rác khắp thành phố.
Về kiến trúc, các khu tập thể và các căn nhà Pháp này tuy không đạt đủ điều kiện để trở thành di sản, nhưng chúng góp phần trong việc tạo nên hình ảnh đặc trưng của Hà Nội. Về mặt văn hóa - xã hội, người dân của các KTT có đời sống xã hội đặc biệt gắn bó. Họ thường xuất thân từ các gia đình làm chung cơ quan, bộ, ban ngành…
Sân chung của các KTT là nơi để hàng xóm gặp gỡ, trẻ em chơi đùa. Những điều này cũng giống như đời sống vỉa hè ở các khu vực trung tâm, góp phần tạo nên bản sắc và cá tính cho Hà Nội. Để bảo vệ cảm thức về nơi chốn, các nhà hoạch định cần phải lưu ý các điểm sau: duy trì, tạo ra các khu vực công cộng cho cộng đồng, duy trì các khu phố đa chức năng, không đẩy người dân khu vực đó đi chỗ khác, duy trì đời sống xã hội của khu vực đó.
Trong 1 tiếng đồng hồ, ý kiến của hai diễn giả chỉ có thể dừng lại ở mức độ gợi ý và mở ra vấn đề. Tín hiệu đáng mừng là đã có rất nhiều khán giả nhiệt tình chia sẻ ý kiến, trong đó nhiều bạn trẻ cho thấy mối quan tâm nghiêm túc đến việc bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Kết thúc buổi giao lưu, hai diễn giả cùng khán giả đã có thể đi đến một số kết luận chung như sau:
- Văn hóa vỉa hè nên được bảo tồn như là một di sản của Hà Nội. Nó góp phần làm nên cá tính của thành phố, đem lại nhiều mặt giá trị cho người dân và thu hút những người có tài tới đây sinh sống.
- Đời sống vỉa hè ở Hà Nội hấp dẫn bởi sự đa dạng phong phú của nó, vì thế không nên đóng khung nó cho một mục đích và một nhóm đối tượng nhất định.
- Bảo vệ cảm thức về nơi chốn cũng là bảo vệ cá tính đặc sắc của thành phố. Theo đó, di sản không chỉ là các toà nhà đặc biệt về kiến trúc hay lịch sử mà có thể là bất cứ điều gì, vô hình hay hữu hình, tạo nên đặc điểm của thành phố.
Sự kiện giao lưu được tổ chức bởi Công ty Tri Thức Trẻ Books và tác giả Martín Rama, nhằm hưởng ứng việc ra mắt cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội” của ông. Đây có thể là chương trình mở đầu cho một chuỗi các sự kiện liên quan đến bảo tồn di sản và phát triển đô thị trong tương lai mà tác giả Martín Rama thực hiện, vì tình yêu Hà Nội.