Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“Sầu tàn trong bóng đêm dài...”: GIÃ BIỆT NỮ DANH CA MAI HƯƠNG

(NCTG) Nữ danh ca Mai Hương (tên khai sinh là Phạm Thị Mai Hương), một trong những giọng ca xuất sắc của nền Tân nhạc Việt Nam, vừa qua đời hôm 29-11-2020 tại California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 79 tuổi.
Danh ca Mai Hương (1941-2020)
Mai Hương chào đời và trưởng thành trong một gia đình nghệ sĩ danh tiếng, thân phụ là ông Phạm Đình Sỹ (anh trai của các ca sĩ Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung và nhạc sĩ Phạm Đình Chương), thân mẫu là bà Kiều Hạnh (chị gái của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, diễn viên kịch nổi tiếng, thành viên đoàn kịch “Sao Vàng” của nhà thơ Thế Lữ).

Năm 11 tuổi, bà cùng gia đình chuyển từ miền Bắc vào Sài Gòn và khởi nghiệp ca sĩ rất sớm, từ năm 12 tuổi, với các chương trình nhi đồng của Đài Phát thanh Pháp Á và Đài Phát thanh Quốc gia. Sở hữu giọng ca trau chuốt, bà có chất giọng sang trọng, rất thích hợp với các ca khúc bán cổ điển hoặc chuyển thể từ nhạc cổ điển Phương Tây.

Tuy nhiên, trái với nhiều thế hệ ca, nghệ sĩ Sài Gòn trước 1956, Mai Hương hầu như không xuất hiện tại các vũ trường, câu lạc bộ, mà chỉ tham gia các chương trình truyền thanh và truyền hình. Bà thành danh với nhiều ca khúc “tiền chiến” của Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, và đặc biệt, của nhạc sĩ, nhạc trưởng Vũ Thành.
 
mh4


Với vai trò chủ sự Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Quốc gia Sài Gòn, ca khúc của Vũ Thành được nhạc sĩ Phạm Duy đánh giá là “mang tính chất bán cổ điển Tây Phương, nghe rất sang trọng, quý phái”, và bản thân ông được nhạc sĩ Lê Văn Khoa nhận xét là có “ngôi vị cao trọng hơn nhiều” so với một người viết ca khúc phổ thông đơn thuần.

Trong số những nhạc phẩm của Vũ Thành, làm nên tên tuổi của Mai Hương là “Nhặt cánh sao rơi”, và nhất là “Giấc mơ hồi hương”, có lẽ là ca khúc lớn nhất về sự phân ly Bắc - Nam. Đó cũng là bài ca hiếm hoi mà Vũ Thành dùng từ “em” yêu thương, nhưng không phải về một người con gái, mà về Hà Nội, theo nhận xét của nhạc sĩ Thanh Trang.

“Giấc mơ hồi hương”, trước hết có lẽ là bản quyền” của Tài tử Anh Ngọc, một tượng đài kinh điển của âm nhạc miền Nam trước 1975, và sau đó là của Thái Thanh, Lệ Thu và Mai Hương. Nghe lại để tiễn đưa bà, người như rất nhiều tên tuổi khác, không còn dịp “Cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương - Để cùng say giấc mơ hồi hương”.
 
mh1

GIẤC MƠ HỒI HƯƠNG

Andantine expressive - Cantabile
3/4

1. Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn Em mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly.

Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ Em... Hà Nội ơi!

Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thu.
Lắng tiếng tiêu buồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước...
mối duyên hờ đã phai mờ trong bóng đêm mơ hồ.

Mơ ước thấy Em một ngày sáng tươi
Tắm nắng hồng của một sớm mai
Say hương thanh bình khắp nơi.
Lắng tiếng huy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa xây cuộc đời
Sầu tàn trong bóng đêm dài.

Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn Em mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly.

Rồi đây dù lạc ngàn phương
Ta hướng về chốn sa trường
Cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương
Để cùng say giấc mơ hồi hương.

2. Chiều nay nhìn về quê xưa
Hình bóng thân yêu chưa mờ
Gửi tới cố hương chút niềm thương.

Tìm em qua bao năm tháng
Vó câu chinh nhân chưa mòn
Ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang.

Rồi đây trên đường hồi hương
Vang tiếng cười chốn xa trường
Mình dìu nhau sát vai sống trong tình thương
Để cùng say giấc mơ hồi hương.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh