Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THÊNH THANG “GIANG HỒ VẶT”

(NCTG) “Đi là có thêm cảm hứng trước bề bộn đời thường, về, để cảm nhận sâu hơn một chân lý giản dị, chỉ cần một nơi chốn bình yên bao gập ghềnh rồi sẽ dãn ra”.
Minh họa: Internet
Cũng đã khá lâu, bữa ấy lêu têu trên mạng tìm thông tin về Robin Hood mình bất ngờ chạm mặt “Giang hồ” (*) của Phạm Hữu Quang. Cái tứ ấy làm mình đặc biệt thích có lẽ bởi nó hợp với đám đàn bà nửa đầy khát vọng khám phá những miền đất lạ như thuở còn “tự do yêu dấu” nửa luôn ý thức về cái mỏ neo nặng trịch đủ cả từ bỉm sữa đến tương cà mắm muối... phía sau. Một cái mỏ neo hoàn toàn tự nguyện ngoắc vào, không hờn lẫy gì. Chỉ là muốn đi được cũng phải dền dứ chán, phải sắp xếp đủ thứ rồi mới tạm gỡ cái mỏ neo trĩu nặng yêu thương ấy vào một góc để mà lên đường...

Nói là vặt vì cái sự đi ấy đa phần là ngẫu hứng, lâu mới có một chuyến. Gần thì đủ các xó xỉnh trên dải đất hình chữ S, xa thì băng qua hàng rào biên giới... Nhiều khi không có mục tiêu dài hơi, là vì công việc mà kết hợp, vì muốn có cảm hứng mà viết lách cái gì đó. Hoặc đơn giản là lời xuýt xoa của bạn bè lỡ để mình nghe về một địa danh hoang vu, kỳ thú. Và đôi khi cũng chẳng vì lý do gì, đi là đi thôi vì tự nhiên lọt vào vài ngày nghỉ liền kề “trời cho” (quên, Nhà nước “cho”).

Vặt là vì lâu mới lôi cái ba-lô hầm hố trên gác đã phủ một lớp bụi mờ. Đâu đó trong các ngăn nhỏ còn sót một vài vỉ thuốc, mấy phong kẹo, gói ô mai thậm chí cả một bộ tú để lỡ có lúc rảnh mà đỡ mệt thì có thể quây lại ngồi “đan quạt”... xem cái thú của mấy ông giời nó hấp dẫn thế nào.

Vặt vì có khi cả đêm trước lục đục với một nồi thịt kho, âu dưa muối xổi, đĩa nem cuốn rán qua hay đám rau món nào ra món ấy trong cái tủ lạnh to đùng. May bọn trẻ từ bé đã quen độc lập tác chiến, quen với những lần đi của mẹ.

Điện thoại xe đón đã réo vẫn cố chạy sang phòng hai đứa tém lại cái chăn, tăng nhiệt độ điều hòa. Khép phòng chúng lại về phòng mình, ngẩn ngơ nghĩ nốt còn gì quên dặn kg rồi mới túm quai ba-lô chạy...

Giờ thì thôi nhé, đã đi là gác hết sang một bên: “Tàu đi qua phố, tàu qua phố - Phố lạ mà quen ta giang hồ”. Thường trong một hành trình người ta hay háo hức với điểm đến. Thì đã đành, nhưng với mình cả chặng dài lênh đênh trên đường cũng hay ho không kém. Đấy là lúc tuyệt đối tự do, không phải nghe điện thoại hỏi lịch a, b, c vì đã được dặn trước. Không phải tính toán từng phút cho đủ việc có tên và không tên từ 6h đến 23h. Không phải đối thoại, không buộc phải nói cười. Lúc ấy đột nhiên lòng thắt lại vì nhớ thì cứ việc trùm chăn kín đầu. Tạm “cắt cơn” được rồi thì trống rỗng nhìn nơi chốn đi qua vùn vụt bỏ lại phía sau. Có lúc lưng chừng trời là mây trắng, nắng vàng lãng đãng trôi như chạm vào được, gần mà xa. Lúc là những chuyến xe đêm, phố thị làng mạc hiện ra rồi mất hút. Nơi này ồn ã, chói sáng, nơi kia lặng lẽ, vàng vọt.

Giang hồ vặt” nhưng cảm xúc thì không hề vặt tí nào. Rất nhiều khi không phải bụi đường cay lòng mắt mà vì ánh nhìn của bọn trẻ miền núi kéo nhau ra đường vào giữa trưa nắng xin mấy đồng bạc lẻ của người đi đường hảo tâm. Vì những đứa trẻ đen nhẻm cuốn những con trăn to tướng trên cổ phi từ thuyền này sang thuyền khác “trình diễn” tự do để mưu sinh trên Biển Hồ, vì tiếng thét và gương mặt tái dại của mấy cô gái người Pháp trong bảo tàng diệt chủng, chứng tích tội ác của Pol Pot, trên “Cánh đồng chết” đầy âm khí, bước chân lật khật của một thiếu gia Sài Gòn giữa khuya khoắt đêm Ma Cao. Hỏi sang tận đây đánh bạc à, thắng hay thua. Cười tỉnh rụi “đi” có một căn hộ chung cư cư cao cấp thôi mà...

Khi đó, đi không phải là tận hưởng cảnh sắc hay văn hóa xứ người mà là một trải nghiệm thực tế không được báo trước... Nhưng đâu chỉ thế, đa số vẫn là cảm xúc “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng” trước hiện thực sinh động mà không cuốn sách du lịch nào chạm tới nổi. Đó là khi được ngồi giữa một không gian nhà rông nguyên bản Tây Nguyên ám khói, hơi đặc quánh như xắt ra được từng mảnh. Được nhìn ngắm nhà mồ ngổn ngang tượng của nghệ sĩ dân gian. Tượng làm rồi để đấy mục nát theo thời gian mà không “theo đời cơm áo”. Đơn giản làm tượng không phải để bán, không cần sẻ chia mà làm cho người chết... đỡ buồn. Được trò chuyện cùng nhà tu hành nhập thế của Đà Lạt đã kỳ công gây dựng cả một công ty bề thế, đem Địa lan chu du khắp nơi đủ để “đóng thuế cho đời”... Được chậm rãi bước giữa một chiều mờ sương chợt nghe bập bùng tiếng ghi-ta trong rừng thông hiếm hoi còn sót lại lẫn vào tiếng thác Datanla đổ vọng từ xa. Được sững lại trên vời vợi đỉnh Lũng Cú khi bắt gặp hai người già cầm tay nhau thận trọng từng bậc, nghe tay mình trông trống, gió luồn giữa các ngón, bất giác nhắm mắt mà hình dung ấm lạnh.. . Và lúc được trú nhờ, ngồi khều lửa bên bếp, thư thái nghe tiếng lục bục từ nồi nước đồ mèn mén trong bếp của người Mông giữa đỉnh trời như một tổ chim khổng lồ tự thấy quả nhiên “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt - Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”...
 
Tác giả trên đường “giang hồ vặt” - Ảnh: Facebook của nhân vật
Tác giả trên đường “giang hồ vặt” - Ảnh: Facebook của nhân vật

Đi để một chiều về lại nhà, ngồi phịch xuống bậc cầu thang thấp nhất, tháo đôi giày không còn nhận ra màu cũ, nghe tiếng hét vui mừng của con trai, nghe câu hỏi “mẹ ăn gì con nấu” của con gái, tiếng trò chuyện của hàng phố mà thấm thía đi hay ở đều quý giá như nhau. Đi là có thêm cảm hứng trước bề bộn đời thường, về, để cảm nhận sâu hơn một chân lý giản dị, chỉ cần một nơi chốn bình yên bao gập ghềnh rồi sẽ dãn ra. Thiếu một trong hai thứ ấy, đời sống chắc chắn sẽ tẻ nhạt vô cùng...

Ghi chú:

(*) Bài thơ “Quang hồ”:

Tàu đi qua phố tàu qua phố
Phố lạ mà quen ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi trèo thang với giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không 
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn 
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình 
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng 
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng góc ghế
Đếm thấy thừa ra một góc si.

Giang hồ mấy bận say như chết 
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều 
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt 
Ừ thôi trời đất cứ liêu xiêu.

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương 
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc 
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng 
Chân sẵn dép giầy trời sẵn gió
Ngựa về ta đứng bụi mù tung.

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc 
Hình như ta mới khóc hôm qua 
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt 
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

(Tháng 5-1991)

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương, từ Ninh Bình