Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THẦY NHẤT HẠNH VÀ NHỮNG BẢN “TÂM CA” “GIẾT CON NGƯỜI ĐI RỒI, THÌ CHÚNG TA Ở VỚI AI?”

(NCTG) “Nhiều bài thơ của thi sĩ Nhất Hạnh thời giữa thập niên 60 thế kỷ trước là những lời kêu cứu xót thương của con người trong chiến tranh loạn lạc, và nói lên mộng tưởng hòa bình, một cách đau đớn và vô vọng nhất mà những nghệ sĩ có thể biểu đạt với tâm nguyện của mình”.
Thầy Thích Nhất Hạnh (1926-2022)
Vừa được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch lúc 0 giờ ngày 22/1/ 2022 (theo giờ Việt Nam), tại chùa Từ Hiếu, Huế, thọ 95 tuổi. Ông được đánh giá là “một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có nhiều ảnh hưởng nhất trong thời đại này”, bên cạnh Đức Đạt La Lạt Ma thứ 14, Đăng-châu Gia-mục-thố (Tenzin Gyatso).

VOA Việt ngữ cho hay, GS. Phật học người Úc, John Powers, cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là một trong “13 vị thầy góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật trên toàn thế giới trong quá trình 2500 năm lịch sử Phật Giáo”.

Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” - “mindfulness”. Tạp chí “Times”, trong bài viết dài về vị Thiền sư, thừa nhận Hòa thượng Nhất Hạnh là người đầu tiên phổ biến những khái niệm này như một phương pháp tu tập”, theo VOA.

Mình không tu tập, cũng chỉ đọc sơ qua một vài cuốn sách của Thầy. Nhưng mỗi lần khi báo chí nhắc tới Thầy, mình lại nhớ 2 bài thơ này của Thầy, in trong tập “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện” năm 1965, khi Thầy mới du học ở “Tây” về sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa của ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ.

Cả 2 bài thơ, mình đều được biết lần đầu, khá muộn màng, chừng năm 1995, khi có dịp trao đổi với nhạc sĩ Phạm Duy về loạt 10 bài “Tâm ca” của ông, sáng tác trước đó tròn 30 năm, khi “cuộc chiến đã tới hồi cao nhất, hận thù leo giốc tới mức cao độ nhất, khiến cho nước tôi bị tha hóa hoàn toàn” như chia sẻ riêng của Phạm Duy.

Trong 2 bài đó, “Hòa bình” là bài đầu của tập thơ, được Phạm Duy phổ nhạc thành “Tôi ước mơ”, trở thành “Tâm ca” số 1.

Bài “Chiến tranh” được Phạm Duy lấy 2 câu thơ sau này trở nên nổi tiếng - và cũng bị các “quan văn nghệ” miền Bắc dốt nát lên án ghê gớm, “Kẻ thù chúng ta không phải con người (...) - Giết con người đi rồi, chúng ta ở với ai?” - để mở đầu cho “Tâm ca” số 7, bài “Kẻ thù ta”.

Cả 2 bài, ở dạng thơ và ca khúc, như những tác phẩm khác cùng tập thơ và nhạc, đều là những lời kêu cứu xót thương của con người trong chiến tranh loạn lạc, và nói lên mộng tưởng hòa bình, một cách đau đớn và vô vọng nhất mà những nghệ sĩ có thể biểu đạt với tâm nguyện của mình.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013)
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013)

Nói về loạt ca khúc mang tính tâm linh, “tâm phẫn”, Phạm Duy thổ lộ riêng:

Tôi xin được “báo cáo” là có ba con người trong một Phạm Duy. Con người tình cảm Phạm Duy luôn làm những bản nhạc tình yêu. Con người xã hội Phạm Duy làm những bản nhạc cho đất nước. Thế cho nên mới có những bài ca kháng chiến, mới có “Tục ca”…

Con người thứ ba ít người biết lắm là con người tâm linh. Tôi đã phát hiện ra nó khi viết “Tâm ca”.

“Tâm ca” ra đời vào 1965. Những người chủ trương chiến tranh, bạo động cố nhiên không thích “Tâm ca”. Nhưng có những người trẻ tuổi… Ở những bài như “Kẻ thù ta”, như “Tôi ước mớ”, tôi đã nói được cái phần tâm linh của con người đã bị chiến tranh làm tha hóa.

Hay dở không biết, nhưng tôi là người dám nói. Anh em tiếp thu thế nào, như các anh vừa nói, tôi lấy làm mãn nguyện lắm. Không ngờ những bài tôi viết ra lại có người tiếp thu, đồng thời có người đả phá.

Rất nhầm lẫn khi nói rằng “Tâm ca” “ru ngủ thanh niên”, trái lại, “Tâm ca” đã làm cho nhiều người thức tỉnh lương tâm. Biết bao nhiêu thanh niên đã yêu “Tâm ca” vì nó dám nói lên những điều mà mọi người muốn nói nhưng chưa dám nói… Giá trị tối thiểu của “Tâm ca” là ở vào thời điểm 65-70, đó là những bài hát nhân bản nhất trong khi ca nhạc ở nước ta luôn luôn bị giữ lại ở trình độ những bài hát tuyên truyền.

Anh em nói rằng: “Tâm ca không dễ tiếp thu!”. Không khó đâu, anh em ạ. “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?” là câu hát dễ ợt, hồi đó con nít miền Nam hát hoài, không có ai là người không tiếp thu được nó. Có những bài khác còn làm cho những người được lệnh chống “Tâm ca” phải khóc cơ mà?

Tôi mà không soạn “Tâm ca” vào thời đó thì tôi không đích thực là tôi, kẻ đã chọn làm một ca nhân “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”… ngay từ khi mới khởi sự kiếp cầm ca!
”.

Nói về “Tâm ca” trong bình thơ đêm Giao thừa Quý Tỵ 10/2/2013 tại Xóm Mới Làng Mai, Thầy Nhất Hạnh cho hay:

Năm 1964, Thầy thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH). Và từ đó các thầy trẻ, các sư cô trẻ, những người thanh niên Phật tử đã đi vào nông thôn để giúp cải thiện đời sống miền quê. Đó là những chiến sĩ hoà bình.

Thầy cũng thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh và mời thầy Minh Châu về làm Viện Trưởng. Trường TNPSXH thường tổ chức những buổi nói chuyện của văn nghệ sĩ. Và Phạm Duy được mời tới rất là thường. Phạm Duy đã sáng tác 10 bài “Tâm ca” trong thời điểm này”.

Thầy cũng nói thêm về ý thơ nổi tiếng “kẻ thù ta không phải là người, giết người đi thì ta ở với ai” mà Phạm Duy đã đưa vào “Tam ca” số 7:

“Bài này là một bài hát phản chiến. Hồi đó thanh niên đã hát trên đường phố Sài Gòn. Năm 1966 Thầy đã gặp Mục sư Martin Luther King, Jr. Thầy đã đọc cho Mục sư nghe trong một cuộc biểu tình ở Memphis thì mục sư đã giăng câu này ra để đi biểu tình.

My ennemy is not people.
If I kill people who shall I live with?
”.
 
“Lời mai đây cao ngút Trường Sơn...”, thư pháp của Thầy Nhất Hạnh giã từ nhạc sĩ Phạm Duy
“Lời mai đây cao ngút Trường Sơn...”, thư pháp của Thầy Nhất Hạnh giã từ nhạc sĩ Phạm Duy

Theo các hồi tưởng, những bản “Tâm ca” và “Tâm phẫn ca” của Pham Duy, đa phần đã được in trên tạp chí “Giữ thơm Quê mẹ” của Thầy Nhất Hạnh. Và đã trong thời gian đó, có nhiều lần Phạm Duy hát cho Thầy Nhất Hạnh nghe, đặc biệt là sau khi 10 bài “Tâm ca” của ông được Lá Bối xuất bản năm 1965.

Hai tên tuổi lớn của nền văn hóa và tinh thần Việt Nam, “một ông sư và một nhạc sĩ” như cách nói vui của Phạm Duy, với những điểm hết sức khác biệt và nhiều khi trái ngược trong mắt “người ngoài”, một chuẩn mực hết sức và một không sợ khi bị coi là buông tuồng hết chỗ nói, hóa ra lại rất gần nhau trong tâm tưởng, và trong sâu thẳm tâm hồn, tâm linh!

Lời mai đây cao ngút Trường Sơn”, một câu trong “Tiếng hát to”, bản “Tâm ca” số 2 của Phạm Duy, sau này đã được Thầy Nhất Hạnh dùng làm lời điếu của Thầy gửi tới gia đình Phạm Duy, với lời nhắn nhủ: “Anh không có đi đâu hết. Anh ở lại đây với chúng tôi. Anh phải tiếp tục cùng với con cháu. Anh phải làm cho được điều đã hứa với Thầy là viết cho được Trường Ca Trường Sơn”.

Thầy Nhất Hạnh qua đời, mình không dám nhận là biết hay hiểu những gì Thầy dạy, nhưng mạn phép được coi Thầy như một triết gia, một nhà tư tưởng, một thi sĩ có tầm vóc của Việt Nam. Đọc lại thơ Thầy, nghe lại bản phổ của Phạm Duy, để xót xa vì những gì mà hai con người ấy đau đớn cách đây gần 6 thập niên, giờ Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn...

*

HÒA BÌNH

Sáng nay vừa thức dậy
nghe tin em gục ngã
nơi chiến trường
nhưng trong vườn tôi, vô tình 
khóm tường vi vẫn nở thêm 
một đoá
tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng
điều tôi ước mơ?
 
Bìa tập “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”, in lần đầu năm 1965 của nhà Lá Bối - Ảnh: Facebook
Bìa tập “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”, in lần đầu năm 1965 của nhà Lá Bối - Ảnh: Facebook

CHIẾN TRANH

Xin hãy nghe tôi đây
Làng tôi hôm qua chỉ vì có sáu người Việt Cộng về
Mà đã bị dội bom – hoàn toàn tan nát!
Cả làng tôi chết sạch
Nền hoang ngơ ngác
Lũy tre xác xơ
Miếu thờ ngã gục
Tôi về đây trong mây nước rưng rưng.
Có trăng sao mười phương
Có nhân loại, có anh em đây
Cho tôi cất cao lời tố cáo cuộc chiến tranh bẩn thỉu này
Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, dã man, thảm khốc,
Ai xô chúng tôi vào vũng lầy chết chóc?
Xin làm chứng cho tôi
Hãy nghe tôi đây
Tôi nói rằng tôi không công nhận cuộc chiến tranh này
Chưa bao giờ và không bao giờ công nhận cuộc chiến tranh này
Tôi muốn nhắc lại một ngàn lần, trước khi tôi bị giết
Hãy nghe tôi, như nghe chim đỗ quyên,
Vì anh em
Nhỏ giọt máu trên cành hoa mà kêu lên tiếng kêu bi thương thống thiết
Tất cả các anh hãy quay báng súng về đập vào khối đen hận thù tham vọng
Hãy đưa bàn tay của các anh ra mà chở che cho sự sống
Kẻ thù của chúng ta là cuồng tín, là bạo tàn
Là tham lam, là vu khống
Kẻ thù chúng ta không phải con người
– dù con người gọi là Việt Cộng –
Giết con người đi rồi, chúng ta ở với ai?
Hãy đuổi chúng đi, những đàn âm binh từ muôn phương tràn tới
Gieo rắc vô minh, hận thù
Sầu thương vời vợi
Anh em giết nhau tủi nhục quá chừng
Cuộc chém giết vô nghĩa quá rồi, oan khuất nhiều rồi
Anh có nghe không?

 
10 bài “Tâm ca”, “bài nào cũng có ước vọng về hoà bình, có ước vọng nuôi lớn tình thương, đem từ bi để xoá bỏ hận thù”, theo đánh giá của Thầy Nhất Hạnh
10 bài “Tâm ca”, “bài nào cũng có ước vọng về hoà bình, có ước vọng nuôi lớn tình thương, đem từ bi để xoá bỏ hận thù”, theo đánh giá của Thầy Nhất Hạnh

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh