Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THANH TÂM TUYỀN (Phần 1)

“Đối với Thanh Tâm Tuyền, không có hiện tại hiện hữu mà chỉ có những hình dung, giả định về hiện tại, trong đó chủ thể của mọi tưởng tượng, suy tưởng, cũng chỉ là một bóng hình, một giấc mộng mà thôi. Như vậy ngay cả khi biết tư duy và cảm nhận, con người cũng xuôi tay, không tài nào minh định rõ ràng bản thân và thế giới bằng những giá trị thực có. Nhận biết trong trường hợp này là vô nghĩa, hay chính con người cực đoan tới mức cố ý coi nó là vô nghĩa lý.”

Thanh Tâm Tuyền, người đổi mới thi ca Việt Nam

Thơ Thanh Tâm Tuyền là bước đột khởi thành tựu của ngôn ngữ thi ca tiếng Việt hiện đại, đồng thời bao hàm nhiều yếu tố đang diễn tiến, lan tỏa từ một tâm thức “mở” và những vận động đương đại. Hai mặt “tựu thành” và “đang vận động” thực ra gắn bó xuyên thấm lẫn nhau, là cơ hội của nhau để xuất hiện một thế giới thơ ca mới tinh khôi, bao hàm dung lượng tri thức đầy tràn, với nhiều ám ảnh cả quen thuộc lẫn mới mẻ, với khuynh hướng thẩm mỹ lạ lùng cũng như cái biến hoá vô hình trạng khó lòng nắm bắt. Dấn thân quyết liệt bằng tư tưởng, hay những ý tưởng thời cuộc, nhưng Thanh Tâm Tuyền trên hết ý thức mình là một nhà thơ. Phương cách của nhà thơ là cảm hứng tột cùng và khao khát giác ngộ, vượt qua kiểu tri thức thực tiễn thông thường, tâm nguyện của nhà thơ kiểu Thanh Tâm Tuyền là ngôn ngữ, khởi thảo Sống. Phẩm chất tích hợp tuyệt vời trong ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền mở ra một thế giới đa sắc, đa giọng điệu để những thế hệ sinh sau tiếp tục khám phá, cho ra đời những dòng chảy chuyên biệt mang ảnh hưởng từ phổ rộng lớn Thanh Tâm Tuyền.
 
***

Một số nghiên cứu trước xếp thơ Thanh Tâm Tuyền vào dòng chảy siêu thực trên hai phương diện, một là sự phá cách cuồng phóng và hai là sự hình thành, tạo tác hệ thống hình ảnh siêu thực. Tuy nhiên, Thanh Tâm Tuyền đã vượt xa khỏi tư duy sáng tạo “siêu thực” để đi đến dạng thức thơ tự do, như cách gọi của nhà thơ, không chỉ bao hàm tự do về mặt thể thức như vần điệu, sự phá bỏ quy phạm câu thơ để đạt tới “thực hữu”- thơ, mà còn bao hàm cả ý nghĩa quan trọng, thậm chí đóng vai trò quyết định, đó là tự do về mặt cảm hứng, phẩm cách tự do chủ động của nhà thơ khi lựa chọn ý tưởng và biến ý tưởng ấy thành chất thơ, thành tác phẩm thi ca.

Thơ Thanh Tâm Tuyền trước hết là những phát kiến về mặt ý tưởng chứ không phải hình ảnh, như vẻ bề ngoài.

Nếu như phẩm cách đặc thù của thi ca hiện đại và đương đại là sự xuất hiện con người cá nhân hoá cao độ, với những tình tiết nhân thân cụ thể thực có, thì con người- cá nhân của Thanh Tâm Tuyền đứng trên những suy tưởng triết học và nghệ thuật để soi chiếu thực tại. Mỗi bài thơ của Thanh Tâm Tuyền đều rất ít gắn bó với tâm trạng cụ thể, mà khởi phát ngay từ mối day dứt, ám ảnh của nhà thơ về tồn tại cũng như suy tưởng.

Việc gia tăng ý nghĩa tự sự cũng như tính chất mạch lạc, suy lý của ý tưởng đối với nhà thơ đương đại, để khắc phục, đoạn tuyệt với ý nghĩa duy cảm hời hợt của thơ trữ tình trung đại, thực ra đã được Thanh Tâm Tuyền vượt qua một cách dễ dàng, nói cho chính xác, vấn đề này không đặt ra với thơ ông. Vì thơ Thanh Tâm Tuyền trước hết khởi phát từ mối quan tâm tri thức, là sự tổng hòa nhuần nhị của nhận biết.

Con người trong thơ Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn ý thức về tính chất tương đối của hiện trạng cũng như những khả thể Sống:

Tôi buồn khóc như buồn nôn…
Tôi buồn chết như buồn ngủ…
Tôi thèm sống như thèm chết…

(“Phục sinh” – trích từ tập “Tôi không còn cô độc”, 1956)

Đó không phải trạng thái lẫn lộn biến hoá của ý thức cuồng phóng, mà là sự điềm tĩnh, nhận rõ những thái cực hay hiện trạng, động cơ hay ẩn ức khác biệt của đời sống con người, thực ra chỉ là những bộc lộ khác nhau của cùng một bản thể, sự bộc lộ nhất thời trong một hành trình vô tận, với một góc độ nào đó ít nhiều mang tính siêu hình.

Tôi buồn khóc như buồn nôn/ ngoài phố/ nắng thủy tinh/ tôi gọi tên tôi cho đỡnhớ/ thanh tâm tuyền/ buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường/ tôi xin một chỗ quỳ thầm kín/ cho đứa nhỏ linh hồn/ sợ chó dữ/ con chó đói không màu
Tôi buồn chết như buồn ngủ/ dù tôi đang đứng trên bờ sông/ nước đen sâu thao thức/ tôi hét tên tôi cho nguôi giận/ thanh tâm tuyền

Tôi thèm sống như thèm chết/ giữa hơi thở giao thoa/ ngực cháy lửa/ tôi gọi khẽ/ em/ hãy mở cửa trái tim/ tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/ trong sạch như một lần sự thật 

Khái niệm “sống” và “chết” trong ý nghĩa gần nhất, mang tính tượng trưng cho sự gột rửa, phục sinh về con người, cũng có nghĩa là tự dời xa một con người nào đó có trước. Nhưng nghĩa bóng, nghĩa xa của nó lại là sự “sống” và cái “chết” sinh vật thực hữu ở đời. Chứng nghiệm cái chết bao giờ cũng là thách thức lớn của lý trí và bản năng, ngay cả khi nó được so sánh tương đương với cái sống và mang bản chất sống.

Đối với Thanh Tâm Tuyền, “chết” còn là tiên đề có trước chứ không phải sống, nhà thơ cảm nhận về chết trước khi cảm nhận sống. Không phải như một ý niệm triết học hay nghệ thuật thu hút mối băn khoăn, đòi hỏi làm sáng tỏ, không phải một phương cách hoà hoãn tạm thời thực ra là để trấn an nỗi “sợ chết”, quan niệm về cái chết của Thanh Tâm Tuyền đến từ cảm giác chứng nghiệm cái chết khác của những hiện hữu khác, mà nhà thơ nhận ra đó cũng là bản ngã của chính mình. Quan niệm này gần gũi với triết lý tỉnh thức từng giây phút, tinh túy trong Thiền học Phật giáo.

Mang bản chất sống, có trước sự sống, hiển lộ cùng với nhiều “cái tôi” khác nhau, cái chết trong thơ Thanh Tâm Tuyền là một minh chứng tự nhiên cho việc cùng tồn tại nhiều bản ngã trong một con người, mà không phải bao giờ con người cũng chứng nghiệm trọn vẹn, cũng như tính chất tương đối của con người tự ý thức, nhận biết.

Cái chết còn là một giá trị cao cả đặc thù cho thẩm mỹ bi tráng, tâm trạng thống mẫn của thơ Thanh Tâm Tuyền.

Thừa nhận tính tương đối của bản ngã, thơ Thanh Tâm Tuyền xuất hiện những mô tả vắng chủ thể người và thay vào là những chủ thể lạ lùng đa bản chất:

2. Mùa hè lên tiếng cười trong bàn tay nước suối/ mùa tóc mun/ đẹp những khu rừng không bóng cây

(“Mai” - trích từ tập “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”, 1964)

Chủ thể ở câu thơ là thiên nhiên, “mùa hè”, mà con người chỉ xuất hiện bằng những phần đoạn rời rạc, riêng lẻ, “bàn tay”, “tóc”. Một cảm nhận mang tính- người nhất quán ở đây được chia nhỏ cả cho những sự vật khác, “nước suối”, “mun”, và sự dịch chuyển quan trọng của cảm giác làm nên hình ảnh phi thực dị kỳ: “đẹp - khu rừng không bóng cây”. Tuy nhiên, “khu rừng không bóng cây” đã trở thành một ý tưởng hơn là hình ảnh.

Em bao giờ là thiên nhiên/ anh cúi đầu xuống ngực/ dòng mưa sắc lá/ đau môi/
Cỏ của hoa và hoa của cỏ/ những ngón tay những gót chân những nụ cười/
nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín/ cho thơm đường hôm nay đến sớm mai…
…. Gai trắng con ngươi mở mù loà/ hơi đất nằm trong tóc/ thèm muốn mỗi hàm răng/ từng móng vuốt/ đầy đồng xanh hoa nhiều màu một người/ sống sót

(“Cỏ” – trích từ tập “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”, 1964)

Thật khó để gán một ý nghĩa minh định cho đoạn thơ, bởi nó không kể chuyện, không mô tả, không định hình liên tưởng trong những sự vật cụ thể và cũng không bộc lộ, dù là cảm giác hay ý tưởng nào xuyên suốt, nhất quán. Nhưng tất thảy lại diễn tả một (hay nhiều) sự kết nối và phóng họa, lan tỏa. Của thời gian, từ phiếm định, mênh mông, “bao giờ”, cho tới sự huân chuyển “hôm nay” đến “sớm mai”. Của cảm nhận gãy vụn vào những mảnh thiên nhiên: “dòng mưa”, “sắc lá”, “đau môi”, “gai trắng”, “mù loà”, “hơi đất”, “trong tóc”… Của con người trở thành thú vật: “thèm muốn”, “hàm răng”, “móng vuốt”. Của vị trí từ chủ động tiến thoái hoặc phát ngôn, bỗng trở nên bị động tồn tại, một cách vừa phi lý lại vừa tuyệt vời tương xứng: “đầy đồng xanh hoa nhiều màu một người/ sống sót”.

Đó không phải cảm giác lộn xộn quái lạ của giấc mơ siêu thực, mà là hành trình qua nhiều trạng thức của tồn tại đa chủ thể, hay chủ thể tích hợp nhiều phẩm cách, tích hợp nhiều chiều thời gian, không gian.

Trong khi một số phân tích và nghiên cứu đặt niềm tin chắc chắn vào phương thức hình thành hình ảnh siêu thực như là cách thức đặt các hình dung, cảm giác đối lập, hoàn toàn không tương đồng bên cạnh nhau, thì thực chất của tư duy siêu thực vẫn là tập hợp những hình ảnh có bề ngoài rời rạc không liên quan, nhưng được liên kết từ nội tại bởi ám ảnh và đột biến của cơ chế “giấc mơ”.
 
***

Từ quan niệm về bản ngã đa phẩm cách, đa hiện hữu, Thanh Tâm Tuyền nhanh chóng tạo lập những ý tưởng và hình dung mới quyết liệt, vũ bão về tồn tại. Không còn một đời sống dựa trên những giá trị thuận lý, những cảm nhận “xuôi chiều” vốn có (ví dụ từ nội tâm phóng chiếu ra bên ngoài, từ bản năng trở thành tất nhiên), mà là tất cả của đảo lộn, nghịch lý, sự xa dời, dịch chuyển khỏi những khái niệm, trật tự bình thường vốn có:

Ngực câm không tiếng nói/ Chất cười không thuộc môi/ Giác quan đói khát
Đường hẻmvâycửa sổ/ Người ngồi quên thời gian/ Tình cảmđòimở ngỏ
Bàn taytrơtự do/ Hoa chối từ tóc biếc/ Hơi thở đắn đo
Sự sốngcònmột người/ Sự sốngcònnhiều người/ Những người vô tội
Nhân danh/ Tình yêu tự do người/ tôi được quyền kêu gọi
Những người đã chếtxin có mặt/ Những người còn sống xin giơ tay

(“Nhân danh”– trích từ tập “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)

Sự xuất hiện dày đặc của chủ thể bị động, vị thế bị động, thậm chí bất lực của con người trước những trạng thái, bản năng vốn dĩ thuộc về mình: “chất cười”, “tình cảm”, “tự do”, “hơi thở”, “sự sống”, vị thế bị động tương đối của “tôi” trước “tình yêu tự do người”, biểu lộ tâm thế phụ thuộc tột cùng của con người vào những bản ngã khác, hoặc phẩm cách khác. Sự tách rời những phẩm chất - người ra khỏi con người, tách rời con người khỏi chính - con - người là điều Thanh Tâm Tuyền nhiều lần lặp lại, tuy nhiên nó không giống khái niệm phân thân hay “độc thoại nội tâm” của lối viết cổ điển, mà là một định hình phá vỡ định hình cũ về con người cũng như nhân thế.

Chính điều này đã dắt dẫn Thanh Tâm Tuyền tới cảm quan được khách thể hóa mới mẻ, nhưng cũng rất gần gũi với tư duy huyền nhiệm Đông phương:

Hãy cho anhkhóc bằng mắt em/ Những cuộc tình duyên Budapest/ Anh một trái tim em một trái tim/ Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anhgiận bằng ngực em/ Như chúng bắn lửa thép vào/ Môi son họng súng/ Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào…
Chúngsaygiết người như gạch ngói/ Nhưlòng chúng tathèm khát tương lai/ Hãy cho anhrun bằng má em/ Khi chúng đóng mọi đường biên giới/ Lùanhững ngón tay vào nhau/ Thân thể anh chờ đợi…
Đêmkhông bao giờkhông bao giờ đêm/ Chúngtấn công hoài những buổi sáng/ Hãy cho anhchết bằng da em/ Trong dây xích chiến xa tội nghiệp…

(“Hãy cho anh khóc bằng mắt em Những cuộc tình duyên Budapest”, 12-1956 – trích từ tập “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)

Nhà thơ đặt tương đương những giá trị cũng như ý niệm về thời gian: “chúng say giết người” như “lòng chúng ta thèm khát tương lai”, “không bao giờ đêm” vì “chúng tấn công hoài… buổi sáng”, không chỉ như một cách phơi bày sự thật nghiệt ngã, tàn khốc đang diễn ra, mà còn nói lên tính ngẫu nhiên chết người, vượt khỏi tầm kiểm soát chủ quan, trong các xung đột nhân thế, hay quá trình kháng cự lại cái ác.

Khi tội ác được xem gần như không còn là một năng lượng kiểm soát được bằng lý trí hay chủ động của con người, lúc đó tồn tại, sự sống chết cũng không phải được duy trì bằng ý thức, mà là sự lan tỏa của linh cảm, những rúng động, mối tương cập của chủ thể ngoài- chủ thể. Câu thơ Thanh Tâm Tuyền gợi nhớ những nhân vật trong truyện Genji Nhật bản, với những hiện thân bên ngoài con người có thực, đi tìm cách trả thù riêng. Tuy nhiên con người với bản ngã - ngoài - chủ thể trong thơ Thanh Tâm Tuyền xác nhận đau thương, bi kịch hay nói một cách tổng thể là hiện tồn của tha nhân, như chân tính của mình, điều này gần gũi với một quan niệm căn bản của đạo Phật.

Tài năng của nhà thơ là dùng quan niệm ấy xoay chuyển toàn bộ thế giới thi ca và tâm tưởng vốn có, làm rỗng các giá trị tưởng chừng không suy suyển, hối thúc nghi ngờ, căn vấn, xoá bỏ, đốt trụi, và nung nấu khao khát khơi những lằn ranh mới của chuyển dời, gột rửa, tái sinh.

6. … Phiêu lưumãi một nhà tù/ Dãy tường câmchuyển động/ Trên một triềnvực sâu
Vũng nhỏgiữabàn tay khô héo/ Mang dấu tíchtình yêu/ Là những niềm bối rối
7. … Anhbỏ trốnghếtcuộc đời/ Những buổi chiều ban mai/ những nhớ nhung bầu trời/ Những vuốt ve trên bàn tay…
…  Không gian trong tay ôm/ Thời gian trong máu chảy/ Anhbỏ trốnghếtmọi người/ Những người đẹp như hy vọng/ Những người thân như quê hương…
Em đã chết đã chết…
… Ôi đêm nay đêm nay đêm nay/ Lăn lộn cùng gai góc/ Trong hốc đá tối tăm/ Đớn đau ghì lấy em/ Anh chỉ là giấc mộng

(“Sầu khúc”– trích từ tập “Liên Đêm Mặt trời tìm thấy”)

Những ý tưởng bao giờ cũng đi trước, mở lối và được nâng cao bằng hình ảnh, những hình ảnh đa chiều, đa cảm giác. Cụ thể hóa ý tưởng “phiêu lưu”, nhà thơ kết hợp “dãy tường câm” của ngục tù với ý nghĩa di dời vốn có của khái niệm, tạo ra hình ảnh “siêu thực” lạ lùng, nới rộng tưởng tượng, nhưng thực chất của hình ảnh này lại là ý tưởng mở, là kiếm tìm một trường ngữ nghĩa (phạm vi hiểu và kiến giải) khác. Khi sự giam cầm cũng không còn là cố định mà chuyển dời tương tự xê dịch của con người, thì ắt con người khốn đốn ấy còn bị đẩy tới đâu?

Cũng là sự chuyển dời của khái niệm, từ ý nghĩa cụ thể, “bỏ trống”, nhà thơ dành cho nó ý nghĩa trừu tượng trong kết hợp lạ thường, “bỏ trống - cuộc đời”, “bỏ trống - mọi người”, tạo ra sự xuyên thấm giữa cái cụ thể và trừu tượng, không còn ranh giới. Đọc cách tư duy táo bạo của Thanh Tâm Tuyền để thấy thực ra những gì vẫn được quan niệm là “trừu tượng” vô hình hóa ra vẫn có thể chạm khắc, tạo tác, định hình hay phế bỏ… hoàn toàn theo cảm quan của con người. Trong khi nhà thơ Nguyên Sa thiên về hình ảnh để tạo ra trường cảm giác mở, thì Thanh Tâm Tuyền thiên về ý tưởng, dùng sự chuyển dời của ý tưởng để làm thay đổi thế giới quan thơ.

Tương nhự như vậy, nhà thơ phế bỏ chính tồn tại của “cái tôi” qua hàng loạt hành động cụ thể. Sự va chạm vật thể, “lăn lộn”, “đớn đau”, “ghì lấy”… chỉ để khẳng định chắc chắn “anh chỉ là giấc mộng”. Ngay cả cái chết của người yêu, cũng nên hiểu là sự chết một cách tương đối, một nỗi đau đớn hay tuyệt vọng nào đó của “anh”, và không phải vì điều đó mà “anh” cũng sẽ “chết” như logic những chuyện tình cảm bi lụy. Con người trong thơ Thanh Tâm Tuyền cảm nhận bản thân như cái không có thực, ngay trong khi đang đau đớn, hờn giận, buồn tủi, tuyệt vọng, đang cảm nhận về một hiện hữu giả định, “đêm nay” nào đó. Đối với Thanh Tâm Tuyền, không có hiện tại hiện hữu mà chỉ có những hình dung, giả định về hiện tại, trong đó chủ thể của mọi tưởng tượng, suy tưởng, cũng chỉ là một bóng hình, một giấc mộng mà thôi. Như vậy ngay cả khi biết tư duy và cảm nhận, con người cũng xuôi tay, không tài nào minh định rõ ràng bản thân và thế giới bằng những giá trị thực có. Nhận biết trong trường hợp này là vô nghĩa, hay chính con người cực đoan tới mức cố ý coi nó là vô nghĩa lý.

Phá hủy để sáng tạo hay có khi phá hủy cũng là sáng tạo. Đảo lộn đến tận gốc rễ của tồn tại cũng là cách thức tồn tại mãnh liệt.

(*) Bài viết rút từ tập tiểu luận, phê bình “Suy tưởng, giấc mơ, viết…” (NXB Hội Nhà văn, 2011). Xin cám ơn tác giả đã cung cấp!

Tác giả bài viết: Khánh Phương - Còn tiếp