Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TARR BÉLA GÂY BẤT NGỜ TẠI LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ CANNES LẦN THỨ 60

(NCTG) Được các báo chí lớn của Pháp giới thiệu nồng nhiệt, được liệt vào hàng những bộ phim “có cơ” đoạt Cành cọ vàng lần này, nhưng sau 2 dịp công chiếu đầu tiên, “Người đàn ông London” của đạo diễn Hungary đã khiến dư luận và báo giới bất ngờ vì sự khó xem đến mức... bực mình của nó!

Tarr Béla và nữ tài tử Tilda Swinton (thủ vai người vợ của nhân vật chính trong phim) trước cuộc họp báo ở LHP Quốc tế Cannes

Đạo diễn Tarr Béla, năm nay 52 tuổi, thuộc hàng những nhà làm phim nổi tiếng nhất của Hungary và Đông Âu. Trưởng thành trong một gia đình lao động, thoạt đầu ông cũng là công nhân và khởi đầu sự nghiệp bằng sự tự học hỏi về điện ảnh. Năm 1977, ông quay bộ phim đầu tiên (trong 4 ngày) trên tư cách một nhà làm phim nghiệp dư và sau đó, ông quyết định theo học Học viện Điện ảnh Sân khấu Hungary, khoa Đạo diễn.

Trong thập niên 80 thế kỷ trước, Tarr Béla là đạo diễn “biên chế” của Hãng Phim Hungary MAFILM. Trong thời gian đó, ông là sáng lập viên, hoặc tham gia một số hãng phim tư nhân để dần dần trở thành một nhà làm phim độc lập. Từ năm 1990, Tarr Béla giảng dạy tại Hàn lâm Điện ảnh - Truyền hình Berlin; từ năm 1997, ông là thành viên Hàn lâm Điện ảnh Châu Âu. Từ hai thập niên nay, Tarr Béla sống cùng bà Hranitzky Ágnes, người dựng phim, một trợ thủ được ông coi là đồng tác giả trong các bộ phim của ông.

Sống tại một nước nhỏ ở Đông Âu, điều kiện tài chính hạn chế, Tarr Béla không làm được nhiều phim theo ý ông muốn và do đó, ông cho rằng khó đạt được sự thừa nhận xứng đáng từ giới phê bình điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, Tarr Béla đã có nhiều phim thành công trên trường quốc tế và được công chiếu rộng rãi tại các liên hoan phim (LHP) Pháp, Ý, Canada, Hoa Kỳ, Israel... Ông đã được nhận giải thưởng lớn nhất của Cộng hòa Hungary - Giải Kossuth (năm 2003) - cho những bộ phim được đánh giá cao trên trường quốc tế, và có ảnh hưởng lớn đến đến nền điện ảnh trong và ngoài nước. Ngoài nước, Tarr Béla được nhận Giải cho sự nghiệp đạo diễn tại LHP Jerusalem (năm 2003), và Giải France Culture (năm 2005, dành cho đạo diễn nước ngoài xuất sắc nhất)

Nói về quan niệm sáng tác, Tarr Béla nhấn mạnh: quan trọng nhất là con người giữ được cái “tôi”, giữ được tính cách của mình và thể hiện được nó trong quá trình sáng tạo. Tarr Béla, theo nhậnh xét của giới chuyên môn, là người có khả năng liên tục khám phá và đổi mới mình, cho dù, ông có cái nhìn khá bi quan về “sứ mệnh nghệ thuật” của mình. Theo ông, ông không còn tin rằng phim ảnh có thể thay đổi được thế giới - với ông, phim ảnh chỉ còn là những khoảnh khắc của cuộc sống, của những trạng thái!

Hranitzky Ágnes, Tarr Béla và hai diễn viên Tilda Swinton (Anh), Miroslav Krobot (Tiệp) trong cuộc họp báo

Tháng 5-2007, tại LHP Quốc tế Cannes lần thứ 60 tại Pháp, bộ phim “Người đàn ông London” của Tarr Béla được mời dự thi tranh Giải Cành cọ vàng. Từ 19 năm nay, kể từ phim “Hanussen” của đạo diễn nổi tiếng Szabó István, đến lần này Hung mới có đại diện tại LHP được coi là lớn nhất tại Châu Âu này. (Trong lịch sử của LHP Cannes, điện ảnh Hungary đã giành được tổng cộng 40 giải, trong đó có 5 giải Cành cọ vàng và 2 giải Camera vàng).

BTC đã lựa chọn từ 1.615 bộ phim của 95 quốc gia để lựa chọn ra 22 bộ phim dự thi, trong số đó, có những tác phẩm của nhiều đạo diễn lớn, như Quentin Tarantino, Vương Gia Vệ (Wong Kar-Wai), anh em nhà Coen hay Emir Kusturica. Ngoài bộ phim của Tarr Béla, còn 10 bộ phim khác của điện ảnh Hung được trình chiếu trong dịp này tại Cannes.

“Người đàn ông London” là một bộ phim có nhiều điểm đặc biệt và do đó, rất được mong đợi tại Cannes. Có cốt truyện dựa theo tiểu thuyết trinh thám cùng tên của nhà văn Bỉ viết tiếng Pháp Georges Simenon, bộ phim đen trắng dài hơn 2 giờ này được khởi quay cách đây 2 năm ở đảo Corsica với nguồn kinh phí rất lớn đối với Hungary (6,7 triệu USD), và với sự tham gia của dàn diễn viên Hung, Anh, Tiệp. Phim đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn: mùa xuân năm 2005, khi phim mới khởi quay thì chủ nhiệm phim người Pháp, ông Humbert Balsan, đã tự vẫn, hãng phim Ognon Pictures thì nợ nần chồng chất, khiến công việc bị ngừng lại vài ngày. (Trong cuộc họp báo tại Cannes, Tarr Béla đã cảm động tri ân đoàn làm phim: theo lời ông, trong hoàn cảnh vô vọng cách đây 2 năm, “không ai rời con thuyền và tất cả đã thể hiện tình đoàn kết trong cái thế giới chó chết này”) Phim cũng được kết thúc một cách hết sức cập rập: sau khi kết thúc quay vào trung tuần tháng Ba năm nay, lẽ ra cần 4 tháng để thực hiện phần hậu kỳ, song sau khi nhận được lời mời từ Cannes, Tarr Béla chỉ có tròn 2 tháng để kết thúc, làm phụ đề và lồng tiếng Anh, Pháp... và gửi đi dự thi.

Tác phẩm của Tarr Béla đã khiến công chúng, truyền thông và cả giới chuyên môn ngạc nhiên, vì nó diễn ra rất chậm chạp (cả 132 phút chỉ có vỏn vẹn 29 cảnh), lời thoại và tình tiết vô cùng ít ỏi và hết sức khó xem đối với những ai quen thể loại phim hành động. Đạo diễn Tarr Béla lý giải những ý tưởng nghệ thuật của ông như sau: “Người đàn ông London” là một bộ phim về sự cô đơn (khi con người đã quá chán chường cuộc sống đang có và luôn ám ảnh đến một cái gì khác) và về nhân phẩm, chứ không phải về cái túi đựng đầy tiền mà người thám tử trong phim truy tìm. Theo quan niệm của Tarr Béla, không cần nhiều diễn biến để thể hiện những gì diễn ra với các nhân vật trong phim: “Chúng tôi đẩy cốt truyện vào hậu trường để chú tâm đến cái hồn của các nhân vật”.

Trả lời câu hỏi có phải vì là người Hung, một dân tộc nổi tiếng là yếm thế, một thời có tỉ lệ tự tử hàng đầu thế giới, mà Tarr Béla làm một bộ phim lạnh lẽo, bi quan như thế không, đạo diễn đáp: điều này, một phần, không phải là chuyện sắc tộc, mà là sự nhạy cảm của từng cá nhân; mặt khác, phim của ông “không buồn bã, mà phản ánh hiện thực” mà chúng ta phải sống cùng với nó. Bởi lẽ, “nếu chúng ta bi quan, chúng ta đã thắt cổ tự vẫn từ lâu rồi; còn làm phim được tức là vẫn lạc quan”.

Tuy nhiên, dầu sao đi nữa, chắc chắn “Người đàn ông London” là một bộ phim khó xem, đối với giới truyền thông và cả giới phê bình điện ảnh. Điều này thể hiện trong buổi ra mắt đầu tiên của phim cho giới báo chí: có tới khoảng 200 đại diện báo chí, tức là một phần mười cử tọa, đã ra khỏi phòng chiếu sau một tiếng đầu! Ký giả tờ “Hollywood Reporter” than rằng phim hầu như không thể xem nổi: cảnh đầu phim dài tới 12 phút, “các nhân vật chính không mấy khi nói, và nếu có nói chúng ta cũng không hiểu gì mấy. Ai cũng có vẻ có tội, nhưng vì sao như thế thì chịu!” Phóng viên tờ “Ottawa Citizen” phàn nàn “phim dài như Tour De France [Cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp]". Nhà phê bình điện ảnh của “The New York Times”, ý thức được rằng “tại LHP quốc tế, khán giả bị cưỡng bức phải trực diện với sự nôn nóng của chính mình”, nên đã ngồi lại xem để cố hiểu được bộ phim của Tarr Béla, mà ông cho là “chậm chạp, cảnh quay dễ chịu”, nhưng “có những khoảnh khắc mà dường như đạo diễn không muốn bạn xem hình ảnh trong phim ông, mà muốn bạn hãy nhìn thấu suy tưởng của những nhân vật”. Chỉ có tờ “Screen Daily” đưa ra những ý kiến “tích cực” về phim, và nhận xét rằng trong “Người đàn ông London”, hội tụ tất cả những đặc tính trong phong cách của Tarr Béla, tuy rằng “nếu có làm DVD chắc sẽ không ai mua!” “Screen Daily” ra một số đặc biệt về LHP Cannes, cho điểm các phim dự thi trên thang điểm tối đa là 4 (những phim nào quá tệ, bị coi là không xem được, sẽ được đánh dấu “x”): “Người đàn ông London” được số điểm kém nhất (2,1), cùng các phim dự thi của Vương Gia Vệ và Kim Ki Duk (đứng đầu bảng là phim của anh em Coen và bộ phim Romania “4 tháng, 3 tuần và 2 ngày” với 32, điểm).

Tuy nhiên, 1 ngày sau, trong buổi trình chiếu ra mắt cho công chúng, cử tọa đã đứng dậy vỗ tay tới 5 phút sau khi phim kết thúc. Nhiều ý kiến cho rằng, dù có những phản ứng khác nhau, nhưng tác phẩm của Tarr Béla - về hình thức, chất lượng và sự đặc biệt của nó - hoàn toàn phù hợp với một LHP Quốc tế như Cannes, nơi mà giới thưỏng ngoạn có thể đánh giá được những bộ phim nghệ thuật đích thực, chứ không phải thứ phim hành động, dễ coi hay thấy ở điện ảnh Hollywood.

Tác giả bài viết: H.Linh