Sổ tay NCTG: “NGÀY VỀ”
- Chủ nhật - 11/10/2009 04:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Hà Nội đẹp là vì nó có những con người như thế, ở vào những khoảnh khắc như thế...”.
Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại
(Đường phố) xưa (gạch ngói) huy hoàng?
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường đổ âm thầm ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió hoa ngàn và cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
“Trở về, trở về, chiếm lại quê hương!”
Nguy nga sao cái buổi sẽ lên đường
Tay chuốt (gươm lan) mắt ngời sáng quắc
A ha nhà siêu mái sập
Xác oan cừu ngập bước chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngập
Cờ máu huy hoàng
Ôi bài Chiến thắng reo vang!
(Chính Hữu, 1947)
1. Đây là bản do chính tay ông đại tá Chính Hữu viết, vào tháng 8-1998. Có nhiều chỗ khác (câu chữ, cách ngắt xuống dòng, chấm phẩy…) so với các bản lưu hành trong sách và trên mạng bây giờ (kể cả bản trên “Thi Viện” là nơi các tác phẩm thường được đưa lên cẩn thận và xác tín nhất).
Đặc biệt, trong bản viết tay, Chính Hữu dùng các dấu ngoặc đơn đóng mở, không biết có dụng ý gì. Và có chỗ dường như còn sai chính tả (“nhà siêu mái sập”).
Kể ra, dù là thủ bút tác giả, cũng chưa thể khẳng định đây là bản gốc (như kiểu “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, sướng lên là bị/được sửa, tam sao thất bản một phần cũng do chính tác giả).
Giá Việt Nam ta có ý thức hơn về văn bản học, ít nhất là đối với những tác phẩm hay ho như “Ngày về”: trước khi tác giả tịch, đến hỏi và nhờ họ xác nhận một văn bản chuẩn, coi như là gốc, khó khăn gì đâu nhỉ?
2. Dù sao đi nữa, bây giờ có Net nên những bài thơ “vang bóng một thời” thế này mới rủng rỉnh trên mạng, cần là tìm ra. Chứ chục năm trước, cấm tìm đâu ra nguyên văn bài này.
Nói đến “nhà thơ cách mạng” Chính Hữu, là cứ phải “áo anh rách vai - quần tôi có vài mảnh vá” cho nó… môn đăng hộ đối. Thăng hoa lắm thì mới “đầu súng trăng treo”, hay hình tượng một chút thì phải “ngọn đèn đứng gác”. “Người về” chỉ được trích vài đoạn để nói về cái xu hướng bay bướm “tiểu tư sản” còn rơi rớt trong những ngày đầu kháng chiến, chứ chả ai nhớ cả bài.
Mà hình như, ngay tác giả “Ngày về” cũng muốn “khai tử” và quên hẳn nó đi - giống trường hợp sau 1975, Quang Dũng vào Sài Thành, có ai đọc lại “Tây Tiến” cho ổng nghe, mà ổng vẫn run như cầy sấy, van lạy “thôi đi, cho tôi xin…”. Cho dù, ngay khi ra đời, “Ngày về” được “nhạc sĩ cách mạng” Lương Ngọc (Trác) phổ nhạc luôn (*), bộ đội ta hát dài dài và đến giờ nhiều người còn nhớ.
Tức là, thực ra, chả có gì là cấm kỵ.
3. “Ngày về” thuộc dòng cảm hứng rất… Hà Nội của hàng loạt sáng tác văn, thơ, nhạc, họa… thời ấy.
Ấy là ước vọng của Nguyễn Đình Thi “ngày về, chiến thắng” (“Người Hà Nội”, 1947), của Huy Du “ngày mai, sẽ về thủ đô đắp xây chốn xưa” (“Sẽ về thủ đô”, 1948), của Quang Dũng “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (“Tây Tiến”, 1948), của Văn Cao “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” (“Tiến về Hà Nội”, 1949), để rồi bừng sáng trong một ngày thu tháng Mười: “Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi đi qua Bắc Giang chỉ thấy làng mạc vắng lặng, có vài ngọn tre treo cờ đỏ sao vàng. Về tới Hà Nội thì gặp cả rừng hoa và cờ đỏ sao vàng, cứ ngỡ là trong giấc mơ” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Cái cảm hứng lãng mạn, hào hùng nhưng có phần cổ kính, cũ kỹ và đậm tính ước lệ Ba Tàu ấy, còn khiến ông nhà thơ “Say” Vũ Hoàng Chương, trong một khoảng khắc, phải rời ly rượu để chung vui với bộ đội ta: “Ba mươi sáu phố phường hôm ấy - Là những ngành sông đỏ sóng cờ - Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại - Năm cánh xòe trên năm cửa ô” (“Nhớ về Hà Nội vàng son”, 1947).
4. Mở đầu “Sáng mát trong…”, Nguyễn Đình Thi cũng có những câu thơ “thần sầu”, gợi nhớ “Ngày về”, mà chắc người Hà Nội nào cũng biết: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội - Những phố dài xao xác heo may - Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Thì đấy, Hà Nội đẹp là vì nó có những con người như thế, ở vào những khoảnh khắc như thế. Chứ chắc chắn, tỉ dụ, không vì mấy ông TS và quan chức có những “đột phá tư duy” quái đản, hoặc những tay trọc phú xây cất tùm lum trong Công viên Thống Nhất…
Thế nên, nhân 10-10 (chứ không phải… 1-10 nhé), đọc lại “Ngày về”, hay nghe lại những ca khúc thời ấy, bất giác vẫn thấy cảm động, thấy nao lòng, mới chết chứ…
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại
(Đường phố) xưa (gạch ngói) huy hoàng?
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường đổ âm thầm ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió hoa ngàn và cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
“Trở về, trở về, chiếm lại quê hương!”
Nguy nga sao cái buổi sẽ lên đường
Tay chuốt (gươm lan) mắt ngời sáng quắc
A ha nhà siêu mái sập
Xác oan cừu ngập bước chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngập
Cờ máu huy hoàng
Ôi bài Chiến thắng reo vang!
(Chính Hữu, 1947)
1. Đây là bản do chính tay ông đại tá Chính Hữu viết, vào tháng 8-1998. Có nhiều chỗ khác (câu chữ, cách ngắt xuống dòng, chấm phẩy…) so với các bản lưu hành trong sách và trên mạng bây giờ (kể cả bản trên “Thi Viện” là nơi các tác phẩm thường được đưa lên cẩn thận và xác tín nhất).
Đặc biệt, trong bản viết tay, Chính Hữu dùng các dấu ngoặc đơn đóng mở, không biết có dụng ý gì. Và có chỗ dường như còn sai chính tả (“nhà siêu mái sập”).
Kể ra, dù là thủ bút tác giả, cũng chưa thể khẳng định đây là bản gốc (như kiểu “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, sướng lên là bị/được sửa, tam sao thất bản một phần cũng do chính tác giả).
Giá Việt Nam ta có ý thức hơn về văn bản học, ít nhất là đối với những tác phẩm hay ho như “Ngày về”: trước khi tác giả tịch, đến hỏi và nhờ họ xác nhận một văn bản chuẩn, coi như là gốc, khó khăn gì đâu nhỉ?
2. Dù sao đi nữa, bây giờ có Net nên những bài thơ “vang bóng một thời” thế này mới rủng rỉnh trên mạng, cần là tìm ra. Chứ chục năm trước, cấm tìm đâu ra nguyên văn bài này.
Nói đến “nhà thơ cách mạng” Chính Hữu, là cứ phải “áo anh rách vai - quần tôi có vài mảnh vá” cho nó… môn đăng hộ đối. Thăng hoa lắm thì mới “đầu súng trăng treo”, hay hình tượng một chút thì phải “ngọn đèn đứng gác”. “Người về” chỉ được trích vài đoạn để nói về cái xu hướng bay bướm “tiểu tư sản” còn rơi rớt trong những ngày đầu kháng chiến, chứ chả ai nhớ cả bài.
Mà hình như, ngay tác giả “Ngày về” cũng muốn “khai tử” và quên hẳn nó đi - giống trường hợp sau 1975, Quang Dũng vào Sài Thành, có ai đọc lại “Tây Tiến” cho ổng nghe, mà ổng vẫn run như cầy sấy, van lạy “thôi đi, cho tôi xin…”. Cho dù, ngay khi ra đời, “Ngày về” được “nhạc sĩ cách mạng” Lương Ngọc (Trác) phổ nhạc luôn (*), bộ đội ta hát dài dài và đến giờ nhiều người còn nhớ.
Tức là, thực ra, chả có gì là cấm kỵ.
3. “Ngày về” thuộc dòng cảm hứng rất… Hà Nội của hàng loạt sáng tác văn, thơ, nhạc, họa… thời ấy.
Ấy là ước vọng của Nguyễn Đình Thi “ngày về, chiến thắng” (“Người Hà Nội”, 1947), của Huy Du “ngày mai, sẽ về thủ đô đắp xây chốn xưa” (“Sẽ về thủ đô”, 1948), của Quang Dũng “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (“Tây Tiến”, 1948), của Văn Cao “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” (“Tiến về Hà Nội”, 1949), để rồi bừng sáng trong một ngày thu tháng Mười: “Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi đi qua Bắc Giang chỉ thấy làng mạc vắng lặng, có vài ngọn tre treo cờ đỏ sao vàng. Về tới Hà Nội thì gặp cả rừng hoa và cờ đỏ sao vàng, cứ ngỡ là trong giấc mơ” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Cái cảm hứng lãng mạn, hào hùng nhưng có phần cổ kính, cũ kỹ và đậm tính ước lệ Ba Tàu ấy, còn khiến ông nhà thơ “Say” Vũ Hoàng Chương, trong một khoảng khắc, phải rời ly rượu để chung vui với bộ đội ta: “Ba mươi sáu phố phường hôm ấy - Là những ngành sông đỏ sóng cờ - Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại - Năm cánh xòe trên năm cửa ô” (“Nhớ về Hà Nội vàng son”, 1947).
4. Mở đầu “Sáng mát trong…”, Nguyễn Đình Thi cũng có những câu thơ “thần sầu”, gợi nhớ “Ngày về”, mà chắc người Hà Nội nào cũng biết: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội - Những phố dài xao xác heo may - Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Thì đấy, Hà Nội đẹp là vì nó có những con người như thế, ở vào những khoảnh khắc như thế. Chứ chắc chắn, tỉ dụ, không vì mấy ông TS và quan chức có những “đột phá tư duy” quái đản, hoặc những tay trọc phú xây cất tùm lum trong Công viên Thống Nhất…
Thế nên, nhân 10-10 (chứ không phải… 1-10 nhé), đọc lại “Ngày về”, hay nghe lại những ca khúc thời ấy, bất giác vẫn thấy cảm động, thấy nao lòng, mới chết chứ…
(*) Có thuyết bảo là Chính Hữu đặt lời trên nền nhạc của Lương Ngọc, chả biết sai đúng ra sao. Bạn nào ở Việt Nam làm ơn hỏi ông Lương Ngọc giùm với, nhanh nhanh… Cụ cũng hơn bát tuần rồi…