SỰ KIỆN ’56 CỦA HUNGARY TRONG HAI TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM
- Thứ hai - 22/10/2007 21:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cho dù có những khác biệt dễ hiểu về chính kiến, về cách đánh giá, nhìn nhận, nhưng đâu đó, vẫn có một điểm gì chung tiềm ẩn trong tâm cảm các nhà văn, nhà thơ hai miền khi viết về Hungary 1956: sự đau đớn, lo âu trước cảnh cục diện thế giới đầy bạo lực, để rồi… “trông người lại nghĩ đến ta”, niềm mong ước hòa bình tại xứ sở chữ S đầy khổ đau.
Ở miền Bắc, ngay sau khi cuộc nổi dậy của người dân Hungary bị đè bẹp (tháng 11-1956), Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) đã có bài ký nổi tiếng “Một ngày chủ nhật”, thể hiện nỗi âu lo, bức xúc trước những điều trông và nghe thấy theo đúng nỗi lòng chân thành của nhà văn (mà ông vẫn tâm niệm: “Người là thật. Phải thật với người”), để rồi, "gây họa" cho nhà văn trong thời gian về sau (*).
Trong Nam, sau đó chừng 1 tháng, Hungary ’56 đã xuất hiện trong một thi phẩm của chàng trai 20 tuổi Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) với những vần thơ giận dữ và đau lòng, phẫn nộ nhưng yêu thương, mà hai câu đầu được dùng làm tựa đề “Hãy cho anh khóc bằng mắt em - Những cuộc tình duyên Budapest” được coi như một “quốc tế ca” (Đặng Tiến, “Dòng thơ văn Thanh Tâm Tuyền”) và đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ người dân miền Nam mỗi khi nhắc tới đất nước Hungary (**).
Nhân kỷ niệm 51 năm cuộc cách mạng dân chủ Hungary, NCTG xin giới thiệu hai tác phẩm quan trọng này - như hai tư liệu quý, hai tấm gương phản chiếu một cách xác tín tâm tư của nhiều người Việt đương thời - với một mong muốn đừng bao giờ còn chiến tranh, chết chóc và loạn ly trên hai mảnh đất Việt – Hung thân thương!
(*) Tác phẩm được đăng lần đầu trong tập văn xuôi “Một ngày chủ nhật” (Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1957), và… ngủ một giấc dài cho đến năm 2006 mới được in lại trong bộ sách của Nguyễn Huy Tưởng.
(**) Bài thơ đăng trên tạp chí “Sáng Tạo”, số ra ngày 4-1-1957. Thanh Tâm Tuyền còn bài “Bản anh hùng ca Budapest” cũng đăng trên “Sáng Tạo” (theo Đặng Tiến, bài đã dẫn).
Nguyễn Huy Tưởng
MỘT NGÀY CHỦ NHẬT (trích)
Mưa lâm râm. Khí lạnh. Cảnh chuyển sang đông. Bầu trời Hà Nội xám ngắt. Người đi ra phía Hồ Gươm đã bắt đầu tấp nập. Một buổi sáng chủ nhật bình thường. Quang cảnh trật tự, nghỉ ngơi, giải trí. Từ đáy tim, tôi đòi hỏi hoà bình, một thứ hoà bình tuyệt đối, để mọi người được hưởng cái vui trong trẻo của yêu thương và sum họp. Khi có một cái gì đe doạ hoà bình thì càng thấy hoà bình thiêng liêng quí giá phải gìn giữ với tất cả sức lực, tâm trí của mình.
Mấy hôm nay, có nhiều mối lo đổ đến. Chiến tranh thế là lại nổ ra ở Ai-cập. Trong Nam, Ngô Đình Diệm huênh hoang thao diễn quân đội. Một anh bạn tôi đã nói: “Nếu lại kháng chiến thì thế nào?” Càng sốt ruột vì những rắc rối ở Đông Âu. Đây không phải chỉ là một mối lo mà thôi, đây còn là một vấn đề tin tưởng. Tôi vừa qua một đêm không ngủ. Sự biến ở Hung-ga-ri đến đột ngột, choáng váng đầu óc. Rồi cứ nghĩ, cứ nghĩ, ấm ức trong lòng. Tiếc một cái gì ấm áp, nhớ những cảnh tay bắt mặt mừng của tình quốc tế. Đau nhói như một miếng thịt của mình bị cắt ra. Chiếc tàu có người thân sắp chìm xuống vực thẳm. Một cái vẫy tay tuyệt vọng. Phải chăng đây là một cái gì không cứu vãn được? Có thể khác được không?
[…]
Tôi bước theo mọi người trong cái buổi sáng chủ nhật mà bầu trời, đám đông và lòng tôi thiếu cái nhẹ nhàng sáng sủa. Đầu óc đầy những ý nghĩ ngổn ngang. Cái ám ảnh Hung-ga-ri nặng trĩu. Trán như bị thiết chặt bởi cái mũ của Tề Thiên. Tôi đi một vòng quanh hồ, mong tìm ở đây một chút khuây khoả. Tôi vốn yêu hồ vì cảnh đẹp, và cũng vì nó mang dấu vết của người anh hùng yêu nước mà trước đây tôi đã có ý ngợi ca. Nhưng Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi. Bàn tay cách mạng tới đâu là phải sửa sang, tô điểm thêm đến đấy. Hoàn cảnh hoà bình, thời kỳ kiến thiết đòi hỏi không được luộm thuộm. Nghĩ tới những đồng chí có trách nhiệm ở đây, vừa giận mà cũng vừa cảm thông. Không nghi ngờ gì cái ý tốt muốn phục vụ, muốn sửa sang, muốn đổi mới. Nhưng cái khổ là không biết cách làm. Bận túi bụi, chẳng cái gì làm đến nơi đến chốn...
[…] Những kẻ thù của thống nhất, những kẻ thù của chế độ cộng hoà dân chủ Việt Nam đang hoa chân múa tay ăn mừng cuộc nổi loạn của những lực lượng phát xít ở Hung-ga-ri. Tim tôi càng nhức nhối. Cuộc đấu tranh cho thống nhất gặp thêm trắc trở. Nỗi lo âu cho nước bạn hoà làm một với nỗi lo âu cho Tổ quốc Việt Nam. Giờ đây, bọn phát xít Hoóc-ty [Horthy] đang hoành hành chém giết nhân dân Hung-ga-ri vô tội. Các chiến sĩ cách mạng ngập ngụa trong vũng máu. Buy-đa-pét chìm trong đêm tối. Một cái khâu của hệ thống chúng ta đang bị cắt rời. Quân đội Liên Xô sống trong một tấn kịch giằng co đau khổ. Rút đi để phó mặc những người dân lương thiện lại quay về cái kiếp tôi đòi ư? Đóng lại để thành một vấn đề rắc rối trên trường quốc tế ư? Cách mạng có lùi, có tiến, vấn đề là mỗi lần thất bại thì phải chiến đấu mạnh thêm lên. Tôi biết như thế. Nhưng ở đây lý trí chẳng an ủi được nỗi lòng. Tôi nhớ nét mặt nhợt nhạt của một người bạn thân, buổi sáng hôm qua, sau khi đọc báo Nhân dân. Anh nói một cách chán nản: “Thế là mất Hung-ga-ri!” Nhưng chính anh cũng không muốn tin cái điều tàn nhẫn ấy, anh lại hỏi: “Liệu có mất không?” Lẫn lộn trong tôi đau xót và hổ thẹn. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa bị thương tổn. Lực lượng cách mạng bị đẩy lùi một bước. Chỉ còn một chỗ bấu víu. Nhân dân Hung-ga-ri sẽ chẳng để cho thành quả mười hai năm phá tán. Một Tây-ban-nha thứ hai chăng?
Những chuyện không vui sao lại cùng đến một lúc? Việc sửa chữa những sai lầm ở miền Bắc mới bắt đầu. Tình hình nông thôn chưa ổn định. Thủ đô đang nôn nóng. Con thuyền cách mạng đang lách qua nhiều ghềnh thác.
Hôm trước, tôi vừa về thăm quê nhà. Giặc Pháp đã càn đi quét lại cái làng trước đây trù phú. Nhà cửa bị vơ vét trống trơ. Cái lô cốt dựng đầu làng làm bỡ ngỡ bước chân trên con đường quen thuộc. Nó mọc lên đồng thời với sự mất đi của biết bao nhiêu kỷ niệm, nào miếu Vua Bà, nào đền Đức Thánh, nào ngôi chùa nho nhỏ bên đường, bị giặc san bằng không còn dấu vết. Những sai lầm của cải cách ruộng đất làm cho làng thêm xơ xác...
Cách mạng hãy khắc vào cốt những sai lầm đã phạm phải, để không bao giờ, không bao giờ trở lại nữa. Chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tâm, Quyết tiến... rất ít âm hưởng trong lòng người. Có nơi còn rục rịch thay những tên xóm nôm na bằng những con số! Những niên hiệu các triều đại ghi trên hoành phi, câu đối của một ngôi đình cổ kính bị xoá đi bằng vôi trắng. Trên mặt tấm hoành phi treo giữa một ngôi chùa gần Hà Nội, người ta dán lên khẩu hiệu: Đảng Lao động Việt Nam muôn năm. Các đồng chí có biết không? Trong khi các đồng chí làm những việc kỳ dị ấy, thì Đảng lo khôi phục chùa Một Cột, kéo lại chuông lên gác chùa Keo! Hình như nhiều cán bộ quan niệm rằng cách mạng là xoá bỏ tất cả cái gì là quá khứ, là di tích, coi là phong kiến tất. Đừng đi quá nữa. Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng...
[…] Đau khổ nào cũng có cái mặt tốt. Sai lầm đã thức tỉnh tất cả chúng ta. Ánh sáng Đại hội hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô chiếu khắp. Một cuộc duyệt lại cách sống, cách nghĩ. Một cuộc duyệt lại nhiều chính sách từ trước tới nay được coi như kinh thánh. Trăm tiếng nói cất lên, không phải chỉ là một tiếng nói từ trên dội xuống. Cùng với cuộc đấu tranh chống bệnh sùng bái cá nhân ngày càng mạnh, cái sợ vu vơ dần dần bị đánh bạt, phong trào tự do dân chủ lên cao. Chúng ta dám nghĩ, chúng ta dám làm. Chúng ta dám thẳng thắn vạch ra những sai lầm, những tệ nạn. Đừng hoảng hốt, những ai chưa quen điệu nói mới của thời đại. Nhể cái nhọt không có nghĩa là giết một con người. Chế độ của chúng ta chỉ càng thêm lành mạnh.
[…] Ôi Tổ quốc thân yêu! Lúc này, nét mặt Người đau thương. Kẻ địch và đứa con mất giống của Người ở Sài Gòn đang cố tình cắt đứt Người ra làm hai mảnh. Những sai lầm của chúng tôi ở miền Bắc làm cho Người lo nghĩ. Người không được yên lòng vì những việc xảy ra ở Hung-ga-ri. Tiếng súng của chiến tranh Ai-cập nổ bên tai Người khẩn cấp như những lời cảnh báo. Biết bao giờ Người được thảnh thơi để rảnh tay xây dựng, và ban đêm Người được ngủ giấc ngủ ngon lành?
[…] Trời lạnh buốt. Sương muối mờ mờ hồng. ánh điện mung lung, bóng cây rủ xuống con đường vắng tanh. Tôi đứng dừng trước cửa nhà tôi. Đêm nay tất cả Hà Nội nặng trĩu lo âu. Tôi bước lên phòng làm việc. Ngồi trước bàn. Vẫn chưa yên ổn làm một việc gì. Tiếng ra-đi-ô nói một mình trong cái buồng nhỏ mà vợ con tôi đang ngủ. Tôi mở cửa vào buồng, đứng trước máy le lói ánh lân tinh. Những tin cuối cùng sắp được đọc. Nước bạn xa xôi muôn vạn dặm, tuyệt vọng hẳn hay còn có tia hy vọng? Tôi nín thở lắng nghe. Chính phủ công nông cách mạng đã thành lập. Hung-ga-ri không mất nữa rồi. Tôi nghe người nói trước máy đọc dõng dạc mười lăm điều chính sách mới của Chính phủ Ca-đa [Kádár]. Tôi thở dài, người nhẹ nhõm. Gần tôi bỗng có tiếng thở dài. Bàn tay mềm yếu của vợ tôi đặt lên vai tôi nong nóng. Ánh lân tinh chớp chớp, làm lấp lánh ánh vui trong con mắt lo âu của vợ. Tin đọc đã hết. Tiếng máy chưa tắt nổ rè rè. Tôi nghe vợ tôi nói: “Mình còn mừng thế này, thì chắc bên ấy nhân dân sướng lắm”. Tôi không nói, dắt vợ rón rén đến bên giường. ánh sáng ngoài đường chiếu mờ mờ nhạt nhạt. Tôi cúi xuống nhìn đứa con trai nhỏ bé qua màn. Nó đang thở đều đều, nho nhỏ. Tôi rưng rưng nước mắt. Sáng hôm nay, tôi đứng nghĩ về chuyện Hung-ga-ri, con tôi giơ tay đòi ẵm, tôi lắc đầu và nó oà lên khóc. Tôi vào nằm bên con, hôn lên tóc nó. Con ơi! Con hãy ngủ yên. Sóng gió vẫn chưa hết, nhưng một cơn sóng gió lớn đã yên rồi. Tổ quốc Việt Nam thư thái được đôi chút. Người càng vững trí vượt những ghềnh thác hiểm nghèo trước mắt. Chiến thắng địch, chiến thắng sai lầm. Người mạnh bước tiến lên hoàn thành cái sứ mạng của mình trước lịch sử, trước các bạn, trước nhân loại ngày nay và sắp tới.
(11-1956)
*
Thanh Tâm Tuyền
HÃY CHO ANH KHÓC BẰNG MẮT EM...
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong giây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
(12-1956)