Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI” TRONG “BỐN MÙA” CỦA MÁRAI SÁNDOR (Kỳ 5)

(NCTG) “Thế giới như thế nào nhỉ? Trong đó có biển cả và có những tay bồi bàn cau có, và những bức tranh của các họa sĩ lớn, và còn một điều gì đó nữa – không thể hiểu tường tận”.
Xem Kỳ 1, Kỳ 2Kỳ 3Kỳ 4 của loạt tản văn.


Tháng Tám - Tranh của Kormány Vera


THÁNG TÁM

Họ trở về từ biển, từ những vùng núi, từ những thành phố lớn xa lạ, ở đó mọi thứ đều khác thường, trà sáng được dọn ra cùng thịt hun khói rán, khi bước vào một cửa hiệu người ta không bỏ mũ, và không hôn tay phụ nữ. Họ vừa từ thế giới trở về, họ kể nhiệt tình và lắp bắp, hai tay mở chiếc vỏ ốc nghe có tiếng ầm ì của biển, kỷ niệm về một ánh mắt phụ nữ ngoái nhìn trên mạn tàu Vasporetto ở Venice, một kiểu móc áo mới mà ở nhà chưa biết. Họ hăng hái, rồi thở dài ngồi xuống giữa đống đồ đạc đã dỡ ra nửa chừng, thở dốc, mệt mỏi, phó mặc. Họ ngồi như thế một lát, cái nhìn mơ màng, với đôi mắt rực sáng bởi những kỷ niệm, với nụ cười vu vơ trên môi. Họ chẳng nghe thấy lời mời sang dùng bữa ăn trưa. Trên nền nhà là một đôi dép, một tượng David bằng thạch cao nhỏ và một vé đi xe điện Paris. “Vâng, tôi sang ngay đây!”, họ nói với về phía phòng ăn. Trong giây phút ấy họ trở nên trang nghiêm.

Nhưng sự nghiêm trang qua đi ngay sau thìa xúp đầu tiên. Ôi, nhà đẹp quá nhỉ! Tất nhiên gia nhân đã dọn dẹp khi họ đi vắng. Nhà mình thật đẹp, và ở Paris họ nhìn thấy một người da đen ngồi trước một quán cà phê trên đại lộ, anh chàng mặc bộ đồ trắng, đội mũ kiểu Gigardi, và giống người bán đồ gia vị có cửa hiệu ở Kalocsa ba mươi năm trước. Phải sơn lại các phòng trước tháng Chín, họ nói, và phải chỉnh lại các lò sưởi. Nhưng ở Venice, trong lâu đài tổng trấn không có buồng tắm, có ai tin không?... Nào, cuối cùng đây mới thực là món ăn chứ, họ nói, mồm đầy thức ăn và mắt sáng lên; cả chuyến đi không được ăn bánh mì làm bằng bột lúa mạch! Nhưng rồi họ nhớ đến một thời khắc ở Hampstead, từ một triền đồi cao họ nhìn xuống London và cùng im lặng, vì lúc đó trời vừa tối, và London rộng lớn và giống nông thôn đến nỗi họ không thể nào hiểu nổi. Rồi họ nằm xuống đi văng, hít thở không khí bất biến của căn phòng quen thuộc, họ còn muốn nói gì thêm nữa, Elíz bỏ các đồ son phấn, mỹ phẩm ra kẻo sợ nước hoa chảy ra ngoài. Ở Firenze cái giường thật tồi, họ còn muốn điều gì nữa nhỉ. Nhưng họ đã chìm vào giấc ngủ.

Họ ngủ và mơ, và trong giấc mơ thế giới hòa quyện tuyệt vời vào hương vị của ngôi nhà họ. Mưa bắt đầu lặng lẽ rơi. Khi họ tỉnh dậy, lúc gần năm giờ, những lùm cây màu vàng, sũng nước ngoài cửa sổ, sương mù là là bay trên các mái nhà. Lúc này họ mới xem thư từ gửi đến, và ngạc nhiên vì họ còn bao mối liên hệ với thế giới. Những căn phòng, từ khi họ đi xa, nay đã chớm lạnh. Họ nhớ đến ngày Lễ thánh Szent István. Nhớ sau ngày Szent István ở vùng này bao giờ trời cũng mưa. Họ nhớ sắp đến kỳ ghi tên vào trường học cho trẻ, và sau đó là cuộc sống gia đình, công việc gia đình, sự nghỉ ngơi gia đình, tuy riêng biệt, nhẫn nại, không mệt mỏi, quen thuộc nhưng cũng vẫn có sự căng thẳng, bất an. Tất nhiên ở Roma thì dễ dàng hơn, họ nghĩ thế. Và họ xuống tiệm cà phê, nhà hàng vào gần cuối tháng Tám đã đầy dáng dấp mùa thu, những người chơi Biliard to tiếng hơn, những ngọn đèn chĩa ra sáu hướng. Trên đường về họ nhận ra trên cửa văn phòng dịch vụ mai táng có nhiều cáo phó còn mới, với những bài báo tang lạ. Họ đọc những bài cáo phó chăm chú trên đường về.

Ban đêm, giấc mơ của họ đã rõ ràng, yên bình hơn. Thi thoảng họ còn nghe tiếng còi của một chiếc ôtô ở London hay tiếng cười của một thiếu nữ trên bờ biển. Sao cô ta cười thế nhỉ? – họ thầm hỏi, lơ đãng. Trên những phố xá quen thuộc người ta đã đi lại với vẻ thờ ơ, nhẫn nhịn và không chờ đợi. Tháng Tám còn bừng sáng lên trong khoảnh khắc, và trong ánh sáng đó lóe lên những kỷ niệm về thế giới. Thế giới như thế nào nhỉ? Trong đó có biển cả và có những tay bồi bàn cau có, và những bức tranh của các họa sĩ lớn, và còn một điều gì đó nữa – không thể hiểu tường tận.


Tháng Chín - Ảnh: Internet


THÁNG CHÍN

Bắt đầu bằng tơ nhện, mùi lên men của nước nho, hoa thược dược, những buổi biểu diễn ra mắt trong nhà hát và chiến tranh Nhật-Trung; gần đây những mùa thời gian thường bắt đầu bằng chiến tranh. Chúng tôi nhìn bầu trời xanh thẫm, nghe tiếng vo vo của đàn ong say mật, tiếng nổ của những trái bom xa. Những quả bom nổ ở phương xa, ở Tây Ban Nha và Trung Quốc. Thiên nhiên đang tiến đến kết cục, và con người cũng không ngồi yên.

Bắt đầu bằng tiếng bom nổ và mạng nhện, và cuối cùng, cuối tháng Chín, tất nhiên kết thúc bằng một bài thơ, bài thơ ghi chép tất cả những gì có thể nói về thời khắc này. Bài thơ ấy lơ lửng một mình trong văn học thế giới, như một viên đạn lạc không liên quan gì tới hệ mặt trời, mà từ đó nó cất cánh bay lên. Nội dung của nó đơn giản. Chỉ nói về những bông hoa vườn nở dưới thung lũng, và một thi nhân hai mươi tư tuổi lắng nghe tuổi già, lắng nghe sự phù sinh, sự mong manh của ái tình. Ngoài những thứ đó còn có cả vạn vật, có tất cả những cảm nhận của con người liên quan tới sống và chết.

Tôi lẩm nhẩm bài thơ này trong khi dắt chó đi dạo, như một nhà văn Nga, trong mùa thu ngọt ngào mùi nước nho, và thoáng chút hơi mù tạc.

Trong nhà ép nho người ta đang rót đầy các thùng gỗ, trong các nhà máy người ta đang nạp bom, ở một nơi xa nào đó, khắp nơi trên thế giới già cỗi này. Bài thơ bắt đầu vang lên mạnh mẽ, cuối tháng Chín, hệt như đâu đó một dàn nhạc vô hình bắt đầu cất tiếng. Nó gần gũi tôi như một kỷ niệm riêng. Tôi thích từng từ trong bài thơ: kể cả nó viết hoa vườn thay cho hoa mùa thu, “takara” thay cho “takarta”, với những biến ảo bi lụy và xưa cũ. Nhạc điệu của bài thơ, cái nội hàm gần như độc lập với ý nghĩa của các từ, được ký thác huyền bí như được viết bằng những nốt nhạc. Cuối tháng Chín bài thơ bỗng vang lên, từ độ lùi xa đã trăm năm, đánh thức – trong thời gian và trong sự phù sinh – ký ức về một tình yêu và dạng sợ hãi cái chết điệu đàng và sang trọng, thực thà và vô tư đến kinh ngạc. Với bài thơ ấy trong tim, chiếc gậy hèo trong tay, tôi dắt con chó đi giữa mùa thu. Trời chiều còn nóng. Thiên nhiên dùng đường nho bồi bổ thêm cho mạch đập đang yếu dần của nó. Chiếc hồ giếng phun nhấp nhoáng như mắt một ông lão, tinh ranh và giảo quyệt.

Mùa thu bắt đầu từ Hűvösvölgy, phía sau Vámház, đi vòng quanh bãi Nagykovácsi qua Szép Juhászné về phía thành phố. Khi tới Olaszfasor, nó đã mang vẻ phố phường, dưới một lớp áo choàng may bằng vải bông thô. Bắt đầu khoảng bốn năm giờ chiều, khi ở Veronika có tiếng nhạc Digan, trong hàng kem Hűvösvölgy những triệu phú về hưu, đau ốm và cau có, bỏ đường vào cà phê. Ở đâu đó vang lên tiếng nhạc, một trích đoạn opera xưa cũ và bay bổng, ví như khúc dạo của vở Udine. Những lá nho màu đỏ như máu trang điểm mái tóc của các nàng tiên đá ven những con đường trong khu vườn. Tất cả hơi ngọt ngào, lòe loẹt, và dồn nén quá mức, như hồi kết trong một vở opera Ý. Tôi đi qua trước Veronika, và biết chắc rằng cuộc sống còn giữ cho mình điều gì đó vừa như thuốc đắng vừa ngọt ngào, say ngất và lịm ngọt. Tôi dừng lại, nhìn quanh, và chờ đợi.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung chuyển ngữ - Còn tiếp