TÁM MƯƠI NĂM MỘT THI PHẨM THỨC TỈNH TINH THẦN ÁI QUỐC, DUY TÂN
- Thứ hai - 31/12/2007 10:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940)
Đáp lại tấm lòng của thế hệ trẻ, “Ông già Bến Ngự” đã tặng giới học sinh thi phẩm “Bài ca chúc tết thanh niên”, đậm tình ái quốc, thức tỉnh ý chí tự lập tự cường dân tộc. Bài thơ cũng nói lên niềm tin mãnh liệt vào thế hệ trẻ, được Phan Bội Châu đặt kỳ vọng là những con người sẽ đổi mới cách sống, cách suy nghĩ, đoàn kết, tập hợp đội ngũ, sẵn lòng xả thân vì nước, vì tự do, hòng đưa nước nhà trong cảnh nô lệ chìm đắm sang vận hội hội mới. Đặc biệt, dẫn lời thơ cổ, tác giả nhấn mạnh đòi hỏi đổi mới, canh tân không ngừng, trong tư duy và hành động: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân” (*)
Trước thềm năm mới, trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn trước họa “nội xâm” (tham nhũng tràn lan, đời sống xã hội chưa được dân chủ hóa ở mức cần thiết, một bộ phận lớn thờ ơ với vận mệnh quốc gia…) và “ngoại xâm” (những mảnh đất thân yêu đã bị chiếm giữ bấy nay, hiện có nguy cơ được hợp thức hóa về tay ngoại bang theo con đường hành chính), “Bài ca chúc tết thanh niên” của một mùa xuân cách đây 80 năm vẫn là hiệu còi thức tỉnh tinh thần ái quốc, duy tân!
BÀI CA CHÚC TẾT THANH NIÊN
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy,
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng.
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót.
Trời đất may còn thân sống sót,
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh.
Thưa các cô, các cậu, lại các anh,
Đời đã mới, người càng nên đổi mời
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội,
Xúm vai vào xốc vác cựu giang san,
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại.
Ai hữu chí từ nay xinh gắng gỏi:
Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần,
Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn,
Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa,
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ,
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân…
(Phan Bội Châu - Huế, 1927)
(*) Lấy trong sách “Đại Học” của Tăng Tử: “Cẩu nhật tân nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Đã mới rồi, ngày ngày càng đổi mới, tiếp tục đổi mới).