Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỰ MẠO HIỂM CỦA LÒNG TỐT?

(NCTG) “Bất chấp âm mưu và chiến tranh, bất chấp lọc lừa và giết hiếp…, cuộc đời luôn ươm ủ những hạt mầm của tình thương yêu và niềm hy vọng”.

Hai cô gái quả cảm: Hannah (người cầm đàn) và Anne

Một chiều, bà Cheryl dừng tay nâng cốc trà bởi có tiếng gõ cửa. Trước mặt bà là hai cô gái Đức trẻ măng với chiếc xe Ford loại 4WD (*) già cũ chất ngất chăn gối quần áo lẫn nồi bát bếp núc. Hannah và Anne hỏi xin việc làm.

Bà Cheryl, 68 tuổi, vợ góa của một chủ trang trại, đã chuyển đổi đất đai thành những khoảnh riêng cho con cái làm nhà, và thành một khoản nho nhỏ giắt lưng về già. Ái ngại (và thích thú) nhìn hai cô gái trẻ, nghĩ kế giúp các cô tìm việc. “Đấy, các cháu thử sang hàng xóm cuối đường nhà tôi, có thể họ có việc cho cô chăng? Và đây là mấy số điện thoại nữa, họ là bạn bè người quen của tôi, hãy gọi cho họ nói là tôi cho số nhé”.

Tất nhiên, bà Cheryl không quên đưa số của bà cho các cô và dặn dò, hãy gọi cho tôi nếu các cháu cần giúp đỡ bất kỳ điều gì. Ngay tối hôm đó, bà biết các cô đã tìm được việc ở nhà một người quen của bà.

Vài ngày sau là Giáng sinh, bà Cheryl chạnh nhớ tới hai cô gái, gọi điện hỏi thăm. Nhân thể bà hỏi, có thích đến nhà bà dự tiệc Giáng sinh không? Thế là, bữa tiệc Giáng sinh đông vui con cháu của bà Cheryl được bày thêm hai bộ dao dĩa nữa.


Bạn có sẵn sàng ngủ trên cái giường xép này suốt nửa năm không? Chiếc xe, nhà di động của hai cô gái trong 6 tháng...

Hành xử với người lạ như bà Cheryl liệu có phải là quá đặc biệt? Không, bà Cheryl khẳng định. Hầu như những người nông dân Úc, những người gắn bó với đất đai đều tốt bụng giàu tình nhân ái. Tuy nhiên, những gì bà làm sau đó với hai cô gái thì, bạn bè và con cái bà đều lắc đầu, không hiểu.

Đang đi nghỉ Giáng sinh, bà nhận được điện thoại của cậu con trai sống gần nhà, tiếng cậu quát lên: “Mẹ có điên không? Xe của mẹ đâu rồi? Con không thấy xe của mẹ đâu cả?”. Bà giải thích với con trai rằng, bà… lớn rồi, bà có quyền làm những gì bà muốn, rồi nhẹ nhàng: “Xin lỗi con, mẹ có cuộc điện thoại khác đang đợi”, và cúp máy.

Phải, bà Cheryl đã giao chìa khóa nhà và xe cho Hannah và Anne tùy ý sử dụng trong một tuần bà vắng nhà. Lý lẽ trái tim của bà lên tiếng. Hai cô bé xứng đáng được hưởng tuần Giáng sinh và năm mới thật đặc biệt trong căn nhà ấm áp đẹp đẽ của bà hơn là phải ép mình ngủ trên cái xe nhỏ ấy.

Không, tôi không điên, tôi tin hai cô gái ấy. Tôi thương chúng nó. Nó giống cháu tôi. Quan trọng là cái tình người giữa chúng tôi lúc đó. Nếu đó là hai thằng con trai tôi có làm thế không ư? Có chứ! Kể cũng liều, nhưng cuộc sống mà không có chút mạo hiểm nào thì chán ngắt, phải không?”.


Hannah chơi một bài hát tiếng Anh để mọi người có thể hát theo

Hannah, 18 tuổi, có vầng trán cao và đôi môi mỏng giống nàng Mona Lisa, thích văn và triết, giỏi ăn nói, nom dịu dàng đằm thắm (chín chắn). Anne, 19 tuổi, có nụ cười đẹp, tiếng cười ròn tươi, sôi nổi (nông nổi), thích thể thao, hơi dè dặt lúc ban đầu, nhưng khi đã quen thì khác hẳn. Bên bát phở gà ngào ngạt bốc khói ở nhà tôi, các cô gái sôi nổi kể về cuộc hành trình sáu tháng của họ.

Anne: Ý tưởng đi là từ cháu. Từ nhỏ cháu đã mê nước Úc qua lời kể của người lớn. Rồi cậu cháu là nhà báo, hay sang Úc làm việc, cậu mang về sách ảnh nước Úc cho cháu. Thế là khi mười sáu tuổi, cháu đã khẳng định là cháu sẽ đi Úc sau khi học xong.

Còn Hannah? Tìm được bạn đồng hành là việc khó nhất, quyết định chuyến đi có thành công hay không đấy, phải không?

Hannah: Anne rủ cháu từ hai năm trước. Và cháu đồng ý. Bọn cháu học cùng, chơi cùng nhau tám năm. Đủ để biết tính tình nhau.

Anne: Cháu có nhiều bạn thân nhưng cháu tin Hannah nhất. Cháu cảm thấy yên tâm khi ở bên cạnh bạn ấy. Hannah rất giỏi giao tiếp. Bạn ấy là người gọi điện xin việc. Gặp người lạ, bao giờ bạn ấy cũng là người nói trước. Cháu thì phải sau một lúc sau mới nói chuyện được.


Vừa mua xe xong, thích quá!

Hannah (giơ ra hai bàn tay với mười ngón đan vào nhau khăng khít, bảo): Bọn cháu ăn ý thế này này. Chẳng bao giờ cãi nhau cả.

Mục đích chính của chuyến đi của các cháu là gì? Du lịch hay kiếm tiền?

Hannah: Bọn cháu muốn thưởng thức thiên nhiên Úc. Muốn được trải nghiệm cuộc sống, nhất là cuộc sống của người dân địa phương. Để tự tin hơn. Bây giờ bọn cháu có thể tự hào nói rằng quẳng đâu bọn cháu cũng sống được.

Anne: Chúng cháu làm việc chỉ có một tháng thôi, còn năm tháng kia là du lịch.

Vậy thì làm sao các cháu có đủ tiền để sống? Làm việc có một tháng, thời gian còn lại thì làm gì?

Anne: Mỗi đứa bọn cháu mang đi khoảng bảy ngàn đô Úc, tiền đó do chúng cháu đi làm và tiết kiệm khi còn ở Đức. Ở Úc, chúng cháu làm việc trong các trang trại, được trả 18 đô một giờ bằng tiền mặt, được cho chỗ ăn chỗ ngủ. Khi không làm việc, bọn cháu di chuyển, ngày nhiều nhất là tám tiếng lái xe, chỉ dừng lại chỗ nào cảnh đẹp và để nấu nướng ăn uống.


Anne: cháu đã biết xén lông cừu rồi nhé!

Hannah: Không ngờ là sau chuyến đi, mỗi đứa cũng còn khoảng một nửa tiền mang về.

Các cháu chi tiêu thế nào mà giỏi thế. Nghe nói các cháu mua ô tô để đi?

Hannah: Vâng. Bọn cháu mua cái xe cũ hơn sáu ngàn đô của dân du lịch như bọn cháu. Trên xe có đầy đủ mọi thứ, dù không tiện nghi lắm. Khi về, bọn cháu bán lại cho hai cậu người Ý, được hơn bốn ngàn.

Anne: Rất nhiều bạn làm như vậy. Đó là cách tốt nhất, rẻ nhất cho dân du lịch lao động đấy ạ. Bọn cháu chọn đỗ xe ở ven biển, hoặc những bãi trống, ngủ qua đêm trên xe luôn.

Các cháu không sợ bị kẻ xấu tấn công ư?

Hannah: Chỉ có vài lần hơi sợ thôi. Khi phải đi tè ban đêm ấy là sợ nhất. Thỉnh thoảng bọn cháu cũng gặp các bạn đi du lịch khác nữa, cùng tập trung một chỗ qua đêm cũng vui hơn. Với lại, chúng cháu cũng tìm hiểu những chỗ an toàn thì mới đến đó ngủ.

Rắc rối dọc đường lớn nhất của bọn cháu là gì?

Anne: Lần ấy bọn cháu bị hỏng xe. Có một cô dừng lại hỏi thăm. Rồi cô gọi cho một người có cái xe giống bọn cháu đến giúp. Ông ấy đưa bọn cháu về nhà, bọn cháu ở đấy một tuần với gia đình vợ con ông trong khi ông chữa xe. Hoàn toàn miễn phí. Chúng cháu vô cùng cảm động về sự mến khách lòng tốt của người Úc.

Hannah: Có lần một thanh niên địa phương say rượu đến xe bọn cháu cứ đập cửa xe đòi vào chơi, bọn cháu cũng hơi sợ, gọi mãi không được anh ta bỏ đi, sáng hôm sau bọn cháu thấy một dấu hiệu anh ta để lại tỏ ý xin lỗi đã làm phiền đêm qua.


Chụp ảnh kỷ niệm với cái xe ba bánh nào!

Nhờ đâu mà các cháu các cháu gặp may vậy, gặp bà Cheryl và ông chữa xe tốt bụng?

Hannah: Các bạn khác cũng hỏi, bí quyết của bọn cháu là gì mà dễ dàng xin được việc làm và gặp toàn người tử tế. Cháu bảo, do bọn cháu đã dám vào nhà dân để gõ cửa hỏi xin việc. Thường các bạn ấy tìm việc trên mạng và xin việc bằng gọi điện. Bọn cháu chọn cách gặp tận mặt hỏi.

Anne: Cách này cũng có tí mạo hiểm nhưng dễ thành công hơn. Thực tế là bọn cháu chỉ gõ cửa hai nhà, và cả hai lần bọn cháu đều tìm được việc làm. Một lần là làm lau cửa kính. Một lần là làm ở trang trại nuôi cừu. Cháu còn thử cắt lông cừu. Cháu nghĩ, bọn cháu gặp may vì khi thấy hai đứa con gái đi tìm việc thì mọi người đều thương cảm. Họ không có việc nhưng họ có bạn bè và họ cho số điện thoại giới thiệu. Như bà Cheryl chẳng hạn. Hoặc là như cô, cô cho chúng cháu ăn phở.

Nhìn bát của Anne sạch bóng (tôi cố tình làm bát phở thật nhiều bánh nhiều thịt vì lo hai cô gái sức trẻ bị đói), tôi cười hỏi: “Suốt chuyến đi, chắc là nhớ bố mẹ nhớ bạn bè lắm nhỉ? có bao giờ các cháu phải khóc?”.

Anne (liếc xéo nhanh sang bạn, ngập ngừng nói): Có. Cả hai chúng cháu đều có người yêu ở nhà, chỉ khóc vì nhớ người yêu thôi.


Tập cầm đũa lần đầu ăn phở

Sao không bảo các bạn ấy đến thăm?

Hannah: Không nên ạ. Các bạn ấy đang học. Nếu đến thăm thì mất mấy ngàn đô, ai trả tiền. Nếu có thăm được, sau đó họ đi về, sẽ khó hơn cho người ở lại.

Anne: Và có thể kế hoạch sẽ bị đổ vỡ. Như một cặp hai đứa con gái bọn cháu gặp. Một bạn để người yêu sang thăm, lúc người yêu về thì khóc lóc không làm gì được nữa, bỏ dở hành trình để về nhà. Bạn kia ở lại không đi tiếp một mình được, trách móc bạn về , thế là đổ vỡ tình bạn. Bọn cháu không muốn thế.

Cái đọng lại trong chuyến đi của các cháu là gì? Thiên nhiên Úc? Con người Úc? Văn hóa Úc?

Anne: Lòng hiếu khách của người dân địa phương, nơi chúng cháu đi qua. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Hannah: Ở Đức, người dân quê cũng có lòng tốt, nhưng để cho người lạ vào nhà ở như bà Cheryl thì không có ai làm thế đâu. Bà là người giàu tình thương yêu và lòng trắc ẩn nhất mà cháu biết.

*

Anne và Hanna dành tuần cuối cùng thăm bà Cheryl, giống như những đứa cháu đi xa trở về. Các cô theo bà đi hái nho kiếm tiền cho câu lạc bộ Rotary, gặp gỡ trò chuyện với những người bạn của bà. Sự hồn nhiên, thông minh và vẻ đẹp khỏe mạnh duyên dáng của hai cô gái chinh phục tôi hoàn toàn. Nét trong sáng, lương thiện toát lên từ ánh mắt, điệu cười của hai cô gái khiến người cứng lòng cũng phải cảm động, muốn giang tay chở che, giúp đỡ.

 
Bà Cheryl: từ giờ tôi có thêm hai cháu gái nữa là hơn chục đứa cả nội lẫn ngoại. Chúng làm giàu cho đời sống của tôi!

Thấy tôi cứ xuýt xoa buồn vì lỡ mất buổi đi hái nho từ thiện với bạn bè, mà lại không muốn đi một mình vào hôm sau, hai cô gái bèn đề nghị: “Chúng cháu sẽ đi cùng cô cho cô vui nhé”. Và tôi đã chứng kiến, dưới mưa tầm tã, lạnh cóng, hai thiên thần bé ấy vẫn kiên trì hái nho suốt mấy tiếng đồng hồ không nghỉ, không một lời than!

Buổi tối, hai cô gái cùng chúng tôi đi xem phim “Tracks” để gây quĩ từ thiện. Bộ phim dựng lại câu chuyện có thật, về một phụ nữa trẻ Úc một mình đi qua sa mạc, với ba con lạc đà lớn, một con lạc đà con và một con chó. Tám tháng. Gần hai ngàn cây số. Dưới cát nóng mặt trời sa mạc. Vào những năm cuối thập kỷ 70… Bộ phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế bởi nó mang đến cho người xem những khoảnh khắc thăng hoa về vẻ đẹp của thiên nhiên và nghị lực của con người.

Phim kết thúc, hai cô gái, vẫn chưa ra khỏi niềm xúc động, trầm tư nói: “So với chuyến đi của cô ấy, chuyến đi của chúng cháu quá thuận lợi, dễ dàng. Ai cũng làm được.”

Nghe vậy, một chị bạn tôi thì thầm: “Nếu có con gái, mình chẳng dám cho chúng đi thế đâu. Và mình cũng không thể làm như chị Cheryl. Họ là những cá biệt”.

Tôi lại nghĩ khác. Hành động như hai cô gái và bà Cheryl mới thật là tự nhiên. Mười tám tuổi, khi tung cánh bay ra khỏi nhà bố mẹ, tôi đã không mảy may lường trước những hiểm nguy có thật. Mười năm sau, khi mở rộng cửa cho một cô gái điếm xa lạ về ở nhà mình, với hai mẹ con, tôi cũng chả nghĩ ngợi gì nhiều. Đơn giải chỉ vì quá cảm động trước lời cầu xin: “Em muốn thay đổi, muốn sống như phụ nữ bình thường”.
 
Anne: tổ chim này cô Hạnh ơi!

Cũng như bạn tôi, bà Cheryl, tôi đã phải trả giá, đôi khi rất đắt, cho những hành động nhiều phần cảm tính. Nhưng tôi không hề ân hận. Dẫu lòng tốt và cái thiện là một sự mạo hiểm đích thực trong thế gian này, nhưng, như bà Cheryl nói, cuộc sống mà không có chút mạo hiểm nào thì chán ngắt.

Xã hội càng hiện đại, thay đổi, càng cần đến lòng trắc ẩn và sự thương cảm hồn nhiên giữa người với người. Tôi tin rằng, hai cô gái Đức lớn lên vào đời sẽ trở nên những công dân tuyệt vời. Chút mầm thiện được gieo trồng từ bà Cheryl sẽ lớn lên mạnh mẽ trong hai cô gái và sẽ đơm hoa kết trái, tiếp tục được gieo trồng và nảy nở mãi mãi.

Bất chấp âm mưu và chiến tranh, bất chấp lọc lừa và giết hiếp…, cuộc đời luôn ươm ủ những hạt mầm của tình thương yêu và niềm hy vọng.

(*) Viết tắt của “Four wheel drive”, loại xe mà cả bốn bánh xe đều được dẫn động thông qua hộp số phụ.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bùi Mai Hạnh, từ Warrnambool (Úc) – Ngày 28-3-2014