Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỰ “HỒI HƯU” CỦA MỘT NHÀ NHÂN VĂN

(NCTG) “Bậc thầy về truyện và ghi chép ngắn, nhà văn của những ảo vọng và sự lừa mắt” (“Le Monde” đánh giá về Nguyễn Huy Thiệp).
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (năm 2005) - Ảnh: Baso Cannarsa (Opale. Leemage)
Lời Tòa soạn: Tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) qua đời vào ngày 20-3 vừa qua đã được một số báo chí quốc tế nhắc tới, trong đó có báo chí Pháp là nước mà các tác phẩm của ông được dịch và ấn hành một cách khá hệ thống, với hàng chục đầu sách gồm nhiều thể loại (truyện ngắn, kịch và tiểu thuyết).

Nguyễn Huy Thiệp được “La Liberation” (ngày 23-3-2021) đánh giá trân trọng là ngòi bút với “phong cách của ông vừa bào mòn vừa đầy ẩn dụ”. Tờ báo dẫn nhận xét của nhà biên tập Marion Hennebert, cho rằng “văn của ông vừa sắc bén, lại vừa mềm mại”, “chưa bao giờ run sợ trong việc tố cáo chế độ về sự tước đoạt tự do suy nghĩ, hành động, và sống...”.

“Tướng về hưu”, truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp, được “La Liberation” xem là tác phẩm “nói về sự choáng váng của một cựu binh già trước sự vật chất hoá của xã hội XHCN mới”: “Truyện gây tiếng vang và làm nhà cầm quyền lo lắng. Nó cũng làm cho Nguyễn Huy Thiệp trở nên nổi tiếng, nhưng không vì thế mang đến sự thịnh vượng cho ông”.

Sau đây là phần viết về Nguyễn Huy Thiệp trên “Le Monde” (ngày 24-3-2021), Bùi Uyên lược dịch Việt ngữ. Tựa đề do NCTG tạm đặt. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)

 
Bìa sách “Tướng về hưu”, bản tiếng Pháp - Ảnh: amazon.com
Bìa sách “Tướng về hưu”, bản tiếng Pháp - Ảnh: amazon.com
 
GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA SỰ HỒI SINH VĂN HỌC VIỆT NAM THẬP NIÊN 80

Vào năm 1990, NXB L’Aube (Bình minh) đã xuất bản “Tướng về hưu” (Un général à la retraite) - sau này trở thành truyện ngắn nổi tiếng nhất của tác giả Nguyễn Huy Thiệp. Đó cũng là lần đầu tiên một nhà văn Việt Nam đương đại xuất bản sách tại Pháp từ sau chiến tranh Đông Dương.

Sự ra đi của ông làm mất đi một trong những gương mặt lớn nhất của giới văn sĩ Việt Nam. Cùng Dương Thu Hương, ông là một nhà văn tiêu biểu của sự hồi sinh nền văn học Việt Nam thập niên 80 thế kỷ trước.

Trong “Tướng về hưu”, có thể thấy một bức tranh đặc biệt đau lòng về những tháng ngày cuối cùng của một người đã cống hiến cả cuộc đời cho quân ngũ và cuối cùng về hưu bên người thân, nhưng không bao giờ tìm thấy được chỗ đứng cho mình: thời gian thì cứ trôi đi, trong khi đó “tình yêu cần có thời gian”.

Trong suốt 1 năm, vị tướng già và gia đình chìm trong những hiểu nhầm, lỡ hẹn. Vẻ bề ngoài luôn lừa mắt, sự thất vọng thì luôn hiện hữu, mặt cho những cảm xúc và những tình cảm không thể phủ nhận, sự tôn trọng không làm sao bày tỏ ra được. Cuối cùng, vị tướng về hưu chết trong một lần tập trận mà vị phó tướng đã mời ông tham gia ở đơn vị. Cũng như nhân vật của mình, Nguyễn Huy Thiệp ra đi sau khi bước qua tuổi 70.

Sự lẫn lộn về giá trị

Nguyễn Huy Thiệp là bậc thầy về truyện và ghi chép ngắn, nhà văn của những ảo vọng và sự lừa mắt. Truyện ngụ ngôn này, kết hợp một cách tinh tế giữa giả tưởng gần như tàn bạo với chủ nghĩa hiện thực chân thực nhất, không mềm mỏng với lời giả tạo của chế độ, sự lẫn lộn về các giá trị, sự thô tục, sự hoài nghi, gợi lên những đau khổ của những người dân đói kém và cam chịu.

Nhưng, những nhà kiểm duyệt không dễ bị lừa. Các truyện ngắn sau của ông, vừa sắc sảo, vừa khiến ông vừa là một nhà văn nổi tiếng và một nhà đối lập. Những bản dịch đầu tiên xuất hiện cũng là lúc nhà cầm quyền cố gắng kiềm chế những hơi thở đầu tiên của văn học tự do này.

Trong một thời gian dài, các nhà xuất bản nước ngoài của Nguyễn Huy Thiệp tìm cách bám sát nhất vào hình hành nhà văn, nhà bất đồng chính kiến vào cuối thập niên 90.

Tuy vậy, tác phẩm và tác giả cũng biến chuyển nhanh như xã hội mà ông miêu tả: trong “Tuổi 20 yêu dấu” (A nos vingt ans, NXB L’aube, 2005), tiểu thuyết đầu tay của ông, một bức tranh gây ấn tượng mạnh về giới trẻ và xã hội Việt Nam vào thời điểm chuyển giao thế kỷ. Câu chuyện về sự xuống dốc, sa sút, tan vỡ ảo mộng có thể còn nghiệt ngã hơn cả trong “Tướng về hưu”, và bị cấm xuất bản ở Việt Nam. (*)
 
Nguyễn Huy Thiệp, ngày 1/9/2005 - Ảnh: Basso Cannarsa (Opale. Leemage)
Nguyễn Huy Thiệp, ngày 1-9-2005 - Ảnh: Basso Cannarsa (Opale. Leemage)

Tương tự, truyện ngắn “Chú Hoạt tôi” (Mon oncle Hoat - NXB L’aube, 2008), sự tan vỡ những mộng tưởng, sự tố cáo cái ảo ảnh của hiện đại hóa (theo nhịp bước những cuộc lang thang của hai cha con ở Hà Nội, hình tượng thường được nhà văn dùng để đại diện cho của tình yêu và sự hiểu nhầm), vừa chấn động, vừa thời sự.

Khi gặp gỡ chúng tôi ở Paris vào cuối những năm 2000, Nguyễn Huy Thiệp tâm sự với chúng tôi rằng dường như với tuổi tác, cái nhìn của ông về thế giới “bớt rõ ràng hơn”. Rằng ông đã khác với anh nhà văn trẻ trong giai đoạn đầu của ông, một nhà văn “không biết cười”.

Từ đó, tác phẩm của ông dần dần trở nên nhẹ nhàng hơn trong sự phóng tác, nhưng vẫn không mất đi chất bi kịch mạnh mẽ, và không bao giờ xa rời những chủ đề xuyên suốt của ông. “Nghề của nhà văn - ông cười và nói với chúng tôi -, đó là viết những điều lừa dối, nhưng phải làm sao cho người đọc tìm kiếm sự thật mà người ta không nói ra”.

Ông dẫn dắt chúng ta dần vào trong ma trận ảo giác, thất vọng và tước đoạn, nhưng với một sự tỉnh táo trong lối viết, vừa cứng rắn mà lại cũng mềm mại.

Ghi chú​:

(*) Sau 15 năm, tiểu thuyết đã được xuất bản tại Việt Năm (năm 2018).

Tác giả bài viết: Bùi Uyên dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, từ Paris