Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THIÊN TAI VÀ NHÂN TAI (Phần 2)

(NCTG) “Có một điều tôi tin chắc chắn là, sau vụ con virus Đại Hán này, nhân loại trên toàn thế giới sẽ phải thay đổi. Con người nói chung sẽ phải thay đổi”.
Đại dịch đến từ Wuhan vẫn còn là một câu hỏi lớn! - Ảnh: AFP
Xem Phần 1 của bài viết.

Sniper ở Washinton D.C, Virginia và Maryland, Tháng 10/ 2002

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, người xưa nói quả không sai. Tròm trèm một năm sau, tai ương lại xuất hiện ở vùng Washington D.C. Lần này, Virginia và Maryland chịu cùng số phận. Một tên sniper (bắn tỉa) cứ di chuyển lòng vòng khắp ba địa danh trên, và thỉnh thoảng bắn tỉa một người. Những người bị hạ sát đều chết rất tình cờ, cứ như là tên sát nhân tùy nghi ra tay vậy thôi.

Dân cư hai tiểu bang Virginia, Maryland và vùng District of Columbia lúc đó, ngày nào và người nào cũng ít nhiều phập phồng tự hỏi, chẳng biết hôm nay ai là kẻ xui xẻo đây, có phải mình không. Cảnh sát điều tra công bố rằng tên sát nhân đã dùng súng trường có ống ngắm nên mỗi lần ra tay hắn chỉ bắn một phát. Sát thủ dường như lang thang khắp nơi nên người ta chẳng biết đâu mà dè.

Có một người đang đứng đổ xăng tại Gas station bị bắn gục trong lúc vòi xăng còn nằm trong bình xăng chiếc xe của mình. Từ đó mọi người ai cũng đổ xăng trong tư thế lom khom. Tấp xe vô cây xăng, mở cửa xe lom khom chui ra, lom khom quẹt thẻ trả tiền xăng, lom khom lấy vòi xăng ra khỏi cây xăng, lom khom mở nắp bình xăng của xe mình, lom khom thọc vòi xăng vô… vân vân, cứ vậy.

Ngày nào tôi cũng phải ra khỏi nhà và lái xe. Đôi lúc tôi cũng có thoáng nghĩ tới tên sniper vô hình nào đó nhưng rồi tôi chặc lưỡi, trúng số, thì lãnh. Tôi chẳng chút lo sợ nào hết vì tôi chưa có cảm giác tên sniper này ở gần mình. Sáng hôm ấy, như thường ngày, tôi lái xe đến Seven Coners, sát bên khu Eden của người Việt. Đang định quẹo vào khu shopping có cái quán cà phê Stabuck mà tôi ngồi mỗi ngày thì thấy đường quẹo vào đã bị chặn bằng những hàng rào gỗ.

Nhiều xe cảnh sát đậu gần đó. Một viên cảnh sát đến gần, chờ cho tôi hạ kính xe xuống rồi nói, “Khu shopping này hôm nay blocked, không ai vào được.” Tôi hỏi nguyên do, viên cảnh sát thoáng một giây ngần ngừ rồi bảo, một khách hàng của Home Depot đã bị bắn gục tại parking lot. Tôi hỏi, “Sniper?” Viên cảnh sát thoáng nhăn mặt, “Chắc thế. Anh hỏi nhiều quá,” và anh ta hất cằm, tay ra dấu chỉ cho tôi đi ra. Bây giờ thì tôi có cảm giác tên sniper này đã đến gần tôi hơn.

Quán cà phê Stabuck này hầu như tôi ngồi mỗi ngày, có hôm tới hai lần. Buổi sáng có khi tôi gặp họa sĩ Đinh Cường, và Đạo Cường, tức Như Hạnh Nguyễn Tự Cường. Chúng tôi sẽ uống cà phê, nói chuyện lai rai, có khi tôi vừa nói chuyện vừa viết bài. Tôi tập được kỹ năng vừa nói chuyện vừa viết bài thời còn làm báo Dân tộc ở San Jose, thập niên 80. Thời đó chưa có computer, nói gì đến internet. Tôi ngồi ở bàn viết của mình, hoặc dưới quán cà phê Đà Lạt viết bài bằng bút nguyên tử trên giấy tám rưỡi/mười một, cứ viết xong trang nào là cô thư ký Hà Chi lấy trang đó đi để đánh máy.

Tôi vừa viết bài, vừa tiếp khách, tiếp bạn. Phải viết bài cho kịp nên nói chuyện với khách, với bạn thì nói nhưng viết bài thì cứ viết. Lâu dần, nó thành một quán tính hay kỹ năng gì đó tôi chẳng biết. Bây giờ thì tôi lại hay viết trong quán cà phê Stabuck. Những cuốn sách của tôi, “Cõi Người Ta,” “Bên tách cà phê Buổi sáng,” “Trần Văn Thủy, Chuyện không Tử tế” nhiều phần được viết trong quán cà phê này.

Vậy tại sao khi vừa có cảm giác tên sniper đã đến gần mình hơn, tôi lại cắt ngang không nghĩ đến hắn nữa mà đầu óc cứ lan man đến công việc viết lách của tôi. Tôi đang tự hỏi thì cái cellphone của tôi kêu lên inh ỏi. Tôi bắt máy. Như Hạnh Nguyễn Tự Cường nói đang ngồi cùng Đinh Cường ở một quán cà phê Stabuck khác chờ tôi. Thì ra hai người đã đến đây trước tôi và đã biết sự việc. Biết tên sniper đã đến gần mình hơn, tôi lại nghĩ nhiều hơn đến công việc của mình, phải chăng đó là biến lý của sự lo sợ?

Thiệt hại của vụ sniper này thì không nhiều. 10 người bị bắn chết, 3 người bị thương nặng. Thủ phạm sau đó đã bị bắt. Hắn tên John Mohammad, 41 tuổi vào năm 2002. Hắn đã bị xử tử vào năm 2009. Đồng phạm với Mohamad là một cậu bé 17 tuổi, tên Lee Boyd Marvel, đã bị xử chung thân không giảm khinh vào tháng 10 năm đó.
 
Tên bắn tỉa John Allen Muhammad, kẻ đã khiến cư dân Washington D.C. kinh hoàng vào năm 2002 - Ảnh: edition.cnn.com
Tên bắn tỉa John Allen Muhammad, kẻ đã khiến cư dân Washington D.C. kinh hoàng vào năm 2002 - Ảnh: edition.cnn.com

Chỉ một tên cuồng tín và một cậu bé bị mê hoặc mà đã gây điên đảo và phập phồng lo sợ cho cư dân của cả Washington D.C, Virginia và Maryland, thì nếu bọn khủng bố có khỏang chừng vài chục tên sniper rải đi khắp 50 tiểu bang, thêm khoảng trăm tên khác rải đi khắp Âu châu và thế giới thì sự thể sẽ ra sao.

Không người bạn nào của tôi trả lời được câu hỏi này. Và hôm nay, bây giờ, ngay lúc này là dịch cúm COVID-19, năm 2020. Tuy nhiên, nếu đem so sánh cái cảm giác phập phồng sợ hãi của vụ sniper năm 2002 với tai ương đang xảy ra từ con virus COVID 19 thì tôi thấy cái sự vụ sniper chẳng có nghĩa lý gì. 10 người thiệt mạng, 3 người bị tương nặng, tất nhiên, 13 gia đình và bạn bè thân nhân của họ đau buồn.

Nhưng nếu so với vụ New York black out, tuy không thấy ghi nhận có người nào chết, nhưng thiệt hại cũng không thể so sánh, nói gì đến vụ động đất ở San Francisco, California, hay vụ khủng bố 9/11. Nhưng dù thế nào chăng nữa, vụ sniper cũng làm cho nhiều người phải bận tâm suy nghĩ. Người ta sẽ không còn cơ sở để bận tâm đến sniper nữa, vì bây giờ là COVID 19, con quái vật núp bóng bệnh cúm corona.

Từ tháng 12 năm 2019, những chữ corona hay COVID-19 đã thỉnh thoảng được nhắc tới, như một thứ dịch cúm phát xuất từ Wuhan, Hồ Bắc nên còn gọi là dịch cúm Wuhan.

Lai lịch, hành trạng và hành tung của con virus Wuhan này mang đầy tính chất kỳ bí. Khởi đi từ Wuhan, nó vượt đại dương sông núi, vượt những biên giới cắt ngang lãnh thổ, đến Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, tới Ý, Đức, Anh, Pháp, Phần Lan của Âu châu, đến cả Iran của Trung Đông. Nhiều lãnh đạo cao cấp của nhiều quốc gia cũng bị nó tấn công.

Việt Nam ta cũng có bị lây nhiễm nhưng có thể nói là không có gì đáng kể. Trong dịch cúm COVID 19 này, Việt Nam từ đầu đến giờ luôn làm chủ được tình hình. Và theo cảm nhận riêng của cá nhân tôi, virus COVID-19 đến các quốc gia khác chỉ là khúc dạo đầu trong kế sách giương Đông kích Tây của nó. Xuất phát từ Wuhan, Hồ Bắc là khổ nhục kế, mục tiêu chính của con virus Wuhan là Hoa Kỳ, phải là Hoa Kỳ. Và thành phố bị tai ương nặng nhất là New York. Sẽ có người hỏi tại sao.

Đầu tháng 11 tới đây là bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Gây được xáo trộn lớn trước ngày bầu cử là có thể dễ dàng tác động vào kết quả của cuộc bầu cử. Và tại sao lại là New York phải bị nặng nhất? Nếu Washington D.C là trung tâm quyền lực chính trị thì New York là trung tâm kinh tế và văn hóa của Hoa Kỳ. Tất cả những khám phá mới, những đổi thay đều được thắp sáng từ New York, trên lãnh địa Manhattan. Nếu Wall Street là đại bản doanh của thị trường chứng khoán thế giới thì Fifth Evenue là tổng hành dinh của tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ.
 
New York cũng phải trải qua những ngày nặng nề vì cơn họa đến từ Wuhan - Ảnh: AFP
New York cũng phải trải qua những ngày nặng nề vì cơn họa đến từ Wuhan - Ảnh: AFP

New York bị xáo trộn là toàn lãnh thổ Hoa Kỳ bị ảnh hưởng. Và chẳng riêng gì Hoa Kỳ, các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Vận động tranh cử Tổng thống vẫn đang diễn ra dưới sự hoành hành của con virus COVID-19. Chặn đứng được, khống chế được con virus Wuhan trước đầu tháng 11, Donald Trump chắc chắn ngồi lại nhiệm kỳ II. Ngược lại, tôi không tin rằng cuộc bầu cử sẽ được suôn sẻ.

Hiện nay hai đảng, Dân Chủ và Cộng Hòa, vẫn đang quyết liệt giở những chiêu sát thủ với nhau. Tôi không biết các quý ngài trong hai đảng này có bao giờ đặt những câu hỏi như sau không:

1. Tại sao con virus Wuhan xuất phát từ Wuhan, Hồ Bắc, mà thành phố Thượng Hải nằm sát một bên, Bắc Kinh cách không xa, và Thẩm Quyến… không một thành phố lớn nào khác của Trung Cộng có một người nào bị nhiễm bệnh?

2. Tại sao Trung Cộng làm áp lực với WHO không cho cơ quan này công bố thông tin về nạn dịch sớm hơn?

3. Đã có những bằng chứng cho thấy trước ngày đại dịch bùng phát ở châu Âu, Úc và Mỹ, Trung Cộng đã cho người đi thu mua hết khẩu trang, máy trợ thở từ các quốc gia này.


Đến đây, tôi thấy cần có vài lời để tán thán Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bà là một vị anh thư cang liệt, người đã ra lệnh đóng cửa Đài Loan không cho bất cứ một người nào từ Trung cộng nhập cảnh sớm nhất trong vụ dịch này. Bà còn tặng 10 triệu khẩu trang y tế cho Hoa Kỳ và các nước Âu châu.

Những nhân tai hay thiên tai trước đây chỉ ập đến hay cuốn qua rồi đi. Cái cường độ tàn bạo trong khoảnh khắc thì lớn nhưng không kéo dài. Vụ sniper thì có kéo dài một chút, tôi nhớ khoảng chừng trên dưới một tháng. Có thể nói, cái áp lực tinh thần trên mọi người bởi các thiên tai và nhân tai kia lúc nó đang xảy ra hay sau đó, khi tường tận về hậu quả thì cũng chỉ có một giới hạn nào đó.

Nhưng với con virus Wuhan này, đây là một nỗi kinh hoàng của toàn nhân loại. Nó gần như vô hình và có thể ở khắp mọi nơi. Cái cường độ tàn bạo của nó không ập đến mà như phủ trùm trái đất. Nó đã kéo dài 3 tháng và còn đang tiếp tục, tiếp tục đến bao giờ còn chưa biết.

Số người thiệt mạng đã khá nhiều, số người vướng bệnh đang nằm điều trị rất nhiều. Cái áp lực căng thẳng tinh thần đã làm nhiều người phải cố gắng để khỏi phát điên và hậu quả cuối cùng của nó thì chưa ai lường được. Có một điều tôi tin chắc chắn là, sau vụ con virus Đại Hán này, nhân loại trên toàn thế giới sẽ phải thay đổi. Con người nói chung sẽ phải thay đổi.

Tôi là người tuyệt đối tin vào nhân-quả. Đây là thiên tai hay nhân tai? Nhân nào sẽ có quả đó.

Tác giả bài viết: Trần Nghi Hoàng, từ Hoa Kỳ - Ngày 17 tháng 4, 2020.