Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TIẾNG TÀU, THUẬT TOÁN, TRÍ TRUMP

(NCTG) “Bertrand Russell phán: “There is much pleasure to be gained from useless knowledge”. Có thể tìm thấy nhiều khoái cảm trong kiến thức vô dụng, hè hè. Biết thêm ý nghĩa và gốc gác của những từ Hán Việt cũng rất thú vị”.
Đại số có phải là... số bự? - Minh họa: Internet
Gượng gạo bóp méo câu chữ cho có tí vần phụ âm vào ngày học sinh tựu trường.

Đọc những bàn luận trên Phây về chuyện học chữ Hán làm tôi nhớ lại khoảng thời gian ảm đạm nhất của tuổi thơ ở Đà Lạt. Ngày nhỏ tuy hen suyễn nặng nhưng tôi vẫn rất ngỗ nghịch khó thương. Ông cụ nghe lời cao nhân bắt sang chùa Linh sơn theo thầy học chữ Hán để có thêm văn hóa và “tu tâm dưỡng tánh”. Tôi học thì không thuộc, viết thì nguệch ngoạc nên bị ăn đòn tá lả, nước mắt đầm đìa. May mà bà cụ thương con nên xì-tốp cái màn này sau ba tháng, thà con hư dốt còn hơn khổ sở. Phụ nữ bao giờ cũng sáng suốt! Hề hề.

Nên học thứ gì luôn là câu hỏi quan trọng cho các bậc cha mẹ, thầy cô, và những thanh niên thực dụng, ưu thời mẫn thế. Tôi thì chủ yếu là ưa phê. Không thấy phê thì không thích học - “đa thư loạn mục”, theo lời một nhà văn đương đại mà tôi rất khoái.

Nếu không vì lạc đường tới Mỹ thì ngày nay chắc tôi chỉ có thể lép nhép tiếng Việt chứ tiếng Anh vẫn ú ớ. Anh văn là giờ học nhàm chán nhất ngày bé. Đầu óc non nớt đã có những thắc mắc, suy nghĩ về lịch sử, đời sống vân vân nhưng khả năng diễn đạt bằng Anh ngữ vẫn chưa qua cửa “this-is-a-door” nên tôi rất ghét giờ Anh văn so với giờ Việt văn.

Khi vì hoàn cảnh nên có được một vốn tiếng Anh tạm đủ xài, tôi lại thấy phê với dân phóng khoáng coi trọng chuyện phê như tôi. Bertrand Russell phán: “There is much pleasure to be gained from useless knowledge”. Có thể tìm thấy nhiều khoái cảm trong kiến thức vô dụng, hè hè. Biết thêm ý nghĩa và gốc gác của những từ Hán Việt cũng rất thú vị.

Tôi vẫn mù tịt gốc gác của nhiều chữ Hán Việt. Tại sao “thương nhân” không phải là người yêu với con tim bị thương rướm máu mà lại là lái buôn? Sống ở Mỹ mà những thắc mắc kiểu này vẫn nhảy ra. Vài năm trước nhân một lúc trà dư tửu hậu tôi cười khụt khịt khi nghe chị bạn Mỹ khen học sinh Á châu, nhất là gốc Việt hầu hết đều giỏi toán, học giải tích (calculus) ở trung học. Tôi rón rén đưa quan điểm là đa số chỉ học vẹt, chứ trình độ thưởng thức và áp dụng tinh thần toán học thì ngay cả sinh viên tốt nghiệp đại học cũng chưa tới tầm đại số, vẫn chỉ luẩn quẩn tự mãn với số học. Hề hề.
 
Biết thêm ý nghĩa và gốc gác của những từ Hán Việt cũng rất thú vị - Minh họa: Internet
Biết thêm ý nghĩa và gốc gác của những từ Hán Việt cũng rất thú vị - Minh họa: Internet

Vừa chém gió giúp vui cho bạn bè tôi vừa thầm thắc mắc tại sao “algebra” tiếng Việt lại là “đại số”. Số bự nghĩa là sao? 10^10^10^10 không to à? Cao nhân nào chê ít mí nhỏ thì tôi sẽ tặng thêm vài cái lũy thừa nữa là sẽ đủ “đại” ngay .

Mãi đến gần đây hóng chuyện dịch thuật trên Phây tôi mới biết là “đại” mang ý “đại diện” chứ không phải là “lớn”. Hay quá, “số học đại diện”, thật đúng như tôi hiểu tinh thần môn học, chỉ ngỡ ngàng với nhãn hiệu “đại số”.

Nhớ đến mấy năm trước giúp sửu nhi và gần đây là nữ nhi trong nhà chuyển tiếp từ số học lên đại số. Cả hai đều lúng túng lúc đầu, bị ràng buộc bởi thói quen suy nghĩ với những con số cụ thể. Tìm hiểu những cấu trúc, những nguyên tắc và sự tương quan giữa những vật thể trừu tượng xyz mang tính phổ quát xem chừng không phải cách suy nghĩ tự nhiên. Tôi cố giải thích cho chúng cảm nhận được cái đẹp của sự “nâng cấp” trong tư duy này. Nhờ khả năng suy luận, tính toán với những vật thể trừu tượng thay vì những số liệu cụ thể mà loài người đã xây dựng được nền tảng kiến thức khoa học.

Đời sống thực tế là những số liệu cụ thể về nhiệt độ, vận tốc, tiền xăng vân vân chứ không phải những biến số, tham số trừu tượng. Tuy nhiên, nếu ta có thể thấy sự tương quan, biến chuyển giữa chúng một cách trừu tượng nhưng chính xác theo tinh thần của “số học đại diện” thì sẽ đến gần với sự thật khách quan hơn: chi tiết cụ thể không được tùy tiện tăng giảm vì cảm tính mà phải theo đúng những nguyên tắt chung đã được thiết lập, thử nghiệm và chấp nhận.

Ví dụ như xây cầu thì Đông kiều hay Tây kiều gì cũng phải theo những phương trình, công thức như nhau mà tính ra lượng xi-măng, sắt thép thích hợp cho mỗi cái. Tùy tiện xén bớt, hay lý luận xà quành, dùng kết quả cầu nhỏ để xây cầu lớn thì cầu tất sẽ sớm sập. Hề hề.

Những cây cầu trong xã hội Mỹ cũng được xây dựng trên nguyên tắc có tính đại diện. Trước khi nói đến Hồi giáo hay Phật giáo, dân chủ và tự do... thì phải thiết lập hàm số chung về Tôn giáo, phải có phương trình Tự do. Mỗi khi gặp chuyện cụ thể, nói nôm na là biến số có số liệu nhất định, thì cứ cho vào hàm số, kết quả ra thế nào thì phải theo thế đấy. Suy luận và áp dụng nhất quán chứ không thể tùy tiện theo cảm tính. Nào là tự do quá trớn, nào là đạo đức truyền thống, nào là văn hóa văn minh... ba tấn nhẹ mười tấn nặng theo cảm tính của mình là “tư duy số học” thường thấy ở nhiều người, nhất là người Việt. Hề hề.

Trừ một thiểu số có năng khiếu bẩm sinh, có lẽ ai cũng phải học như trẻ em học toán mới có khả năng suy luận về luật pháp, chính trị và xã hội một cách nhất quán. Hề hề, khác với trẻ em bị bắt buộc phải học, dù là học vẹt, đa số cao nhân không thèm quan tâm đến chuyện này, cứ văn hay chữ tốt, đạo đức mỹ miều là đủ. May mà xứ Mỹ có một đội ngũ trí thức tầm cỡ. Một trong những đại diện của lớp người có trí tuệ này là Trump.

Ấy, không phải là ông Trump mà là bà Trump. À, cũng không phải mấy mỹ nhân chân dài, tân thê, cựu thê của Donald Trump, hề hề. Người tôi muốn nói là bà Maryanne Trump Barry, chị ruột của cậu Donald.
 
Maryanne Trump Barry và Donald Trump - Ảnh: thestar.com
Maryanne Trump Barry và Donald Trump - Ảnh: thestar.com

Bà Trump hiện là một quan tòa của The Third Circuit Court of Appeals, được Bill Clinton đề cử, chỉ dưới Tối cao Pháp viện. Điều trần trước Thượng viện, khi được hỏi về quan điểm của bà đối với quyền phá thai của phụ nữ, bà Trump trả lời rằng quan điểm cá nhân của bà thật sự không quan trọng, không liên quan trong việc phán xử. Quyết định của một quan tòa phải dựa vào cơ sở lý luận theo logic và luật pháp. Có thế mới hay chứ. Phải có cơ sở gì hơn là chủ quan hay phe phái mới xây dựng được nền tảng cho một xã hội đa nguyên, đa đảng chứ.

Quyết định trái với ý thích cá nhân không phải là hành động hiếm thấy của luật gia Mỹ. Malachy McAllister chạy trốn sự truy tố và hỗn loạn chính trị ở Bắc Ái Nhĩ Lan. Ông muốn được ở lại Mỹ như một người tỵ nạn. Chính quyền Mỹ đòi trục xuất. Các quan tòa của Third Circuit Court, trong đó có bà Trump, phán là không có cơ sở pháp lý nào để ngăn chính quyền trục xuất gia đình McAllister.

Điều thú vị là bà Trump đã quyết định theo logic ngược với điều mà con tim của bà tin là đúng. Bà viết: “Tôi không thể tìm ra cách để giữ gia đình McAllister ở Mỹ, dù tôi đã cố gắng. (...) Vấn đề ở đây là cái định nghĩa 'hoạt động khủng bố” của Quốc hội bao gồm không chỉ những tên khủng bố lớn mà cả một số người không làm hại ai. Nó bao gồm Malachy McAllister”. Luật pháp sai lầm, nhưng không thể tùy tiện gạt qua theo cảm tính, dù là cảm tính cao thượng và “đúng”.

Cậu em yêu quý của bà, Donald Trump, tuy lắm tiền nhưng ít học. The Donald tuýt trên mạng thay vì làm thơ chính trị trên Phây, hề hề. Ông Trump phát biểu loạn xạ, lý luận xà quành, quan điểm bất nhất. Nói theo cảm tính để lợi dụng cảm tính, Donald Trump gần với rất nhiều người Việt hơn là với bà chị ruột.

Có thật là người Việt giỏi toán hơn Mỹ? (Trừ khi “giỏi” được định nghĩa là học vẹt).

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ