Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TÍNH NGUYÊN GỐC (ORIGINALITY) VÀ Ý THỨC VỀ TÍNH NGUYÊN GỐC TRONG VĂN HÓA VIỆT

(NCTG) “Một điều rất đơn giản rằng “cái gì không phải do mình tạo ra, viết ra mà nhận là sản phẩm của mình tức là ăn cắp, và hành xử lập lờ như thể đó là của mình là gian trá” cũng không phải điều dễ dàng được công nhận và đồng thuận” trong bối cảnh Việt Nam có “sự “chênh” trong quan niệm về đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp nói riêng”, cũng như “lỗ hổng về hiểu biết cũng như ý thức về tác quyền”, theo phân tích của tác giả Đỗ Thị Ngọc Quyên từ Hà Nội.
Tính nguyên gốc rất được coi trọng trong nền văn hóa Phương Tây - Minh họa: thenews.com.pk
Tính nguyên gốc là gì?

Về ngữ vựng, originality, tạm dịch là “tính nguyên gốc”, trong tiếng Anh được định nghĩa trong từ điển là “trạng thái hoặc tính chất là đầu tiên, trước nhất, gốc…”, là “năng lực tư duy và biểu đạt một cách độc lập”, “năng lực sáng tạo”. Nó thường được dùng cùng với những tính từ như “mới”, “sáng tạo” để mô tả các tác phẩm nghệ thuật.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, “tính nguyên gốc” là khái niệm gắn với sự phát triển luật bản quyền, là yêu cầu tiên quyết cơ bản cho phần lớn các quy định về bảo hộ bản quyền, tuy vậy bản thân khái niệm này không thống nhất trong các quy định luật pháp ở các quốc gia. 

Cụ thể, tính nguyên gốc là điều kiện tiên quyết để một tác phẩm được công nhận và bảo hộ bản quyền, tuy nhiên luật bản quyền đòi hỏi tính nguyên gốc không phải của ý tưởng mà của cách thể hiện ý tưởng đó (3).

Theo sự phát triển của luật bản quyền, khi có thêm các thể loại tác phẩm được xem xét, công nhận, bảo hộ bản quyền, đồng thời xuất hiện những công nghệ mới dẫn tới các cách thể hiện mới nên khái niệm “tính nguyên gốc”, mức độ “nguyên gốc”, tiêu chí cũng như cách xác định tính nguyên gốc cũng thay đổi.

Việc thể hiện ý tưởng nhất thiết phải được thực hiện lần đầu (chưa từng được thực hiện trước đó) và nếu có việc sao chép trong việc thực hiện ý tưởng thì không được công nhận bản quyền (4).

Như vậy, “tính nguyên gốc” của các loại sản phẩm khác nhau có thể được định nghĩa và xác định theo các cách khác nhau. Việc xác định “tính nguyên gốc” để qua đó công nhận và bảo hộ bản quyền cho các loại tác phẩm khác nhau luôn rất phức tạp. Trong phạm vi bài viết này, người viết không đi sâu vào vấn đề này mà muốn qua khái niệm “tính nguyên gốc” để thảo luận các vấn đề hành vi, thái độ xã hội của cá nhân và cộng đồng liên quan đến khái niệm này.
 
“Nguyên gốc” không phải là “mới”
Một tác phẩm, sản phẩm được công nhận bản quyền nếu nó “chưa từng có”, có nghĩa là nó không được sao chép từ đâu cả. Điểm này khác với bằng sáng chế vốn yêu cầu sản phẩm phải có tính mới.

Tính nguyên gốc” không chỉ gắn với một tác phẩm, có thể là văn học, hội hoạ, nghệ thuật, khoa học, v.v..., mà còn gắn với khoa học, liên quan tới việc trích dẫn trong học thuật. Trong đời thường, tính nguyên gốc thường xuất hiện ẩn sau một khái niệm đối nghịch phổ biến: “Nhái”, “giả” (imitation).
 
Tác giả Đỗ Thị Ngọc Quyên - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả Đỗ Thị Ngọc Quyên - Ảnh do nhân vật cung cấp

Originality – khái niệm mang đặc trưng văn hoá 

Theo một số nhà nghiên cứu, tính nguyên gốc được quan niệm khác nhau ở các nền văn hoá khác nhau. Dẫn chiếu văn hoá Á Đông, ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng giáo hay văn hoá ở các quốc gia cộng sản, nơi chủ nghĩa tập thể được đề cao, quan niệm về tính nguyên gốc và việc nhái, đạo khác nhiều so với ở văn hoá Phương Tây.

Việc đề cao chủ nghĩa tập thể ở những quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam, lấn át chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến sự coi nhẹ quyền sở hữu cá nhân đối với tác phẩm, sản phẩm. từ một góc khác, các nền văn hoá chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Khổng giáo cũng cho rằng “sự nhắc lại” thể hiện “sự tôn sư, trọng đạo”, từ đó ăn sâu vào lối suy nghĩ của người dân, dần triệt tiêu nhu cầu khẳng định bản thể và sở hữu cá nhân (2).

Căn nguyên của những quan niệm này có thể còn gây tranh cãi, điều dễ nhận thấy là tình trạng đạo văn, giả nhái, vi phạm bản quyền ở những nước Châu Á như Trung Quốc và Việt Nam diễn ra phổ biến hơn, và cũng ít bị coi là nghiêm trọng hơn so với các nước Tây Âu. Có thể nói ý thức về tính nguyên gốc, bảo vệ và tôn trọng bản quyền ở các nước này thấp hơn. Vậy những hệ luỵ mang tính xã hội là gì?

Hệ luỵ của việc thiếu hiểu biết và thiếu ý thức sense of originality

Thiếu ý thức về tính nguyên gốc có thể có liên hệ với tính sáng tạo và đổi mới. Hiển nhiên khi người ta hài lòng với việc “đi theo”, “nhắc lại” thì sẽ dẫn tới xu hướng “lệ thuộc”, “tuân thủ”, từ đó hạn chế “nghĩ ra cái mới”, “làm cái khác biệt”. Mặt khác, việc không đánh giá cao “cái mới”, “cái khác biệt”, sự thiếu ghi nhận sự đóng góp cá nhân cũng không thúc đẩy, thậm chí làm thui chột các ý tưởng sáng tạo. 

Chui trong vỏ bọc thiếu sự chủ động sáng tạo, thiếu môi trường thúc đẩy sáng tạo cá nhân, một hệ luỵ nguy hiểm là sự thiếu niềm tin vào sáng tạo. Nếu ở một quốc gia Phương Tây, khi nhìn thấy một bức vẽ, sơ đồ…, câu hỏi như “bạn/anh/chị/con vẽ/viết ra cái này à?” chỉ đơn thuần là một câu hỏi kết nối, còn ở các cộng đồng người Việt, giữa những người Việt, câu hỏi này nhiều khả năng kèm theo ngầm ý “có chép từ đâu không?”.

Bản thân người viết không ít lần nhận được câu hỏi tương tự từ đồng nghiệp và bạn bè về các sơ đồ, mô hình trong các xuất bản khoa học cá nhân. Thậm chí sau khi đã khẳng định “tác quyền” vẫn tiếp tục được hỏi lại “tức là có tham khảo ở đâu không?”. Ẩn sau những câu hỏi như vậy không phải là sự nghi ngờ, mà là sự thiếu tự tin vào sự sáng tạo nguyên gốc cũng như khả năng làm việc này. 

Người Việt dễ có tư tưởng “nếu có cái gì mới, hay, hẳn là học từ Tây, copy từ đâu đó”. Kiểu suy nghĩ này không phải vô lý, bởi thực tế cuộc sống cho thấy chúng ta đi sau và học tập phương Tây từ hầu như mọi phương diện của xã hội hiện đại. Chúng ta phải vay mượn từ ngoài biên giới quốc gia cả những thứ hữu hình và vô hình, từ các khái niệm, chính sách, mô hình quản trị… cho đến thiết kế thiết bị, dụng cụ…, phải nhập khẩu nhiều loại sản phẩm từ hàng tiêu dùng, đồ gia dụng hàng ngày tới máy công nghiệp hay các hệ thống máy móc phức tạp.

Phần lớn chúng ta quen sử dụng và tiêu dùng những thứ sẵn có. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, chúng ta thiếu tự tin vào việc người Việt có thể độc lập “tạo” ra được một cái mới. Ngay trong môi trường nhà trường, học sinh được định hướng tuân thủ, “làm theo”, học thuộc, làm văn cũng theo mẫu sẵn có, đặc biệt thiếu không gian sáng tạo như các “maker-spaces”, thiết kế chương trình cũng như hạ tầng trang thiết bị trường học quá thiếu thốn cho thực hành, vốn là môi trường để phát triển năng lực sáng tạo. Có thể nói việc “tạo ra cái mới” không nằm trong tiềm thức, thói quen và suy nghĩ của nhiều người ngay từ khi còn nhỏ. 

Một hệ luỵ dễ thấy của việc thiếu ý thức về tính nguyên gốc là việc thiếu tôn trọng tác quyền, dẫn tới việc “đạo”, “nhái”, cố tình hoặc vô ý. Một số nghiên cứu về hiện tượng đạo văn cho thấy sinh viên gốc Á mắc các lỗi đạo văn phổ biến hơn một phần vì quan điểm của họ đối với việc này. Họ cho rằng đây không phải là điều nghiêm trọng, và rằng việc công nhận, ghi nhận cá nhân không quá quan trọng. Đồng thời, ranh giới giữa việc “của ai” đối với họ cũng mù mờ hơn.

Cũng có những ý kiến cho rằng việc áp dụng các quy định về đạo văn chẳng hạn là sự áp đặt các chuẩn mực của Phương Tây vào văn hoá Phương Đông (1). 

Soi chiếu vào những sự vụ cáo buộc vi phạm bản quyền hay đạo nhái trong xã hội Việt Nam những năm gần đây, có thể thấy “tính nguyên gốc” có liên quan đa dạng như thế nào tới thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn sau hàng loạt các vụ việc đạo văn của một số học giả giữ học vị giáo sư trong khối giáo dục đại học, nhiều người trong giới cho rằng đây chỉ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì hiện tượng này là phổ biến.

Không chỉ trong học thuật, ngay trong ngành báo chí, truyền thông, việc phóng viên “salon” ngồi xào xáo lại thông tin từ các báo khác, “thực hành các biện pháp nghiệp vụ” để cho ra bài mà không trích dẫn đồng nghiệp cũng rất phổ biến. Hoặc trường hợp các bài báo dịch, lược dịch từ báo chí nước ngoài mà ghi tên tác giả như thể đây là một bài viết riêng cũng không hiếm.

Những vụ việc như vậy không phải là điều đáng nói ở đây, bởi chúng xảy ra ở nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam. Điều đáng chú ý là những tranh cãi xung quanh vụ việc cho thấy lỗ hổng về hiểu biết cũng như ý thức về tác quyền, đồng thời phần nào hé lộ sự “chênh” trong quan niệm về đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Một điều rất đơn giản rằng “cái gì không phải do mình tạo ra, viết ra mà nhận là sản phẩm của mình tức là ăn cắp, và hành xử lập lờ như thể đó là của mình là gian trá” cũng không phải điều dễ dàng được công nhận và đồng thuận.
 
“Crown Dress”, bộ xiêm y Hoa hậu Thùy Tiên mặc trong chung kết Miss Grand International do NTK Nguyễn Minh Tuấn thực hiện (trái), bị một số ý kiến cho là “nhái” thiết kế Bob Mackie Xuân hè 2001 - Ảnh: ngoisao.net
“Crown Dress”, bộ xiêm y Hoa hậu Thùy Tiên mặc trong chung kết Miss Grand International do NTK Nguyễn Minh Tuấn thực hiện (trái), bị một số ý kiến cho là “nhái” thiết kế Bob Mackie Xuân hè 2001 - Ảnh: ngoisao.net

Trong giới nghệ thuật và thời trang cũng có nhiều vụ cáo buộc đạo ý tưởng, nhái thiết kế trong các sản phẩm thời trang cao cấp của các nhà thiết kế trong nước từ chính các nhà thiết kế trong nước và nước ngoài. Gần đây nhất là vụ NTK Nguyễn Minh Tuấn bị cáo buộc nhái thiết kế của Bob Mackie trong tác phẩm “Crown Dress” thiết kế cho Hoa hậu Thuỳ Tiên.

Tương tự các vụ “đạo bài” báo trong giới báo chí, các vụ việc như thế này xảy ra nhiều nơi không phải chỉ Việt Nam. Một lần nữa, điều đáng nói nằm ở các tranh luận về vụ việc, trong đó nhiều thảo luận cho thấy sự thiếu tin tưởng vào năng lực sáng tạo của người Việt, dẫn tới việc phủ nhận lẫn nhau. 

Việc thiếu ý thức về tính nguyên gốc là một điểm yếu có thể dẫn tới nhiều vấn đề xã hội, kinh tế, luật pháp, v.v... Khắc phục điểm yếu này ở mỗi cá nhân và cộng đồng sẽ giúp chúng ta tiếp cận và hoà nhập với văn minh Phương Tây dễ dàng hơn. Biết đâu nó cũng giúp chúng ta trở nên văn minh hơn trong hành xử xã hội và nghề nghiệp?

Tài liệu tham khảo:

(1) Bloch, J. “Plagiarism across Cultures: Is There a Difference?”. Trong cuốn “Originality, Imitation, and Plagiarism: Teaching Writing in the Digital Age” (Caroline Eisner and Martha Vicinus).

(2) Campbell, “A.. Cultural Differences in Plagiarism”.

(3) Nordell, P.J. “The Notion of Originality – Redundant or not?” Stockholm Institute for Scandianvian Law.

(4) ZestIP. “The Concept Of Originality In Copyright Law”.

(*) Tác giả là Tiến sĩ Giáo dục học, tốt nghiệp Đại học Melbourne (Úc). Hiện là nhà nghiên cứu giáo dục độc lập tại Hà Nội, lĩnh vực nghiên cứu chính bao gồm các vấn đề giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Ngọc Quyên, từ Hà Nội