Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI” TRONG “BỐN MÙA” CỦA MÁRAI SÁNDOR (Kỳ 1)

(NCTG) “Ta nghĩ có thể trong cuộc đời có một điều gì đó quá đà và thái quá, một thứ niềm vui bệnh hoạn nào đó, thứ hạnh phúc hoang dã và rú rít, nó chà đạp lên danh dự, phẩm cách của lý trí – và có lẽ là như thế, chỉ có điều chúng ta không biết” - Márai Sándor.

Tháng Giêng - Ảnh: Vimola Ágnes


LTS:Ai đã đọc “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng, hẳn không quên những hoài niệm, những cảm xúc, trăn trở đến nao lòng của ông về Hà Nội xưa. Vũ Bằng đã nương theo tiết khí của 12 tháng trong một năm để nhớ và viết về Hà Nội.

Thật thú vị, văn hào Hungary Márai Sándor, bậc thày của thể loại tản văn, ngay từ năm 1938, cũng đã dựa vào khí tiết của từng tháng trong năm để khắc họa những suy tư, trải nghiệm của ông về cuộc đời, qua những trang văn đẹp não nùng, nhưng đầy chất thơ và trữ tình đến kinh ngạc.

Nhân dịp đầu năm, cũng là lúc mùa xuân đang về, từ số này NCTG xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 12 khúc dạo trong tập tản văn “Bốn mùa” (*) của Márai Sándor.

THÁNG GIÊNG

Tiếng chuông đã ngừng ngân, dân thụ lễ đứng lặng bên cửa sổ, nhìn màn đêm tuyết giăng, nghĩ đến thời gian trôi, đến những người đã khuất, đến cuộc đời.

Ta còn muốn gì ở cuộc đời? – tôi nghĩ, tay cầm ly sâm-banh. – Sống đến vô cùng, như một tế bào, mà ý nghĩa và khát vọng duy nhất là sự tồn tại vô hạn. Tôi đâu muốn sống đến vô cùng. Tôi đã nếm trải tất cả, hương vị của cái chết và niềm vui. Giờ đây tôi muốn biết ý nghĩa của cuộc đời. Ý nghĩa cuộc đời là gì? Năm tháng đã mang đến cả điều bí ẩn này nữa: một buổi sáng tôi thức dậy và đời tôi tràn ngập điều bí ẩn đó. Giờ thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn, quyến rũ hơn và vô vọng hơn. Ý nghĩa của cuộc đời là sự thật. Sự suy tư và ngờ vực, tìm kiếm và mãn nguyện, những nhầm lẫn và những ảo vọng, phía sau những hiện tượng và sự phù sinh có một ý nghĩa chung nào đó, soi sáng và xuyên thấu tất cả. Sự thật này bất thành văn. Cuộc đời trôi đi với hy vọng và khát vọng. Tôi là con người. Người ta đòi hỏi tôi đủ thứ: tình yêu và thù hận, sự tàn bạo và nhân ái, và mọi người đều muốn tất cả. Nhưng cuộc sống thì không muốn ở tôi điều gì khác ngoài sự thật. Tôi sinh ra trong môi trường này. Khó nhận thức điều đó, chịu đựng nó còn khó khăn hơn. Nhưng có lẽ không thể sống khác, chỉ có thể sống trong tinh thần của sự thật. Đúng là sự nhận thức này như thể một người nào đó lúc nào cũng mang trong mình chất nổ dinamit đi giữa đám đông. Không thể “thực hành” sự thật, vì đời người không thể chịu đựng nổi. Nhưng biết về nó, một cách lặng lẽ, như về Đức Chúa: đây là ý nghĩa của cuộc đời. Tất cả những gì mà cuộc đời phô bày, nhìn qua lăng kính kỳ lạ và cay nghiệt mà Chúa đã ban cho chúng ta, mà tên gọi thường ngày của nó là lý trí. Tôi không còn tin vào điều gì khác nữa, không mong ước gì khác, chỉ có lẽ phải của lý trí. Tất cả đều muốn hạ nhục, muốn chiếm hữu tôi, đám đông và từng người, công việc và đàn bà, cái chết và niềm vui. Nhưng có một thứ tự do, vượt lên tất cả, mà từ nay người ta không thể lấy đi của tôi. Tôi đã chạm tới một điều gì đó. Tới cuộc sống? Hay tới cái chết? Tôi đã chạm tới sự thật, tới điều cho tôi đủ sức chống đỡ – bằng vũ khí của lý trí – sự vây hãm của thế giới và cái chết. Giờ đây tất cả thật lý thú và đơn giản! Trước đây, sau những khao khát, ảo mộng và màn sương của hy vọng vu vơ tất cả đều ngoạn mục và quyến rũ đáng ngờ, hơi đáng sợ và nguy hiểm. Thời gian đã dạy tôi rằng cái chết là quà tặng kiêu hãnh của cuộc sống, cũng là lời giải thích và giải đáp. Lý trí cũng đã dạy rằng tất cả mọi hoan lạc đều là sự trả giá cho cái chết. Có một nỗi sợ chết rất mong manh ở tột cùng niềm vui sướng. Nhưng sự thật cùng một lúc lên tiếng với ta từ cảm giác và giấc mơ, từ trải nghiệm và suy tư, từ những bài thơ và cảnh quan, từ âm nhạc và những đồ vật, điều đó thật diệu kỳ, thứ ánh sáng lạnh lan tỏa, cảm giác tinh tế nhất và tàn độc nhất này biến cuộc đời thành một ngày lễ lạnh lẽo và vô thần. Thời gian, hãy ôm ta trong vòng tay mi, và bơi trên những bến bờ của vô cùng. Ta không còn e sợ vòng tay ôm của người Ta mở mắt nhìn và chấp nhận, không hạnh phúc, không bất hạnh.

THÁNG HAI

Vào những đêm dài tháng Hai, khi ta tỉnh giấc trong căn phòng nguội lạnh bởi tiếng gió rít, ta ngồi rét run trên giường, thắp lên ngọn đèn nhỏ, châm thuốc, nhìn đồng hồ – trời đã rạng sáng, nhưng ta cũng không vì thế mà thấy vui lên, vì ban ngày ta vẫn co ro trong cái bẫy của mùa đông, giữa bệnh tật, đường ống vỡ, bếp lò mù mịt khói, những nợ văn chương dang dở và những trách phận làm người buồn tẻ, ta quấn mình trong rẻ rách và lông thú -, hà hơi lên những móng tay tím tái, và chợt nhớ một mùa hội hóa trang nữa đã qua, những ngón tay băng giá của ngày Thứ Tư Lễ tro trườn xuống bên ngoài cửa sổ, niềm vui ra đi và tuổi già cứ sầm sập theo sau.


Tháng Hai - Ảnh: Internet

Ta ngồi như thế vào rạng sáng tháng Hai, buồn tẻ nhìn những móng tay tím tái. Kho dự trữ đồ ăn dạo cuối thu ta lo xa chất đầy giờ đã cạn; hoa quả ngâm và sườn hun khói đã ăn hết, dưa bắp cải chua cũng gần sạch. Trong những tuần lễ này, có khi chỉ một cái hắt hơi rồi cũng mang những người thân quen ra đi. Những người phụ nữ đi ủng sơn lội trong tuyết đang tan, trong bùn bẩn loét nhoét, mũi ửng đỏ, như chỉ để nhắc nhở – bằng điệu bộ và một cái liếc mắt – vẻ nữ tính của các nàng. Những đêm như thế này nhìn đến sách ta cũng thấy chán ngán; cứ như ta đã đọc tất cả, và chẳng cuốn nào giúp ích ta điều gì. Ban ngày ta nằm hàng nửa giờ dưới ánh sáng đèn thạch anh, ta há hốc, khao khát nuốt, hút lấy thứ ánh sáng mùi ôdôn, ta uống thứ ánh sáng nhân tạo ấy như dân nô lệ khao khát ánh sáng và tự do. Ta hoài nhớ đến thứ ánh sáng không thể thiếu trong cuộc đời ta, trong thứ ánh sáng ấy có điều gì như vô đạo và tàn độc, một cái gì đó vô luân và kỳ diệu, như trong cuộc đời. Rồi chúng ta nghĩ tháng này kín đặc những buổi hòa nhạc và rất hay bị viêm phổi. Tháng này là tháng chúng ta ít cử động, ta sống thận trọng và tiết kiệm, như những loài thú khôn ngoan giảm thiểu hoạt động, nằm im để phòng vệ, ngủ gà gật nửa mê nửa tỉnh với nhịp tim đập chậm để chờ trời sáng. Những tuần cuối đông này nên sống đừng hoang phí: viết ngắn – bất quá bốn năm dòng một lúc –, như loài gấu ngủ đông.

Tảng sáng, trong khoái cảm tỉnh táo khi vừa thức giấc, ta chợt nhớ đến ngày lễ hóa trang, lại một lần nữa lướt qua bên cạnh ta, trong y phục giả trang, những dải tua phấp phới bay, rắc đầy những vụn giấy màu, hét hò ầm ĩ, ra hiệu và đưa tay vẫy, nhưng ta đã né sang bên. Giờ thì trời đã sáng, rắc tro lên mái tóc. Ngoài cửa sổ gió vật vã giữa những lùm cây. Ta nghĩ có thể trong cuộc đời có một điều gì đó quá đà và thái quá, một thứ niềm vui bệnh hoạn nào đó, thứ hạnh phúc hoang dã và rú rít, nó chà đạp lên danh dự, phẩm cách của lý trí – và có lẽ là như thế, chỉ có điều chúng ta không biết.

(*) Márai Sándor: “Bốn mùa & Trời và Đất”, Giáp Văn Chung dịch, Công ty Nhã Nam và NXB Văn học, Hà Nội 2011.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung chuyển ngữ - Còn tiếp