“THÀ CHẾT KHÔNG LÀM VONG QUỐC NÔ”
- Thứ sáu - 18/01/2008 08:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bất chấp mọi ý thức hệ, mọi hoàn cảnh, nhưng đụng đến những khái niệm thiêng liêng như Đất nước, Quê hương, người Việt không hèn”.
Soái hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) trong “Hải chiến Hoàng Sa” 19-1-1974
Kháng chiến bùng lên biệt thủ đô
Lên đường dẻo bước khoác ba lô
Mang theo ý chí người dân Việt
Thà chết không làm vong quốc nô
(“Tự thuật” – Tú Mỡ )
Lên đường dẻo bước khoác ba lô
Mang theo ý chí người dân Việt
Thà chết không làm vong quốc nô
(“Tự thuật” – Tú Mỡ )
Lâu lắm mới đọc lại bốn câu thơ này, thấy khí thế lạ. Nhất là, hôm nay đúng là ngày, tròn 34 năm trước, xảy ra trận “Hải chiến Hoàng Sa”, đến giờ vẫn là niềm tự hào của Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Nhưng trong dịp ấy, cho dù đã tử chiến, họ vẫn không giữ được Hoàng Sa...
Đảo một vòng quanh các blog quen biết, nhiều nơi nói về ngày này lắm. Nhiều blogger là người Bắc, vào thời điểm ấy có khi còn chưa chào đời - nhưng hẳn là cũng phải trải qua một thời gian dài sau mốc 1975 với những định kiến Bắc - Nam mang tính ý thức hệ rất “phổ thông” trong xã hội Việt Nam - đã coi hành động của các quân nhân “phía bên kia” là anh hùng.
Nhắc đến mấy câu “tự bạch” của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, và hành động quả cảm của quân đội Việt Nam Cộng hòa cách đây 34 năm, để thấy rằng: bất chấp mọi ý thức hệ, mọi hoàn cảnh, nhưng đụng đến những khái niệm thiêng liêng như Đất nước, Quê hương, người Việt không hèn. Và rằng, bất cứ người dân Việt nào cũng mang trong lòng tình cảm yêu nước, cho dù mỗi người có thể yêu theo cách khác nhau - yêu nước không cần phải cổ động, xin và cho phép, và cũng không thể cưỡng bức người dân... không yêu nước. Đơn giản, vì tình yêu nước, tự nhiên đến như tình yêu nam nữ vậy!
Tối nay, cộng đồng bên này có tổ chức một đêm giao lưu tưởng nhớ Phạm Tiến Duật. Nhắc đến ông, không hiểu sao, tôi hay nhớ đến “Vòng trắng” (1974). Không phải vì nó thuộc loại “có vấn đề” (đã đăng rồi, mà lại bị cấm, rồi khiến nhà thơ long đong sau đó khá lâu), mà vì, đọc nó, thấy day dứt:
Khói bom lên trời thành cái vòng đen,
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng.
Tôi với bạn đi trong yên lặng,
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Có mất mát nào lớn bằng cái chết,
Khăn tang vòng tròn như một số không.
Nhưng bạn ơi, ở bên trong màu trắng,
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng.
Tôi với bạn đi trong yên lặng,
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Có mất mát nào lớn bằng cái chết,
Khăn tang vòng tròn như một số không.
Nhưng bạn ơi, ở bên trong màu trắng,
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
Cái giá của chiến tranh có thể là như thế! Cũng như, Nguyễn Duy có mấy câu thơ rất hay được trích:
Đá ơi!
Xin tạc vào đá này lời chúc hòa bình
Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng nhân dân đều bại...
Xin tạc vào đá này lời chúc hòa bình
Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng nhân dân đều bại...
Dường như ít ai biết (hay nhớ) rõ hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Nguyễn Duy, cuối mùa hạ 1989, đã sáng tác và viết nó lên nền đá Angkor Watt (đền Đế Thiên) - khi ấy ông là phóng viên tường thuật lễ rút quân đội Việt Nam khỏi Campuchia.
Không sai! Đối với những cuộc chiến nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, những cuộc chiến vì ý thức hệ, vì những sai lầm tệ hại của kẻ lãnh đạo (mà rốt cục vẫn chỉ người dân là phải gánh chịu!), thì quả là vậy. Và đến giờ, người dân, chẳng còn ai muốn. Nhưng có lẽ, để giữ gìn và bảo vệ máu thịt của nơi mình sinh ra, sẽ vẫn không ít người lên đường khoác áo lính, đẹp và kiêu hùng, như hình ảnh đoàn quân mà Chính Hữu khắc họa 61 năm trước trong “Ngày về” (mà Lương Ngọc Trác đã phổ nhạc):
Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái buổi lên đường
Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc
A ha! Nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngợp
Cờ máu huy hoàng
Phất nắng
Ôi bài chiến thắng reo vang.
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái buổi lên đường
Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc
A ha! Nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngợp
Cờ máu huy hoàng
Phất nắng
Ôi bài chiến thắng reo vang.
Ngồi rồi, đọc lại những bài thơ “cổ lỗ” này, thấy lòng vững và tĩnh lại lạ kỳ. Trước mọi thứ lý sự bùng nhùng, lươn lẹo, những biện luận quanh co, điêu toa hàng ngày được (phải) nghe và đọc...