Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“TA ĐÃ LỚN. VÀ PAUXTỐPXKI ĐÃ CHẾT”

“Đã lâu lắm rồi, tôi không còn xem phim Nga, không đọc tiểu thuyết của Nga. Tuổi thơ đã ở lại, xa thật xa. “Ta đã lớn. Và Pauxtốpxki đã chết!”. Nhưng trong tôi, hình ảnh một nước Nga tưởng tượng sẽ mãi là như thế.”

“Mùa thu vàng” (1895) trong mắt danh họa Nga Isaac Levitan (1860-1900)


Tôi muốn viết gì đó về nước Nga, không hẳn vì tôi yêu mến nước Nga đến nhường ấy, cũng không hẳn vì tôi biết nhiều thứ về nước Nga để có thể chia sẻ với những người khác.

Tôi muốn viết về nước Nga đơn giản vì đó là một quãng thời thơ ấu của mình, là những trang sách, những bài hát, những tấm bưu thiếp, những quả táo thơm ngon, những con lật đật hai mắt tròn xoe, lông mi vẽ cong vút, những con búp bê gỗ từ nhỏ tí tẹo đến lớn, con này chui trong con kia, những bức ảnh của một cô bạn người Nga tôi vẫn còn giữ, nhưng đã quên tên.

Tôi muốn viết về nước Nga cho bạn tôi đọc, để cô ấy thấy lại thời tuổi trẻ của mình, những ngày đông đứng bên con sông đóng băng, nhìn ánh đèn hiu hắt, kiếm tìm cánh chim chao nghiêng buổi chiều hôm nào, chờ đợi để lắng nghe tiếng còi tàu rúc lên quen thuộc.

Mùa đông rồi
Những cánh chim đã đi
Tìm hơi ấm tận phương nào
xa lắm....
Sông đóng băng rồi
Chẳng còn ngọn sóng
Để mỗi chiều chim chao cánh bay nghiêng.

Mùa đông rồi
Lòng sông giá băng
Những con tàu chẳng tìm ra bến đỗ
Nên tàu cũng đi
Về đâu không rõ,
Sông vắng rồi tiếng còi rúc
tương tư...

Tôi hình dung về một Matxcơva “những đàn sếu bay qua - sương mù và khói tỏa”, những tấm biển treo dọc đại lộ “Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng”. Tôi hình dung một Matxcơva với những bụi xiren tím ngắt và thơm ngát nở rộ mỗi khi tháng năm về. Xiren (tử đinh hương) là hoa của mùa xuân, nhưng vì Matxcơva quá lạnh, nên chỉ tháng năm mới bắt đầu có. Tôi hình dung Matxcơva với những bó Landuska, một loài hoa dại mà các bà già hay bán ở cửa metro. Cô bạn tôi hay mua về, cắm vào những cái lọ hoặc cốc thủy tinh nho nhỏ, rồi mê mải ngắm những bông hoa hình chuông bé tí xíu, trắng muốt, tỏa mùi thơm dịu dàng. Tôi hình dung một Matxcơva với những hàng bạch dương, những cô gái đội mũ lông mắt xanh trong veo, hai má ửng hồng như trái đào, bọn trẻ con nặn hình người tuyết và vo tuyết ném nhau...

Nhưng thực ra mỗi khi hình dung về nước Nga, tôi nghĩ không nhiều đến Matxcơva, mà là những tỉnh lỵ “nơi đứng ở thềm nhà cũng có thể nhìn thấy những cánh đồng ở bên kia sông, những con đường rộng bò lên núi, những chiếc xe chở rơm trên những chuyến phà” (“Bình minh mưa”). Tôi tưởng tượng nước Nga qua những trang sách đã từng đọc ngày xưa, qua những “Đất vỡ hoang”, “Sông Đông êm đềm”... Nước Nga trong tôi là những bức vẽ của Levitan, những bài thơ của Puskin, là “Tuyết”, “Bình minh mưa”... của Pauxtốpxki, nơi tôi bắt gặp những con người mộc mạc và tốt bụng với tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng, những căn nhà gỗ ấm áp với chiếc ấm xamôva và những chén trà nóng, “hương mật ong, táo chín tỏa ngất ngây”, chiếc bình nhỏ cắm bó hoa đồng nội để trên mặt bàn gỗ mộc...

Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống, nhưng con đường dẫn tới phong đình bên dốc đã được quét dọn sạch sẽ, còn băng bụi phủ đầy những khóm tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang thoảng. Cây dương cầm cuối cùng đã được lên dây lại và cha đã cắm những cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Lêningrat vào những chân đèn. Và vẫn những bản nhạc ấy trên chiếc đàn? Bản tự khúc của vở nhạc kịch “Con đầm Pích” và tình ca “Trên bờ cõi Tổ quốc xa xôi”. Không biết những quả chuông treo ở cửa có kêu không? Thế là con vẫn chưa kịp chữa. Chả lẽ rồi con sẽ lại được gặp tất cả những cái đó? Chả lẽ rồi con lại được lấy nước giếng trong bình mà rửa sạch bụi đường xa? Cha nhớ không? Ôi, nếu cha biết được rằng từ chốn xa xôi này con yêu mến tất cả những cái đó biết chừng nào! Cha đừng ngạc nhiên, nhưng con nói với cha một cách thật nghiêm túc rằng con nhớ đến những cái đó trong những phút ác liệt nhất của trận đánh. Con biết rằng con đang bảo vệ không riêng gì bờ cõi đất nước mà cả cái góc nhỏ bé và thân yêu ấy trong lòng con: tức là cả cha, cả khu vườn nhà ta, cả những chú bé tóc bù xù trong làng ta, cả những cánh rừng bạch dương bên kia sông và cả con mèo Ackhip nữa. Xin cha đừng cười và đừng lắc đầu cha nhé” (“Tuyết”).

Nước Nga trong tôi là những con đường đất bùn lầy xa hút phía chân trời, những cỗ xe ngựa chở rơm lóc cóc gõ nhịp, là mùa đông tuyết trắng bao la, những cây bạch dương cô đơn, những cây phong gầy guộc, là những cánh đồng bát ngát yên tĩnh...

Xuyên những hàng sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua,
Buồn rải ánh vàng lai láng
Lên cánh đồng buồn giăng xa.

Trên đường mùa đông vắng vẻ
Cỗ xe tam mã băng đi
Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ
Đều đều khắc khoải lòng quê

(“Con đường mùa đông” - Puskin)

Đã lâu lắm rồi, tôi không còn xem phim Nga, không đọc tiểu thuyết của Nga. Tuổi thơ đã ở lại, xa thật xa. “Ta đã lớn. Và Pauxtốpxki đã chết!”. Nhưng trong tôi, hình ảnh một nước Nga tưởng tượng sẽ mãi là như thế.

Tác giả bài viết: FR, 1-3-2005