Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI” TRONG “BỐN MÙA” CỦA MÁRAI SÁNDOR (Kỳ 2)

(NCTG) “Tháng Ba chỉ có hương và sắc. Chưa phải mùi hương của hoa, cũng không phải mùi đất ấm mà chỉ vài tuần nữa sẽ ngai ngái bốc lên thứ hơi màu trắng say nồng váng vất khiến ta hưng phấn làm những chuyện rồ dại” (Márai Sándor).
Xem Kỳ 1 của loạt tản văn.


Tháng Ba - Ảnh: Kormány Vera


THÁNG BA

Ta vô cùng hạnh phúc bởi một lần nữa được thấy mi về, tháng Ba ơi! Chúng ta đã vượt qua cảm cúm để đến với mi, qua cơn dịch bệnh của mùa đông, qua lãnh địa của thế giới ngầm tăm tối. Như người từ hầm mỏ chui ra với đôi chân bùn đất, lồng ngực thiếu dưỡng khí, ta đứng dưới ánh nắng mặt trời, hít một hơi thật dài và bắt đầu cất tiếng hát.

Ta hát thế này: Xin chào tháng Ba! Phải mất bao nhiêu năm để đến khi ta biết vui mừng vì một con số trên tấm lịch. Tháng Ba là một thời đoạn lạ lùng, không liên quan gì đến mùa đông, mùa xuân. Nó có thứ ánh sáng riêng. Cây cối chưa xanh, chỉ có hoa tuyết, chẳng có giá trị gì chuẩn mực. Đã hết vũ hội, nhưng bể bơi chưa mở. Vẫn còn phải sưởi, nhưng sáng ra ta đã thay bằng chiếc áo khoác chuyển mùa. Chưa phải là tháng của ái tình như tháng Năm, nhưng không còn là tháng của những biến chứng bệnh tật như tháng Hai. Không có nhạc điệu riêng, không có phân khúc lớn. Tháng Ba là khúc chuyển tiếp.

Tôi nhận thấy mấy bữa nay mình thức dậy khác. Tôi nghĩ thế này, trong khi còn nửa mơ nửa tỉnh: hay là thế! Hoặc: phải gọi điện! Hay: cứ thử xem, biết đâu! Một tuần trước đây tôi còn chán nản nghĩ: tốt nhất là phó mặc số phận, không gọi nữa, không thử, chấp nhận. Nhưng giữa chừng đã xảy ra điều gì đó.

Thế giới bên ngoài còn chưa có dấu hiệu gì. Trong những công xưởng bí ẩn của mình, thiên nhiên đang sáng tạo những tác phẩm mới, chưa hé mở những bí quyết, những phát kiến mới. Khung cảnh bài trí vẫn là của mùa đông. Chỉ có ánh sáng chiếu lên những khung cảnh mòn cũ là đã khác. Tôi dụi mắt, nhìn ra xung quanh, khoan khoái ngáp dài, và nghĩ: Ơn Chúa, một lần nữa!

Tháng Ba chỉ có hương và sắc. Chưa phải mùi hương của hoa, cũng không phải mùi đất ấm mà chỉ vài tuần nữa sẽ ngai ngái bốc lên thứ hơi màu trắng say nồng váng vất khiến ta hưng phấn làm những chuyện rồ dại. Một thứ hương thoang thoảng nhẹ nhàng, như thoáng qua. Chiếc gậy chống gỗ anh đào trong tay, tôi vừa đi vừa hít hà hương tháng Ba. Chưa nên gói quần áo đông cùng viên long não. Chưa nên quên những cuộc tình mùa đông. Có khi vẫn cần đến những thứ đó. Nhưng tôi đã nghĩ những điều đại loại: “Vùng lên, hỡi dân Hung” (*). Tháng Ba bao giờ tôi cũng đọc Petőfi, đôi khi còn đọc thành lời.

Chúng tôi ngồi run rẩy trong ánh sáng tháng Ba, nhìn lên bầu trời và chờ đợi. Không đợi điều gì quá tốt lành. Nhưng chúng tôi mừng khấp khởi vì tất cả đã bắt đầu.

THÁNG TƯ

Tôi sinh vào tháng Tư. Bầu trời lần đầu tiên tôi nhìn thấy đầy gió, trộn lẫn ánh sáng và bóng tối mờ, không khí ẩm ướt, vần vũ mây, ánh nắng và những đợt sóng bất an, như một người đàn bà mất trí, xõa tóc chơi trên đàn thụ cầm. Thi thoảng trong những giấc mơ tôi vẫn nghe thấy tiếng thụ cầm ấy. Theo cuốn sách đoán mộng Nürnberg thì người sinh tháng này tính tình bất ổn, không may mắn trong buôn bán, đa cảm và vụng về. Có nhiều khả năng họ sẽ chết một cái chết thảm, trong nước hay lửa. Người đời cho rằng những kẻ sinh ra tháng tư như chúng tôi tính khí thất thường. Nhưng tôi đã thấy những người còn thất thường nguy hiểm hơn sinh ra vào tháng Tám hay tháng Mười hai. Nhưng tôi không tranh cãi với niềm tin của người đời.


Lễ hội Phục sinh tại vùng Hollókő

 
Chắc hẳn trong chúng tôi, những người sinh tháng Tư, có một chút gì đó bất ổn, hấp tấp, tinh quái. Một dạng điên khùng chấp nhận được. Trong từng sợi thần kinh chúng tôi lấp ló bầu trời tháng tư, mát mẻ, phập phồng xanh, với những sắc màu tươi non, rực rỡ, sự náo nhiệt tưng bừng. Tháng Tư là mùa củ cải và hành non, cũng như tháng Bảy là mùa hoa hồng và tháng mười hai là mùa văn chương vậy. Mùa củ cải cũng đầy thi hứng và vui như ngày hội. Mấy ngày đầu tháng Tư này là như thế.

Tôi chào đời trong mùa củ cải, hành non và xa-lát tươi, như một thứ hoa quả đầu mùa. Tôi sinh vào ngày quốc lễ, ngày lễ phê chuẩn các bộ luật. Vào ngày này chẳng bao giờ chúng tôi phải tới trường, và tôi cảm thấy xung quanh cùng chào đón sự hiện diện của tôi như một lẽ tự nhiên. Trong một thời gian khá dài, ngày nghỉ học này làm tôi có cảm giác sự tồn tại của cá nhân mình, cuộc đời mình như một ngày hội. Tháng Tư tới giờ vẫn thu hút sự chú ý của tôi, cả bằng khứu giác. Nó cho tôi dự cảm về một sự bắt đầu.
 
Tháng Tư có màu tím mờ, với những sắc độ khác nhau của hoa uất kim hương. Trong đất đầy củ hành và các loại củ hoa mới dậm vài tuần nay. Sáng sớm quanh những giếng nước nóng đã vây đầy những người đau dạ dày nhăn nhó, tay cầm cốc và ống thủy tinh, cau có nhìn cảnh sắc mùa xuân. Nước suối chữa bệnh nóng bỏng như muốn xả những bức bối, róc rách luồn phụt trong những mạch đá ngầm, mang đến nguồn năng lượng bí ẩn, nguyên sơ. Các nàng không thích tháng tư, tháng của áo khoác ngắn, của mụn chứng cá, của những cơn chóng mặt mùa xuân, những hồi hộp vô cớ. Vào dịp này, những người khá giả thường đi Taormina (*). Dân nghèo tối tối nhìn lên trời, hít hà như đánh hơi, trông sao và khẽ bảo: “Đã sáng hơn”.

Tôi cũng ngước nhìn trời tháng Tư, tìm ngôi sao của mình. Nó còn nhấp nháy lờ mờ tận đâu đâu. Tôi lần tìm một bàn tay và khẽ nói: “Nó mờ hơn”.

Ghi chú (của NCTG):

(*) Câu mở đầu trong bài thơ nổi tiếng “Bài ca Dân tộc” của thi hào Petőfi Sándor, được coi là khúc quân hành của cuộc cách mạng dân chủ đòi độc lập cho Hungary, khởi đầu ngày 15-3-1848.

(**) Thị trấn ở đảo Sicily (thuộc Ý).

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung chuyển ngữ - Còn tiếp