Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“TÔI THẤY TÔI THƯƠNG NHỮNG CHUYẾN TÀU”

(NCTG) “Bây giờ ai đọc kịch bản hay truyện gốc của những bộ phim trong khi có thể đi xem phim cho rồi? Nhưng đọc câu chữ trong sách lên, dường như không gian mà bộ phim đã có đột nhiên hiện lên rực rỡ hơn, ám ảnh hơn, có chiều sâu hơn.”

Tác giả trên sân ga Keleti, bên con tàu tốc hành Budapest – Viên - Ảnh: Trần Lê


Một năm sắp cạn ngày. Tôi giật mình nghĩ đến chuyến đi châu Âu mới đầu năm mà giờ đã như năm nào. Chuyến đi ấy tôi có ghé qua Budapest trên con tàu tốc hành từ Viên sang, và xúi quẩy thế nào mà tôi chỉ ở thủ đô Hungary được có vài tiếng đồng hồ. Rồi mấy tháng sau, cảm xúc vẫn còn ăm ắp, tôi dự định viết một ký sự về chuyến tàu đi và về trong ngày đó, cái ngày trời lạnh giá đột ngột, khi ở Budapest dường như chỉ -10 độ C. Nhưng ký sự của tôi mới chỉ dừng ở nước Áo mà chưa viết đến phần nước Hung, cho dù đã nhắc đến ấn tượng về Ðế chế Áo - Hung và bà hoàng Sisi.

Căn nguyên là bận quá. Một trong những thứ làm tôi bận là lao vào thực hiện bộ sách Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới . Tình cờ mà trong loạt đầu tiên, có cuốn “Bức thư của người đàn bà không quen” (1). Cuốn ấy còn có cả “24 giờ trong đời một người đàn bà” (2), cả hai đều đã thành phim. Truyện đầu có bối cảnh Viên. Tôi lại gặp Viên lần nữa, thành phố tôi chỉ ở mấy ngày, thành phố quá nhiều lâu đài, nhà to nhưng lại quá ít người ở. Có đêm tôi dự định đi tàu điện vòng quanh thành phố, vì nhìn thấy bản đồ thành Viên có Ringstrasse – như kiểu đường vành đai hay vòng tròn, thực tế là đường trục đi qua các công trình lớn của đô thành – đường tàu điện chạy dọc tuyến này. Nhưng qua rất nhiều bến thì tới một chỗ chẳng biết là đâu, tàu dừng lại. Đoán chắc là bến cuối, nghĩ nửa đêm rồi dừng ở đây thì mình biết về lại chỗ cũ thế nào. Lò dò đi lên chỗ người lái tàu thì thấy một cậu có vết xăm ở cổ, bấm lỗ tai lỗ mũi trông rất dữ tướng. Tôi rụt rè hỏi có quay lại không thì hắn chỉ bảo đợi. Cả đoàn tàu có lẽ chỉ có mỗi tôi cũng nên. 15 phút sau tàu lộn lại theo đường ray bên kia chứ không đi vòng quanh thành phố nữa.

Stefan Zweig chắc cũng từng ngồi trên những chuyến xe thế này. Còn bao nhiêu người nữa, những Freud, Klimt và cả Hitler? Những chuyến tàu điện đi khoan thai giữa lòng thành phố đầy những tượng danh nhân và những tòa nhà cổ buồn xám trong trời mùa đông. Nhưng bây giờ còn ai đọc Zweig nữa nhỉ? Có đồng nghiệp của tôi đọc ông xong, kêu sao mà sến quá. Ơ hay, có bao giờ sến lại tắt, đuốc Olympic còn chẳng tắt nữa là.

Chuyến tàu chở tôi từ Viên sang Budapest đi mất 3 tiếng khá vắng khách. Thì ra những chuyến tàu xuyên lục địa này đều vắng cả. Giá vé khứ hồi hóa ra còn rẻ hơn cả vé một chiều, chẳng hiểu vì sao? Gặp anh Hoàng Linh ở Budapest rồi, lúc về mua vé cho tôi, anh mới giải thích là họ khuyến khích người đi du lịch sử dụng vé khứ hồi. Nghe vậy thì biết vậy và hơi hậm hực vì chuyến tàu của mình gặp quá nhiều điều lẩm cẩm, chủ yếu là tại tôi: trễ chuyến, rồi chủ quan này nọ... Nhưng chuyện đó cũng nhỏ so với việc đã biết một đất nước trong thoáng chốc. Tàu đi qua biên giới, cũng có người kiểm tra vé và hộ chiếu, cảnh sắc hai nước cũng không mấy khác biệt, cũng những đồng quê đang phủ băng mùa đông. Ranh giới phe XHCN và TBCN một thời đây sao? Bao nhiêu cuộc chiến tranh đã cày xới những vồng đất ngoài kia?

Nhưng xuống ga Keleti (3) ở Budapest thì thấy khác. Nhà ga xây từ cuối thế kỷ 19, với phong cách kết hợp cổ điển và Nouveau Art, khung kèo sắt uốn cầu kỳ, nhưng màu sơn vàng và vẻ cũ kỹ của nó làm tôi nhớ ngay đến ga Hàng Cỏ ở Hà Nội! Trong khi ga Wien Sudbahnhof hay Wien Meidling bên Viên sáng choang và hiện đại thì Keleti cứ xâm xẩm tôi tối vàng vọt. Điều thứ nhất tôi học được là dân Hung chưa dùng đồng Euro cho dù đã gia nhập hệ thống tiền tệ chung châu Âu rồi. Điều thứ hai là điện thoại công cộng chạy bằng xu ở đây rất lởm khởm. Tôi đã mất cả đống xu (tính ra cũng mấy trăm nghìn tiền Việt) mà không gọi được cú điện nào thành công. Người Hung thì lại chả mấy ai nói tiếng Anh. Nhưng rồi cũng gặp được người cần gặp. Và ngắm được thành phố một thoáng. Budapest có phần ngoạn mục hơn Viên, các đại lộ trung tâm rộng hơn nhưng các công trình không được chăm chút bằng. Đại để là câu chuyện lịch sử của thành phố này, đất nước này đủ sức chinh phục bất cứ nhà văn nào...

Quay lại với các nhà văn và những cuốn sách. Chuyến tàu tôi đi là tàu tốc hành, ngày nay đã chạy bằng điện chứ không còn là diezel nữa. Cuốn “Chuyến tàu mang tên Dục vọng” ấy, là nói về tàu điện chạy trên phố như tàu ở Viên mà tôi đã đi. Nhưng tiếng Anh gọi là streetcar để chỉ tàu điện ở New Orleans, trong khi gọi tàu điện Viên là tram. Nhưng thôi, bỏ qua đi, tôi đã gặp những chuyến tàu ấy như một chuỗi liên quan. Chuyến tàu điện ở Hà Nội hồi nhỏ tôi đi giờ chẳng nhớ có số hiệu gì, tuyến Vọng – Cửa Nam hay Chợ Mơ – Bờ Hồ, ai còn nhớ số hiệu không? Tàu điện ở Viên tôi thấy họ tô các tuyến màu xanh, da cam hay đỏ trên bản đồ, còn tàu ở ngoài cũng màu đỏ như tàu điện Hà Nội ngày xưa. Tàu điện Viên cái nào cũng mới và sạch sẽ, người lên xuống thoải mái, có mắt đọc thẻ lên tàu nhưng chẳng ai dí thẻ cả. Tôi mua Vienna Card cho khách du lịch (thẻ này cung cấp dịch vụ giao thông hoàn toàn miễn phí), mới đầu cũng dí, sau thử không dí xem thế nào, thì chẳng thấy ai nhắc gì. Thậm chí ở ga tàu điện ngầm, các cửa chắn cũng chẳng chặn lại. Ở thành phố này, dường như quá yên bình để mà một cái thẻ có tầm quan trọng. Thế là tôi tự do tung hoành đi lại khắp Viên nhờ vào hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời ấy.


Bìa cuốn sách “Chuyến tàu mang tên Dục vọng”


Tôi nghĩ, nói một cách màu mè thì chuyến tàu điện của tôi ở Viên có lẽ mang tên Khát vọng, cũng dịch từ Desire ra. Chuyến tàu “Dục vọng” của Tennesse Williams đưa Blanche DuBois đi qua khu nhà tên là Nghĩa trang (Cemetary) để đến Miền Thiên đàng (Elysian Fields) là nơi cô em gái Stella ở trọ. Williams đã sử dụng những cái tên có tính ký hiệu học để làm nên một tác phẩm biểu tượng của văn học hiện đại Mỹ sau Thế chiến Hai. Khi tôi còn nhỏ, mang ấn tượng của những bài viết về các minh tinh hay ngôi sao màn bạc Hollywood trên các tờ tạp chí Điện ảnh, tôi tưởng những bộ phim thời trước đều chỉ toàn là diễm tình hoặc sử thi. Vì vậy tôi khá bất ngờ khi xem “Chuyến tàu mang tên Dục vọng” của đạo diễn Elia Kazan với Marlon Brando và Vivien Leigh. Đó là một chuyến du hành căng thẳng và ức chế, nhưng bùng nổ với sự thăng hoa trong diễn xuất của các diễn viên. Marlon đẹp trai đầy hoang dại trong khi Vivien hóa ra rất xuống mã so với hồi đóng “Cuốn theo chiều gió”. Nhưng họ làm người xem quên được ngoại hình – điều mà các phim Mỹ thời đó hay tô điểm quá trau chuốt – để chinh phục người xem bằng diễn xuất bạo liệt. Cuốn sách này ngẫu nhiên mà tôi thành người dịch, nhưng tôi không lạ lẫm gì, vì phim đã xem, và những vở kịch giàu tính biểu tượng vẫn là niềm yêu thích của tôi.

Lại nhớ trước khi sang Áo, tôi đã đặt vé đi xem kịch ở nhà hát Hofburg. Đấy hóa ra không phải nhà hát lớn nhất Viên. Nhà hát lớn nhất là Nhà hát Thành phố, nhưng kiến trúc bên ngoài không duyên dáng bằng nhà hát Hofburg. Có điều tôi định xem opera hay nhạc kịch, nhưng những ngày tôi ở Viên thì lại không có vở nào. Thôi thì đành xem một vở của Shakespeare, “Đêm thứ mười hai”. Hi vọng là có cái để xem. Nhà hát Hofburg quy mô cũng tương đương Nhà hát Lớn Hà Nội, đối diện Tòa Thị chính Viên, trông ra một cái sân trượt băng công cộng, chiếu đèn rực rỡ rất vui mắt. Ở cửa nhà hát có bích chương vở “Đợi chờ Godot” (4) nữa nhưng là tuần sau. Ở sảnh nhà hát có những bức phác họa của Klimt, và không có những trang trí mạ vàng hay thần tiên gì lộng lẫy cả. Nội thất toàn ốp đá màu vàng xám nghiêm nghị. Tôi bất ngờ vì cả nhà hát kín chỗ, và dân tình xem say mê, cười rần rần. Vở kịch này họ dựng theo bối cảnh hiện đại. Tất nhiên là nói bằng tiếng Đức nên với tôi nó chẳng gợi một cảm giác gì về Shakespeare cả!

Tôi nhớ lần đi xem “Bà tỉ phú về thăm quê” của Dürenmatt ở rạp Hồng Hà do Viện Goethe tổ chức. Chắc đó là buổi diễn đã được chỉnh sửa nhiều lần nên có vẻ các khâu khá nhịp nhàng và xem khá hay, nếu như so với những lời chê của một hai năm trước đó mà tôi đã bỏ lỡ những suất diễn đầu. Xem một vở kịch hay bộ phim như thế, với những câu chuyện đầy ám ảnh về số phận con người, đến giờ vẫn là thú vui của tôi. Vui ngang với xem phim hài.

Cũng những con người như trong kịch và phim “Chuyến tàu mang tên Dục vọng”, hay ở Viên trong truyện Zweig, hay ở Hà Nội, mỗi nơi hưởng ứng nghệ thuật một kiểu khác. Bộ sách mà tôi đang thực hiện, thật ra cũng chẳng hi vọng là bán chạy. Bây giờ ai đọc kịch bản hay truyện gốc của những bộ phim trong khi có thể đi xem phim cho rồi? Nhưng đọc câu chữ trong sách lên, dường như không gian mà bộ phim đã có đột nhiên hiện lên rực rỡ hơn, ám ảnh hơn, có chiều sâu hơn. Những chuyến tàu điện trên khắp thế giới, ở Hà Nội tôi đi thuở nhỏ, hay ở Viên mà tôi được lên trong vài ngày, và ở thành phố New Orleans đầy tiếng dương cầm thở than trong kịch của Williams kia, bỗng dưng thành một mạng lưới kết nối với nhau. Cuộc sống của những kiếp người, người lái tàu ở Viên có vui không, những đứa trẻ mặt mày lấc láo tụ tập hút thuốc lá ở cái ngõ cạnh ga Keleti mà tôi lo lắng khi đi qua nghĩ chúng có phải là bọn mất dạy không, hay những ngôi sao như Vivien Leigh “phát điên vì vai diễn” có thật muốn sống cuộc sống đó không, tôi phỏng đoán là nhờ kinh nghiệm sách vở mà thôi. Thế cũng hay, sách vở đã đưa tôi đến với những trải nghiệm đó.

Vậy thì, hãy mua sách.

(*) Tựa đề bài viết là thơ Tế Hanh trong bài “Vu vơ” (1939).

Ghi chú (của NCTG):

(1) Hai bộ phim “Bức thư của người đàn bà không quen” (Letter from an unknown woman, 1948) và "24 giờ trong đời một người đàn bà”" (24 hours in a woman’s life, 1968) được chuyển thể từ những tác phẩm cùng tên của nhà văn Áo Stefan Zweig.

(2) Phim "Chuyến tàu mang tên dục vọng" (A streetcar named desire, 1951) dựng theo vở kịch cùng tên của nhà văn Mỹ Tennessee Williams.

(3) Ga phía Ðông, Budapest.

(4) Kịch phi lý của Samuel Beckett (Nobel Văn chương năm 1969).

Tác giả bài viết: Nguyễn Trương Quý